Giới thiệu khái quát thị xã Vĩnh Châu

thị xã Vĩnh Châu - Tỉnh Sóc Trăng

Giới thiệu khái quát thị xã Vĩnh Châu

Thị xã Vĩnh Châu là một trong những thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng. Phía Đông và Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Bắc giáp huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề; là một thị xã nằm ven biển có 43km chiều dài bờ biển; tổng diện tích tự nhiên 473,13 km2, dân số có 165.687 người, mật độ dân số 350 người/km2 gồm các dân tộc: Kinh chiếm 29,29%, Khmer chiếm 52,80%, Hoa chiếm 17,90% và dân tộc khác chiếm 0,01% (số liệu Niên giám thống kê năm 2014). Đơn vị hành chính có 04 phường và 06 xã, gồm: Phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, phường Khánh Hòa, xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân,  xã Vĩnh Hiệp, xã Hòa Đông, xã Lạc Hòa, xã Vĩnh Hải với 97 ấp, khóm.

    Với vị trí địa lý thuận lợi về hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thông suốt đã tạo điều kiện cho việc giao lưu và phát triển nền kinh tế ven biển và là vị trí chiến lượt hết sức quan trọng trong bảo vệ quốc phòng-an ninh của tỉnh. Đây là điều kiện cho Vĩnh Châu phát triển tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản và du lịch; là tiền đề hình thành các vùng sinh thái trọng điểm, với khí hậu đặc thù phát triển mạnh các nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản và các vùng phát triển nông nghiệp đặc thù nổi tiếng như : tôm sú, cá kèo, nghêu, artemia, muối, củ cải trắng, củ hành tím, tỏi …

    Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tương đối chằng chịt. Sông Mỹ Thanh là tuyến đường thủy quan trọng nối liền từ cửa biển Mỹ Thanh qua sông Vàm Lẽo đến trung tâm tỉnh Bạc Liêu. Hệ thống giao thông đường bộ tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu là đầu mối giao thông quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa, dịch vụ nối kết với vùng kinh tế phát triển ven sông Hậu và tuyến đường Tỉnh 935 (đi Sóc Trăng) đã tạo điều kiện phát triển tiềm năng, lợi thế trong việc thúc đẩy nền kinh tế giữa các vùng trong khu vực, hình thành tam giác kinh tế động lực của tỉnh Sóc Trăng.

    Đặc trưng văn hóa cộng đồng Vĩnh Châu là người Kinh, Khmer, Hoa sống đan xen lẫn nhau và có truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống.

    Trong tương lai, thị xã Vĩnh Châu sẽ phát triển mạnh toàn diện về mọi mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xứng đáng là một đô thị văn minh, hiện đại có tầm cỡ trong vùng và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Điều kiện tự nhiên   

    Lĩnh vực nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn (chiếm tỷ trọng 72%), công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (chiếm 11%), thương mại và dịch vụ (chiếm 17%). Với vị trí đắc địa ở vùng cửa sông giáp biển nên Vĩnh Châu có lợi thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, nổi bật là tôm sú, Artemia, cá kèo … kế đến là trồng hoa màu trên vùng đất cát pha, đất giồng ven biển với sản phẩm nổi tiếng là hành tím, củ cải, tỏi …là nguồn hàng chủ lực tiêu thụ mạnh trong cả nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

    Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng của thị xã Vĩnh Châu mới phát triển, trọng điểm là công nghiệp chế biến nông, thủy sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thị xã đang tiếp tục xúc tiến thực hiện các dự án phát triển công nghiệp ở khu vực vùng ven Phường 1 và khu vực cầu Mỹ Thanh 2 (xã Vĩnh Hải). Ngành nghề tiểu thủ công trước hết là nghề dệt chiếu truyền thống của đồng bào Khmer ở Cà Săng, Soài Côn (Phường 2), Tầng Dù ( xã Lạc Hòa), một số địa phương còn giữ được nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ hết sức phong phú. Chế biến nông thủy sản phải kể đến mặt hàng Xá bấu mặn (củ cải muối), Xá bấu ngọt, các loại tôm, cá khô, khô cá mặn đặc trưng của miền biển Vĩnh Châu.

    Tuyến bờ biển dài và Quốc lộ Nam Sông Hậu đi ngang qua, trục Tỉnh lộ 935 và 940 đi từ trung tâm thành phố Sóc Trăng về thị xã khá thuận lợi cùng với tốc độ phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông đã mở ra cho Vĩnh Châu những tiềm năng mới để phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch. Sinh cảnh nổi bật ở Vĩnh Châu là có rất nhiều chùa chiền của đồng bào Khmer phân bố đều khắp các tuyến giồng cát với 51 cơ sở thờ tự, 21 chùa Khmer và 17 miếu thờ tự của người Hoa, trong số đó có 3 cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra thị xã còn có nhiều di tích lịch sử trong công cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân như di tích Đồng khởi Trà Teo, di tích Giầy Lăng (xã Hòa Đông), Chiến thắng Xẻo Me (Phường Vĩnh Phước) …

    Cũng như truyền thống của người Khmer Nam bộ, Vĩnh Châu có rất nhiều lễ hội truyền thống trong năm mà phần lớn đều gắn với lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng đồng bào Khmer như lễ hội Ooc Oom Boc, Chôl Chnăm Thơ mây, lễ dâng y Cà Sa… Đặc biệt ở Vĩnh Châu có lễ hội cúng phước biển giàu tính nhân văn được tổ chức hàng năm, thu hút khoảng 15.000 lượt người đến tham dự. 

    Du lịch sinh thái gắn với sinh hoạt cộng đồng cũng là một tiềm năng mới mẻ ở Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh cảnh biển đang được đầu tư tại khu vực bãi biển Hồ Bể (xã Vĩnh Hải) nằm trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, rừng sinh thái ngập mặn ven biển trải dài trên 40 km có nhiều cảnh quan và nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú; du lịch sinh hoạt cộng đồng với tuyến đường lộ Giồng Nhãn có những vườn nhãn cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đi vào cộng đồng nông thôn có rất nhiều loại hình sinh hoạt theo tập quán địa phương hết sức hấp dẫn, ngoài việc tham quan, tìm hiểu nét riêng của cư dân địa phương, mọi người sẽ được thâm nhập vào đời sống, công việc lao động thường nhật của nông dân trồng hành tím, nghề nuôi tôm, học cách chế biến thủy sản, cũng như tự nấu những món ăn ngon rất đặc thù của người dân địa phương.

Lịch sử hình thành địa danh Vĩnh Châu 
Vào thế kỷ XVII vùng đất Vĩnh Châu còn bị ngập nước, có rừng ngập mặn và những cồn cát nổi lên dần dần do phù sa bồi đắp, mặt đất được nâng cao. Vào năm 1698 (Mậu Dần) chúa Nguyễn sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược sứ Đàng Trong (Nam Bộ) và tiến hành xác lập địa giới hành chính vùng đất này. Năm 1732 chúa Nguyễn lập Dinh Long Hồ tại Cái Bè, năm 1780 Dinh được đặt tại chợ Vĩnh Long và đổi tên là Vĩnh Trấn Dinh, sau đó đổi thành trấn Vĩnh Thanh, lúc này Vĩnh Châu thuộc vùng đất Ba Thắc nằm trong trấn Vĩnh Thanh.

    Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh gồm 3 tỉnh Miền Đông: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 3 tỉnh Miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Vùng đất Vĩnh Châu thuộc tỉnh Vĩnh Long.

    Năm 1835, vùng đất Ba Thắc được nhập vào tỉnh An Giang, lập thêm phủ Ba Xuyên gồm 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Vùng đất Vĩnh Châu thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, Tỉnh An Giang.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm xong 3 tỉnh Miền Tây, sau đó chia Nam kỳ lục tỉnh thành nhiều Hạt. Đến năm 1876 chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chánh gồm Sài gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Ba Thắc, mỗi khu vực chia thành nhiều tiểu Khu. Khu hành chính Ba Thắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn (Cần Thơ) và Sóc Trăng, vùng đất Vĩnh Châu thuộc tiểu khu Sóc Trăng.

Năm 1882, Pháp tách 2 Tổng thành tiểu khu Sóc Trăng và 3 Tổng của tiểu khu Rạch Giá, thành lập thêm tiểu khu Bạc Liêu. Lúc này vùng đất Vĩnh Châu thuộc tiểu khu Bạc Liêu.

Ngày 20 -12-1899, toàn quyền Đông Dương ra nghị định kể từ ngày 01-01- 1900 tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương điều thống nhất gọi là “Tỉnh”. Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu và nằm trong vùng đất của quận Vĩnh Lợi.

Năm 1904 quận Vĩnh Châu được thành lập (tách ra từ phần đất của quận Vĩnh Lợi) có một tổng (tổng Thạnh Hưng) với 5 Làng: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa, Lạc Hòa, Khánh Hòa.

Tháng 10 – 1956, Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh phân định lại địa giới hành chính các tỉnh Miền Nam và thay đổi một số địa danh các tỉnh, lấy các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và tỉnh lỵ Bạc Liêu nhập vào tỉnh Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Năm 1957, ngụy quyền Sài Gòn giải thể quận Vĩnh Châu. Năm 1960 quận Vĩnh Châu được tái lập trực thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Ngày 1-10-1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm 4 quận: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, Phước Long. Quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu đến ngày 30-4-1975.

Ngày 21-2-1976, theo nghị định 31/NĐ chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam quy định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh Miền Nam Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Cần thơ và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang, huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Hậu Giang.

Ngày 26 – 12- 1991, tại kỳ họp lần thứ X, Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết về việc phân ranh địa giới hành chính một số tỉnh, chia tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ, huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 25/8/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP thành lập Thị xã Vĩnh Châu và các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với địa giới hành chính có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm : 4 phường (Phường 1, Phường 2, Phường Vĩnh Phước và Phường Khánh Hòa.) và 6 xã (Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Hòa Đông, Lạc Hòa và Vĩnh Hải).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây