Hà Giang phát triển cây dược liệu quý trên vùng cao nguyên đá

Hà Giang phát triển cây dược liệu quý trên vùng cao nguyên đá
Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu quý, tỉnh Hà Giang đang thực hiện nhiều giải pháp để nỗ lực phấn đấu trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về phát triển cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Tiềm năng, lợi thế về phát triển dược liệu ở Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi địa đầu của Tổ quốc, có nhiều vùng có độ cao, khí hậu đặc thù có thể trồng được nhiều cây dược liệu mà các tỉnh vùng thấp, vùng đồng bằng không trồng được. Tỉnh còn có diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ lớn có nhiều loài thảo dược và cũng có thể trồng được nhiều loài dược liệu dưới tán rừng.

Với địa hình có dải núi Tây Côn Lĩnh và cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo thành 3 tiểu vùng mang đặc điểm khác nhau và kiểu thời tiết Á nhiệt đới và ôn đới phù hợp với phát triển cây dược liệu.

Theo thống kê, Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ, chiếm hơn 39% số loài dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Toàn tỉnh có trên 10.800 ha dược liệu, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố.

Thời gian gần đây, với định hướng và các chính sách mạnh mẽ của tỉnh trong việc xác định phát triển dược liệu đã tạo thuận lợi và thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia trồng sản xuất, chế biến dược liệu với quy mô, sản lượng ngày càng lớn.

Các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn có nhiều kinh nghiệm trong chế biến thuốc và chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền, đặc biệt là dân tộc Dao đỏ cũng là một lợi thế cho sự phát triển của dược liệu Hà Giang…

Nguoi dan o Quan Ba Ha Giang cham soc cay duoc lieu min - Hà Giang phát triển cây dược liệu quý trên vùng cao nguyên đáNgười dân ở Quản Bạ (Hà Giang) chăm sóc cây dược liệu.

Phát triển dược liệu trên vùng cao nguyên đá

Từ định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh, mỗi địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển trồng cây dược liệu. Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất dược liệu, có chính sách hỗ trợ và đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến đầu tư trồng và chế biến dược liệu.

Qua kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện Dược liệu và Viện Rau quả Trung ương cho thấy: Vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang rất phù hợp để trồng cây dược liệu. Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại đây như: thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam, atiso, bạch chỉ… đã sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng cao nguyên đá.

Với lợi thế về địa hình, khí hậu, huyện vùng cao biên giới Đồng Văn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú như: thảo quả, hà thủ ô, đỗ trọng… Ngoài ra, còn thích hợp trồng các loại cây: đương quy, đan sâm, bạch chỉ, ý dĩ…

Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Hiện nay, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các xã: Phố Cáo, Phố Là, Ma Lé, Sủng Là, Sảng Tủng, thị trấn Phố Bảng…

Các mô hình trồng cây dược liệu ở Đồng Văn mang hiệu quả mang lại khá rõ nét. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hoạt tính cao, an toàn và cho giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nhằm khai thác lợi thế của tự nhiên, đa dạng hóa nền sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, tăng tính bền vững hệ sinh thái rừng, Đảng bộ huyện Yên Minh đã đưa cây dược liệu là một trong những cây trồng chính để tập trung tổ chức thực hiện trong Nghị quyết chuyên đề về “phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Giai đoạn 2021-2025, huyện xác định mục tiêu trồng mới trên 500 ha cây dược liệu, đảm bảo duy trì diện tích dược liệu đạt trên 650 ha. Bên cạnh đó, đưa một số cây dược liệu mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thực nghiệm để đánh giá, lựa chọn và nhân rộng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 92,6 ha cây dược liệu tự nhiên, được chăm sóc, bảo vệ và thu hái, gồm các loại cây như: giảo cổ lam, chè dây, hồi, ấu tẩu… mọc tự nhiên trên rừng.

Huyện tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, chú trọng phát triển cây dược liệu. Khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích cây dược liệu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển dược liệu, nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao trong chế biến, chiết xuất dược liệu… tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Với định hướng đúng và giải pháp phát triển lâu dài, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương và sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đức Minh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây