Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Giang

Hà Giang

Giới thiệu khái quát tỉnh Hà Giang

– Diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2. – Dân số năm 2009 là 724.537 người. – Có 01 thành phố, 10 huyện.
A. Khái quát về tỉnh Hà Giang
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên BáiLào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2, trong đó theo đường chim bay, chỗ rộng nhất từ tây sang đông dài 115 km và từ bắc xuống nam dài 137 km. Tại điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Tổ quốc, cách Lũng Cú chừng 3 km về phía đông, có vĩ độ 23013’00″; điểm cực tây cách Xín Mần khoảng 10 km về  phía tây nam, có kinh độ l04024’05″; mỏm cực đông cách Mèo Vạc 16 km về phía đông – đông nam có kinh độ l05030’04″.
Tỉnh Hà Giang được thành lập ngày 20/8/1891 và tái thành lập ngày 1/10/1991. Diện tích tự nhiên là 7.884,37km2.
I . Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía bắc và tây có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 274 km; phía đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía tây và tây nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.884, 37 km 2 , trong đó theo đường chim bay, chỗ rộng nhất từ tây sang đông dài 115 km và từ bắc xuống nam dài 137 km. Tại điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Tổ quốc, cách Lũng Cú chừng 3 km về phía đông, có vĩ độ 23013’00″; điểm cực tây cách Xín Mần khoảng 10 km về phía tây nam, có kinh độ l04024’05″; mỏm cực đông cách Mèo Vạc 16 km về phía đông – đông nam có kinh độ l05030’04″.
Tính đến nay Hà Giang có 01 thành phố, 10 huyện, 05 phường, 13 thị trấn và 177 xã.
     Thành phố Hà Giang 5 phường và 3 xã
     Huyện Bắc Mê 1 thị trấn và 12 xã
     Huyện Bắc Quang 2 thị trấn và 21 xã
     Huyện Đồng Văn 2 thị trấn và 17 xã
     Huyện Hoàng Su Phì 1 thị trấn và 24 xã
     Huyện Mèo Vạc 1 thị trấn và 17 xã
     Huyện Quản Bạ 1 thị trấn và 12 xã
     Huyện Quang Bình 1 thị trấn và 14 xã
     Huyện Vị Xuyên 2 thị trấn và 22 xã
     Huyện Xín Mần 1 thị trấn và 18 xã
     Huyện Yên Minh 1 thị trấn và 17 xã
Dân số tỉnh Hà Giang theo điều tra dân số ngày 0 1 tháng 4 năm 2009 là 724.537 người. Trong đó, dân số thành thị là 84.338 người
2 . Địa hình
Nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 m đến 1.200 m so với mực nước biển. Đây là vùng tập trung nhiều ngọn núi cao. Theo thống kê mới đây, trên dải đất Hà Giang rộng chưa tới 8.000 km2 mà có tới 49 ngọn núi cao từ 500 m – 2.500 m (10 ngọn cao 500 – 1.000 m, 24 ngọn cao 1000 – 1500 m, 10 ngọn cao 1.500 – 2.000 m và 5 ngọn cao từ 2.000 – 2.500 m). Tuy vậy, địa hình Hà Giang về cơ bản, có thể phân thành 3 vùng sau:
– Vùng cao phía bắc còn gọi là cao nguyên Đồng Văn, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 90% diện tích là núi đá vôi, đặc trưng cho địa hình karst. ở đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứng. Ngày 03/10/2010 cao nguyên đá Đồng văn đã gia nhập mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu với tên gọi: CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn.
– Vùng cao phía tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần là một phần của cao nguyên Bắc Hà, thường được gọi là vòm nâng sông Chảy, có độ cao từ 1.000m đến trên 2.000m. Địa hình nơi đây phổ biến dạng vòm hoặc nửa vòm, quả lê, yên ngựa xen kẽ các dạng địa hình dốc, đôi khi sắc nhọn hoặc lởm chởm dốc đứng, bị phân cắt mạnh, nhiều nếp gấp.
– Vùng núi thấp bao gồm địa bàn các huyện, thị còn lại, kéo dài từ Bắc Mê, thị xã Hà Giang, qua Vị Xuyên đến Bắc Quang. Khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông, suối.
3 . Thủy văn
Các sông lớn ở Hà Giang thuộc hệ thống sông Hồng. ở đây có mật độ sông – suối tương đối dày. Hầu hết các sông có độ nông sâu không đều độ dốc lớn, nhiều ghềnh thác, ít thuận lợi cho giao thông thuỷ.
Sông Lô là một sông lớn ở Hà Giang, bắt nguồn từ Lưu Lung (Vân , Trung Quốc), chảy qua biên giới Việt – Trung (khu vực Thanh Thuỷ), qua thị xã Hà Giang, Bắc Quang về Tuyên Quang. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho vùng trung tâm tỉnh.
Sông Chảy bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Kiều Liên Ti, mật độ các dòng nhánh cao (1,1km/km 2 ), hệ số tập trung nước đạt 2,0km/km 2 . Mặc dù chỉ đoạn đầu nguồn thuộc địa phận tỉnh nhưng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho khu vực phía tây của Hà Giang.
Sông Gâm bắt nguồn từ Nghiêm Sơn, Tây Trù (Trung Quốc) chảy qua Lũng Cú, Mèo Vạc về gần thị xã Tuyên Quang nhập vào sông Lô. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho phần đông của tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có các sông ngắn và nhỏ hơn như sông Nho Quế, sông Miện, sông Bạc, sông Chừng, nhiều khe suối lớn nhỏ cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống dân cư.
4 . Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, khí hậu Hà Giang về cơ bản mang những đặc điểm của vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc . . .
Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,60C – 23,90C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày cũng từ 6 – 70C. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng l).
Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 – 2.400 mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000 mm, là một trong số trung tâm mưa lớn nhất nước ta. Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn. Năm 2001, lượng mưa đo được ở trạm Hà Giang là 2.253,6 mm, Bắc Quang là 4.244 mm, Hoàng Su Phì là 1.337,9 mm… Tháng mưa cao nhất ở Bắc Quang (tháng 6) có thể đạt trên 1.400 mm, trong khi đó lượng mưa tháng 12 ở Hoàng Su Phì là 3,5 mm, ở Bắc Mê là 1,4 mm. . .
Độ ẩm bình quân hàng năm ở Hà Giang đạt 85% và sự dao động cũng không lớn. Thời điểm cao nhất (tháng 6,7,8) vào khoảng 87 – 88%, thời điểm thấp nhất (tháng l,2,3) cũng vào khoảng 81%: Đặc biệt ở đây ranh giới giữa mùa khô và mùa mưa không rõ rệt. Hà Giang là tỉnh có nhiều mây (lượng mây trung bình khoảng 7,5/10, cuối mùa đông lên tới 8 – 9/10) và tương đối ít nắng (cả năm có 1.427 giờ nắng, tháng nhiều là 181 giờ, tháng ít chỉ có 74 giờ).
Các hướng gió ở Hà Giang phụ thuộc vào địa hình thung lũng. Thung lũng sông Lô quanh năm hầu như chỉ có một hướng gió đông nam với tần suất vượt quá 50%. Nhìn chung gió yếu, tốc độ trung bình khoảng 1 – l,5m/s. Đây cũng là nơi có số ngày giông cao, tới 103 ngày/năm, có hiện tượng mưa phùn, sương mù nhiều nhưng đặc biệt ít sương muối. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Trong 778.473 ha diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp có 134.184 ha, chiếm 17% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có 334.100 ha, chiếm 42,4%, đất chưa sử dụng có 310.064 ha, chiếm 39,3%, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng, toàn tỉnh có 9 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả.
2. Tài nguyên rừng
Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 345.860 ha, với nhiều sản vật quý hiếm: động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng…; các loại gỗ: ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, trò chỉ, thông đá…; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm, đỗ trọng… Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh.
Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000 m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ).
3. Tài nguyên khoáng sản
Qua khảo sát, thăm dò, bước đầu tỉnh Hà Giang đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: ăngtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; chì – kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ. Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: pirít, thiếc, chì, đồng, mănggan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn…Hiện nay một số mỏ đang được khai thác có hiệu quả.
III. Tiềm năng kinh tế
TỔNG QUAN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIÊN MẬU TỈNH HÀ GIANG
Trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh, có 07 huyện biên giới với 34 xã, thị trấn biên giới. Hiện trên tuyến biên giới, Hà Giang đã có hệ thống cửa khẩu gồm 01 cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo; 03 cặp cửa khẩu phụ gồm: Săm Pun – Điền Bồng, Xín Mần – Đô Long, Phó Bảng – Đổng Cán. Thực hiện chương trình hành động 42/CTr-UBNDngày 23/02/2013 của UBND tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của BCH tỉnh ủy về phát triển kinh tế cửa khẩu và biên mậu, công tác quy hoạch đã được thực hiện: Thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CPngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Ngày 26/11/2009 Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số: 136/2009/QĐ-TTg Thành lập Khu KTCK Thanh Thuỷ, tỉnh Hà Giang. Với quy mô: Tổng diện tích tự nhiên 28.781 ha. Bao gồm 7 xã: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). Quyết định số: 125/QĐ-TTg Ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030, với tổng diện tích đất xây dựng đô thị 1.795 ha, gồm 07 khu chức năng chính là: Khu trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu Thanh Thủy; Khu trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu Lao Chải gắn với thị trấn Lao Chải; Khu trung tâm Xín Chải; Khu trung tâm Thanh Đức; Khu trung tâm Phương Độ; Khu trung tâm Phương Tiến; Khu trung tâm Phong Quang. Hiện nay đã thực hiện xong việc công bố quy hoạch và đang chỉ đạo triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế.
Do nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch hạn hẹp nên hiện nay tỉnh mới cho chủ trương lập và phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng 02 khu chức năng chính là: Khu trung tâm cửa khẩu Thanh Thuỷ và trung tâm Phong Quang với tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng 816 ha tại Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 11/3/2013 của UBND tỉnh Hà Giang về việc Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy và Khu trung tâm xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên.
Cặp cửa khẩu Thanh Thuỷ – Thiên Bảo: Là cửa khẩu quan trọng nhất và là cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Hà Giang, được nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế từ tháng 4/2014 trên cơ sở ban đầu là một cửa khẩu Quốc gia. Cửa khẩu Quốc tế này thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 22 km về phía Tây Bắc, đối diện với cửa khẩu Thiên Bảo, huyện Malipo, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong giai đoạn 2003 đến nay được đầu tư: 214,14 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung cho việc san ủi, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu trong đó đã hoàn thành các hạng mục chính: Quốc môn, Trạm kiểm soát liên ngành, bãi kiểm hóa, Trạm biến áp 560 KVA; nâng cấp cải tạo được 1,5 km và xây dựng mới 4,47km đường nội bộ trong khu vực đạt tiêu chuẩn đường phố chính cấp 2 và 728,4m kè biên giới. Giá trị kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu tăng nhanh theo từng năm; năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 275,3 triệu USD, tăng 26,17% so với năm 2012. Quý I/2014 đạt 34,2 triệu USD. Khu KTCK nộp ngân sách Nhà nước 243,8 tỷ đồng. Tổng số lượt người xuất nhập cảnh đạt 208.801 lượt năm 2013 và 74.470 lượt trong quý I/2014. Đến thời điểm hiện nay, khu KTCK Thanh Thủy cũng đã thu hút được 29 dự án đầu tư, thành lập chi nhánh văn phòng đại diện, với tổng mức vốn ước đạt trên 560 tỷ đồng. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 245 triệu USD góp phần đáng kể cho thu ngân sách của tỉnh. Với nhiều cơ chế ưu đãi và điều kiện thuận lợi. Tuy vậy, sự phát triển của khu kinh tế chưa thực sự phát huy được tiềm năng tương xứng với vị thế của một cửa ngõ giao thương quốc tế…
Cửa khẩu phụ Xín Mần – Đô Long: Được dự kiến phê duyệt bổ sung quy hoạch mở dộng diện tích từ 10 ha hiện nay lên 35 ha. Hiện đã đầu tư xây dựng các hạng mục: San ủi tạo mặt bằng, với tổng diện tích 0,5 ha; xây dựng hệ thống thoát nước; hệ thống cấp điện khu dân cư; xây dựng nhà chợ cửa khẩu; làm đường BTXM dài 0,7 km; kè chống sạt lở mặt bằng khu vực cửa khẩu. Hiện tại đang thi công xây dựng công trình kè chống sạt lở ta luy khu vực cửa khẩu.
Cặp cửa khẩu phụ Săm Pun- Điền Bồng: Đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại quyết định số 428/QĐ-UBNDngày 11/3/2012 với tổng diện tích 45 ha. Năm 2014 Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cặp cửa khẩu này đã được tỉnh đã phê duyệt, với chức năng là cửa khẩu song phương của tỉnh Hà Giang. Hiện đã được đầu tư các hạng mục công trình, gồm: Hệ thống cấp điện, công trình Chợ (Nhà chợ chính, bãi đỗ xe, nhà Ban quản lý chợ, nhà ẩm thực, tường rào khu chợ, nhà vệ sinh, qui mô đầu tư, công trình cấp IV, 1 tầng); San lấp mặt bằng khu dân cư tại khu vực cửa khẩu, với diện tích san lấp mặt bằng là: 3.900 m2, đã hoàn thành trong năm 2011; Hiện đang đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Ngã ba Lùng Thúng – Mốc 456, với tổng vốn đầu tư là 59,2 tỷ đồng, hiện tại khối lượng mở nền được khoảng 70 % (riêng đoạn từ chợ cửa khẩu ra Mốc 456 (dài 400 m) kết cấu mặt đường BTXM, chiều rộng 7,5 m đã hoàn thành trong năm 2011) và nâng cấp tuyến đường từ huyện lỵ Mèo Vạc lên cửa khẩu Săm Pun (Mốc 456).
Cửa khẩu phụ Phó Bảng – Đồng Cán: Được dự kiến quy hoạch với diện tích 15 ha. Năm 2009 đầu tư xây dựng công trình chợ đầu mối tại trung tâm thị trấn Phó Bảng và đưa vào sử dụng năm 2010; Hiện tại đang đầu tư xây dựng lại Chợ trung tâm; Tại khu vực cửa khẩu đã xây dựng mặt  bằng bãi đỗ xe phục vụ cho việc bốc xếp hàng hóa rất hẹp; Trạm kiểm soát Hải quan, Trạm biên phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Tuyến đường từ trung tâm thị trấn Phó Bảng ra khu vực cửa khẩu dài trên 4 km đã được rải nhựa, nhưng mặt đường hẹp và đã xuống cấp. Với những chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương đối với việc phát triển kinh tế cửa khẩu, các cặp cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nếu nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, sẽ từng bước tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Hà Giang.
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Hà Giang là tỉnh có tài nguyên đa dạng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Hà Giang có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là ăngtimon và cao lanh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Hà Giang có điều kiện khí hậu tốt và nhiều cảnh đẹp, suối nước nóng,… để phát triển du lịch quá cảnh. Đây là ngành then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh nhưng trong những năm vừa qua chưa thực sự giữ vị trí quan trọng.
2. Tiềm năng du lịch
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía nam. Năm 2010 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC CNĐĐV) được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu ; Tháng 9 năm 2012 Ruộng bậc thang Hoàng Su Ph ì đã được công nhận là Di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Với mạng lưới sông suối luồn lách qua những đồi núi thấp hình thành những hồ lớn vào mùa mưa tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn như hồ Noong. Do có nhiều núi đá vôi nên trong tỉnh có nhiều suối nước nóng là những địa điểm du lịch lý tưởng. Hà Giang có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như : Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu chum vàng, chum bạc và di tích nhà họ Vương… Đặc biệt là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Ruộng bậc thang Hoàng Su Phí
Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
B. Thông tin các huyện miền núi của tỉnh Hà Giang
Theo quyết định 964/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ về việc Phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng sa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020; tỉnh Hà Giang có 10 huyện nằm trong chương trình, bao gồm: Huyện Quang Bình, Huyện Bắc Quang, Huyện Vị Xuyên, Huyện Bắc Mê, Huyện Hoàng Su Phì, Huyện Xín Mần, Huyện Quản Bạ, Huyện Yên Minh, Huyện Đồng Văn, Huyện Mèo Vạc.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây