Giới thiệu khái quát huyện Yên Minh

Giới thiệu khái quát huyện Yên Minh

Giới thiệu khái quát huyện Yên Minh

1. Vị trí địa lý
Yên Minh là một huyện vùng cao núi đá, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ.
+ Phía Bắc giáp huyện Đồng Văn và Trung Quốc;
+ Phía Nam giáp tỉnh Cao Bằng và huyện Bắc Mê;
+ Phía Tây giáp huyện Quản Bạ và Vị Xuyên;
+ Phía Đông giáp huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.
Địa giới hành chính của huyện có 17 xã và 01 thị trấn với 282 thôn bản; diện tích tự nhiên trên 78 nghìn km2; Huyện có 25,841 km đường biên giới với 41 cột mốc. Trung tâm huyện cách thành phố Hà Giang 100 km, nằm ở vị trí trung tâm trên trục trung chuyển giữa vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với thành phố Hà Giang và Trung Quốc. Vị trí đó vừa là lợi thế vừa là thách thức mọi mặt đối với huyện Yên Minh trong các giai đoạn lịch sử.
2. Đặc điểm địa hình, khí hậu
Địa hình huyện Yên Minh phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 mét so với mặt nước biển, địa hình chia làm 4 loại: địa hình núi cao, địa hình núi thấp, địa hình thung lũng, địa hình castơ.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Yên Minh có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm và mưa nhiều. Nền nhiệt trung bình trên địa bàn huyện 15,70C, tổng lượng mưa trung bình năm đạt khoảng hơn 1.745 mm. Mùa hè có gió mùa Đông Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa đông có gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết khô hanh và ít mưa.
3. Dân số
– Tổng dân số: 83.978 người (Trong đó Nữ = 43.042).
– Số hộ: 15.704 hộ.
– Thành phần dân tộc:
+ Mông: 45.856 người, chiếm 54,6 %
+ Tày: 11.128 người, chiếm 13,25 %
+ Dao: 12.276 người, chiếm 14,6 %
+ Kinh: 3.450 người, chiếm 4,2 %
+ Nùng: 4.209 người, chiếm 5,01 %
+ Giấy: 5.683 người, chiếm 6,7 %
+ Dân tộc khác: 1.376 người, chiếm 1,64 %

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN YÊN MINH

Trước kia, Đồng Văn là tổng Đông Quan thuộc châu Bình Nguyên, phủ Tương Yên, tỉnh Tuyên Quang sau đó thuộc về châu Bảo Lạc do một thổ người Tày họ Nông ở Bảo Lạc cai quản như một lãnh địa. Khi thực dân pháp xâm lược, chúng tách Đồng Văn khỏi Bảo Lạc. Dưới thời Pháp thuộc, toàn phủ Tương Yên trong đó có tổng Đông Quan được đặt trong đạo quan binh thứ 2 Hà Giang. Trong danh mục các làng xã Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn xuất bản năm 1928 thì tỉnh Hà Giang có hai châu (Bắc Quang, Vị Xuyên) và hai đại lý (Đồng Văn, Hoàng Su Phì).
Sau cách mạng tháng 8/1945, về mặt địa giới hành chính, trên danh nghĩa Đồng Văn vẫn như trước. Ngày 15/12/1962, Hội đồng chính phủ có Quyết định số 211/QĐ-CP tách Đồng Văn ra làm 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc.
Kể từ đây Yên Minh trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Khi mới chia tách huyện Yên Minh có 13 xã, dân cư gồm 3.294 hộ với 16.775 người, đến năm 1982 do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, huyện Yên Minh tiếp nhận 4 xã: Phú Lũng, Thắng Mố, Sủng Cháng và xã Sủng Thài từ huyện Đồng Văn và bàn giao 3 xã phía Nam là Nậm Ban, Tát Ngà và Niêm Sơn cho huyện Mèo Vạc.
Ngày 29 tháng 01 năm 1997, Chính phủ có Nghị định số 08/CP về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập xã mới. Thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ, huyện Yên Minh thành lập thêm 2 xã mới là Du Tiến và Mậu Long.
Ngày 20 tháng 8 năm 1999, Chính phủ có Nghị định số 74/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Minh, xã Đông Minh và xã Hữu Vinh trên cơ sở chia tách xã Yên Minh. Hiện nay huyện Yên Minh có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 17 xã và 1 thị trấn với tổng số 282 thôn xóm, bản, tổ dân phố.

MỘT SỐ CƠ SỞ VĂN HÓA, DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI ĐỊA PHƯƠNG

1. Một số tài nguyên tự nhiên quan trọng
Hang động: Hang Nà Luông (Mậu Long), Hang “Nàng Leèng” (Bục Bản – thị trấn Yên Minh); Hang Du Già….
Rừng nguyên sinh xã Du Già, núi Ba Tiên.
Huyện Yên Minh nằm trong quần thể Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều di tích địa chất, địa mạo có giá trị.
2. Các tài nguyên du lịch nhân văn
Toàn huyện có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng riêng, bao gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể góp phần tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú và hấp dẫn, cụ thể:
2.1. Các di tích lịch sử, danh thắng
Khu căn cứ Cách Mạng xã Đường Thượng;
Cổng thành Lao Và Chải;
Ruộng bậc thang Sa Lỳ (Ngam La).
2.2. Các loại hình nghệ thuật dân gian và lễ hội
– Các loại hình nghệ thuật dân ca đặc trưng của các dân tộc: Hát Cọi của dân tộc Tày; hát Phươn của dân tộc Nùng, Giấy; hát giao duyên của dân tộc Mông, Dao.
– Bên cạnh các nét đẹp văn hoá, trên địa bàn huyện còn có các lễ hội lớn như:
+ Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông (tháng 01 âm lịch)
+ Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày – Nùng (tháng 01 âm lịch)
+ Lễ Gọi Trăng của dân tộc Tày (Rằm tháng 8 âm lịch)
+ Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao (tháng 10 – 12 âm lịch)
+ Lễ thượng thọ; Lễ cưới…
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây