tac pham Trong dong - Hai Bà Trưng qua ngòi bút tiểu thuyết

Nhà văn Phong Nguyen. Ảnh: Columbia Daily Tribune.

Phong Nguyen Sinh năm 1978, hiện là giáo sư Đại học Missouri. Ông tốt nghiệp Providence College năm 2001, sau đó học tiếp Thạc sĩ tại Emerson College và Tiến sĩ tại University of Wisconsin- Milwaukee.

Cùng với Viet Thanh Nguyen và Ocean Vuong, Phong Nguyen là thế hệ nhà văn Mỹ gốc Việt đang nổi trội trong văn giới Mỹ và khẳng định vị thế như những người giúp đưa văn hóa Việt đi vào dòng chính với sự thể hiện bằng Anh ngữ chứ không phải tiếng Việt.

Trong những khoảng hở lịch sử, nhà văn Phong Nguyen đã viết nên một tiểu thuyết vừa lạ lẫm nhưng cũng độc đáo về cuộc đời và sự nghiệp của Hai Bà Trưng trong tác phẩm ‘Trống đồng’ vừa được chuyển ngữ, ra mắt gần đây.

Ra mắt trên toàn thế giới vào năm 2022, Trống đồng từng được rất nhiều tờ báo xếp vào danh sách tác phẩm nổi bật. Điều này có phần dễ hiểu khi với độc giả thế giới, họ chưa từng biết tại Việt Nam từng có đội quân toàn là phụ nữ vô cùng anh dũng như những nữ chiến binh Amazon trong thần thoại Hy Lạp.

Đối với người Việt, câu chuyện về Hai Bà Trưng và đội quân nữ đứng lên chống cuộc Bắc thuộc lần thứ nhất không còn xa lạ, nhưng có lẽ do khoảng lùi lịch sử quá lớn mà những chi tiết mang tính cá nhân vẫn còn lạ lẫm. Nhận thấy điều này, Phong Nguyen đã hư cấu để viết nên một tác phẩm có phần sống động. Ông chia sẻ mình được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của cha, và trong quá trình sinh sống ở Mỹ, ông đã tìm hiểu từ đó chọn lựa tái hiện lại câu chuyện lịch sử này.

Lấy mốc thời gian từ năm 36 đến năm 43, cuốn sách khởi đầu từ bối cảnh Lạc Việt chịu sự phụ thuộc rất lớn từ nhà Hán. Theo đó đàn ông, trai tráng trong nước bị bắt đi phục vụ cuộc chiến vô nghĩa của quân đô hộ, trong khi trong nước sưu cao thuế nặng và việc áp đặt văn hóa khiến cho người dân sống trong khổ cực. Phong Nguyen tập trung chủ yếu vào Cung điện Mê Linh, nơi hai chị em Trưng – Trắc và bố mẹ gồm Lạc tướng Mê Linh và phu nhân Man Thiện sinh sống.

Vì là tác phẩm mang tính hư cấu, nên tác giả đã gán cho các nhân vật cá tính đặc biệt. Phá bỏ hào quang lịch sử, Phong Nguyen cho thấy Lạc tướng ở thời điểm này luôn luôn mòn mỏi khi phải lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan – giữa việc muốn được độc lập nhưng cũng nhận thức điều đó là không thể nào ở thời bấy giờ. Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng tương tự thế. Trong khi người chị điềm tĩnh, thấu suốt, thì cô em lại mạnh mẽ, bốc đồng. Những sự khác biệt về mặt tính cách cũng được tác giả miêu tả theo đà tăng tiến, từ đó nhấn mạnh vào những mâu thuẫn trong cuộc đời riêng hay đời sống vương quyền của hai nhân vật.

Với một dân tộc có truyền thống truyền miệng cùng những chuyện kể dân gian như Việt Nam, Phong Nguyen cũng thêm vào đây các yếu tố siêu thực, tâm linh như hổ Hùm Răng hung dữ tấn công phụ nữ mang thai, hoặc sơn tộc Đệ Gia gồm những người phụ nữ có tài bắn cung… Đây đều là các hư cấu đem đến màu sắc thần thoại, tuy vậy đã được tác giả khéo léo sử dụng để mang vào mạch truyện chung, từ đó tạo ra nút thắt ấn tượng cho một nội dung mà nhiều người Việt có thể quen thuộc.

Khi cuộc chiến tranh ở thành Cổ Loa đi vào khốc liệt, những mô tả cận về từng đội quân, các chiến lược, sách lược hay cách bày binh bố trận cũng được tác giả quan tâm khai thác một cách sống động. Qua đó sức mạnh của người phụ nữ cũng được khắc họa, với hình ảnh những nữ chiến binh kiên cường, mạnh mẽ, không ngừng đấu tranh. Bằng sự khắc họa một cách hào hùng khung cảnh nói trên, Phong Nguyen đã tạo nên tính sử thi cho toàn tác phẩm, đồng thời ca ngợi tài năng cũng như sức mạnh của Hai Bà Trưng.

tac pham Trong dong 2 - Hai Bà Trưng qua ngòi bút tiểu thuyếtTiểu thuyết Trống đồng. Ảnh: Omega+.

Trống đồng cũng là hình tượng được đặt xuyên suốt tác phẩm. Nó vừa là nhạc cụ thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội, trong việc nên duyên, nhưng cũng đồng thời được những đôi trai gái chịu nhiều bất trắc trong chuyện tình duyên sử dụng để nhớ đến nhau. Nó là “chứng nhân” cho cuộc giao chiến, khi Hai Bà Trưng dựa trên thế trống để cho toàn quân biết cách thay đổi chiến thuật. Đến cuối tác phẩm, khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, mở đầu cho cuộc Bắc thuộc lần hai, thì những chiếc trống được chôn xuống đất cũng tượng trưng cho dân tộc bất khuất và ngọn lửa phản kháng không bao giờ tắt.

Tuy chỉ là những hư cấu thế nhưng bằng việc gán thêm tính cách cũng như các sáng tạo phong phú bên lề đã giúp tác phẩm trở nên độc đáo và mới mẻ hơn. Trống đồng không chỉ ý nghĩa trong việc tái hiện một trong những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn đồng thời giúp các nhân vật và chuyện lịch sử như có sức sống, truyền đi ý nghĩa về sức mạnh của người phụ nữ và thông điệp gìn giữ độc lập đến muôn nghìn đời.

Minh Anh

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây