Lộ diện 174 mộ cổ đầy bảo vật thời Chiến Quốc ở Tương Dương

Hơn 500 cổ vật đã được đưa lên từ các ngôi mộ cổ ở nghĩa trang hơn 2.200 năm tuổi ở ngoại ô TP Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ tỉnh Hồ Bắc và Viện Di tích văn hóa và khảo cổ TP Tương Dương đã phát hiện ra một nghĩa trang lớn với các ngôi mộ cổ thuộc nhiều thời kỳ.

Cuộc khai quật tại nghĩa trang cổ – mang tên Baizhuang – ở TP Tương Dương – đã tiết lộ một số lượng lớn các ngôi mộ bằng đất nung và các di tích văn hóa khác.

Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 176 ngôi mộ, trong đó 174 ngôi mộ có niên đại tận thời Chiến Quốc (năm 475 đến 221 trước Công nguyên).

Hai ngôi mộ còn lại thuộc về triều Hán (202 trước Công nguyên đến năm thứ 9 sau Công nguyên và năm 25-220 sau Công nguyên).

Trao đổi với Heritage Daily, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết hầu hết các ngôi mộ là dạng mộ cổ bình thường với kích thước khiêm tốn, nhưng có 9 ngôi mộ cỡ trung bình, là dạng lăng nhỏ có lối đi dốc, được ký hiệu từ M1 đến M9.

Trong 2 ngôi mộ cổ M3 và M4, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết phân hủy màu xanh xám của quan tài cũng như một số vật tùy táng: Giá ba chân bằng đồng, kiếm, chậu đồng, một chiếc thìa, xương ngựa….

Tổng cộng khoảng 500 hiện vật khác nhau, nhiều cái có giá trị văn hóa lớn, đã được thu thập từ 174 ngôi mộ Chiến Quốc: đồ gốm, vật dụng nghi lễ hàng đồng, lược, nhẫn ngọc bích…

Chắc chắn với niên đại từ ít nhất hơn 2.200 năm trở lên, các hiện vật này đều là các báu vật vô cùng giá trị về mặt kinh tế cũng như giá trị khoa học.

Các phát hiện này cung cấp một nguồn tài liệu mới quý giá để nghiên cứu phong tục tang lễ cũng như nhiều chi tiết khác về đời sống của con người ở khu vực Tương Dương, vốn có lịch sử vô cùng phong phú. Các cuộc khai quật vẫn đang tiếp diễn.

Anh Thư

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây