Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 4 – Tản mạn về mẫu hệ Chàm

Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 4 - Tản mạn về mẫu hệ Chàm

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 4 - Tản mạn về mẫu hệ Chàm

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 4 - Tản mạn về mẫu hệ Chàm

Tác giả Vũ Hùng

 

Tản mạn về mẫu hệ Chàm

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Cũng như giá trị chung của đền tháp trên khắp vương quốc, dù là trung ương tập quyền hay một liên bang gồm các tiểu quốc(1), Chiêm Thành còn có một nền tảng thống nhất là hôn nhân và gia đình mẫu hệ.

Trong các làng Chàm ở Ninh Thuận và Bình Thuận còn bảo lưu hôn nhân truyền thống mẫu hệ với một số đặc trưng cơ bản: Người phụ nữ và nhà gái chủ động trong hôn nhân; chú rể về sống bên nhà vợ; huyết thống theo dòng mẹ, con cái khi chết được chôn ở nghĩa địa bên mẹ; vai trò phụ nữ và người con gái út trong thờ cúng tổ tiên và kế thừa tài sản; chồng có vai trò chính trong xã hội.
Sử liệu về hôn nhân mẫu hệ trong quá khứ trên vùng đất của Chiêm Thành rất hiếm hoi, phiến diện, lại nhìn nhận dưới nhãn quan Khổng giáo. Chính sử Đại Việt và Đại Nam chủ yếu ghi chép về chính trị, quân sự và ngoại giao, không chi chép về mẫu hệ Chàm.

Một vài sử liệu của Trung Hoa đã khẳng định sự tồn tại xã hội mẫu hệ thời Lâm Ấp. Thế kỷ 13, sử gia Mã Đoan Lâm nghiên cứu cổ sử nhà Lương và nhà Hán đã ghi về đám cưới ở Lâm Ấp vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên như sau: “Đám cưới lúc nào cũng được tổ chức vào ngày thứ tám của trăng. Chính người con gái đi hỏi con trai, vì con gái được xem là thứ yếu. Hôn nhân giữa những người cùng họ không bị ngăn cấm”(2). Theo Tấn thư, cuối thời tam quốc cho đến năm 420, cũng ghi chép hôn nhân ở Lâm Ấp: “Trọng nữ, khinh nam, lấy nhau cùng họ, vợ phải đưa sính lễ để hỏi chồng. Con gái khi lấy chồng, mặc áo ca bàn, quấn tấm vải quây quanh lưng như thành giếng, đầu đội hoa báu”(3).

Sử liệu còn phản ánh vai trò của bên ngoại và phụ nữ trong hoàng tộc và chính sự. Vào thế kỷ thứ 3, sau khi Khu Liên qua đời, một người cháu ngoại nối ngôi là Phạm Hùng. Những năm 627-649, vua Đầu Lê qua đời, một người con nhà cô được lập làm vua là Gia Cát Địa(3). Năm 645, vua Phạm Trấn Long bị sát hại, người con của em gái ông ta là Cri Bhadrecvavarman (Đà La Thủ La Bạt La) lên nối ngôi; khi vị vua này bị phế, em gái của ông lên kế vị. Vua Prithivindravarman (trị vì khoảng năm 758-772) qua đời, người con của em gái là Satyavarnman kế vị. Cuối thế kỷ 8, người kế ngôi vua Indravarman là một người em rể của ông, vương hiệu Cri Harivarman Deva Rajadhiraja. Khi vua Indravarman II qua đời (vị vua dời kinh đô về Đồng Dương), con của chị ông lên ngôi hiệu là Cri Jaya Simhavarman(5).

Vào giữa thế kỷ 15, lớp di dân đầu tiên tại làng Câu Nhí (tên cổ là Câu Lãm)(6), châu Ô cũ, nay thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị, ghi rằng: “Xứ này người Chiêm nhiều mà Bình nhân ít (Bình nhân là người Kinh phía Bắc di cư đến), sợ sinh hạ con cháu một Tề mười Sở rồi nhiễm biến phong tục của người Man”(7). Sau sự kiện năm 1471, từ nam sông Thu Bồn đến tỉnh Bình Định ngày nay thuộc về Đại Việt, trên vùng đất mới này có thể đã khá phổ biến hôn nhân giữa đàn ông Kinh với phụ nữ bản xứ. Vì vậy, năm 1499, vua Lê Hiến Tông đã ra chỉ dụ rằng: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”(8).

Phải chăng chỉ dụ hướng đến vùng đất mới thừa tuyên Quảng Nam và một phần của Thuận Hóa, nơi không ít hôn nhân giữa đàn ông Kinh với phụ nữ Chàm đã “nhiễm biến phong tục của người Man” theo mẫu hệ, làm cho phong tục không “thuần hậu” theo văn hóa phụ hệ Khổng giáo?

Năm 1474, sau 3 năm thành lập thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ: “Tù nhân bị tội lưu, ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa, ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa, ở châu xa thì sung làm quân vệ Hoài Nhân, những kẻ được tha tội chết cũng sung làm quân vệ Hoài Nhân”(9). Những phạm nhân trọng tội bị sung làm lính ở vùng đất mới, tội càng nặng càng làm lính giáp biên giới Chiêm
Thành. Những người lính thân cô này có thể đã kết hôn với phụ nữ bản xứ.
Chỉ dụ năm 1499 có thể hiệu lực chủ yếu ở tầng lớp quan lại, nhưng đối với phạm nhân trọng tội bị lưu đày làm lính, kể cả dân đen phiêu tán và tội phạm lẩn tránh ở miền biên viễn phên giậu phương Nam xa lạ thiếu người phụ nữ đồng tộc, phép vua thua lệ làng, không ít hôn nhân với phụ nữ bản xứ theo mẫu hệ vẫn âm thầm diễn ra. Và, vì vậy mà hôn nhân giữa phụ nữ Kinh với đàn ông Chàm không hoặc hiếm xảy ra nên chỉ dụ đã không cấm?

Phụ nữ Chàm lấy người đàn ông ngoại tộc khá phổ biến phải chăng do thiếu vắng người đàn ông đồng tộc, đồng văn và đồng tôn?

Việc đặt họ cho một số người Chàm là yếu tố gán ép từ bên ngoài, không ảnh hưởng chế độ mẫu hệ. Ngày nay, người Chàm tại các làng Ninh Thuận và Bình Thuận đã có họ nhưng hôn nhân vẫn theo truyền thống mẫu hệ.
Về sau, khi người Kinh đến vùng đất mới ngày càng đông đúc, hôn nhân giữa đàn ông Kinh với phụ nữ Chàm cũng chuyển hóa dần sang sự thắng thế hoàn toàn của phụ hệ. Nhưng đến thế kỷ 19, nhiều dấu vết mẫu hệ vẫn còn lưu lại trên vùng đất thừa tuyên Quảng Nam cũ và Phú Yên.

Tỉnh Bình Định, vùng đất từng là nơi đặt kinh đô vương quốc Chiêm Thành, “Người ta hay ký ngụ quê vợ, quê mẹ, ít tụ tập theo gia tộc, dân gian không có nhà thờ họ… cho nên phong tục chưa được thuần hậu”(10). Bình Định có 5 huyện, trừ huyện Phù Mỹ, 4 huyện còn lại là Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát và Bồng Sơn, tàn tích mẫu hệ càng đậm nét hơn: “Nếu là họ ngoại dù cách 4-5 đời cũng không lấy nhau. Ngoài ra, các thói xấu như ngụ cư quê vợ”. Tại một số tổng của huyện Tuy Phước và huyện Tuy Viễn: “Trong dân có nhiều người ngụ cư ở quê vợ (có trường hợp ông nội ở một làng, cha ở một làng khác, con cháu lại ở một làng khác). Con gái, con rể và cháu ngoại cùng thờ cha mẹ vợ và ông bà ngoại. Tổ tiên bên vợ có ruộng đất hương hỏa để lại, tuy đến 4-5 đời họ ngoại vẫn còn được cày cấy cúng giỗ”(11).

Cùng với dấu vết mẫu hệ, văn hóa Chàm cũng còn lưu lại trong sinh hoạt cộng đồng nơi đây: “Ngày xuân có nơi lập điếm đánh bài, đánh cờ người (chọn nam nữ mỗi bên 16 người, gọi theo quân cờ là tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt). Tướng ông thì vẽ mặt, đầu đội mũ, mình mặc áo giáp, chân đi hài giống như võ tướng trên sân khấu tuồng. Tướng bà giắt trâm cài thoa, quần áo sặc sỡ giống như nữ tướng người Phiên”(12). Thời phong kiến, người Chàm còn gọi là người Phiên.

Tại huyện Hòa Vang, Quảng Nam: “Các lễ tang ma cưới xin cũng đều tùy theo lực từng nhà, nhưng hôn lễ thì phần nhiều là đi ở rể, mà chỉ một số ít người làm được lẽ đón dâu”(13).

Vùng đất Phú Yên thuộc về chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17, sau Bình Định gần 150 năm kể từ năm 1471. Đến cuối thế kỷ 19, Phú Yên lúc đó chỉ có 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa phong tục đều giống nhau: “Lấy vợ thì phần nhiều ở tại quê vợ, cho nên trong dân số người quê chính và người ngụ cư xấp xỉ bằng nhau”(14).

Các dấu vết như rể ở bên quê vợ, thờ cúng cha mẹ vợ và ông bà ngoại, người bên ngoại không được lấy nhau, không có nhà thờ tộc họ là tàn dư của mẫu hệ mà các vị sử quan theo tư tưởng Khổng Nho cho rằng đó là “phong tục chưa được thuần hậu”.

Từ năm 1471 cho đến nửa cuối thế kỷ 19, trải qua 4 thế kỷ, văn hóa mẫu hệ Chàm đã bảo lưu và dung hợp kỳ diệu trong quá trình cộng cư, cận cư.

Tuy nhiên, sự chuyển hóa hôn nhân không chỉ có đơn tuyến sang phụ hệ như người Kinh cựu (đàn ông Kinh kết hôn với phụ nữ Chàm) ở các làng Xuân Hội, Xuân Quang và Tuần Giáo, tỉnh Bình Thuận: “tang hôn tế tự đều đại khái giống tục người Kinh”(15). Trên vùng đất cũ thừa tuyên Quảng Nam, nơi nào cộng đồng Chàm còn cố kết, có thể hôn nhân mẫu hệ vẫn bảo lưu, kể cả hôn nhân với người đàn ông ngoại tộc. Ngày nay, trong các làng Chàm tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, hôn nhân giữa đàn ông Kinh với phụ nữ Chàm và giữa phụ nữ Kinh với đàn ông Chàm ngày càng nhiều do giao lưu kinh tế, văn hóa phát triển. Nhưng sau khi kết hôn, nếu vợ chồng sinh sống trong cộng đồng người Kinh thì hầu như không theo mẫu hệ, nếu sinh sống trong làng Chàm thì theo phong tục mẫu hệ, con cái nói tiếng Chàm.

Đà Nẵng, vào nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong hôn nhân giữa đàn ông Kinh với phụ nữ gốc Chàm vẫn còn và không ít người phụ nữ cam chịu làm lẽ. Người vợ thứ hai của chí sĩ Lê Bá Trinh, làng Hải Châu bên bờ tây sông Hàn, là con gái họ Ông làng Phong Lệ, chị ruột của Ông Ích Đường. Lê Bá Trinh mất năm 1934, lúc 56 tuổi, nghĩa là ông cưới người vợ thứ này vào khoảng đầu thế kỷ 20.

Ông bạn vong niên Lê Duy Anh làng An Hải, bộc bạch với tôi rằng người vợ thứ ba của ông cố của ông là bà Chế Thị Yên, và người vợ thứ của anh ông cố cũng là người Chàm có tên Bốn Tín. Theo ông, tục lệ thời đó không cho lấy phụ nữ Chàm làm chánh thất. Ông chỉ tay trên ngực xúc động bảo, trong huyết quản của tôi có một phần máu thịt của người phụ nữ Chàm, không một chút lẩn tránh.

Không ít người Việt gốc Chàm tôi có dịp trò chuyện khi đề cập đến nguồn gốc tổ tiên thì họ im lặng hoặc tìm cách khỏa lấp, lẩn tránh. Phải chăng đây là vết hằn của một thời quan niệm Khổng Nho thiên lệch cho rằng Chàm là Man, Di, Phiên thuộc, là dư chấn xung đột khốc liệt trong quá khứ, nhất là sau năm 1471, trở thành rào cản tiềm ẩn vô hình của sự cố kết dân tộc?

Sự hòa huyết giữa Kinh – Chàm đã từ rất sớm trong lịch sử, là một phần của sự hòa huyết giữa dân tộc Kinh với các dân tộc khác, góp phần làm nên dòng máu Việt. Chậm nhất là năm 982, khi vua Lê Đại Hành đánh chiếm kinh đô Chiêm Thành đem về Bắc cùng với tù binh “nhiều vô kể” là “hàng trăm cung nữ”(16). Năm 1044 và năm 1069, đã có 5.000 và 50.000 tù binh và nhiều cung nữ đưa về Bắc, nhà Lý xây cả cung điện riêng cho cung nữ Chàm. Các thế kỷ sau, những đoàn người quy phục và tù binh Chàm thời nhà Trần và nhà Lê, nhất là sau sự kiện năm 1471, sự hòa huyết tiếp tục diễn ra.

Cung nữ hòa huyết trong hoàng tộc, tù binh hòa huyết trong dân gian đã trên ngàn năm. Song song với sự hòa huyết trên là quá trình dung hợp, tiếp biến văn hóa Kinh – Chàm, góp phần làm nên bản sắc Việt.

Cuối cùng, xin dành những dòng về diện mạo người phụ nữ Chàm – người mẹ Chàm trong quá khứ, một bí ẩn còn để ngỏ.

Các vị vua Đại Việt, sau mỗi chiến công đánh chiếm kinh đô Chiêm Thành, thường đưa nhiều cung nữ về Bắc. Chỉ đơn thuần họ là một chiến lợi phẩm của cuộc chinh chiến hay còn do sức hấp dẫn của người phụ nữ Chàm? Không có sử liệu nào mô tả người phụ nữ Chàm thời Đại Việt ngoài những phù điêu trên đền tháp đã cách điệu.

Người phụ nữ xứ sương mù bên trời Âu xa lạ, bà G.M. Vassal, đã dành những dòng ca ngợi vóc dáng và nét đẹp của phụ nữ Chàm vùng Nha Trang đầu thế kỷ 20: “Người đàn bà Chăm trông khá xinh. Họ có dáng người thon thả, khuôn mặt nhìn nghiêng mang nét tinh thuần khiến người ta nghĩ đến diện mạo người phụ nữ Ấn Độ. Họ bịt một chiếc khăn rộng trên mái tóc, chéo khăn phủ hai bên đầu. Họ mặc y phục giống như cái áo người An Nam nhưng thay vì rộng thùng thình thì đàng này nó bó sát thân người… Cho dù qua bao nhiêu thế hệ lai giống, nét nguyên thủy lắm lúc còn rất rõ ràng… chúng ta lấy làm kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ vóc dáng thon gầy, diện mạo thanh tú giữa chốn núi rừng”(17).

Phụ nữ Chàm đầu thế kỷ 20 tại Kauthara cũ, xa cách về thời gian và không gian với Vijaya, Amaravati và Indrapura, có chăng cũng chỉ là sự hồi quang mờ ảo về người phụ nữ Chàm quyến rũ tại các tiểu quốc phía Bắc Chiêm Thành xưa./.

 


(1) Giới nghiên cứu cho rằng các tiểu quốc Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế), Amaravati (Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận).
(2) Nguyễn Đức Hiệp, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vietsciences,
14.10.2005: http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/ champavadisan.htm
(3) An Nam truyện, ghi chép về về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa,
Châu Hải Đường dịch và biên soạn, NXB. Hội Nhà văn, 2018, trang 247.
(4) Quốc sử quan triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương
mục, Viện Sử học dịch, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 41.
(5) Minh Thông-Vũ Văn Mẫu, Trên đường Nam tiến, 1980, trang 76,
78, 79, 81.
(6) Lê Nguyễn Lưu, “Về Thủy thiên tự, văn bản Hán Nôm cổ ở làng Câu
Nhi”, Tạp chí Cửa Việt, số 28, www.tapchicuaviet.com.vn/index.asp
(7) Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng, “Cư dân vùng Thuận – Hóa đầu
thế kỷ XV qua văn bản “Thủy Thiên” ”, tạp chí Dân tộc học, số 5.2009.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc
năm Chính Hòa thứ 18 ( 1697), NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017,
trang 521.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư , sđd, trang 478.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Viện Khoa
học xã hội Việt Nam, Viện Sử học phiên dịch và chú giải, NXB. Thuận
Hóa, Huế, 2006, trang 15.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, NXB. Thế giới,
2003, trang 1539.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, sđd, trang
1573-1574.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, sđd, trang 1461.
(14) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, sđd, trang 1612.
(15) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, sđd, trang 151.
(16) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 136.
(17) Gabrielle M. Vassal, Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm
trước, NXB. Hội Nhà văn, 2015, trang 157.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây