Hồ Quý Ly và nỗi đau ở Thiên Cầm

Hồ Quý Ly và nỗi đau ở Thiên Cầm

Cái tên Thiên Cầm sẽ rất đẹp nếu mang ý nghĩa đàn trời, nhưng cũng rất buồn nếu hiểu là ‘trời giam’. Bởi nó khiến người ta có cảm giác mang mang nhớ về một thủa đất nước loạn ly với câu chuyện về Hồ Quý Ly thất trận bị lưu đày sang phương Bắc…

Danh xưng Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) chủ yếu xuất hiện trong sử sách liên quan đến sự tích vua Hùng Vương hoặc Trấn thủ đất Hoan Châu Lê Khôi đến đây du ngoạn núi rồi đặt tên là Thiên Cầm. Tuy vậy, xuất xứ của cái tên Thiên Cầm có thể nhiều người không biết, nhưng nhắc Thiên Cầm thì ai cũng nghĩ ngay đến về Hồ Quý Ly… Không phải ngẫu nhiên mà người dân bản địa gọi Thiên Cầm là rú Cùm (Gùm), một dụng cụ được làm bằng hai tấm gỗ chắc và nặng, có đục sẵn lỗ để tra chân vào, khi ghép lại thì tạo thành ngàm để giữ chặt chân những người bị tù, bị giam. Điều đó xuất phát từ việc Hồ Quý Ly bị giặc bắt và đóng cùm ở nơi này.

Lịch sử ghi lại rằng: Sau khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly ra nhiều đạo luật hết sức hà khắc khiến cho bàn dân thiên hạ muôn nơi than oán. Lợi dụng điểm yếu đó, giặc Minh đem quân sang đánh chiếm nước ta. Thế giặc mạnh, chúng đánh tới đâu, quân nhà Hồ thua to tới đó. Trong một trận chiến sinh tử tướng sĩ nhà Hồ bị tổn thất quá lớn. Cuối cùng cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương phải dẫn đám tàn quân chạy trốn vào xứ đằng trong theo đường biển, hòng củng cố lực lượng, lập căn cứ chống giặc lâu dài.

Tới cửa Kỳ La, tức vùng Cẩm Xuyên và Kỳ Anh ngày nay, quan quân nhà Hồ gặp phải một ngọn núi sừng sững nhô ra biển chắn lại. “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: “Họ Hồ đến cửa biển Kỳ La, muốn chạy vào Tân Bình, dân ở đấy có người bô lão ra bái yết và nói: Xứ này tên gọi là xứ Ky Lê (chữ Kỳ La đọc chệch ra, có nghĩa là trói họ Lê), trên có núi Thiên Cầm”, đó là điềm không tốt, xin chớ ở đây. Quý Ly chém người ấy. Đến đây quả nhiên bị bắt trói ở chỗ ấy” (NXB Hồng Đức, tr.571).

Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt vào tháng 6 năm 1407 (tháng 5 năm Đinh Hợi) là cột mốc đánh dấu sự thất bại của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược và sự sụp đổ hoàn toàn của vương triều nhà Hồ, khởi đầu một chương đen tối trong lịch sử dân tộc. Kể từ đây, nước ta rơi vào ách đô hộ của phương Bắc trong vòng hai mươi năm (1407-1427). Sự kiện này, “Minh sử” quyển 154 có chép: “Tháng 5 đến cửa biển Kỳ La, bắt được Quý Ly và con là Thương cùng bọn ngụy thái tử, các vương, các tướng văn tướng võ, các đại thần, đóng cũi đưa về Kinh sứ. An Nam dẹp yên” .

Hồ Quy Ly “là nhân vật lịch sử phức tạp với nhiều ý kiến tranh luận trong một thế kỷ qua”. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi nữa, “lịch sử cũng cần công minh ghi nhận tinh thần yêu nước, ý chí đánh giặc giữ nước của Hồ Quý Ly và những người đứng đầu vương triều Hồ” (Phan Huy Lê). Bởi thế, đánh giá về nhân vật Hồ Quý Ly, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước đã tốn nhiều giấy mực để bàn về công – tội. Chính sách cải cách dưới triều nhà Hồ được đánh giá là tiến bộ nhưng đáng tiếc ông chưa có thời gian để thực thi và kiểm nghiệm. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong thất bại của vương triều Hồ như: Sai lầm trong tổ chức và lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhà Hồ đã không đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân để đánh giặc. Hồ Nguyên Trừng từng thẳng thắn nhận xét tại hội nghị của triều đình bàn kế đánh giặc: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi!”. Nhà thơ, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi cũng nói về thực trạng tình hình lúc bấy giờ: “Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng”.

Bên cạnh những trang chính sử, nhiều tác giả lớn thời Hậu Lê như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ, Bùi Huy Bích, Ninh Tốn đã có những tâm sự đau đáu với bi kịch lịch sử này. Trong số đó, Nguyễn Trãi trong bài thơ “Quan hải” (bản dịch của Khương Hữu Dụng) là người thấu hiểu, trăn trở về thời cuộc, về lẽ hưng vong và sức mạnh của Nhân dân bằng những câu thơ sâu sắc:

“Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển
Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi
Lật thuyền mới rõ dân như nước
Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời”.

Chỉ rõ những thất bại và nghiêm khắc phê phán những sai lầm của vương triều Hồ nhưng Nguyễn Trãi cũng viết tiếp những câu thơ trải lòng, cảm thông, xót xa cho Hồ Quý Ly trước mối hận ngàn thu:

“Họa phúc gây mầm không một chốc
Anh hùng để hận mấy trăm đời”.

Đến Thiên Cầm chắc chắn du khách phải dạo chơi bãi biển, lên chùa Cầm Sơn thắp nén nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Ở đây, ngoài chùa Cầm Sơn, còn có nhiều di tích, dấu tích liên quan đến việc Hồ Quý Ly cùng thân quyến, quan lại nhà Hồ sa vào tay giặc ở biển Kỳ La, như: ghềnh Chẩy Chẩy, hang Hồ Quý Ly, miếu thờ ông lão bị Hồ Quý Ly chém đầu, Giếng Tàu, đến những khe suối, bến tàu thuyền… Tuy nhiên cùng với thời gian, sự thay đổi của diện mạo địa lý, điều kiện tự nhiên và sự tác động của con người, đến nay, các di tích này đã bị tàn phá, thậm chí không còn dấu vết.

Bài học lịch sử về cứu nước và giữ nước nghìn đời vẫn còn vọng lại trong tiếng đàn trời du dương, trầm bổng, và đến hôm nay, Thiên Cầm đang thay đổi từng ngày. Ở đây, tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông khu du lịch với tuyến đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng; nâng cấp kè biển Thiên Cầm – Cẩm Nhượng; xây dựng một số tuyến đường trong khu du lịch Thiên Cầm… Sẽ chẳng lâu nữa, đứng trên đỉnh Cầm Sơn phóng tầm mắt ra cửa biển, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một Thiên Cầm hấp dẫn du khách; phía xa xa là hòn Én, hòn Bớc, hòn đảo Cá, cửa Nhượng…

Kiều Huyền

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây