Hoài Hương – Đôi mắt sáng nhìn lên – Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Hoài Hương - Đôi mắt sáng nhìn lên - Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

HOÀI HƯƠNG

ĐÔI MẮT SÁNG NHÌN LÊN

Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Hoài Hương tên thật là Nguyễn Hương, sinh ngày 22.12.1938 tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1958, thân sinh bị chính quyền Ngô Đình Diệm sát hại tại nhà lao Thăng Bình. Gia đình luôn bị khủng bố, ông bỏ trốn vào Sài Gòn, vừa làm vừa học. Tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa – Đại học Sài Gòn năm 1965.

Dạy học, viết báo và tham gia các phong trào yêu nước. Hoạt động nội thành từ năm 1965, thuộc Ban Văn Báo L.71, cùng tham gia xây dựng các cơ sở văn học, báo chí bí mật và tờ báo Người Việt (1968).

Tết Mậu Thân, được điều vào chiến khu. Tham gia Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa Bình. Năm 1969, công tác tại Ban Binh vận TW Cục – Viết cho Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Giải Phóng, Báo Văn Nghệ… dưới bút hiệu Hoàng Liên.

Sau năm 1975, công tác tại Hội Văn nghệ, Hội nhà văn TP và Trường Đào tạo lực lượng viết văn trẻ.

Bài thơ được viết vào những ngày Biến động miền Trung (11-3 đến 21-6-1966) tại Quảng Nam – Đà Nẵng và Huế, lúc miền Trung nổi dậy chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ và đòi Mỹ rút quân.

Đôi mắt sáng nhìn lên, đăng trên Sinh viên số 4 – 1967, Lê Duy Hạnh đã soạn thành hoạt cảnh. Trước 1975, bài thơ này khá quen thuộc và phổ biến rộng rãi trong phong trào đấu tranh đô thị tại các tỉnh – thành miền Trung và cả nước, dưới dạng ronéo.

Sau năm 1975, Hoài Hương vẫn tiếp tục sáng tác, in một số truyện và ký.

*

Đôi mắt sáng nhìn lên là bài thơ mô tả không khí xuống đường, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong những ngày bão lửa của mùa hè năm 1966 tại miền Trung. Bài thơ vừa có chất tình ca vừa có tính tráng ca. Nằm trong mô tuýp như Núi Đôi của Vũ Cao, Quê Hương của Giang Nam, song, ở đây, không khí chiến tranh ác liệt hơn, một Đà Nẵng hừng hực lửa, một Đà Nẵng xuống đường, biểu ngữ, loa vang, tàu bay quần lượn, lựu đạn cay, lựu đạn lửa / cháy ngất phố phường:

Năm ngoái anh về quê
Trời cuối xuân ngập nắng
Đứng bên ni bờ sông Đà Nẵng
Nhìn bên kia đồn lũy trập trùng
Xe nhà binh cuốn bụi đỏ mênh mông
Vun vút giữa từng không
Từng bầy máy bay phản lực
Quê hương ta khói nồng oi bức
Ngàn ngày đêm hừng hực lửa giao tranh

Giữa những ngày Đất chuyển trời rung / Bay rợp bóng tinh kỳ / Thắm đỏ mấy công viên / Trắng mặt đường khẩu hiệu… em có mặt:

Em lộng lẫy giữa rừng người đông đảo
Không chỉ đẹp vì anh
Mà sắc đẹp kiêu hùng của quê hương độc đáo
Của Đà Nẵng, Thừa Thiên ầm ầm giông bão
Ngàn bận xông lên, quét lũ bạo tàn …

Hình tượng trung tâm của bài thơ là dôi mắt. Trong văn học, mỗi nhà thơ có cái nhìn riêng về đôi mắt. Nguyễn Du mô tả nỗi buồn xa xăm của nàng Kiều khi đứng trước trước lầu Ngưng Bích, buồn trông … buồn trông … buồn trông … buồn trông … Lưu Trọng Lư mô tả mắt người thương: mắt em là một dòng sông. Quang Dũng, nhà thơ, họa sĩ tài hoa vẽ nên đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn, nhớ nhung.

Qua đôi mắt, nhận ra thế giới tâm hồn, nhân cách, vẻ đẹp nhân ái. Đôi mắt, nơi chứa đựng nhiều cảm xúc của con người. Từ đôi mắt, có thể nhận ra cung bậc vui, buồn, yêu thương, có thể nhìn ra thế giới nội tâm của con người. Có những tác phẩm nổi bật nhờ hình ảnh đôi mắt, qua đó, ta phát hiện ra những hình tượng thơ xuất sắc và giàu cảm xúc.

Hoài Hương tập trung và chăm chút hình tượng này, gửi gắm vào đây bao thương yêu, cảm phục, bao nghẹn uất, đau đớn. Và, cái còn lại của bài thơ, lưu giữ ấn tượng nơi người đọc vẫn là đôi mắt.

“Đôi mắt” là hình ảnh trung tâm bài thơ. Lời thơ yêu thương, ngọt ngào, pha chút lãng mạn dành cho “đôi mắt, đôi mắt long lanh màu nước biếc”:

– Đôi mắt sáng nhìn lên long lanh màu nước biếc
– Cờ trên tay, đôi mắt sáng hòa bình
– Anh nắm tay em
Như cố tìm “Đôi mắt sáng nhìn lên”
Đôi mắt ngày xưa long lanh màu nước biếc
Đôi mắt Việt Nam, ôi hiền lành diễm tuyệt
Em cúi dâng màu mắt, dựng đời chung…
– Anh nắm chặt tay em
Như nắm vững tương lai rạng rỡ vô cùng
Dù đôi mắt mất đi nhưng kiêu hùng vẫn đó

HUỲNH VĂN HOA


ĐÔI MẮT SÁNG NHÌN LÊN

Năm ngoái anh về quê
Trời cuối xuân ngập nắng
Đứng bên ni bờ sông Đà Nẵng
Nhìn bên kia đồn lũy trập trùng
Xe nhà binh cuốn bụi đỏ mênh mông
Vun vút giữa từng không
Từng bầy máy bay phản lực
Quê hương ta khói nồng oi bức
Ngàn ngày đêm hừng hực lửa giao tranh…
Một buổi chiều, em đập cửa gọi anh
Đôi mắt sáng nhìn lên long lanh màu nước biếc
Ngày hôm ấy cả quê mình quyết liệt
Dân xuống đường, ơi ới gọi nhau đi
Đất chuyển trời rung
Bay rợp bóng tinh kỳ
Thắm đỏ mấy công viên
Trắng mặt đường khẩu hiệu
Em lớn giữa nhân dân như thiên thần tuyệt diệu
Cờ trên tay, đôi mắt sáng hòa bình
Đi bên em, có ngàn vạn tinh binh
– Chị bán cháo, anh phu hồ, bác công nhân hải cảng
Hôm trước sống bình yên
Chiều nay… làm cách mạng
Toàn phố phường là đội ngũ tiền phong
Những mẹ già, nước mắt thấm quanh tròng
Run rẩy thét
– Tự Do, Hòa Bình, Cơm áo…
Em lộng lẫy giữa rừng người đông đảo
Không chỉ đẹp vì anh
Mà sắc đẹp kiêu hùng của quê hương độc đáo
Của Đà Nẵng, Thừa Thiên ầm ầm giông bão
Ngàn bận xông lên, quét lũ bạo tàn

Những ngày đẹp vinh quang
Những đêm dài thức trắng
Những phiên gác đầu tay, mang ít nhiều lo lắng
Nhìn tàu bay quần lượn… Nhức ruột trời quê…

Rời chiến trận Miền Tây
Anh vội vã bay về
Khi nhận được tin em, giữa lòng quê ngã gục
Cuộc đấu tranh vẫn trường kỳ tiếp tục
Dù ở ngoài đời hay ở trong tim
Dù nổi sóng đại dương hay lặng trước im lìm
Thì nợ máu…
Máu phải đong bằng máu
Em ngã xuống giữa buổi chiều tháng sáu
Cờ trên tay lảo đảo
Hàng ngũ thét căm hờn
Lựu đạn cay, lựu đạn lửa
Cháy ngất phố phường, đau quặn cả giang sơn
Người tới đỡ em lên… Thương em như trời biển…
Anh bỏ lại chiến trường
Tìm em trong bệnh viện
Nước mắt lưng tròng chứa chất vạn hờn căm
Anh nắm tay em
Như cố tìm “Đôi mắt sáng nhìn lên”
Đôi mắt ngày xưa long lanh màu nước biếc
Đôi mắt Việt Nam, ôi hiền lành diễm tuyệt
Em cúi dâng màu mắt, dựng đời chung…

Anh nắm chặt tay em
Như nắm vững tương lai rạng rỡ vô cùng
Dù đôi mắt mất đi nhưng kiêu hùng vẫn đó
Thành Đà Nẵng – Trái tim ngời máu đỏ
Đứng muôn đời giữa núi Ngũ Hành Sơn
Dù gian nan, tủi nhục vẫn không sờn
Cả chín phố phường ngả trong lòng Tổ quốc
Anh sẽ đưa em về
Giữa công trường Độc – lập
Ngồi yên nghe cây cỏ ngát hoa đời
“TỔ QUỐC MÌNH CÒN ĐẸP MÃI EM ƠI”

Nguồn: Tiếng hát những người đi tới, Tuyển tập thơ văn, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, 1993

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây