Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Hoàng Đạo Thúy sinh vào năm đầu tiên của thế kỷ 20, cuộc đời ông đi trọn gần một thế kỷ theo cách mạng, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Bản thân ông cũng trở thành một nhân vật lịch sử. Ông cũng là một trong những người được Hồ chủ tịch rất quý mến, hướng vào những việc thiết thân với sức khỏe của quốc dân. Năm tháng thời gian đi qua, những việc Hoàng Đạo Thúy đã làm, càng cho thấy ông là một người Việt Nam yêu nước, biết cống hiến từ sức khỏe và trí tuệ của mình cho đất nước.

chan dung 1 min - Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai.

Tên tuổi huynh trưởng của phong trào Hướng đạo Việt Nam – Hoàng Đạo Thúy đã từ lâu vang xa. Cuộc đời ông là cuộc đời hoạt động sôi nổi hiếm có trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các thành tựu nghiên cứu ở các mảng giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, thể dục thể thao, lịch sử, văn hóa. Ông đã để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội và được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam. Hoàng Đạo Thúy mất năm 1994 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Trước khi mất, ông để lại bài thơ Ngủ quên thanh thản trong đời sống thấm đẫm chất thiền:

Gió thoảng, trăng trong buổi mát trời

Ngủ quên không dậy” việc thường thôi

Các con chớ giận không từ biệt

Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi

Cái chính chỉ là một lời dặn:

“Giữ lòng trung hậu ở trên đời”

Nhớ thương ghi tạc tình cao cả

Tổ quốc bền lâu với đất trời.

Lần giở ngược thời gian, xâu chuỗi sự sinh thành và trưởng thành của Hoàng Đạo Thúy, chúng ta càng thấy sự tất yếu của một cuộc đời kẻ sĩ luôn đặt đất nước và nhân dân lên trên hết, lấy sự phụng sự bằng toàn bộ kiến thức và nhiệt huyết của mình cho con đường mà nhân dân đã chọn. Năm Canh Tý (1900), ông cử nhân Hoàng Đạo Thành sinh cậu con trai út, đặt tên là Hoàng Đạo Thuý. Hẳn ông không ngờ người con trai út sinh sau đẻ muộn này ngày sau sẽ làm rạng danh tổ tiên, trở thành một nhà văn hoá mà tên tuổi còn mãi trong lòng người Hà Nội. Thuở nhỏ, Hoàng Đạo Thúy theo học tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội). Học xong, ông làm giáo viên tiểu học tại trường Sinh Từ từ những năm 1920. Trong thời gian dạy học, ông bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về xã hội, lịch sử dân tộc. Người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết đó lúc nào cũng đau đáu tìm con đường nâng cao dân trí, thể lực cũng như giáo dục lối sống, tính cách cho người Việt. Ông đã tìm thấy điều đó ở phong trào Hướng đạo. Tìm hiểu về các tài liệu về Hướng đạo của Liên đoàn Hướng đạo Pháp, Hoàng Đạo Thúy cho rằng đây là một cách để chấn hưng và truyền bá văn hóa của người Việt Nam thời hiện đại.

PVK dang quay t sa 2000 min 800x514 - Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (quay phim) tại Trường Sa năm 2000.

Đặc điểm của phong trào hướng đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên đặt căn bản sự tự nguyện, bồi bổ thể lực, không hoạt động và cổ vũ về mặt chính trị. Hoạt động được mở ra cho tất cả thanh thiếu niên không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch. Mục đích căn bản của hướng đạo là giáo dục người trẻ trở thành những công dân có sức khỏe tốt, hữu ích cho Tổ quốc và xã hội.

Để duy trì mục tiêu và nguyên lý của phong trào hướng đạo, các phương pháp được áp dụng là: Dùng luật và lời hứa để giáo dục; Cung ứng nhiều loại sinh hoạt như: trò chơi, cắm trại, tham du; Học hỏi qua thực hành; Dùng đời sống ngoài trời làm môi trường sinh hoạt; Tăng cường sức khỏe; Dùng phương pháp đoàn đội để huấn luyện trẻ có cơ hội biết lãnh trách nhiệm; Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cùng với tinh thần hữu nghị và sự thông cảm quốc tế… Bắt tay vào hành động, năm 1929, Hoàng Đạo Thúy cho in quyển Hướng đạo sinh tại Nhà in Đông Tây ở Hàng Bông. Cùng trong năm này, ông cùng một số bạn đồng chí thành lập “Hội Hướng đạo Việt Nam”.

Năm 1931, Hoàng Đạo Thúy thành lập Ấu đoàn Việt Nam đầu tiên tên là đoàn Lê Lợi, với tên rừng là Hổ Sứt (sau đổi tên thành Hổ mài nanh). Một trong những mục đích của Ấu đoàn là tăng cường sức khỏe cho tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam để từ đó làm tiền đề cho tương lai của chính họ. Cùng với việc thành lập đoàn Lê Lợi, một bạn đồng chí của ông là bác sĩ Trần Duy Hưng đã thành lập Thiếu đoàn Hùng Vương. Lúc đó, các tổ chức hướng đạo Việt Nam này dùng danh xưng là Ðồng tử quân.

Năm 1933, Hoàng Đạo Thúy đổi lại danh xưng là Hướng Đạo Sinh và chọn áo sơ mi màu củ nâu với quần cụt màu xanh nước biển làm đồng phục. Tổ chức và sinh hoạt theo mẫu Hướng đạo Pháp. Phong trào phát triển rất nhanh, với sự gây dựng của các trưởng đi tiên phong và sự giúp đỡ của Hướng đạo Pháp. Hướng đạo Việt Nam khi đó đã tổ chức được 3 ngành: Ấu, Thiếu và Tráng. Đáng kể nhất là Tráng đoàn Lam Sơn, một trong những tráng đoàn đầu tiên cột trụ của phong trào Hướng đạo Việt Nam tại miền Bắc do chính Hoàng Đạo Thúy hướng dẫn. Ông cũng là tác giả các cuốn Hướng Đạo Đoàn, Đội Của Tôi với bút hiệu Ba Tô. Năm 1936, khi Liên hội Đông Dương được thành lập, ông là một trong những Ủy viên phụ trách ngành Tráng sinh và là Thủ lĩnh của phong trào hướng đạo Bắc Kỳ được người Pháp hết sức nể trọng.

PVK xem viet chu thu phap min 800x507 - Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai xem thư pháp, viết chữ.

Đến những năm 1940, Hội Hướng đạo Việt Nam có tổ chức rộng khắp Đông Dương. Trong số những tráng sinh ngày ấy nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cốt cán trong chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Dương Đức Hiền, Vũ Quý… Với tinh thần yêu nước, ông đã có liên lạc với một số nhà cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh. Năm 1943, với sự hướng dẫn của ông Vũ Quý, Hoàng Đạo Thúy bắt đầu hướng phong trào hướng đạo tham gia phong trào Việt Minh.

Có thể khẳng định, Hoàng Đạo Thúy là một trong những người đầu tiên quan tâm đến thể chất và cả sức khỏe tinh thần cho con người Việt Nam mới. Chính điều này đã được Hồ chủ tịch nhiều lần khẳng định và mời ông tham gia những công việc ích quốc, lợi dân.

Sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Đạo Thuý đã tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực và giữ những cương vị như: Đại biểu Quốc hội khoá 1, Trung đoàn trưởng, Cục trưởng Cục Giao thông công binh, rồi Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ tổng tham mưu, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc. Đích thân Bác Hồ trao cho ông nhiệm vụ làm Chủ tịch phong trào thi đua toàn quốc. Quan hệ giữa ông với Hồ chủ tịch là một quan hệ đặc biệt trên tinh thần trọng thị hiếm thấy. Bác Hồ luôn quý trọng Hoàng Đạo Thúy từ trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng chưa bao giờ ông dùng mối quan hệ này để mưu cầu danh lợi riêng cho mình. Đó cũng là đức tính đặc biệt mang phẩm cách nhá nho của họ Hoàng. Ông được phong quân hàm Đại tá từ năm 1958. Năm 1962, ông chuyển ngành sang công tác tại Ủy ban Dân tộc Trung ương và giữ chức Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương. Ông giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu năm 1966.

IMG 0201 min 800x533 - Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu sách.

Trên các cương vị quân sự được giao, Hoàng Đạo Thúy đã phát huy toàn diện khả năng tổ chức và kiến thức khoa học vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Trong kháng chiến, thiếu thốn trăm bề nhưng những đóng góp của Cục trưởng Giao thông Công binh; Cục trưởng Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu; Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy là hết sức đáng ghi nhận. Bằng tài tổ chức và uy tín xã hội của ông, các nhiệm vụ luôn được hoàn thành ở mức độ cao và ở độ sáng tạo lớn. Đứng đầu ngành Thông tin liên lạc Quân đội, trong các chiến dịch lớn nhỏ, Hoàng Đạo Thúy cùng bộ đội thông tin đã có những đóng góp vượt bậc mà đỉnh cao là kỳ tích trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Một điều đặc biệt, Hồ Chủ tịch, người trực tiếp phát hiện và bổ nhiệm Hoàng Đạo Thúy vào các cương vị quân sự luôn tin tưởng và hết sức lắng nghe ông cùng các nhân sĩ, trí thức tham gia quân đội. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Hồ Chủ tịch trong việc trọng dụng nhân sĩ trí thức trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một vẻ đẹp coi hiền tài là nguyên khí quốc gia của văn hóa Việt Nam.

DSCF8170 min 800x600 - Hoàng Đạo Thúy “Giữ lòng trung hậu ở trên đời” - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (giữa) đang thảo luận.

Khi chuyển ngành sang Ủy ban Dân tộc Trung ương giữ chức Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương, Hoàng Đạo Thúy đã có những đóng góp lớn trong việc hệ thống, sắp xếp khoa học các loại hình đào tạo của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển và nền tảng văn hóa Việt Nam. Thời gian này cũng là thời gian ông nghiên cứu và viết nhiều sách chuyên đề về giáo dục, xã hội, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các vấn đề văn hóa Hà Nội. Ngay trong lòng Hà Nội, ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất, các trí thức vẫn miệt mài nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực theo sở trường của mình cho dân tộc.

Đối với Hoàng Đạo Thúy, người trí thức xuất thân huynh trưởng của phong trào Hướng đạo Việt Nam, trong toàn bộ cuộc đời mình đã giành hết tâm huyết và trí tuệ phụng sự nhân dân và Tổ quốc. Niềm tin vào lẽ sống của người trí thức luôn là ngọn đèn bền bỉ, những đóng góp không biết mệt mỏi góp phần làm nên những nền tảng bền vững về khoa học, nghệ thuật của một đất nước vốn hàng trăm năm trầm luân trong loạn lạc chiến tranh.

Ở những ngày hòa bình, phát triển như hôm nay, chúng ta luôn tưởng nhớ và biết ơn các thế hệ cha anh đã đóng góp máu xương và trí tuệ để Việt Nam ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng mong mỏi của nhân dân.

Thành phố Hà Nội đã lấy tên ông đặt cho một con đường trong khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính, đây là sự ghi nhận công lao của ông đối với đất nước, đặc biệt là các phong trào ông cùng đồng chí chủ trì có lợi về nhiều mặt trong đó có sức khỏe với quốc dân.

 

———–

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây