Khai quật khảo cổ một số điểm di tích tại Quảng Ninh

Khai quật khảo cổ một số điểm di tích tại Quảng Ninh
Đền An Sinh. Nguồn: Báo Quảng Ninh

Bộ VHTTDL đã ban hành các Quyết định cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại một số điểm di tích trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tại Quyết định số 1955/QĐ-BVHTTDL, Bộ VHTTDL cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại điểm di tích Am Hoa, thôn Linh Tràng và di tích đền An Sinh, xã An Sinh thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích khai quật là 800m2, cụ thể như sau: Điểm di tích Am Hoa: 500m2, gồm 03 hố: (H1: 200m2 = 10m x 20m; H2: 200m2 = 10m x 20m; H3: 100m2 = 10m x 10m); di tích đền An Sinh: 300m2, gồm 02 hố: (H1: 150m2 = 10m x 15m; H2: 150m2 = 10m x 15m).

Tại Quyết định số 1957/QĐ-BVHTTDL, Bộ VHTTDL cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích Trại Cấp thuộc Đội 8, thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích khai quật: 980m2, gồm 03 hố (H5: 600m2 = 20m x 30m; H6: 300m2 = 10m x 30m; H7: 80m2 = 08m x 10m).

Thời gian khai quật tại các di tích nói trên từ ngày 25/8/2022 đến ngày 25/12/2022. Chủ trì khai quật là bà Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Quảng Ninh, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây