Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh tụ Lê Lợi – “linh hồn” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh tụ Lê Lợi - “linh hồn” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Mộ vua Lê Thái Tổ trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Bàn về tài lãnh đạo khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi, sách “Đại việt sử ký toàn thư”, khẳng định: “Phép dụng binh của vua là biết lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh, cho nên hay thắng”. Nhờ vậy, “Kinh dinh thiên hạ trong khoảng 10 năm, dẹp yên loạn lớn mà nên nghiệp đế”!

Có nhận định cho rằng, bất kỳ cuộc khởi nghĩa nào, dù xuất phát từ mục đích đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc hay khởi nghĩa nông dân chống lại chế độ phong kiến, thì vai trò của người lãnh tụ khởi nghĩa đều rất quan trọng. Theo PGS Vũ Ngọc Khánh: “Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa mà không đủ tài năng, không có tín nhiệm, lực lượng khởi nghĩa không tìm nổi được vị lãnh tụ cho mình, thì cuộc khởi nghĩa chóng chầy cũng chỉ đưa đến thất bại. Trong hoàn cảnh xã hội ngày xưa, khi chưa biết đến lý luận về đội tiên phong của giai cấp, khi sự lãnh đạo tập thể chưa được nhận ra để biến thành một khâu tổ chức, thì vai trò cá nhân của người lãnh tụ là một điều kiện tiên quyết đối với phong trào”.

Trở lại bàn về vai trò của chủ soái Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh cũng đã chỉ rõ những tố chất của một minh chủ trong con người ông: Chúng ta đã biết về con người Lê Lợi, khi ông là một hào trưởng ngầm nuôi chí lớn, với những phẩm chất tốt đẹp mà các sách Toàn thư, Cương mục đã ghi. Ở tư cách một người lãnh tụ cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi ắt hẳn phải có nhiều ưu điểm khác nữa. Phải cố gắng tìm hiểu thêm vài khía cạnh ở lĩnh vực này thì mới hiểu được vì sao ông đã có thể tập hợp được nhiều bạn bè đồng chí, lãnh đạo họ cũng như lãnh đạo phong trào đi đến thắng lợi vẻ vang. Sự cố kết nhân tâm của Lê Lợi thật là vững bền, chắc chắn, rất hiếm thấy ở nhiều phong trào. Có thể cắt nghĩa điều bí mật này từ lòng yêu nước, căm thù giặc của toàn thể dân chúng và nghĩa quân. Có thể nghĩ đến sự giác ngộ sâu xa, tiềm ẩn trong những người tiền tiến, biết rõ cái lẽ hưng vong mà Lê Lợi nắm chắc. Lại có thể nghĩ đến sự ân cần “hậu đãi tân khách” của vị chủ trại Lam Sơn. Song, còn điều cần được nêu lên nữa là Lê Lợi đã có những đức tính cao đẹp, giàu sức hấp dẫn và thuyết phục. Đó là những cái nên được gọi là tố chất của người minh chủ, nhờ đó mà quyến cố được lòng người.

Với những tố chất giúp “quyến cố được lòng người” ấy, mà khi dựng cờ khởi nghĩa vào năm Mậu Tuất 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thu hút được lực lượng rộng rãi và gây cho quân địch nhiều thương vong. Dẫu có lúc gặp vô vàn gian khó: “Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần/ Nơi duy ác hiếm người bàn bạc”; hay “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”… Song với tinh thần “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn/ Ta gắng trí khắc phục gian nan/ Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, cuộc khởi nghĩa trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai” đã đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ở khía cạnh quan niệm khởi nghĩa vũ trang như là một nghệ thuật, có nhận định cho rằng, Lê Lợi không giống như nhiều lãnh tụ khởi nghĩa khác, biết sức mình chưa đủ, nhưng cũng cứ làm liều. Chắc chắn ông thấy rõ từ những ngày đầu, lực lượng mình thua kém địch rất nhiều, nhưng trong “những cái thua vẫn có nhiều cái được”, nên đã chủ động phất cờ, không cho địch tấn công mình trước. Rồi trong suốt thời gian chống đỡ, khi ở thượng du Thanh Hóa, khi phát triển lực lượng kháng chiến vào Nam ra Bắc, ông đã luôn luôn thực hành chiến lược tiến công, không hề lui bước. Chọn đúng thời cơ vào Nghệ An, ra Thanh Hóa rồi vụt vào Tân Bình, Thuận Hóa chỉ trong vòng một năm là tiến ra Đông Quan, nghĩa quân Lam Sơn đã tỏ rõ chí quyết tâm hành động tấn công cả hai mặt quân sự và chính trị. Đặc biệt, Lê Lợi đã nắm chắc nghệ thuật khởi nghĩa một cách tài tình, linh hoạt.

Sự tài tình, linh hoạt ấy còn được thể hiện trong những sách lược chính trị và quân sự cho hợp với điều kiện khởi nghĩa. Đó là phát động khởi nghĩa đúng lúc, cầu hòa vào thời gian thích hợp, xây dựng căn cứ mới đúng thời cơ, chuyển quân mở rộng địa bàn hoạt động lúc có điều kiện. Đó là việc điều hành bộ tham mưu khởi nghĩa Lam Sơn một cách uyển chuyển, khôn ngoan, khi bí mật, lúc công khai, khi tấn công, khi thoái thủ… Đúng là biết tổ chức cho thắng lợi tới gần. “Lịch sử chiến tranh ở nước ta cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng chưa có cuộc khởi nghĩa nào đồng thời tiến hành cả hai phương thức đánh và đàm, bền bỉ, khéo léo như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn” (PGS Vũ Ngọc Khánh).

Có rất nhiều minh chứng về tài thao lược của vị minh chủ đất Lam Sơn, song theo TS. Trần Văn Hùng, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), thì một điểm nổi bật thể hiện tài lãnh đạo và nghệ thuật quân sự độc đáo của Bình Định Vương Lê Lợi và bộ tham mưu của ông trong khởi nghĩa Lam Sơn là kế hoạch “vây thành diệt viện”. Từ cuối năm 1426, trên chiến trường Đại Việt, tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về nghĩa quân Lam Sơn. Sau thắng lợi của ta ở Tốt Động – Chúc Động (cuối năm 1426), những cố gắng giành lại thế chủ động cho nhà Minh của Vương Thông đã thất bại và thành Đông Quan hoàn toàn bị bao vây. Quân địch mặc dù còn khoảng 4 – 5 vạn tên, nhưng ngày càng cùng quẩn, phải đắp thành lũy hy vọng cố thủ để chờ viện binh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Lam Sơn thực lục, đều chép: “Vua (Lê Lợi) tự mình đốc thúc các tướng ngày đêm đánh thành Đông Đô; bọn tướng Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận ấy, lòng nản, chí nhụt, kế cùng, viện binh thì tuyệt, quân ta càng đánh càng thắng, khí thế càng hăng”. Vương Thông một mặt cho tăng cường khả năng phòng thủ, mặt khác cho người đưa thư xin giảng hòa với nghĩa quân.

Khi 15 vạn viện binh của nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy tiến vào nước ta (tháng 10-1427), việc cùng lúc phải đối phó với cả hai cánh quân là rất khó khăn đối với nghĩa quân. Vì lực lượng của ta lúc này có khoảng 35 vạn, trong đó một bộ phận phải thực hiện nhiệm vụ bao vây 10 vạn quân Minh trong thành; một bộ phận bảo vệ hậu phương; còn lại lực lượng cơ động tham gia đánh viện binh không nhiều. Nghệ thuật quân sự đã chỉ rõ nguyên tắc dùng binh: “Binh lực gấp mười lần đối phương thì bao vây, gấp năm lần thì tấn công, gấp hai lần thì cố gắng đánh thắng”. Lúc này, tương quan so sánh lực lượng của ta là 35 vạn quân đối phó với 25 vạn quân Minh. Ta gấp 1,4 lần quân Minh, nên sẽ rơi vào tình huống là “cố gắng đánh thắng”. Do vậy, Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định lựa chọn tấn công cánh quân do Liễu Thăng chỉ huy. Đó là quyết định đúng đắn dựa trên những phân tích và thể hiện tư duy quân sự sâu sắc của Lê Lợi và bộ tham mưu. Với quyết định này, cùng với việc sử dụng nhuần nhuyễn các chiến thuật quân sự và hiệp đồng tác qua mỗi trận đánh, đã làm nên những chiến công vang dội: “Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế/ Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu/ Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong/ Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn/ Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá/Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau/ Lại thêm quân bốn mặt vây thành/Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc”.

Chiến thắng của chiến dịch đánh 15 vạn viện binh có ý nghĩa quyết định, đã buộc quân Minh ở Đông Quan, Tây Đô và Cổ Lộng phải đầu hàng. Từ đó, tạo tiền đề dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Nhân dân ta. Bởi vậy, “Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang đã trở thành một chiến thắng lịch sử được ghi hàng chữ vàng chói lọi trong những trang sử chống ngoại xâm bất diệt của dân tộc, ngang hàng với những chiến thắng Bạch Đằng, Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh…” là vì thế!.

Bàn về tài lãnh đạo của chủ soái Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại, sách “Đại việt sử ký toàn thư” có đoạn: “Vua trí thức hơn người, sáng suốt mà cương quyết, không thể lấy quan tước mà dụ dỗ được, lấy uy thế mà dọa nạt được. Trước đấy người Châu Hóa là bọn Đặng Tất và Nguyễn Súy cùng nhau lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ đều hèn nhát, lại say đắm tửu sắc biết là không nên việc, mới ẩn náu ở rừng núi, để lòng nghiên cứu thảo lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập những dân lưu li, hăng hái dấy nghĩa binh, chỉ muốn dẹp loạn lớn (…). Phép dụng binh của vua là biết lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh, cho nên hay thắng. Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thân Nguyễn Trãi làm thư dụ bảo cho điều họa phúc, cho nên không đánh mà phải đầu hàng. Chưa từng giết bậy một người nào, bắt được viện binh của nhà Minh hơn 10 vạn người đều tha hết cả. Kinh dinh thiên hạ trong khoảng 10 năm, dẹp yên loạn lớn mà nên nghiệp đế”.

Có thể khẳng định, “Quy luật lịch sử vốn có những nghiệt ngã riêng của nó và chỉ có người nắm được quy luật lịch sử, hay ít ra hành động phù hợp quy luật lịch sử, mới làm ra được lịch sử mà thôi” (PGS Vũ Ngọc Khánh). Và, vận mệnh dân tộc ta ở thế kỷ XV đã chờ đợi một nhân vật như thế – nhân vật đã làm thay đổi hoàn toàn dòng lịch sử, đã biến một dân tộc dưới đáy thân phận nô lệ, trở thành một dân tộc độc lập, tự cường và phát triển hưng thịnh. Nhân vật lịch sử ấy chính là Bình Định Vương, Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi!.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

———————–

(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Lê Lợi và đất Lam Sơn”; Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).

————————-

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 1): Mở ra thời đại “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”!

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Hội thề Lũng Nhai – hội thề lịch sử!

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây