Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 12 – Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà

Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 12 - Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 12 - Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 12 - Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà

Tác giả Vũ Hùng

 

Chuyện về
vị Chánh biểu tộc Trà

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 9 năm 2018. Trong căn nhà cấp 4 trên đường Dương Bá Cung, khu tái định cư phường Hòa Xuân, đất làng Liêm Lạc cũ, ông Trà Thanh Lợi, Chánh biểu tộc Trà Nam – Bắc, nói cách khác là vị Tộc trưởng tộc Trà toàn quốc, với thần thái cởi mở chân thành, giọng nói sang sảng, đã trò chuyện về tộc Trà và về gia đình ông. Vóc người đậm, chắc, đã 83 tuổi, ông vẫn nhanh nhẹn. Có lẽ màu da hơi sậm là dấu vết mờ nhạt duy nhất của tổ tiên xưa di truyền lại trên ông.

1. Năm 1990, nghỉ hưu, tôi lân la tìm đến tộc Trà ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, ở xã Hòa Phong, Hòa Vang, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, để tìm hiểu tộc Trà ở các nơi ấy có quan hệ gì không với tộc Trà của mình. Những năm sau, tôi tìm đến tộc Trà ở các xã Bình Định Bắc (nơi có di tích cố đô Đồng Dương), Bình Phục, Bình Tú, Điện Phước… Bà con tộc Trà ai cũng vui và mong muốn cố kết những người tộc Trà lại với nhau. Chúng tôi bàn bạc thống nhất sẽ đóng góp xây một nhà thờ tộc Trà ở Hòa Minh làm nơi thờ tự chung, nơi Tộc Trà đã ở đây được 10 đời. 

Dự định trên đang manh nha, tôi nhận được một lá thư của một người tộc Trà ở tỉnh Thái Nguyên. Chuyện này là do một anh phóng viên họ Trà, quê tỉnh Bình Định, làm việc tại Đài truyền hình Đà Nẵng, cung cấp địa chỉ cho họ. Trong khi làm các phóng sự, phim tài liệu phát trên truyền hình trung ương, bút danh của anh ghi họ Trà, nên người tộc Trà ở Thái Nguyên chú ý và tìm cách liên hệ. Anh ấy biết tôi nên giới thiệu với họ. Lá thư từ Thái Nguyên rất cảm động, bà con tộc Trà ở đây mong muốn được đóng góp xây nhà thờ tộc ở Hòa Minh và mời tôi ra Thái Nguyên.

Cụ Trà Đức Bình đã trên 100 tuổi và con cháu ở thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, cách thành phố Thái Nguyên chừng 50 cây số, vui mừng đón một người đồng tộc lần đầu tiên từ miền Trung xa xôi và xa lạ. Chuyện trò mới biết ông Trà Đức Bình từ Hải Dương lên đây vào thời kháng Pháp. Ông có 8 người con, 3 trai, 5 gái, từ đó sinh sôi thành tộc Trà ở thị trấn này.

Rời Thái Nguyên tôi xuống thành phố Hải Dương, quê gốc của ông Bình, ở phường Trần Phú. Tộc Trà ở đây mới có 5 – 6 đời. Vị quan Trà Đức Được được triều Nguyễn bổ ra đây, theo tộc phả, ông có 7 người con, 4 gái, 3 trai, nhưng chỉ có 2 người con trai có con nối dõi.

Một người có 2 trai 1 gái, người kia có 3 trai và 4 gái. Số người tộc Trà ở thành phố Hải Dương cũng không khá hơn ở Thái Nguyên bao nhiêu.

Sau lần ra Bắc ấy tôi còn liên hệ được tộc Trà một số địa phương khác nữa, đại diện tộc Trà càng đông hơn và nhu cầu phải xây dựng một nhà thờ tộc Trà chung càng thôi thúc, dự kiến xây tại phường Hòa Minh thay đổi, nhất trí chọn địa điểm mới để xây dựng nhà thờ tộc ở thôn Tây, xã Điện Thọ, Điện Bàn. Chọn thôn Tây vì tại đây có hai ngôi mộ cổ 500 năm của vợ chồng vị thủy tổ khắc chữ Nho trên bia là Trà Đại Lang. Thôn Tây là quê tôi, đến đời tôi, tộc Trà ở đây đã được 21 đời, trên 500 năm. Sau này, nếu phát hiện nguồn gốc thủy tổ ở nơi khác cổ hơn sẽ bàn bạc tính toán. Đến nay, hai ngôi mộ Tổ đã dời ra Nỗng An Thới, xã Điện Hòa, được tu bổ khang trang hơn.

Tại xã Đại Thắng, Đại Lộc, cũng có ngôi mộ cổ tộc Trà nhưng mới trên 300 năm. Theo bà con tộc Trà ở đây cho biết, bia của ngôi mộ cổ này ban đầu ghi chữ Chàm, thời nhà Nguyễn có tranh chấp thủy tổ với họ khác nên chữ ấy bị đục phá đi. Hiện nay, bia ghi chữ Nho.

Năm 1998, nhà thờ tộc Trà tại Thôn Tây được khánh thành. Trước tiền đình ghi “Tộc Trà Bắc – Nam”. Ngày khánh thành nhà thờ cũng là lần đầu tiên tiến hành giỗ tộc Trà toàn quốc, có khoảng 200 đại diện tộc Trà từ các tỉnh, thành về dự. Mọi người đồng ý lấy ngày khánh thành nhà thờ làm ngày giỗ tộc, định kỳ 2 năm 1 lần và thống nhất cử tôi làm Tộc trưởng tộc Trà chung. Từ giỗ tộc lần thứ 5 đến nay, các đại biểu đã chọn ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ tộc Trà. Ngày giỗ tộc vừa qua có khoảng 700 đại biểu các tỉnh thành về dự, đông nhất là các đại biểu từ tộc Trà Đại Lãnh 34 người, đại diện tộc Trà ở Hải Dương, Thái Nguyên cũng về dự.

Tộc Trà hiện có mặt ở nhiều tỉnh thành, nhiều nơi đã có nhà thờ tộc. Tại Quảng Nam và Đà Nẵng, sống tập trung và luôn về dự giỗ tộc định kỳ là tộc Trà phường Hòa Minh, thôn La Châu xã Hòa Khương, các xã Điện Thọ, Điện Phước, Đại Lãnh, Đại Thắng, Bình Định Bắc, Bình Phục, Bình Tú; đại diện tộc Trà ở các huyện Núi Thành, Trà My, Tiên Phước.

Tộc Trà tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cà Mau, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Ngãi thường có đại biểu về dự giỗ Tổ. Vưa rồi, đã làm lễ khánh thành nhà thờ tộc Trà tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhà thờ tộc Trà ở huyện Củ Chi khá lớn. Trước đây, bà Trà Thị Thanh là đại úy công an đã nghỉ hưu, nhà gần cầu Công Lý, có liên hệ và hỏi tôi việc xây nhà thờ. Sau đó, bà bán ngôi nhà đang ở, trích ra 2 tỷ xây nhà thờ ở Củ Chi, quê của bà. Ngày xưa, xóm tộc Trà ở đây gọi là Xóm Huế. Chưa rõ có phải từ Huế vào hay không. Ngày khánh thành nhà thờ, bà con tộc Trà ở Tây Ninh, Bình Dương, Long An và một số nơi cũng về dự.

Bà con tộc Trà các nơi khi khánh thành nhà thờ hay cưới hỏi, tang ma thường mời tôi dự, nên đi được nhiều, gặp được nhiều thành phần. Nhiều người cho rằng tên gọi Trà có nguồn gốc từ tiếng Chiêm Thành, lâu rồi trở thành họ Trà. Lúc chuyện trò, cũng có người nhắc đến vương quốc cũ Chiêm Thành, hoặc cho rằng nên công nhận họ Trà là người dân tộc thiểu số… Tôi bảo rằng mình đã là người Việt lâu rồi, đều là người Việt Nam.

2. Cha tôi là Trà Thanh Dương, quê làng La Duân, nay là Thôn Tây, xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông sinh năm 1902, làm thông ngôn ở sở hỏa xa Đà Nẵng, sau năm 1945, tham gia cách mạng, giỏi tiếng Pháp nên phân công làm về ngoại thương, đóng ở Tam Kỳ. Mẹ là Nguyễn Thị Mại. Hai ông bà có 8 mặt con, 3 trai 5 gái, tôi là con đầu, sinh năm 1936. Năm 1950, lúc 14 tuổi, tôi bắt đầu tham gia cách mạng, năm 1955 tập kết ra Bắc, được đào tạo pháo binh, sau đó chuyển sang đào tạo đặc công 6 tháng trời liên tục. Có khi trời miền Bắc rét lạnh như cắt da, tàu chở ra 5 cây số cách bờ biển Hải Phòng rồi thả xuống tự bơi vào để luyện tập đánh tàu địch; một tổ 3 người tập phá cầu, trụ cầu có hào bám sắc như dao khía vào da ngực tứa máu. Có lẽ cũng nhờ huấn luyện và chịu đựng trong chiến trường nên bây giờ tôi vẫn khỏe. Năm 1960, vào chiến trường Khu 5, hoạt động nhiều ở Quảng Ngãi. Sau năm 1975, được phân công làm giám đốc trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ tại Hiệp Đức. Năm 1983, công tác tại Quân Khu 5, sau đó đi làm chuyên gia tại Campuchia 7 năm. Năm 1990, về hưu, chức vụ đại tá.

Em gái kế là Trà Thị Thanh Tình, tham gia công tác binh địch vận tỉnh Quảng Đà và công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh, năm 1975 nghỉ hưu. Em gái thứ hai là Trà Thị Bạn, sau năm 1975, là công an quận Phú Nhuận, đã mất vì tai nạn xe. Em thứ ba là Trà Thị Tư, nay ở huyện Củ Chi, buôn bán. Em thứ tư là Trà Thanh Viên, trước năm 1975, là đại ủy pháo binh của Ngụy tại chiến trường Quảng Ngãi. Hai anh em cùng trên chiến trường Quảng Ngãi nhưng không hề hay biết. Về sau, em tôi là giám đốc doanh nghiệp nệm Kimđan, nay đã nghỉ. Hãng phim quân đội có làm phim “Chung một mái nhà”, trong đó có ghi hình hai anh em tôi. Anh em làm phim ấy có cho tôi địa chỉ trên mạng (ông đưa tôi cuốn sổ tay có ghi http://www.youtube.com?watch?v=bpLtrifdcgs)(1).

Người em thứ năm là Trà Thanh Hồng, bộ đội thông tin Quân Khu 5, đại úy, đại đội trưởng, đã nghỉ hưu. Em thứ sáu, Trà Thị Thanh Lâm, cán bộ thông tin Quảng Đà, mất do bom B52, tại sông Bung, không tìm ra xác. Em thứ bảy là Trà Thanh Phương, tiến sĩ, hiệu phó trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ chí Minh, đã hưu. Em gái út là Trà Thị Thanh Nga, y sĩ bệnh viện 175 quân đội, đã nghỉ hưu.

Cũng lạ, 8 anh em có 3 trai 5 gái, giống như nhánh tộc Trà của ông Trà Đức Bình ở Thái Nguyên. Con gái nhiều hơn con trai.

Tôi lấy vợ vào năm 1976, bà Nguyễn Thị Ái Nghiêm, cùng quê xã Điện Thọ, là Hiệu trưởng trường nuôi dạy trẻ của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nay là trường Sư phạm Mầm non ở Hòa Khánh. Bà mất năm 1998. Chúng tôi có hai đứa con, con trai đang công tác tại cơ quan nhà nước, con gái làm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Hiện nay, có một cô con gái nuôi đang ở với tôi.

Có lẽ nhờ tập luyện thời đặc công và được trời phú cho, nên tôi không có bệnh tật mãn tính, đau yếu gì. Chiều chiều, vui vẻ năm sáu lon bia là bình thường. Đặt lưng xuống là ngủ một mạch cho đến sáng.

Cũng không so bì với anh em khác cùng thời hay sau mình được cái này cái kia hơn mình. Cứ nghĩ đồng đội đã chết, có người không tìm thấy xác, mà mình còn sống như thế này thì sung sướng lắm rồi.

Mồ mả tổ tiên ông bà và việc tộc được như vậy là mãn nguyện.

Nay đã tuổi 83, tôi đang theo học lớp chữ Hán – Nôm, tuần 1 buổi, đã được 3 năm rồi./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng


(1) Sau khi gặp ông Lợi, tôi lên mạng youtube tìm Chung một mái nhà. Phim có nêu một số trường hợp ở hai chiến tuyến, trong đó có hai anh em ruột của ông Lợi, cùng chiến trường Quảng Ngãi. Phim tài liệu do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, sản xuất năm 2017,
dài 38 phút.

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 12 - Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà

Nhà xuất bản Đà Nẵng
Lô 103 – Đường 30 tháng 4 – Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 02363 797814 – 3797823 – Fax 0236 3797875

Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc: Trương Công Báo

Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: Nguyễn Kim Huy

Biên tập : Trần Văn Ban
Bìa : Họa sĩ Phan Ngọc Minh
Trình bày : Lê Hoàng Quý
Sửa bản in : Thành Nam


In XXX cuốn, khổ 13,5 x 20,5 cm tại Công ty Cp In…… ĐC: ….. Số ĐKXB: 4761 2018/CXBIPH/01-212/ĐaN. QĐXB số xxx/QĐ-NXBĐaN, cấp ngày xx/xx/2019. Số ISBN: 978-604-84-xxx-x.
In xong và nộp lưu chiểu Quý III/2019.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây