Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử – Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ Nhã

Trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta không chỉ thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn chứng tỏ được sự thông minh, tinh tế, uyển chuyển trong lĩnh vực ngoại giao, và nhạy bén trong việc khai sinh, mở mang các ngành nghề thủ công, góp phần phát triển sản xuất, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới nền kinh tế nước nhà.

Một trong những ngành nghề cụ thể, thể hiện sự khéo léo từ đôi bàn tay tinh xảo của ông bà xưa là nghề thêu thủ công. Ở Việt Nam, nghề thêu đã có từ lâu đời. Nhưng chỉ đến thế kỷ XVII, thì nghề thêu mới thực sự phát triển rực rỡ, kỹ thuật cao hơn và trở thành ngành nghề truyền thống cho đến ngày nay. Nhìn vào mỗi bức tranh thêu, những sợi tơ vàng óng ả, nhiều màu sắc rất bắt mắt như cầu vồng, qua bàn tay khéo léo tỉ mỉ của người thợ, người nghệ nhân đã vẽ nên những bức tranh, khung cảnh tuyệt đẹp của quê hương đất nước.

Nhà nghiên cứu Tuệ Nhã.

Tương truyền rằng, ông Tổ nghề thêu ở Việt Nam là một vị quan tài năng dưới thời hậu Lê, tên Lê Công Hành. Lê Công Hành có tên khai sinh là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606, tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ, cậu bé Khái là một người rất ham học, học cả khi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Cậu học mọi lúc mọi nơi, tập viết chữ trong mọi cảnh, có khi viết trên đất, khi thì khắc lên thân cây. Tối đến nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng để đọc sách. Nắn nót, cặm cụi, rèn từng chữ, viết thâu đêm. Tính cách chăm chỉ, sự kiên tâm, trì chí ở Khái được hình thành ngay từ khi còn nhỏ. Khái học đâu nhớ đó, nên nổi tiếng thông minh, hay chữ trong vùng.

Một lần triều đình ra lệnh tất cả thanh niên trai tráng trong làng đều phải đi làm phu đắp đê, Khái vì sức yếu không vác nổi những hòn đất to, nên bị phạt phải chôn chân từ sáng đến trưa dưới bùn đất. Lúc ấy, có một vị quan phụ trách trông coi việc đắp đê, thấy Khái mặt mũi khôi ngô tuấn tú mà bị phạt, lấy làm lạ, ông bèn đến hỏi sự việc. Cậu Khái thưa, rằng do sức khỏe yếu không thể làm được chứ không phải vì biếng nhác trốn tránh nhiệm vụ. Lúc ấy, một số bạn trang lứa cũng lên tiếng bảo vệ và thừa nhận những gì Khái nói là sự thật, và Khái tuy sức yếu nhưng học thì rất giỏi, làm thơ, viết văn hay và họ cùng nhau xin quan tha tội cho Khái. Ngẫm nghĩ một lúc vị quan đưa ra một đề nghị muốn thử tài trí thông minh của Khái, nên đưa ra câu đối, trả lời được sẽ tha cho, nếu không phải làm gấp đôi người khác.

Nha nghien cuu Tue Nha 3 min - Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử - Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ NhãNhà nghiên cứu Tuệ Nhã (thứ 3 từ trái sang) tại Hội nghị.

Vị Quan đối:

Ông Quan thị, cắm đường cái tiêu; trị hồng thủy cho dân được cậy.

Câu đối rất oái oăm, hóc búa, vì có 4 loại quả. Xoắn não trong tích tắc, Khái đối đáp lại:

Trai Quất động thi đỗ Bảng nhãn; phủ Quân vương thỏa chí mới Cam.

(Vế đối của Khái cũng có đủ 4 loại quả: quýt, nhãn, bồ quân, cam).

Trước sự thông minh nhanh trí của Khái, vị quan cảm kích, ghi nhận cậu là người có chữ nghĩa và tha tội cho cậu không bị khổ sai đi đắp đê nữa, mà căn dặn cậu học hành chăm chỉ để chờ ngày lên kinh thành ứng thí, đỗ đạt để phò dân giúp nước. Vị quan nói rằng cậu là người sáng dạ, biết đâu lại đem về vinh quang cho ngôi làng này. Và triều đình lại có thêm một nhân tài ích nước lợi dân.

Hai năm sau, Triều đình nhà Lê dưới triều vua Lê Chân Tông mở khoa thi. Những người khác có cáng, có võng, có tiểu đồng lão bộc theo hầu hạ, còn anh học trò nghèo Trần Quốc Khái chỉ với một tay nải vắt vai, nhưng vẫn vui vẻ, phấn khởi hăng hái lên đường ứng thí. Khoa thi năm ấy Trần Quốc Khái đỗ đầu, được phong hàm Tiến sĩ, thế là người học trò nghèo hiếu học, kiên trì vượt khó ở xã Quất Động đã mang về vẻ vang gia đình, dòng họ, quê hương. Khi ra làm quan, Trần Quốc Khái thực sự là người hội tụ đủ cả đức và tài nên được triều đình rất trọng dụng.

Nha nghien cuu Tue Nha 4 min - Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử - Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ NhãNhà nghiên cứu Tuệ Nhã (bìa phải) tại Hội nghị.

Vốn giỏi ăn nói đối đáp nên được nhà vua giao nhiệm vụ đi sứ sang Trung Quốc. Vua yêu cầu Khái làm thế nào để vua Minh hiểu rằng nước Nam ta có rất nhiều người tài, không dễ gì nhòm ngó. Tiếng lành đồn xa đến tai vua Minh chuyện Trần Quốc Khái rất thông minh, nhanh trí, nên sau khi hoàn thành sứ mệnh bang giao giữa hai nước, hoàng đế nhà Minh lên kế hoạch thử thách tài năng của ông. Vua cho xây một cái chòi cao chót vót, bốn bề phong cảnh non nước hữu tình, giả lấy lý do mời Khái lên đó thưởng ngoạn ngắm cảnh sông núi, sơn thủy nước bạn xem có gì khác nước Nam không. Và cho người bày sẵn bàn trà, bí mật chuẩn bị sẵn thức ăn và nước uống, rồi đưa sứ giả lên chơi. Sau đó, cho người rút thang để Khái một mình không có lối xuống nữa. Vua Minh muốn thử xem Lê Công Hành làm cách nào để sống sót và xuống được mặt đất an toàn. Một ngày, hai ngày trôi qua bụng đói mà không thấy người đưa cơm đến, ông ngẫm nghĩ chẳng lẽ họ đưa mình lên đây rồi bỏ mặc cho mình chết đói. Sau đó, Lê Công Hành ngồi yên tĩnh ngẫm nghĩ và ông quan sát mọi cảnh vật xung quanh mình thật lâu, ông thấy trên lầu cao chỉ có một pho tượng Phật Di Lặc, hai cái Lọng, một vò nước và một bức trướng thêu ba chữ “Phật tại tâm” (nghĩa là Phật trong lòng, hàm nghĩa có thể ăn tượng Phật vào trong bụng). Góc lầu có hai cây tre tươi và một con dao và hai cái lọng. Khái suy ngẫm và lẩm nhẩm đọc đi đọc lại ba chữ trên bức trướng, rồi như nhận ra điều gì đó, bất giác ông mỉm cười và đến gần pho tượng thì thấy mùi thơm, ông sờ tay vào phía sau lưng tượng và dùng móng tay cạy thử thì thấy rơi ra một mảng bột nhỏ, ông bèn nếm thử, thì ra pho tượng đó làm bằng bột chè lam (có tài liệu thì nói là bột bánh khảo). Từ đó, ông hiểu ra ý đồ của vua Minh, nên ung dung ở lại chòi, ngày hai bữa bẻ dần bức tượng ra mà ăn. Tranh thủ nhàn rỗi, ông mày mò quan sát, thấy bức trướng được thêu chỉ bằng tay rất đẹp, rất tinh xảo. Ông lấy bức trướng xuống và tháo tất cả các đường chỉ kim tuyến xem xét từng đường nét, cách thêu của người Trung Quốc, sau đó ông dùng chỉ đó thêu lại theo đường cũ. Làm xong ông ngắm nghía thấy những nét thêu vẫn y hệt và nguyên vẹn như cũ, ông đắc ý, thích thú với bức thêu tranh này. Ông định bụng sẽ học thuộc nằm lòng cách thêu và cách làm lọng của họ, để về truyền dạy lại cho dân, nên Khái rất nhập tâm quan sát thật kỹ lưỡng từng đường kim mũi chỉ, từng cách đan lọng. Nhớ kỹ lưỡng và học thuộc lòng từng bước một. Học xong rồi, ông tìm cách xuống dưới mặt đất.

Một buổi chiều ngồi ngắm trời mây, sông núi, ông nhìn thấy hình ảnh những con dơi xòe cánh, chao đi chao lại như chiếc lá bay bay. Ông hình dung, liên tưởng tới hai chiếc lọng ở hai bên mình giống như đôi cánh, sẽ làm trợ phương cho mình có thể xuống mặt đất an toàn, vì hai chiếc lọng đó sẽ là vật cản gió giúp ông rơi từ từ với độ cao một cách an toàn. Nghĩ thế, ông liền ôm hai chiếc lọng và nhảy xuống đất một cách bình an, trước sự kinh ngạc, lẫn thán phục của vua Minh và triều đình. Sau thử thách này, nhà Minh buộc phải thừa nhận người nước Nam thông minh, sáng tạo. Vua hết lời ngợi khen tài năng và trí thông minh của ông, nên đã trịnh trọng cho chuẩn bị tiệc hậu đãi và tiễn đưa đoàn sứ về nước.

Trần Quốc Khái bằng tài năng ứng xử và ngoại giao khôn ngoan khéo léo của mình, cũng như những cống hiến đóng góp to lớn, sau khi về nước được vua ban thưởng hậu hĩnh, thăng chức Công bộ Thượng thư và được đổi quốc tính thành họ Lê, ngụ ý dòng dõi hoàng tộc nhà Lê, từ đó ông mới có tên Lê Công Hành.

Nha nghien cuu Tue Nha 2 min - Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử - Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ NhãNhà nghiên cứu Tuệ Nhã.

 

Không chỉ là người lập công lớn trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao giữa hai nước, mà bằng trí thông minh vốn có của mình, mà với lòng yêu nước thương dân, đi đến đâu cũng mong muốn học được những điều tốt đẹp, nên Lê Công Hành đã chủ ý học hỏi và thu hoạch được một nghề bí truyền nổi tiếng của người Trung Quốc trong lúc bị thử thách, đó là nghề thêu rất đẹp, tinh xảo điệu nghệ; truyền dạy lại cho nhân dân làng Quất Động quê hương ông và một số làng lân cận khác. Dần dần nghề thêu trở thành một ngành nghề giúp người dân sinh cơ lập nghiệp, rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài yêu thích sản phẩm tranh thêu. Cứ thế mà nghề thêu lan rộng khắp nơi. Những người dân trên quê hương ông đã đi khắp nơi, truyền nghề tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội có phố Yên Thái, phố Hàng Trống, hàng Mành, hàng Chỉ và nhiều địa phương, tỉnh thành khác… Khi ông qua đời, người dân đã lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ Tổ nghề thêu và tôn vinh là ông Tổ nghề. Nhiều giai thoại, sử sách ghi chép, ca ngợi ông là bậc đại thần, trí tuệ tài cao, xuất chúng, là vầng trăng sáng Nam triều, là ngôi sao Bắc Đẩu, chiếu sáng ngàn phương. Lòng tựa gấm, miệng như thêu đã lấy văn chương soi sáng đời thịnh trị. Từng mũi kim sợi chỉ uyển chuyển, tinh xảo kết hợp cái tài khéo léo tinh tế của con người Việt Nam đã tạo nên những tuyệt tác mỹ nghệ để lại cho đời.

Những tác phẩm từ tranh thêu rất phong phú và đa dạng. Ta có nghệ thuật thêu cung đình ở triều đình Huế, từ việc làm hoàng bào, trang phục của vua, chúa, hoàng hậu, các quan… đến phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ, đất nước, con người… tất cả đều có thể được tạo ra từ những bức tranh thêu phong phú sắc màu, rất đẹp, bắt mắt, mang tính nghệ thuật thẩm my cao.

Nghề thêu đã trở thành một nghề không chỉ phục vụ mục đích mưu sinh, mà còn giúp hoàn thiện đức tính công dung ngôn hạnh theo quan niệm của phụ nữ xưa. Thông qua công việc đòi hỏi sự khéo léo, nhẹ nhàng, tinh tế hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ mới có thể tạo nên những bức tranh tuyệt tác và có giá trị về mặt nghệ thuật. Làm đủ nhiều và đủ lâu, tính cách của họ sẽ được ảnh hưởng bởi nghề nghiệp, sẽ trở nên nhẹ nhàng khéo léo trầm lắng hơn.

Trong quan niệm của thời phong kiến xa xưa:

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Gái thì kim chỉ, thêu thùa vá may

Hay:

Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách, ngâm thơ

Dùi mai kinh sử để chở kịp khoa

Mai sau nối nghiệp nước nhà

Trước là lập nghiệp, sau là ấm thân.

Rõ ràng nghề thêu thùa đã có ảnh hưởng và tác động tích cực đối với việc rèn luyện nhân cách của nữ giới nước ta ngày trước. Xem lại những hình ảnh phụ nữ xưa đẹp nhất vẫn là hình ảnh nữ công đang thêu thùa khéo léo, mềm mại và uyển chuyển trong từng đường kim mũi chỉ.

Có thể nói, Lê Công Hành đã có công lớn trong việc nghiên cứu và đưa một mô hình ngành nghề mới về nước Nam và phổ biến nghề cho người dân nước ta thuở khai thiên lập địa.

Nha nghien cuu Tue Nha 7 min - Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử - Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ NhãNhà nghiên cứu Tuệ Nhã (bìa phải) và nhà văn Phùng Văn Khai tại Hội nghị.

Theo lẽ thường, khi ở vào hoàn cảnh bị giam lỏng chưa biết sống chết ra sao, con người ta sẽ lòng đầy bất an, sợ hãi, chỉ còn biết lo lắng và kêu cứu, tìm cách thoát thân. Nhưng Lê Công Hành phẩm chất và bản lĩnh khác người, ông bình tĩnh định thần lại, nghĩ phương kế để tồn tại trước. Sau khi ăn uống no nê, tranh thủ nhàn rỗi ông đã không để thời gian bị bỏ phí, tiếp tục nghiên cứu mày mò và phát hiện ra vẻ đẹp từ một bức tranh thêu, nên ông quyết chí học một cách nhập tâm để mang chiến lợi phẩm về cho bà con nước nhà.

Đường đường là một vị quan lớn của triều đình, giữ vị trí trọng yếu, rất được vua tin cậy và nể trọng. Hơn nữa, việc may vá thêu thùa được coi là việc của phụ nữ. Vậy mà Lê Công Hành lại rất tỉ mỉ, trau chuốt từng đường kim, mũi chỉ thật lạ lùng, đáng khâm phục. Đây chính là tấm lòng yêu nước thương dân, muốn mang điều tốt đẹp về cho dân cho nước. Ông xứng đáng được suy tôn thành ông Tổ có công với nghề thêu Việt Nam.

Lịch sử là một chủ đề rộng lớn, ẩn chứa rất nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được. Nhiều giá trị, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đều đến từ lịch sử, cũng như những cống hiến đóng góp mọi mặt của đời sống của các tiền nhân đi trước, cần được nghi nhận, tôn vinh để nêu gương cho thế hệ sau, lấy đó làm điểm tựa và học hỏi, phấn đấu, đóng góp vào hành trình phát triển, tiến hóa của dân tộc. Thiết nghĩ rất cần nhiều đánh giá đúng về vai trò, tầm quan trọng của lịch sử, và sự chung tay góp sức nghiên cứu, tìm tòi của nhiều người để có những ghi nhận, tôn vinh sự kiện, nhân vật trong dòng chảy dân tộc, để lịch sử trả về với lịch sử, mà thế hệ con cháu chúng ta hôm nay được kế thừa và tiếp nối.

Qua câu chuyện về Trần Quốc Khái, chúng ta rút ra được nhiều bài học hữu ích cho mỗi người. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, ông không sợ hãi, bấn loạn, mà hết sức bình tĩnh để phân tích tình hình. Bằng khả năng tập trung và quan sát tinh tế, ông đã chạm đến tầng sâu trí tuệ bên trong mình và từng bước giải quyết khó khăn của bản thân, tự vấn mình để tìm ra phương cách sáng suốt nhất giúp ông sinh tồn, và xuống mặt đất một cách an toàn. Các cụ xưa nói “Trong họa có phúc”, quả đúng với trường hợp này, Trần Quốc Khái không những bảo toàn được mạng sống cho mình, tìm được thức ăn và nước uống, mà còn học được bí quyết nghề thêu tinh xảo, chỉ bằng cách quan sát và ghi nhớ, ông đã học được nghề thêu, cũng như cách làm lọng của người Trung Quốc và mang về dạy lại cho dân ta. Tạo ra một sản phẩm mới có giá trị cả về kinh tế, nghệ thuật và thẩm mỹ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà. Đó là một cách tiếp thu tinh hoa văn hóa nước bạn và ứng dụng, sáng tạo phù hợp với điều kiện của địa phương và phát triển lên một tầm cao mới. Ghi dấu ấn về một nền văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

 Ông còn là một nhân tài kiệt xuất, nhà văn hóa, nhà ngoại giao, phò giúp triều đình có cách ứng xử thông minh, linh hoạt để ổn định chính trị, giữ vững chủ quyền đất nước và là một hiền tài trong lòng dân. Tấm gương chăm chỉ hiếu học của ông thực sự truyền cảm hứng cho mọi thời đại. Lịch sử có những con người như ông chính là đã đóng góp cho thế giới những điều tốt đẹp. Nhiều cá nhân tốt đẹp sẽ trở thành một xã hội tốt, nhiều tổ chức tốt đẹp, sẽ trở thành một quốc gia tốt; nhiều quốc gia tốt đẹp, sẽ dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn. Những việc làm tốt đẹp của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức tập thể rất cần thiết được ghi nhận, được ca ngợi, để thúc đẩy lan rộng nhiều điển hình khác. Điều đẹp nhất của mỗi người chính là đóng góp cho xã hội một con người, một phiên bản tốt nhất của chính mình. Và ngài Trần Quốc Khái chính là một vĩ nhân ưu tú, xuất sắc của lịch sử, xứng đáng được xã hội ngưỡng mộ và tôn vinh, được lưu danh sử sách, là viên ngọc sáng trong hành trình phát triển và tiến hóa của dân tộc, đặt nền móng cho những bước tiến mới.

Nha nghien cuu Tue Nha 8 min - Lê Công Hành: Những bài học quý từ lịch sử - Tác giả: Nhà nghiên cứu Tuệ NhãNhà nghiên cứu Tuệ Nhã (bìa phải) và nhà văn Phùng Văn Khai tại Hội nghị.

Là bài học cho mỗi chúng ta cần thiết phải rèn giũa bản lĩnh, cũng như những phẩm chất định tĩnh, vững tâm trước cảnh, mà cổ nhân răn dạy: “Tâm định trí sinh”. Nếu gặp chuyện mà bấn loạn, rối bời, ta sẽ không thể nghĩ được cách hay, không thể có được sự sáng suốt. Nhưng khi ta an vững định thần và quay vào bên trong để truy cập vào kho báu của chính mình, ánh sáng trong ta sẽ dẫn lối. Kết hợp khả năng quan sát, phân tích, giúp ta tháo gỡ nút thắt, có cái nhìn đúng đắn, thấy biết sự thật, để có cách phản ứng đúng trước hoàn cảnh. Như trong trường hợp của Lê Công Hành, ông có thể đoán định được ý đồ của vua Minh, đó là thử tài xem ông có thể sinh tồn, biến nguy thành an, biến họa thành phúc hay không. Đây cũng là bài học về tấm gương biết quý trọng thời gian, ông vốn là người ham học, ham làm, ngồi không thì không chịu được, nhân rảnh rỗi ông không lãng phí, mà vẫn nghĩ cách làm sao để có ích nhất…

Câu chuyện về ông, chính là cách lịch sử ca ngợi những con người biết ứng biến trước hoàn cảnh, như sau này Bác Hồ cũng từng căn dặn nhân dân ta: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tạm hiểu tư tưởng, mục đích thì không thay đổi, nhưng phương pháp, cách thức thì cần ứng biến linh hoạt để thích nghi hoàn cảnh (cái tâm của cụ Khái đối với Phật, đối với những giá trị cao quý là không thay đổi, nhưng tượng Phật được nặn bằng bột bánh dùng để ăn, rõ ràng có dụng ý, nên ông mới dám bẻ tượng ra mà ăn dần). Chỉ bằng quan sát và ghi nhớ, mà Trần Quốc Khái đã học được nghề thêu cũng như cách làm lọng của dân Trung Quốc và dạy lại cho dân ta, thì quả thực là thông minh vô đối.

Ngày nay, khi phong trào nhớ ơn, tri ân các vị tiền nhân nhiều lĩnh vực khác nhau, các vị Tổ nghề của nhiều ngành nghề khác đang là phong trào được phát triển rộng khắp, trở thành nét văn hóa đẹp của dân tộc: Cây có gốc mới nảy cành xanh là; Nước có nguồn mới biển cả sông sâu. Đó là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của nhân dân ta. Lòng biết ơn, tri ân các tiền nhân, ân nhân thuở trước luôn là việc làm thiêng liêng quan trọng và cần thiết, thể hiện đức tính tốt đẹp biết trước biết sau trong mỗi người đối với đối với những người có công lao to lớn, trồng cây cho chúng ta được hưởng bóng mát. Giờ đây, các ngài đã ở một nơi xa, nhưng luôn dõi theo và phù hộ, độ trì con cháu bằng hương đức của các ngài, mong nguyện con cháu giữ và phát huy những kinh nghiệm quý của dân tộc và ứng biến linh hoạt, phát triển cao hơn những trí tuệ các ngài để lại và tự hào biết ơn điều tốt đẹp của quá khứ, tạo đà cho tương lai. Chúng ta càng hướng đến và biết ơn bao nhiêu, ta càng nhận được năng lượng hậu thuẫn từ các cụ bấy nhiêu mà thế hệ cha ông thời tiền sử để lại.

Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.

T.N

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây