Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Câu chuyện sau hơn 400 năm – Tác giả: Nhà nghiên cứu Dương Đức Minh

Lê Công Hành… Lê Công Hành… Cái tên được ai đó vô tình nhắc đến rồi cứ quẩn quanh trong đầu mà tôi chẳng thể nhớ ra. Nhưng tôi đã có một “quyền trợ giúp” toàn năng từ người anh đáng kính:

– Anh à, anh biết cụ Lê Công Hành là ai không ạ?

– Ơ cái thằng này, anh vừa đi dâng hương cụ về đây. Chú không chịu theo dõi lịch làm việc của Viện mình gì cả!

Anh tôi, nhà văn Phùng Văn Khai, đã dành non nửa thời kỳ vàng son của mình để viết về các danh nhân văn hóa đất Việt. Anh tâm huyết lắm, anh bảo để giới trẻ bây giờ hiểu thêm về lịch sử, biết thêm từng con phố, từng cái tên đang dễ dàng mai một qua mỗi đời, thì chính chúng ta phải làm công việc kết nối ấy. Bởi vậy, anh tôi và tập thể các nhà nghiên cứu của Viện vẫn đều đặn tìm về các làng nghề, chốn tổ, dâng hương, ghi nhớ lai lịch, thành tựu của những vị “công thần, quốc mẫu” trong lịch sử. Trong đó có cả ông tổ nghề thêu cổ truyền tại Việt Nam – cụ Lê Công Hành.

Nhà văn Phùng văn Khai làm việc với huyện ủy Thường Tín đầu năm 2024.

Lê Công Hành chính tên là Trần Quốc Khái, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tức ngày 24 tháng 2 năm 1606), tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Sinh thời, cụ đã có tiếng ham học và hay chữ. Lớn lên, cụ thi đỗ Tiến sĩ, được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ biên quận đến triều đình, thăng dần lên hàng Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh. Do lập được nhiều công trạng, cụ được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó, cụ có tên Lê Công Hành. Cụ mất ngày 12 tháng Sáu năm Tân Sửu (tức ngày 7 tháng 7 năm 1661), thọ 56 tuổi, được triều đình truy tặng hàm Thượng thư Thái bảo Lương Quận công. Ngày giỗ hàng năm của cụ được xem là lễ giỗ Tổ nghề của những làng sinh sống bằng nghề thêu tại Việt Nam.

Tích về cụ Lê Công Hành thì rất nhiều, nhưng nổi nhất là lần cụ đi sứ nhà Minh. Chuyện xưa kể lại, cụ Lê Công Hành sang đi sứ liền bị đưa lên chòi cao chỉ có một tượng Phật, một chiếc lọng và một bức tranh thêu. Ấy thế rồi nhờ tài trí, cụ không những có thể thoát thân mà còn nhận được sự nể phục của triều đình Trung Hoa và mang về cả những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến vượt bậc. Nghề thêu ở nước ta vốn đã xuất hiện từ trước thế kỷ XVII trong dân gian nhưng chưa được hoàn thiện về trình độ thẩm mỹ thời đại cũng như kỹ thuật. Sản phẩm còn đơn sơ, quanh quẩn với những màu chỉ ngũ sắc và chỉ kim tuyến, làm những mặt hàng phục vụ cho vua, quan, nhà chùa. Sử cũ từng ghi vào thời Trần, để phân biệt phẩm hàm các quan Đại Việt cứ nhìn vào đồ thêu và lọng. Tháng Giêng năm Quý Tỵ (1293), Trần Phu trong đoàn sứ nhà Nguyên sang Đại Việt có nhận xét: “Hễ là khanh tướng thì đi ba cây lọng xanh, bậc thấp hơn thì đi hai lọng, rồi một lọng. Còn như lọng tía thì chỉ có những người trong hoàng tộc mới được dùng” (An Nam tức sự).

Đến thời Lê Công Hành, cụ được cho là đã dạy cho người làng Quất Động những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn mà cụ đã tiếp thu được trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Từ đó, thêu đã trở thành nghề chính cho cả một vùng đất trù phú ngoại thành kinh đô rồi lan dần ra nhiều làng nghề trên khắp cả nước. Ngay cả khi kinh đô được chuyển dời vào đất Thần Kinh, thì tất cả các đại quan cho đến hoàng tộc vẫn tin vào tay nghề của người dân Quất Động. Công đức của các quan, các danh nhân văn hóa nước ta thì không thể nghĩ bàn. Nhưng việc tạo ra cả một làng nghề, vùng tiểu thủ công thì không phải ai cũng làm được.

Nghe nhan theu lang nghe Quat Dong Thuong Tin Ha Noi min - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Câu chuyện sau hơn 400 năm - Tác giả: Nhà nghiên cứu Dương Đức MinhNghệ nhân thêu làng nghề Quất Động, Thường Tín, Hà Nội.

Nghề thêu vốn đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Nghề nhưng cũng là Nghệ. Nghệ thuật không cứ phải là bay bổng, là không chạm đất. Nghệ thuật còn có thể là sự chăm chỉ cần mẫn, miệt mài rèn luyện để nâng tầm từng kỹ thuật nhỏ lẻ nhưng chính xác và có hồn đến từng milimét. Sự thăng hoa nghệ thuật chỉ có thể đến sau những năm tháng miệt mài rèn luyện.

Cụ Lê Công Hành vốn được cho là có dòng dõi trâm anh thế phiệt của hoàng tộc nhà Mạc, những người làm chủ vùng đất phía bắc Việt Nam từ 1527 cho đến 1677. Vượt qua mọi định kiến và khó khăn của một dòng tộc vẫn đang là tử địch của triều đình, cụ đã chăm chỉ học hành và tận dụng mọi cơ hội để tồn tại và phát triển. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi có mấy ông cử nhân, Tiến sĩ mà ngoài chữ nghĩa ra không thạo thêm ít thì một, nhiều thì đôi ba món về “công nông binh vụ”. Thậm chí đến thời nay, từ thời chiến đến thời bình, ai ai cũng đều rất linh động và làm ba, bốn nghề. Cũng như Phạm Ngũ Lão ngồi đan bên đường, cụ Hành mà không có nghề, thì sao có thể học hỏi và nhìn thấu tinh hoa qua các tác phẩm của Hoa tộc cho được.

Tuy nhiên, không biết liệu nghề thêu tay này còn tồn tại được bao lâu nữa trước ảnh hưởng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng chắc chắn, mỗi một ngành nghề trong lịch sử (hoặc sắp trở thành lịch sử) đều có giá trị riêng, để chúng ta rút ra nguyên lý cho tương lai. Quê lụa Hà Tây, quê thêu Thường Tín – đất Hà Tây cũ, nay đã được sáp nhập vào Hà Nội có lẽ là vùng đất có nhiều Di tich lịch sử cấp quốc gia nhất cả nước. Việc quản lý và bảo tồn cho các thế hệ mai sau là vô cùng cần thiết. Có điều, không thể không nói rằng, nghề cổ truyền nào cũng cần được nâng tầm một lần nữa, coi trọng một lần nữa. Để cụ Lê Công Hành sẽ luôn mỉm cười và phù hộ cho nghề thêu Quất Động.

– Minh à, thế em đã đọc về cụ Hành chưa – anh tôi nhắn.

– Em đọc rồi anh ạ, còn nhân tiện viết vài dòng tùy bút. Không hẳn là bài nghiên cứu, không hẳn là tản văn, chỉ là những suy nghĩ của người trẻ mù mờ muốn hiểu thêm về lịch sử mà thôi.

*

*   *

Chỉ một thời gian ngắn sau, trong cuộc gặp mặt cuối năm của Viện Nhân học Văn hóa và Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Quốc gia thông qua lần thứ nhất Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa – lịch sử Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi thật không thể nào ngờ, các tham luận khoa học, bài viết về ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành của đội ngũ các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu lại phong phú và sâu sắc đến như vậy. Các tên tuổi trong Kỷ yếu không chỉ đảm bảo hàm lượng tri thức khoa học – tiền đề thành công của mỗi Hội thảo mà còn là một tấm lòng nhân văn sâu sắc tri ân bậc tiền nhân có công với nước mà đến hôm nay chúng ta mới có điều kiện thời gian và vật chất để tổ chức các việc làm hữu ích với danh nhân văn hóa – lịch sử Lê Công Hành. Buổi gặp mặt đã được nghe nhiều ý kiến sâu sắc của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy – Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Giáo sư Ngụy Hữu Tâm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nhân học Văn hóa; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn; nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục; nhà nghiên cứu Tạ Đức; nhà nghiên cứu Tuệ Nhã; Thạc sĩ Phùng Quang Trung… những người đã có những bài viết xuất sắc trong Kỷ yếu. Chúng tôi càng thấy được rằng, việc tri ân trên tinh thần khoa học lịch sử đối với các danh nhân của đất nước từ trước tới nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu ngành khoa học xã hội nhân văn, ở trong mỗi trái tim con người đều có những khoảng nhân văn đặc biệt dành cho người có công với nước.

Doan dien da truoc cong Den Ngu Xa tho ong to nghe theu Le Cong Hanh min - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Câu chuyện sau hơn 400 năm - Tác giả: Nhà nghiên cứu Dương Đức MinhĐoàn điền dã trước cổng Đền Ngũ Xã thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Từng nhiều năm công tác và sinh sống ở nước ngoài, đi nhiều vùng đất, nghiên cứu các biểu hiện đặc thù về văn hóa, văn học nghệ thuật của các nước trên thế giới, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc một điều rằng, đất nước Việt Nam của chúng ta vô cùng giàu bản sắc văn hóa mà trong đó thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân văn hóa – lịch sử, người có công với nước trên đất nước chúng ta chính là một phần đặc sắc tạo nên nền tảng văn hóa giàu có vô cùng đáng tự hào. Từ những việc làm gần đây của Viện Nhân học Văn hóa mà tôi là thành viên, chúng tôi càng cảm nhận được phải khẩn trương tiến hành thực hiện những việc làm có ích nhiều hơn nữa mà trước mắt chính là việc tham gia tổ chức thành công Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa – lịch sử Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.

Đây vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm của chúng tôi.

Trong Kỷ yếu, chúng tôi rất vui mừng khi đọc các phần kiến nghị của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Long; nhà văn Phùng Văn Khai; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy; Giáo sư Ngụy Hữu Tâm; nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn; nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân; Thạc sĩ Phùng Quang Trung… đã mở ra phương hướng phát triển lâu dài, bền vững trong tôn vinh những đóng góp của danh nhân văn hóa – lịch sử Lê Công Hành, nhất là việc gắn với gìn giữ và phát triển các ngành nghề cổ truyền tiêu biểu là nghề thêu tại địa phương, đây cũng chính là thực hiện đúng đường lối của Đảng về phát huy, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc – một trong những trụ cột để phát triển đất nước.

Sau Hội thảo, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhiều việc để làm và khi đó, Viện Nhân học Văn hóa với vai trò, vị trí và chức năng của mình sẽ có những đóng góp thiết thực và hữu ích.

Nhà nghiên cứu Dương Đức Minh

(Viện phó Viện Nhân học Văn hóa)

 

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây