Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI (1976)

Quốc hội bầu các cơ quan và chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước 
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất (2-6-1976). Ảnh tư liệu.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI, Quốc hội bầu các cơ quan và chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước 

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xoá bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối, nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Lúc này, vấn đề cấp bách trước mắt mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”[1]. Thống nhất đất nước sẽ tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của đất nước.

Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, tại thành phố Sài Gòn, đại biểu nhân dân hai miền Nam – Bắc đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị đã nhất trí nhận định rằng, hiện nay trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thực hiện sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đó là điều kiện cơ bản để đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị cũng nhấn mạnh: “Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”[2].

Thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị là một thắng lợi lớn trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước. Hội nghị không chỉ đạt được sự nhất trí cao về chủ trương, phương hướng mà còn đề ra được những biện pháp cụ thể để thực hiện nguyện vọng tha thiết của toàn thể đồng bào ở cả hai miền Nam – Bắc là sớm thành lập một nhà nước chung, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Chủ trương, nghị quyết của hội nghị được triển khai ngay sau khi hội nghị kết thúc.

Xác định cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất lần này quan hệ đến việc thành lập và củng cố Nhà nước, có tác dụng quyết định đối với việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy, để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, ngày 3-1-1976 của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”[3]

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cùng thống nhất việc thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo Hội nghị Hiệp thương chính trị, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu. Mỗi miền cử 11 đại biểu, trong đó có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch.

-Chủ tịch Hội đồng bầu cử: Trường Chinh

-Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử: Phạm Hùng

Hội đồng bầu cử toàn quốc có nhiệm vụ: Hướng dẫn việc tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước và trực tiếp ở đơn vị bầu cử Bình Trị Thiên; giám sát cuộc bỏ phiếu trong cả nước; tổng kết công tác bầu cử; tuyên bố kết quả cuộc Tổng tuyển cử; cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử; báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội.

Để bảo đảm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc bầu cử đại biểu Quốc hội, căn cứ vào điều kiện cụ thể lúc đó, ở mỗi miền đã thành lập Hội đồng bầu cử riêng.

Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ở miền Nam, cơ quan chủ trì bầu cử là Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Hội đồng bầu cử mỗi miền có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử; xét và giải quyết những khiếu nại về công tác bầu cử; tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các đơn vị bầu cử gửi đến trước khi gửi lên Hội đồng bầu cử toàn quốc.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hoà bình. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai trong cả nước. Các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đều xác định việc tuyên truyền Tổng tuyển cử là một công tác trọng tâm trong thời gian chuẩn bị và thực hiện bầu cử. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về Tổng tuyển cử được giới thiệu và tổ chức học tập rộng rãi trong nhân dân.

Đối với các tỉnh, thành phố miền Nam, do công tác bầu cử còn mới mẻ, Ban Tổ chức của Chính phủ đã tích cực tham mưu, đồng thời nghiên cứu, dự thảo một số chính sách, tiêu chuẩn xác nhận quyền công dân và hướng dẫn việc lập danh sách cử tri cho công dân. Ở các vùng mới giải phóng, đây là một cuộc động viên chính trị sâu rộng. Do đó, giai cấp công nhân đã tỏ rõ vai trò tiên phong của mình trong cuộc vận động Tổng tuyển cử. Nhiều nơi, các công đoàn quận đã tổ chức đội tuyên truyền lưu động với sự tham gia của hàng nghìn công nhân. Mỗi công nhân phụ trách một số gia đình, đi sâu vào phường, khóm, tuyên truyền, giải thích chủ trương của Đảng, pháp luật bầu cử của Nhà nước và vận động đồng bào đi bỏ phiếu. Nhận thức rõ sự khác nhau giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản, tầng lớp trí thức nói chung đã tham gia bầu cử một cách tự nguyện, tự giác.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức của Chính phủ còn giúp Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Nam tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.000 cán bộ làm công tác bầu cử. Tại các khu vực bầu cử, công tác điều tra dân số, lập danh sách cử tri đã được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi cho cử tri. Tại nhiều địa phương ở miền Nam, chính quyền cách mạng còn quan tâm tạo điều kiện cho hơn 95% số người đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và quân đội cũ, nhưng đã được học tập, cải tạo, có sự tham gia ý kiến của quần chúng ở cơ sở được thực hiện quyền công dân, tham gia bầu cử. Việc làm này vừa thể hiện chính sách khoan hồng, độ lượng của Nhà nước, vừa nâng cao uy thế của quần chúng cách mạng, vừa có tác dụng giáo dục đối với những người được khôi phục cũng như những người chưa được khôi phục quyền công dân.

Việc giới thiệu những người ra ứng cử đã được thực hiện dân chủ, theo Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 20-2-1976 của Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng các đoàn thể quần chúng đóng vai trò quan trọng. Danh sách những người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận để đưa lên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu.

Đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc, việc giới thiệu những người ra ứng cử được áp dụng theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 13-1-1960. Những người ra ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ để cử tri trao đổi ý kiến, tự mình lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Tổng số 605 người ra ứng cử trong danh sách đều là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, tư sản dân tộc, đại biểu các tộc người, các tôn giáo. Danh sách đó thật sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở liên minh công nông.

Cuộc vận động Tổng tuyển cử được tiến hành rầm rộ trong cả nước. Càng đến ngày bầu cử, nhiệt tình cách mạng, ý thức và trách nhiệm về quyền công dân của quần chúng càng được thể hiện rõ rệt. Trước ngày bầu cử, hầu hết các thị xã, thành phố đều có mít tinh, diễu hành của quần chúng hoan nghênh Tổng tuyển cử. Riêng thành phố Sài Gòn, hàng chục vạn công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã xuống đường tuần hành. Tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị bộ đội, bệnh viện, trường học, phường, ấp… đều lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, kết hoa để chào mừng Tổng tuyển cử.

1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 25-4-1976

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu.

Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Thái Bình đạt 99,93%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Hà Tuyên đạt 98,44%.

Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Gia Lai – Kon Tum đạt 98,99%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Đồng Tháp đạt 96,13%.

Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.

Số đại biểu trúng cử ở các tỉnh, thành phố như sau: thành phố Hà Nội: 22 đại biểu; thành phố Hồ Chí Minh: 35 đại biểu; thành phố Hải Phòng: 13 đại biểu; tỉnh Lai Châu: 3 đại biểu; tỉnh Sơn La: 4 đại biểu; tỉnh Hoàng Liên Sơn: 7 đại biểu; tỉnh Hà Tuyên: 7 đại biểu; tỉnh Cao Lạng: 9 đại biểu; tỉnh Bắc Thái: 8 đại biểu; tỉnh Quảng Ninh: 8 đại biểu; tỉnh Hà Sơn Bình: 21 đại biểu; tỉnh Hà Bắc: 15 đại biểu; tỉnh Vĩnh Phú: 16 đại biểu; tỉnh Hải Hưng: 20 đại biểu; tỉnh Thái Bình: 15 đại biểu; tỉnh Hà Nam Ninh: 26 đại biểu; tỉnh Thanh Hóa: 23 đại biểu; tỉnh Nghệ Tĩnh: 27 đại biểu; tỉnh Bình Trị Thiên: 19 đại biểu; tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng: 15 đại biểu; tỉnh Nghĩa Bình: 18 đại biểu; tỉnh Phú Khánh: 11 đại biểu; tỉnh Gia Lai – Kon Tum: 6 đại biểu; tỉnh Đắk Lắk: 5 đại biểu; tỉnh Lâm Đồng: 4 đại biểu; tỉnh Thuận Hải: 9 đại biểu; tỉnh Đồng Nai: 13 đại biểu; tỉnh Sông Bé: 6 đại biểu; tỉnh Tây Ninh: 6 đại biểu; tỉnh Long An: 8 đại biểu; tỉnh Tiền Giang: 11 đại biểu; tỉnh Bến Tre: 9 đại biểu; tỉnh Cửu Long: 13 đại biểu; tỉnh Đồng Tháp: 10 đại biểu; tỉnh An Giang: 14 đại biểu; tỉnh Hậu Giang: 19 đại biểu; tỉnh Kiên Giang: 8 đại biểu; tỉnh Minh Hải: 10 đại biểu.

Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: công nhân 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28% [4].

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

“Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”[5].

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn có tiếng vang lớn trên thế giới. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự mùa Xuân năm 1975, là thắng lợi của quyền làm chủ đất nước của nhân dân tự mình nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mình và cho con cháu mai sau. Thắng lợi này đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam quyết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất, phát triển đất nước, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

2. Quốc hội khoá Vi bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước

Ngày 24-6-1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, có 482 đại biểu về dự, 10 đại biểu vắng mặt. Đoàn Chủ tịch điều hành kỳ họp gồm 36 thành viên, trong đó có các đồng chí và các vị Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát…

Thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc diễn văn khai mạc, khẳng định: “Kỳ họp Quốc hội lần này là một cái mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”[6]. Chủ tịch đề nghị các đại biểu Quốc hội phải hết sức cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu để đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cả nước.

Thay mặt Hội đồng bầu cử toàn quốc, Chủ tịch Trường Chinh đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước ngày 25-4-1976. Theo báo cáo, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình đất nước đã hoà bình. Nhân dân cả nước bước vào Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được. Kinh nghiệm bầu cử Quốc hội do nhân dân ta tích luỹ trong mấy chục năm đã phát huy tác dụng tốt đối với cuộc Tổng tuyển cử lần này.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, công tác tuyên truyền, vận động không những được tiến hành thông qua các cuộc học tập, thảo luận, mà còn được đẩy mạnh qua các công tác quan trọng khác như điều tra dân số, lập danh sách cử tri, trao đổi ý kiến về danh sách ứng cử viên…

Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, cùng với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Phấn khởi, tự hào trước thành công rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 và chào mừng kỳ họp đầu tiên của khoá Quốc hội có ý nghĩa lịch sử mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội do ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội dẫn đầu đến chào mừng các vị đại biểu, những người con ưu tú của Tổ quốc Việt Nam vừa được cử tri cả nước bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình đối với cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, nhân dân Hà Nội hứa với Đảng, với Quốc hội “quyết tâm đem hết tinh thần và nghị lực thực hiện thống nhất tư tưởng, tình cảm, thống nhất ý chí, quyết tâm, thống nhất hành động cùng với đồng bào cả nước ra sức bảo vệ đất nước và đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện mong ước thiêng liêng của Bác Hồ vĩ đại”[7].

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo chính trị Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa. Báo cáo nêu rõ: Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá VI là kỳ họp hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị của nước Việt Nam, mở ra một giai đoạn nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng trên Tổ quốc ta một xã hội đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến lên từng bước để thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[8]

Xuất phát từ tình hình mới của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Kết luận báo cáo, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã long trọng thưa với Quốc hội: Lịch sử dân tộc đã chuyển

sang một bước ngoặt vĩ đại. “Để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới, Đảng Lao động Việt Nam xin hứa với Quốc hội, với quốc dân đồng bào sẽ nghiêm chỉnh tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[9]

Ngày 29-6-1976, sau khi nghiên cứu báo cáo của Chủ tịch Hội đồng bầu cử toàn quốc về cuộc Tổng tuyển cử và nghiên cứu biên bản tổng kết của Hội đồng bầu cử, đối chiếu với 79 biên bản của các ban bầu cử ở 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của các đại biểu đã trúng cử theo biên bản tổng kết ngày 21-6-1976 của Hội đồng bầu cử toàn quốc. Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu của 492 đại biểu Quốc hội trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976.

Ngày 2-7-1976, sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất:

1. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

3. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

4. Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

5. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca.

Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về tên gọi của Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khoá VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khoá Quốc hội trước. Trong khi chờ đợi có Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc quy định Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tổ chức nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Trung ương gồm có:

-Quốc hội,

-Chủ tịch nước và hai Phó Chủ tịch nước,

-Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

– Hội đồng Chính phủ,

– Hội đồng Quốc phòng,

-Toà án nhân dân tối cao,

-Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội giao cho Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xúc tiến việc dự thảo các luật, pháp lệnh cần thiết trong tình hình mới trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đối với các pháp luật hiện hành (luật, pháp lệnh, sắc lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư…) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ hướng dẫn việc thi hành cho sát với tình hình thực tế.

Để củng cố những thắng lợi đã giành được và để bảo đảm đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, yêu cầu của cách mạng đặt ra là cần thiết phải xây dựng một bản Hiến pháp mới cho cả nước. Việc xây dựng Hiến pháp là một công tác lớn của Nhà nước, là một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc, quan hệ đến mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, sau khi thảo luận đề nghị nêu trong Báo cáo chính trị của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn – Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định thiết tha với việc thành phố được mang tên Người. Căn cứ đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, sau khi thảo luận, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề thành lập các ủy ban của Quốc hội cũng được biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 2-7­1976. Các ủy ban của Quốc hội gồm có:

1. Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách do ông Nguyễn Văn Trân làm Chủ nhiệm và 35 ủy viên.   

2. Ủy ban Dự án pháp luật do ông Trương Tấn Phát làm Chủ nhiệm và 17 ủy viên.

3. Ủy ban Dân tộc do ông Chu Văn Tấn làm Chủ nhiệm và 26 ủy viên.

4. Ủy ban Văn hóa và Giáo dục do ông Lưu Hữu Phước làm Chủ nhiệm và 27 ủy viên.

 5.Ủy ban Y tế và Xã hội do ông Nguyễn Văn Thủ làm Chủ nhiệm và 21 ủy viên.   

6. Ủy ban Đối ngoại do ông Hoàng Minh Giám làm Chủ nhiệm và 11 ủy viên.

Ngày 2-7-1976, Quốc hội khoá VI đã tiến hành bầu các vị lãnh đạo các cơ quan cao nhất của Nhà nước và thành lập Chính phủ mới để điều hành công việc của nước nhà.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước

Chủ tịch:               Tôn Đức Thắng

Phó Chủ tịch:        Nguyễn Lương Bằng

                            Nguyễn Hữu Thọ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch: Trường Chinh

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Xuân Thuỷ

Phó Chủ tịch: Hoàng Văn Hoan

                    Phan Văn Đáng

                    Nguyễn Thị Thập

                    Chu Văn Tấn

                    Nguyễn Xiển

                    Trần Đăng Khoa

Các ủy viên:  Lê Thành

                    Nguyễn Đức Thuận

                    Trần Đình Tri

                    Trương Tấn Phát

                    Võ Thành Trinh

                    Nguyễn Công Tâm

                    Đào Văn Tập

                    Hoà thượng Thích Thiện Hào

                    Nguyễn Thị Như

                    Phan Minh Tánh

                    Cầm Ngoan

                    Huỳnh Cương

                    Anh hùng Núp

Ủy viên dự khuyết: Vũ Định

                             Nguyễn Thị Được

Hội đồng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ:        Phạm Văn Đồng

Phó Thủ tướng                  Phạm Hùng

                                        Huỳnh Tấn Phát

                                        Võ Nguyên Giáp

                                        Nguyễn Duy Trinh

                                        Lê Thanh Nghị

                                        Võ Chí Công

                                        Đỗ Mười

Bộ trưởng các bộ, chủ nhiệm các ủy ban nhà nước và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Trần Quốc Hoàn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Duy Trinh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Võ Nguyên Giáp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Võ Thúc Đồng
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp: Hoàng Văn Kiểu
Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi: Nguyễn Thanh Bình
Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim: Nguyễn Côn
Bộ trưởng Bộ Điện và Than: Nguyễn Chấn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Đỗ Mười
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Phan Trọng Tuệ
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ: Vũ Tuân
Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm: Ngô Minh Loan
Bộ trưởng Bộ Hải sản: Võ Chí Công
Bộ trưởng Bộ Nội thương: Hoàng Quốc Thịnh
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương: Đặng Việt Châu

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đào Thiện Thi
Bộ trưởng Bộ Lao động: Nguyễn Thọ Chân
Bộ trưởng Bộ Vật tư: Trần Sâm
Bộ trưởng Bộ Văn hoá: Nguyễn Văn Hiếu
Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp: Nguyễn Đình Tứ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Nguyễn Thị Bình
Bộ trưởng Bộ Y tế: Vũ Văn Cẩn
Bộ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội: Dương Quốc Chính

Chủ nhiệm các ủy ban

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: Lê Thanh Nghị

Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệmỦy ban Kế hoạch nhà nước: Nguyễn Hữu Mai

Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Đặng Thí

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng: Phan Mỹ

Bộ trưởng phụ trách công tác văn hoá, giáo dục ở Phủ Thủ tướng: Trần Quang Huy

Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí: Đinh Đức Thiện

Bộ trưởng phụ tráchcông trình sông Đà: Hà Kế Tấn

Bộ trưởng phụ trách công tác khoa học -kỹ thuật nông nghiệp: Nghiêm Xuân Yêm

Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước: Hoàng Anh

Chủ nhiệm Ủy ban vật giá nhà nước: Tô Duy

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Lê Quảng Ba

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước: Trần Đại Nghĩa

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ: Trần Nam Trung

Hội đồng Quốc phòng

Chủ tịch: Tôn Đức Thắng

Phó Chủ tịch: Phạm Văn Đồng

Các ủy viên: Lê Duẩn

                    Trường Chinh

                    Phạm Hùng

                    Võ Nguyên Giáp

                    Nguyễn Duy Trinh

                    Lê Thanh Nghị

                    Trần Quốc Hoàn

                    Văn Tiến Dũng

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Phạm Văn Bạch

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Hữu Dực

Thay mặt các vị được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng phát biểu và hứa với Quốc hội, với đồng bào cả nước sẽ tiếp tục mang hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ra sức đoàn kết, động viên toàn dân phấn đấu thực hiện đầy đủ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Thay mặt toàn thể Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ với Quốc hội, với nhân dân cả nước quyết tâm phấn đấu làm tròn trách nhiệm của mình. Trước mắt, Hội đồng Chính phủ phải ra sức hoàn thành việc thống nhất quản lý nhà nước về mọi mặt, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá ở cả hai miền, thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1976 trên phạm vi cả nước, chuẩn bị cho kế hoạch nhà nước năm 1977 và kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980). Phấn đấu làm cho bộ máy nhà nước có hiệu lực, nhất là hiệu lực quản lý nền kinh tế quốc dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ sẽ vươn lên làm tốt hơn nữa chức năng quản lý tốt công việc của nhân dân, xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ nhất từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quốc hội đã thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, đối với xã hội và đời sống của nhân dân.

Quốc hội đã ra tuyên bố ghi lại bước đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, xác định những nét lớn về nhiệm vụ chiến lược, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội kêu gọi toàn dân hăng hái tiến quân vào các mặt trận lao động, sản xuất, công tác và học tập, vì sự toàn thắng của công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhấn mạnh: “Với thắng lợi của kỳ họp này, chúng ta đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Anh em bầu bạn trên thế giới chia sẻ vui mừng với chúng ta… Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, phát huy mọi điều kiện thuận lợi do việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đem lại, để tiến tới hoàn thành thống nhất nước nhà về mọi mặt. Đồng thời, ra sức khắc phục những khó khăn về thanh toán những ảnh hưởng còn lại của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ; về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; về khôi phục kinh tế, ổn định đời sống; về cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về tăng cường và cải tiến quản lý nền kinh tế quốc dân”. [10]

Sau kỳ họp thứ nhất kết thúc thắng lợi, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Quốc hội thông qua; đồng thời nghiêm túc thực hiện các chủ trương do Đảng đề ra trên con đường đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) và các nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV.

——————————-

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 36, tr. 395. .
[2] Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21-11-1975.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 2.
[4] Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 17.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 12.
[6] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 6-7.
[7] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 24.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 614.
[9] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 67.
[10] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 104.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây