Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải…

Tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 01/7/2022, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và tham dự của các đại biểu là đại diện lãnh đạo của 5 tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; một số bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; một số một số chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tọa đàm do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW đã phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức.

NHIỀU TIỀM NĂNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN MẠNH

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng.

Đây là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua; đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung trong thời gian tới.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7 km; dân số khoảng 6,5 triệu người.

Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600 km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải…; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tầu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề từ chiến tranh, của thiên tai bão lụt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém.

Vì vậy, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.

TỐC ĐỘ TĂNG GRDP TOÀN VÙNG LUÔN Ở MỨC CAO

Mục tiêu của Nghị quyết 39-NQ/TW đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế, cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW, Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững; là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; chủ quyền biển, đảo được bảo vệ; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, môi trường sống được đảm bảo; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức và tư duy của cấp ủy và chính quyền các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã có nhiều thay đổi; các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều hình thức phối hợp, liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Nhiều thể chế, cơ chế, chính sách đã được ban hành; nhiều nguồn lực đã được bố trí, liên kết Vùng đã mang lại một số kết quả tích cực; tăng trưởng kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Thống kê của các bộ, ngành cho thấy trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm); riêng giai đoạn 2011-2019 tuy có sự sụt giảm so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn đạt cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao như: Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm, Quảng Nam bình quân tăng 11,58%/năm, Quảng Ngãi bình quân tăng (11,19%/năm), Bình Định bình quân tăng khoảng 8,73%/năm.

LIÊN KẾT VÙNG CÒN HẠN CHẾ

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, mặc dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn nhưng còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn…

Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng giống như nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế, đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp.

Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng; chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng.

Liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng; năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển; hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm; thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng; liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập…

Đặc biệt, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại; hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến liên kết phát triển ít được quan tâm, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng…

Ông Trần Tuấn Anh, cho rằng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế – kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của TP. Đà Nẵng chưa cao; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là tài nguyên biển; tỷ lệ lao động lành nghề thấp; thiếu hụt lao động chất lượng cao; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

THOÁT VÙNG TRŨNG, ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Tại Tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã định hướng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương và các nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung, đó là làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Vùng, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương.

Nhiều tham luận đã đề xuất những giải pháp về những định hướng lớn về chiến lược và quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ và và tăng cường liên kết các địa phương trong vùng, đặc biệt là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và phát triển đô thị.

Đồng thời nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế vùng, nhất là việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua.

Những vấn đề đặt ra trong liên kết vùng về các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải…; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông – biển, phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch…

Từ đó, đề xuất những định hướng về các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực mới, các động lực liên kết mới cho các ngành, lĩnh vực của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ngô Anh Văn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây