Giới thiệu khái quát thành phố Tam Kỳ

thành phố Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam

Giới thiệu khái quát thành phố Tam Kỳ

I/ Khái quát chung:

Thành phố Tam Kỳ là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Thành phố Tam Kỳ, về Phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 70 km; về phía Nam, cách sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà khoảng 30 km và cách khu công nghiệp và nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 40 km, gắn với QL1A, QL40 (đường Nam Quảng Nam) và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia gồm đường sắt, đường bộ, hàng không, đặc biệt Quốc lộ 14D, 14B, 14E nối các huyện miền biển, trung du, đồng bằng và duyên hải, gắn kết với các tỉnh Tây Nguyên, Lào và khu vực.

 Năm 1471, Thành phố Tam Kỳ là huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên tỉnh Quảng Nam, được hình thành dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Đến năm 1906, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ. Từ một phủ lỵ năm 1906 đến năm 1997 trở thành Thị xã tỉnh lỵ và nay là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.

Tóm lại, thành phố Tam Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Với tiềm năng địa thế đặc thù, gần các vùng kinh tế trọng điểm và sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, cảng Tam Hiệp, thành phố Tam Kỳ đã hội tụ được các điều kiện thuận lợi để phát triển thành một đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam và tương lai sẽ là trọng điểm phát triển của cả khu vực.

aa 2 - Giới thiệu khái quát thành phố Tam Kỳ

II/ Địa hình:

Thành phố Tam Kỳ có dạng địa hình vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ, là vùng chuyển tiếp từ dạng đồi núi cao phía Tây, thấp dần xuống vùng đồng bằng, thềm bồi của các con sông trước khi đổ ra biển Đông. Địa hình có dạng đồi thấp, và đồng bằng được hình thành do bồi tích sông, biển và quá trình rửa trôi. Hướng dốc chung của địa hình từ Tây sang Đông, địa hình toàn khu vực bị chia cắt nhiều bởi các sông, suối thuộc lưu vực của sông Trường Giang.

Thành phố Tam Kỳ nằm trong phân vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và mưa theo mùa. Trong năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.

– Mùa mưa chủ yếu tập trung nhiều vào các tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa chiếm 70-75% cả năm. Lượng mưa tháng trong thời kỳ này đạt 400mm, tháng 10 lớn nhất: 434mm.

– Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, lượng mưa chỉ chiếm 25-30% cả năm. Lượng mưa tháng trong thời kỳ này chỉ đạt 25mm, tháng 3 có lượng mưa nhỏ nhất trong năm: 12mm.

Sông Tam Kỳ: Là hợp lưu của 10 con sông suối nhỏ, bắt nguồn từ các dãy núi phía Tây, chảy theo hướng Tây – Đông xuống dòng chính tại Xuân Bình – Phú Thọ, xã Tam Trà, huyện Núi Thành, rồi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam chảy ra cửa An Hòa (Núi Thành). Diện tích lưu vực khoảng 800km2. Do nằm trong vùng nhiều mưa, rừng đầu nguồn ít bị tàn phá nên dòng chảy tương đối điều hòa theo mùa. Lưu lượng lớn nhất của sông Tam kỳ là 20,7m3/s.

Sông Bàn Thạch: Là sông lớn nhất chảy qua thành phố Tam Kỳ, chảy từ phía Tây sang phía Đông của thành phố. Sông Bàn Thạch hợp lưu với sông Tam Kỳ tại khu vực phía Đông Thành phố, tạo thành sông Trường Giang dài 12km trước khi đổ ra biển. Lưu lượng lớn nhất của sông Bàn Thạch là 96,6m3/s.

Ngoài hai hệ thống sông trên, Tam Kỳ còn có sông Trường Giang là sông nước mặn và nước lợ chạy sát biển nối cửa An Hòa với cửa Đại – Hội An, khi lũ lớn chỉ ảnh hưởng tràn bờ vùng sát ven sông có cao độ nền <2,5m.

Sông Trường Giang không có thượng lưu và hạ lưu, chạy ngang, song song với bờ biển Quảng Nam. Sông dài trên bảy chục cây số, nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn ở phía Bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ – An Tân ở phía Nam. Nguồn nước của Trường Giang được thu nhận từ hai hệ thống sông này. Nguồn nước nữa, đó là thủy triều lên xuống đổ vào và rút ra ở các cửa sông. Ở hai đầu Bắc và Nam, sông đều thông với biển. Phía Bắc, Trường Giang gặp Thu Bồn rồi cùng ra biển qua Cửa Đại. Phía Nam, Trường Giang hòa với sông Tam Kỳ, An Tân rồi đổ ra biển thông qua Cửa Lở và cửa An Hòa.

Hồ chứa nước Phú Ninh nằm cách Tam Kỳ khoảng 7km điều hòa dòng chảy sông Tam Kỳ. Hồ này là nguồn cung cấp nước cho khu vực đô thị Tam Kỳ và cho các hoạt động thuỷ lợi. Dung tích hồ W=362×106m3.

III/ Dân số: Theo niên giám thống kê của thành phố Tam Kỳ năm 2011, dân số của thành phố là 109.322 người, bố trí tại 9 phường và 4 xã.

– Dân số thành thị là 82.587 người chiếm 75,5% tổng dân số thành phố.

– Dân số nông thôn là 26.735 người chiếm 24,5% tổng dân số thành phố.

– Phân bố dân cư theo đơn vị hành chính không đều. Dân cư chủ yếu tập trung hai bên đường phố chính, đặc biệt là đường Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và một số khu dân cư được xây dựng từ khi tái lập Tỉnh ( từ năm 1997) đến nay còn các khu vực khác dân cư rất thưa thớt.

Dân số thành thị tăng nhanh theo quá trình đô thị hoá và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số Thành phố, năm 2005 chiếm 71,95% và đến năm 2010 chiếm gần 75,6% dân số. Mật độ dân số của thành phố năm 2010 là 1.167 người/km2, trong đó phường An Xuân có mật độ dân cư cao nhất là 10.394 người/km2, phường Phước Hoà 8.008 người/km2 và phường An Mỹ 7.497 người/km2; mật độ dân số thấp nhất được phân bố ở xã Tam Thăng là 332 người/km2 và xã Tam Phú 484 người/km2.

IV/ Kinh tế – xã hội: Các ngành kinh tế ở Tam Kỳ hiện nay đang phát triển theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp giảm dần, tỷ lệ nông nghiệp giảm. Những năm qua, cơ cấu kinh tế TP.Tam Kỳ chuyển dịch khá nhanh và tăng mạnh theo hướng thương mại – dịch vụ và công nghiệp . Tốc độ tăng trưởng hàng năm của hai ngành này luôn đạt từ 25 – 28%.      

Cụm công nghiệp Trường Xuân đã được đầu tư hoàn chỉnh một phần, cảng cá Tam Phú đã được đầu tư đi vào hoạt động ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các lĩnh vực may mặc, chế biến đồ gỗ, cơ khí, điện máy tiếp tục phát triển. Các làng nghề và sản phẩm truyền thống như: Trà, tàu thuyền, bún, chiếu cói.. tiếp tục phát triển ổn định. Có những thương hiệu đã được khẳng định như: Trà Mai Hạc, bún Phương Hòa, chiếu cói Thạch Tân.vv…Ở Tam Kỳ đã hình thành một số sản phẩm mới như tranh tre, có sức thu hút khách hàng. Bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh rau sạch, hoa, cây cảnh ở một số xã vùng ven của thành phố. Nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản ở các xã ven biển phát triển khá mạnh.

Trên địa bàn Thành phố Tam Kỳ còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài tỉnh như: Địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, Văn Thánh Khổng Miếu, khu di tích lịch sử Rừng cây mang tên Bác Hồ, Phủ đường Tam Kỳ, di tích lịch sử cách mạng Chi bộ Đồng, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Khu di tích lịch sử Núi Chùa, Mộ cụ Thuyết. v v… Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có 21 di tích được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đến Tam Kỳ, nhiều du khách đã thật sự bị thu hút bởi những điểm du lịch thật đẹp và thơ mộng như: Rừng Cừa, cây sưa vàng ven sông; bãi biển Tam Thanh, đồi An Hà, bãi sậy sông Đầm, v v…

            Các di tích lịch sử văn hoá là nguồn tài nguyên không chỉ cần được khai thác để thu hút du lịch, mà còn cần được bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy và gìn giữ giá trị. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên này còn nhằm xác định bản sắc của đô thị, một điều quan trọng để nhận diện đô thị và tạo giá trị độc đáo cho đô thị đó.

          Hiên nay ( từ năm 2013) Thành phố Tam Kỳ có tất cả 19 di tích văn hóa, lịch sử trong đó có 02 di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, 17 di tích cấp Tỉnh.

          Đáng chú ý ở thành phố là di tích quốc gia, di tích lịch sử Cách mạng Địa đạo Kỳ Anh tại xã Tam Thăng. Hiện tại, di tích này đang được đầu tư thực hiện quy hoạch và đang trong giai đoạn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

          Bên cạnh đó, Tam Kỳ còn có một số điểm di tích văn hóa đáng chú ý khác cần đầu tư khai thác như: Văn Thánh- Khổng Miếu, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Chùa Sư nữ Diệu Quang, Chùa Đạo Nguyên, Tịnh xá Ngọc Ký, Tịnh đạo Ngọc Quang…

V/ Các Công trình Văn hóa- Thể thao: Diện tích hiện trạng 12,27 ha, chiếm 0,13% diện tích đất tự nhiên, bao gồm sân vận động của tỉnh, sân vận động các xã, phường, sân thể thao các khối phố…Tập trung chủ yếu ở An Sơn, Hòa Hương, Tam Thăng, Tam Phú và Hòa Thuận. Các cơ sở thể dục thể thao nằm trong khu vực nội thị có diện tích 6,34 ha; các sân thể thao cấp xã, phường có diện tích 8,61 ha.

    Toàn thành phố có 01 bảo tàng (bảo tàng Tỉnh), 01 trung tâm Văn hóa Tỉnh và 01 trung tâm Văn hóa Thành phố, 01 thư viện Tỉnh, 01 thư viện Thành phố (17600 đầu sách), 01 rạp chiếu bóng và trung tâm Thanh thiếu niên Miền Trung. Tại các xã, phường đều có nhà sinh hoạt văn hóa riêng.

ĐỊNH HƯỚNG QUI HOẠCH THÀNH PHỐ TAM KỲ

Đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

bb - Giới thiệu khái quát thành phố Tam Kỳ

* Phân tích SWOT:

  1. a) Điểm mạnh- Strength:

– Là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, tập trung nhiều công trình hành chính và văn phòng.

– Đối với khu vực trung tâm thành phố, trong khu vực khoảng 8,5km2 đang tập trung các công trình như nhà ở, hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, là khu vực trung tâm thành phố tập trung mật độ cao với mật độ dân số là 64 người/ha.

– Trung tâm thành phố có hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với công trình giáo dục cấp tỉnh, y tế, văn hóa – thể thao, các khu dân cư chất lượng tốt.

– Khu vực trung tâm thành phố có mạng lưới đường giao thông dạng ô bàn cờ, không gian đô thị có trật tự với đường được xây dựng có bề rộng rộng rãi.

– Tốc độ tăng trưởng các ngành thương mại – dịch vụ, công nghiệp cao, và đây cũng là các lĩnh vực phát triển trong thời gian tới.

– Có nhiều tài nguyên du lịch như di tích lịch sử, di tích chiến tranh (địa đạo Kỳ Anh), tượng đài (mẹ Việt Nam anh hùng : đang xây dựng ).

– Trong nội thành, có QL1A, đường sắt Bắc Nam, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (quy hoạch), cách 30km về phía Nam có sân bay Chu Lai, là nơi rất thuận lợi về giao thông.

– Có điều kiện tự nhiên phong phú, với biển Tam Thanh, sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang, sông Kỳ Phú, hồ Phú Ninh, hồ Sông Đầm, diện tích cây xanh lớn với đồi An Hà, núi Cấm, núi Baty, núi Dài, đồi Trà Cai,v.v…

– 51.4% diện tích thành phố là đất nông nghiệp, các khu vực đất trũng thấp đang đảm nhiệm chức năng trị thủy.

  1. b) Điểm yếu- Weankness:

– Đặc trưng của khu vực chưa được quảng bá rộng rãi.

– Trung tâm Thành phố có sông Bàn Thạch, mặt nước và cây xanh, tuy nhiên chưa được đầu tư xây dựng để người dân có thể sử dụng, chất lượng không gian đô thị chưa tốt. 

– Ngoài những siêu thị mới bày bán thực phẩm, đồ dùng hàng ngày, các công trình thương mại chỉ là các cửa hàng quy mô nhỏ. Chợ có quy mô nhỏ lẻ, không hiện đại

– Dọc đường quốc lộ 1 cũ đang đánh mất dần sự nhộn nhịp do các cửa hàng đã đóng cửa.  

– Tỷ lệ tăng trưởng của ngành nông – lâm – thủy sản thấp, dân số ngành nông nghiệp đang giảm dần.

– Hay xảy ra lũ khi có mưa lớn. Vào mùa khô không có nhiều gió nên rất nóng.

  1. c) Cơ hội- Opportonity:

– Việt Nam đang tăng trưởng mạnh sau năm 2000, đặc biệt, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam được Chính phủ xác định là khu vực phát triển kinh tế quan trọng và được kỳ vọng vào sự thúc đẩy đầu tư trong tương lai.

– Công nghiệp của Việt Nam có xu hướng liên kết rộng rãi giữa ngành công nghiệp và ngành dịch vụ, do đó dự báo dân số sẽ tập trung mạnh vào đô thị. Ngoài ra, có thể hi vọng vào hiệu quả hỗ trợ từ sự phát triển của KKT mở Chu Lai ở kế cận và Tp Đà Nẵng.

– Việc cơ giới hóa và xây dựng hạ tầng giao thông như xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của con người , kéo theo đó dự báo nhu cầu liên quan đến thương mại, dịch vụ và du lịch tại đô thị sẽ tăng cao. Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có nút giao cắt với đường tỉnh lộ 616, có bố trí trạm dịch vụ ở xã Tam Ngọc.

  1. d) Thách thức- Threat:

  – Việc cơ giới hóa sẽ kéo theo việc dân số và chức năng đô thị sẽ tập trung vào thành phố Đà Nẵng.  

– Thành phố Hội An rất gần với thành phố Đà Nẵng, có khả năng thành phố Hội An sẽ bị hướng về Đà Nẵng .

          – Thành phố Quảng Ngãi là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ngãi, nằm bên cạnh khu kinh tế Dung Quất, tính chất đô thị rất giống với thành phố Tam Kỳ nên lo ngại sẽ phát sinh sự cạnh tranh .

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây