Lý Phật Tử thỉnh pháp – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Trai phòng Khai Quốc tự năm Thiên Đức thứ ba mươi mốt vương triều Tiền Lý (575).

Buổi sớm đầu hè, tiết trời quang đãng. Ba bề đầm nước mênh mang gió thổi. Sen nở xa gần đưa hương thơm ngát. Nhãn lồng cổ thụ hai hàng phủ bóng xây quả rung rinh. Mười bảy xóm chài nơi Đầm Sương Mù sau mùa lễ hội xuân kẻ chuyên tâm chài lưới nơi lòng hồ, người miệt mài dâu tằm canh cửi ở bãi sông. Có nhiều làng chuyên việc làm các thức vật buôn bán phố phường. Nào cốm non Cổ Võng xanh màu ngọc bích thơm sâu, xôi cá rô Cổ Thị trắng ngà cay gắt, những thếp chả quế Cổ La vàng ruộm sóng sánh như mật ong, từng mẹt bánh răng bừa Cổ Tháp xanh thẫm lá thị cao như ngọn núi nhỏ nghi ngút khói thơm lừng… Các thức hàng nhộn nhịp chào mời từ mờ sang tới tận đêm khuya khắp nơi trong băm sáu phố phường Kẻ Chợ. Lại còn vô số hàng chè, hàng bánh, hàng quà lanh canh len lỏi trên bến dưới thuyền. Ngay cả tiếng ve rộn rã đầu hè cũng như điệp vào cái không khí sống động sinh sôi của non nước mây trời trong ngoài trấn Long Biên.

Trai phòng Khai Quốc tự hướng mặt về phía đông nam, ngay sát đó vạt nụ sen đang thập thò bung nở. Mấy năm nay, sen mùa nào cũng dàn dạt châu tuần ăn sát quanh cổ tự. Có nơi đầm sâu vài thước nước, sen vẫn vươn ra. Phàm giống sen ưa sống chỗ nước nông, duy chỉ sen Đầm Sương Mù lại có thể sinh sôi dưới vài ba thước nước.

Trên chiếc ghế trúc đơn sơ đã lên nước bóng loáng, đại sư Phùng Hiền Anh đang nhập thiền sớm giữa ngào ngạt hương sen.

Vừa độ hơn một tuần hương, Phùng đại sư từ từ mở mắt.

Tiếng ve cũng vừa lúc cất lên.

Một bóng người xuất hiện nơi sân tự.

Khi Phùng đại sư kịp nhận ra ngài ngự thì đức vua đã ở trước mặt mình.

Vị đại sư toan hành đại lễ.

Đức vua mỉm cười ra hiệu cho đại sư hãy cứ ngồi yên.

Ngài ngự mau chóng ngồi xuống chiếc ghế trúc ngang chỗ đối diện.

Đức vua thong thả cất lời:

– Phùng đại sư! Lại phải để đại sư vất vả rồi!

Vị đại sư nhìn đức vua xúc động nói:

– Hoàng thượng! Bần tăng vừa tới cổ tự tối hôm qua. Vì đã muộn nên chưa vội kinh động thánh giá, xin hoàng thượng miễn tội. Bần tăng chuyển lời của hoàng hậu cùng triều thần đàng trong chúc hoàng thượng thánh an!

Đức vua mỉm cười nói:

– Đại sư chớ đa lễ quá! Cũng đều bởi tại trẫm tham công tiếc việc mà ra. Ai bảo các khanh sinh ra trong triều đại Vạn Xuân làm gì? Suốt ngày xuôi nam ngược bắc, mở biển, khai sông, lập chùa, dựng tháp. Có khi nào trẫm cũng đã sai rồi chăng?

Nha van Phung Van Khai h2 min - Lý Phật Tử thỉnh pháp - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (giữa) trong chuyến đi điền dã. 

Phùng đại sư vội nói:

– Hoàng thượng! Không thể nói thế được! Những việc người làm chính là khí phách của quân vương, phúc phận của triều thần. Vua siêng năng mới châu tuần được hiền thần lương tướng, gốc nước mới bền, vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở. Kìa hoàng thượng xem! Đến như hoa sen quanh Khai Quốc tự mấy năm nay chúng cũng chăm chỉ hẳn lên.

Đức vua nhìn ra bên ngoài thấy bốn phía hoa sen đua nở. Không ít bông còn vươn thẳng vào sát sạt lối đi bèn nói:

– Phùng đại sư! Xin đừng ví trẫm với hoa sen. Trẫm còn lâu mới được như thế. Cũng đừng nói vua siêng năng ắt có hiền thần. Phải nói là bách dân thơm thảo, hiền thần chăm chỉ mới tạo nên đất nước thái bình. Còn như đã được thế rồi, ai ngồi trên ngai vàng chẳng được?

Phùng đại sư trang nghiêm đáp:

– Hoàng thượng! Người quả là quá khiêm tốn đấy thôi. Đạo làm vua có bảy điều nên trọng: Trọng dân chúng là một. Trọng bản thân mình là hai. Trọng bách quan triều thần là ba. Kính trọng tổ tiên phật thánh là bốn. Kính trọng những bô lão, trưởng tộc trong nước là năm. Tôn trọng lân bang kế quốc xung quanh là sáu. Trọng thị từng tấc quốc thổ non sông biển trời là bảy. Cả bảy điều ấy, chẳng phải đã đều sáng rõ trong triều đại Vạn Xuân ta hay sao? Thành tựu ấy, chẳng phải do hoàng thượng dẫn đầu bách tính phấn đấu mà đạt được sao? Ví hoàng thượng với hoa sen, cũng là công bằng vậy.

Phùng đại sư vừa nói tới đó, bỗng bên ngoài tên tiểu tăng đem tới một đĩa khoai mật nóng và một bình trà.

Đức vua thấy vậy bèn nói:

– Ôi chao! Quả là lý lẽ đại sư vẫn sắc bén như trước, trẫm nhất thời chưa thể bắt bẻ được. Người xưa thường nói, có thực mới vực được đạo. Nay trẫm đã đói bụng rồi, xin đại tăng ngài chút đồ chay vậy.

Nói đoạn, nhà vua không chút khách sáo tay cầm luôn củ khoai mật bẻ đôi chén ngon lành.

Phùng đại sư vừa mỉm cười vừa thong thả cầm một củ khoai lên.

Chỉ một lát, đĩa khoai đã sạch nhẵn.

Thong thả rót trà mời đức vua, Phùng đại sư hỏi:

– Hoàng thượng! Người triệu bần tăng ra kinh thành hẳn đã sớm có chủ ý gì chăng?

Đức vua nghiêm nghị nói:

– Phùng đại sư! Tám ngôi bảo tháp ở Dong Chuôm trẫm giao cho đại sư cùng bát tộc Dã Năng dựng giúp thị tộc Kadai đã hoàn thành đã gợi ra cho trẫm nhiều việc. Hôm trước, khi tuần du trấn trị bọn cướp biển nơi vạn đảo Trường Châu, trẫm đã cứu về ba vị sư tăng người đất Thiên Trúc nơi Tổ quán của Phật tổ. Các vị tăng vì muốn xuống phương Nam giao lưu, giáo hóa Phật pháp mà bị bọn chúng bắt đi. Nay các ngài ấy không muốn về nước nữa đã xin tới cổ trấn Luy Lâu nghiên cứu đạo pháp, trẫm đã đều ân chuẩn. Thiên hạ vẫn cho rằng Thiên Trúc là trung tâm Phật pháp. Phật tổ Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử của ngài truyền thừa Phật pháp dần dà đã đến khắp bốn phương trong đó có phương Nam chúng ta. Trẫm cũng cho rằng, ngôi nước mà Lý thị được bách tính suy tôn đều là cao ý của Phật tổ. Thì các vị đế vương Vạn Xuân đều chẳng từ cửa chùa mà ra đó hay sao? Bởi vậy, nay Vạn Xuân nhất thống, trẫm trước tiên muốn đạo pháp quy về một mối, Phật pháp càng phải nêu gương đi đầu. Hưng quốc cũng là hưng pháp. Hưng pháp trước tiên phải lấy cái gốc của đạo, sự uy nghiêm khổ hạnh của Phật tổ làm nền móng. Kế đến là khơi dẫn phật tử đi theo con đường chính đạo. Sắp xếp, bổ chính các bộ quy chế, phật điển, tích truyện trong phật tự và chốn dân gian. Người phương Nam chúng ta phật tính rất cao, không ít vị mau chóng đắc đạo, đắc pháp trở thành phật thánh như Chử Đồng Tử – Tiên Dung, phật mẫu Man Nương đều đã ăn sâu bám rễ trong đời sống bách tính thị tộc, nay càng cần phải truyền bá sâu rộng, ghi vào kinh sách, kẻo mai này bọn người phương khác lại nhận xằng là của chúng. Các trung tâm Phật pháp Luy Lâu, Cổ Loa, Cổ Pháp, Ô Diên, Dã Năng đều phải được tu chính sửa sang, các cổ tự đều cho tu dựng Tàng Kinh Các để chúng tăng tới đọc sách luận pháp. Trẫm còn nghe nói, bên Tây Trúc có thiền sư Diệt Hỷ vừa soạn dịch xong bộ kinh Tượng đầu đà tinh xá tại Trung Nguyên, song ngài ấy do bất đồng với những luận điểm cứng nhắc của các thiền phái phương ấy nên đang vân du xuống phương Nam, không biết ngài ấy đi đường bộ hay đường biển, ta nên sớm tìm đón để giao lưu đạo pháp. Đại khái những chuyện như thế, quả là trẫm không quản được. Chính vì vậy mới phải cho triệu kiến đại sư.

Nha van Phung Van Khai h3 min - Lý Phật Tử thỉnh pháp - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) trong chuyến đi điền dã.

Nghe đức vua nói một hồi dài toàn những việc đạo pháp vốn từ lâu ngài ngự canh cánh trong lòng, Phùng đại sư xúc động nói:

– Hoàng thượng! Người không chỉ là một thánh quân mà còn là một đại thiền sư tinh thông Phật pháp, tâm thế một lòng hướng về Phật tổ, không chỉ coi đạo Phật làm quốc đạo, mà còn dẫn dắt bách chúng thị tộc theo về chính pháp, khơi dẫn phật tính muôn dân. Người không chỉ xây nền móng bên trong, mà còn mở rộng khung khổ đạo pháp, đón mời chân thành các cao tăng học phái nơi đất Phật tới dịch sách khai đạo, bồi dưỡng tri thức, mở rộng công cuộc hành pháp cũng là khai thị tuệ nhãn cho bách tính. Bần tăng nguyện đem hết sở trường sở pháp được các sư phụ truyền dạy, theo ý Phật tổ giúp đỡ hoàng thượng. Nam mô a di đà Phật!

Đức vua nhìn vị cao tăng mấy mươi năm trước từng lặn lội tới Dã Năng dựng chùa hoằng pháp, tất thảy mọi việc quân chúng đạo pháp đều chẳng nề hà, trong lòng rất xúc động nói:

– Nam mô a di đà Phật! Trẫm xin đa tạ đại sư!

Sau buổi luận pháp cũng là bàn các công việc liên quan tới triều chính, pháp độ của đạo Phật, quốc đạo bấy giờ với quốc sư Phùng Hiền Anh tại chùa Trấn Quốc, Nam Việt đế Lý Phật Tử một mạch cùng văn võ triều thần ngày đêm siêng năng cần mẫn mọi việc khiến đất nước Vạn Xuân ngày một cường thịnh. Nam Việt đế Lý Phật Tử làm vương mười sáu năm (555-571), tiếp đó ngài nhất thống Vạn Xuân, giữ ngôi Nam Việt đế ba mươi mốt năm (571-602) thọ trên tám mươi tuổi, là một trong những vị quân vương, hoàng đế vĩ đại trong lịch sử nước ta.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây