Đò dọc sông đêm – Trích trường ca của Nhà thơ Bùi Quang Thanh – Kỳ cuối

Đò dọc sông đêm - Trích trường ca của Nhà thơ Bùi Quang Thanh - Kỳ cuối

bùi quang thanh Untitled 1 min - Đò dọc sông đêm - Trích trường ca của Nhà thơ Bùi Quang Thanh - Kỳ cuối

ĐÒ DỌC – SÔNG ĐÊM

Bùi Quang Thanh

5

Mai Hắc Đế

Mẹ ơi bảy nổi ba chìm
Cây đa, bến nước, sân đình mẹ đâu?
Vai gầy oằn nặng khổ đau
Lá trầu còn thắm buồng cau đã lìa
Cha con phận mỏng không về
Đã đành chưa trọn lời thề nước non
Nhưng mà còn mẹ? Còn con
Tổ tiên ta đó và còn ngày mai…
Đường duyên ngắn, quãng nợ dài
Mẹ ơi! Hạt muối làng Mai xát lòng.

Sức trai bế cả non Bờng
Lôi dãy Long Ngâm chồng lên chót vót
Sức trai chẳng bế nổi mùa giáp hạt
Muối trắng làng Mai trắng mắt dân nghèo
Gió Lào tràn lên xóm lúa nắng thiêu
Không gạo
Không khoai
Muối thay cơm sao đặng?

*
* *
Mấy trăm năm từ độ gieo lông ngỗng
Gót giày quân Bắc xéo non sông
Núi cao Mã Viện yểm cột đồng
Lừa dân Cao Biền gieo trò phù thủy

Viên ngọc trai từ tăm tăm đáy bể
Cặp sừng tê hun hút cuối rừng sâu…
Vòi bạch tuộc bọn xưng danh “Thiên tử”
Vét tận cùng đọi cháo đĩa rau

Mẹ nhịn nhục nuôi ta thành tráng sĩ
Ta vươn vai làm cột trụ chống trời
Con Rồng Đen từ sông Cày cửa Sót
Thua kém gì Thiên tử? Mẹ yêu ơi!

Đòn gánh tre vung lên – toang đầu giặc
Một tiếng hô sấm sét dậy muôn lần
“Bảy trăm năm người Nam có Hoàng Đế!”
Quả vải quê nhà làm bữa tiệc khao quân

Nâng quả ngọt chắt chiu từ cằn cỗi
“Nào chạm nhau, những trai tráng quê mùa
Ta xưng Đế cho dân Nam có chủ
Với bạn bè ta vẫn Cu Đen xưa”.

“Ta xưng Đế cho dân Nam có chủ!
Ôi Vua Đen – Mai Hắc Đế oai hùng”
Cơn gió lớn quét quang trời Giao Chỉ
Từ quả trứng Rồng bên núi Long Ngâm.

 

6

Ngát thơm hương suối hương ngàn
Gửi Hương Khê

*
Trà Sơn gối đầu lên Trường Sơn
Giấc yêu đương ngàn năm trống mái
Cá vượt Vũ Môn cá hóa rồng huyền thoại
Gió vượt Khe Giao gió lạc giữa hương ngàn

Tôi về làm ngọn gió lang thang
Qua núi
qua non
qua đồng ngô bãi sắn
Cùng mẹ mang tơi xuyên ngày mưa tháng nắng
Cùng bố rèo trâu ra ruộng kéo cày
Hương rừng thơm cho ong bướm cùng say
Ôi mảnh vườn xanh hoa chanh hoa bưởi
Cành sim trên đồi bông mua dưới suối…
Cứ ngát thơm
như tình mẹ
Hương Khê

*
Dòng Ngàn Trươi hòa dòng cùng Ngàn Sâu
Bầu sữa mẹ ngọt lành nuôi xứ sở
Chín khúc Hội Nai rồng về cuộn tổ
Để suối khe muôn dáng long chầu

Quê hương tôi núi cao sông sâu
Có hạt ngô thơm, có cam bưởi ngọt
Điệu ví, câu hò sớm chiều dìu dặt
Yêu thương rất nhiều bởi lắm khổ đau.

Quê hương tôi ngàn xưa – ngàn sau
Muối mặn gừng cay, tình quê chân thật
Nhút mít ưa chua nước chè ưa chát
Ân nghĩa tràn đầy như hồ nước Trăm Năm.
Đất cằn khô cây hóa trắc, hóa trầm
Như mẹ cha tôi cũng hóa trầm, hóa trắc
Rắn rỏi, can trường khi đương đầu với giặc
Thơm ngọt, dịu dàng khi với cháu với con.

*
“Cá gáy vượt thác Vũ Môn để hóa ra rồng”
Rồng – biểu tượng của tổ tiên người Việt
Đừng ai nghĩ đó là truyền thuyết
Mảnh đất này Tiên, Phật có xa đâu.
Mảnh đất này xưa đói cháo thiếu rau
Người thương người vẫn nhường cơm chia áo
Cho những vùng sâu vùng xa lụt, bão
Cho những bản nghèo Giằng, Chứt, Rào Tre…

*
Mặt trời thức trên Trà Sơn, ngủ cuối Giăng Màn
Một ngày quê tôi giữa hai triền núi
Ngày ngắn đêm dài hình như ai cũng vội
Riêng tiếng gà báo thức kéo dài hơn

Suối chảy từ nguồn nơi cá hóa long
Trong nước suối có hương rừng hương đất
Cây cỏ ngát hoa, giàn ong trĩu mật
Và tình đời cũng dào dạt như thơ…

Hương Khê ơi! Yêu đến tận bến bờ.

 

7

Một thoáng Chân Tiên

Biển dát bạc, thuyền dong buồm, làng Thịnh lượn quanh quanh mép sóng, như chiếc đòn tre oằn nặng quảy một đầu núi Bờng và đầu kia là dãy Tiên An. Mấy mươi năm rồi giờ đây lại mở hội làng. Gã tiều phu ngày nào gặp Tiên đang say sưa kể chuyện:
“Buổi sáng ấy mây quang trời lặng, gã đắm mình trong giấc sơn lam… Bỗng hương thơm từ đâu bay tới ngào ngạt núi rừng, tay rẽ lá cây gã nhìn xuống núi, dụi mắt ba lần gã cũng chưa tin nổi khi thấy bốn cô Tiên trên nước biếc… tắm tiên”.
Chuyện xa xưa giờ bao kẻ vẫn thèm (mắt trộm liếc xuống Bàu Tiên nắng nhuộm).
Đường lên Chân Tiên, sau lưng ta biển vẫn dạt dào điệu ru ngàn đời của sóng. Trước mặt ta: bên này núi cao, bên kia hồ rộng. Ráng mây trời chớp trắng cò bay.

Người. Cơ man là người
Đá. Nhấp nhô những đá
Chao ôi! Sơn thủy hữu tình, giai nhân tấp nập. Lạ thay! Giữa vùng làng mạc ruộng đồng – đất như khô cằn, người như lam lũ – lại có một miền xanh hội tụ buổi “thanh minh trong tiết tháng ba”.
Nào! Ta cùng bạn lên rừng. Con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Tảng lờ trước những đôi mắt huyền quyến rũ. Khấp khểnh đưa chân lên từng bậc đá lì trơn. Một thoáng thôi, vừng trán vừa kịp rịn mồ hôi, trăm cảnh lạ đã phô bày trước mắt. Kìa: Bàu Tiên ngăn ngắt, hình thế như bàn chân một khách siêu phàm, triền núi ôm nước biếc mơn man, ba bề núi, một phía làng thấp thoáng. Tinh một tý, xa xa sau làn nắng (xin bạn đừng reo) có ai ngà ngọc ngâm mình. Truyền thuyết kể rằng dấu tích Bàu Tiên là cú nhún của Đế Thiên khi nhảy lên Bàn Cờ Đá. Bạn chẳng tin ư? Thì dấu xưa còn đó: Này tướng, này quân, này bàn, này… chỗ các ông ngồi tóc trắng đã thành mây. Kìa: Vệt đá lún sâu vừa vặn một dấu hài nho nhỏ xinh xinh trên nền đá xám (là chỗ bốn nàng Tiên xuống tắm, bắt gặp ánh mắt ai cả thẹn loáng về trời). Nhẹ như Tiên vẫn lún… đá người ơi, bạn đừng e ngại khi so hài dấu cũ.

Nào! Đi lên. Men qua những gốc thông già mành tơ buông rủ, ngôi đền Tiên nằm giữa mộng mơ. Người chen vai trong nến đỏ sương mờ, lá cờ Phật tung bay vừa gần vừa ảo. Thắp nén hương trước những gì xưa cũ, trong lòng thầm ước cảnh ngày mai – vẫn đá, vẫn cây, vẫn dấu tích, vẫn người – nhưng tiên cảnh thêm bàn tay độ thế. Ai ngẩn ngơ nhìn đôi trai gái trẻ, hai mái đầu xanh chụm sát trước linh môn? A! Ngày mai cậu ấy đã lên đường. Mắt cô gái cay xè sau làn khói xám. Một lời nguyện chỉ Đất – Trời nghe đặng mà xao lòng muôn ngọn sóng trùng khơi. Nước da nâu của cậu cả xóm chài chợt ửng khi chạm bờ môi thôn nữ. Nhớ nghe em, dù ngày mai chân trời góc bể, lòng vẫn bên lòng như tình của Mẹ – Cha, như Đá Ông luôn bên cạnh Đá Bà, chốn động Thạch – non Hồng, nơi hẹn hò tao ngộ.

Bảy trăm năm rồi ai lập Tiên An Tự để quây quần động đá giữa ngàn mây. Nhẹ gót thôi, mời bạn rẽ lối này, nước giếng Ngọc xanh trong như sương sớm. Vục làn nước thoảng hương đời ngọt mát, soi nụ cười như thuở trước ai soi. Là giếng ư? Hay gương của người Trời, nhỡ sót lại khi vội vàng xiêm áo?

*
* *
Ông cha mình với bao nhiêu hoài vọng nên ở chốn trần vẫn gần gũi cảnh tiên, nên am động hoang sơ hóa nơi ở thánh hiền, cả viên đá cũng thành quân, thành tướng.
Ông cha mình quen dãi dầu mưa nắng. Mảnh thuyền nan dám xé sóng ngàn khơi. Trên cát khô cây mạ lớn cùng người. Vẫn mặn muối cay gừng trong đạo nghĩa.
Nhân kiệt – Địa linh. Hẳn là phải thế.
Một vùng non nước đâu chỉ có thánh thần và tên tuổi hư không.

Lễ hội Chân Tiên, tháng 3-1997

 

8

Mẹ chọn năm sinh tôi

Mẹ chọn năm sinh tôi
Năm thế kỷ hai mươi bị tách làm hai nửa
Nửa đầm đìa tủi nhục bỏ lại phía sau
Tự do rộng dài theo bước chân giải phóng
Áo trấn thủ cha mang dấu võng tôi nằm
Chiếc võng lác đầm đìa hương cỏ mật
Đẫm nắng mặt trời
Đẫm gió – sương – trăng

Cha cùng Trung đoàn hành quân vào Bình – Trị
Hoành Sơn quan giăng chiến lũy ngăn thù
Đoàn Vệ quốc bạc đà mây, chân đất
Đến Ba Rền, Cự Nẫm giữ chiến khu

Súng giặc nổ. Bốn phương súng nổ
Đất tự do một tay mẹ chống chèo
Một tay mẹ giữa mưa nguồn chớp bể
Tôi: cục than hồng.
Tôi: mảnh trăng treo…

Cha cùng Đại đoàn hành quân lên ải Bắc
Mẹ chẳng địu tôi lên vọng đá đợi chờ
Vạt lúa lẩy đòng, vồng khoai chưa tủ
Dưới Thiên Cầm tàu chiến giặc mò vô.

Hạt gạo cũng theo người ra hỏa tuyến
Bồ dân công đan tre cật vườn nhà
Những lóng tre vỗ về tôi từng giấc
Giã xóm làng cõng gạo tiếp sức cha

Quê hương ơi những chiều trong cổ tích
Đám trai làng ra trận ba lô mây
Cánh đồng quê tà váy nâu nhuốm đất
Bước chênh chao không chịu lỗi nhịp cày…

*
* *
Tuổi tôi đếm theo từng tên chiến dịch
Một tuổi: Biên giới
Hai tuổi: Hòa Bình
Ba tuổi: Tây Bắc
Bốn tuổi: Điện Biên
Dõi chân trời tìm bóng cha bóng chú
Ráng mây nào từ lửa khói bay lên?

*
* *

Cha tôi: vầng mặt trời
Gần thì bỏng rát
Xa thì nhớ mong
Mẹ là tấm gương
Không! Mẹ là vầng trăng
buồn và trong dẫu đầy dẫu khuyết
Tấm gương – vầng trăng, phản hình bóng cha
vào tôi âm thầm mãnh liệt
Tôi hấp thụ Người cả lúc xa xôi

Tuổi hai lăm
Cha nhận sứ mệnh của người Vệ quốc
Hăm hở ra đi như ra hội ra đình
Mẹ lặng lẽ gánh phần cha để lại
Một nửa việc nhà
Một nửa – cuộc chiến tranh

*
* *

Anh tôi, chị tôi và tôi
Líu ríu trong thúng đời của mẹ
Mẹ đang kì son trẻ
Yếm trắng che khoảng áo ngực để hờ
Khoảng áo ngực dành cho tôi bú
Những bữa chiều vơi bát nheo, khô
Bầu vú mẹ là món quà duy nhất
thường xuyên tôi được nhận
Là nắm cơm ngon nhất tôi được ăn
Là quả thị thần tiên trong cổ tích
Là chiếc kẹo cu đơ vĩnh cửu ngọt ngào

Khoảng yếm mẹ là bầu trời tôi sờ được
từng vân mây
Tôi vuốt được từng sợi tóc
Nơi mẹ thường cúi xuống nựng tôi
Giọt mồ hôi trên môi Người mặn chát

Khoảng yếm là nơi phập phồng của nghìn đêm thao thức
Chồng ngoài chiến trận
Con đói bờ nôi
Lo bão tốc nhà
Lo lụt trôi khoai
Phập phồng nắng mưa
Phập phồng đạn bom
Phập phồng… im lặng

Da diết nỗi tình thâm mẫu tử
Mẹ hát ru tôi, mẹ hát ru mình
Công trời bể sinh thành trong bài ca ấy
Chẳng nhắc gì về những cuộc chiến tranh
Chẳng nhắc gì mà cứ oằn lưng mẹ:
Đứa lên một, lên hai
Đứa lên ba, lên bốn
Đứa bé bao giờ lớn
Đứa lớn bao giờ khôn
Đứa khôn bao giờ cậy…?
Lời mẹ ru mỏi mòn.

*
* *

Cha làm ngọn gió đi quét quang bờ cõi
Mẹ – dòng sông bám giữ đất quê nhà
Sông miền Trung
những cái tên mộc mạc:
sông Hội, sông Cày, sông Phủ, sông La…
Những con rồng đuôi víu vào vách núi
Mạch hòa cùng đất đai
Nối biển liền rừng
Chắt nước làm mây
Gửi mây vào gió
Gió và mưa tạo thành bão tố
Lụi dần lửa khói chiến tranh

Những dòng sông
Biết làm duyên bằng gợn sóng
Một khúc luyến cũng thành câu ví dặm
Thành câu đò đưa tha thiết đến nao lòng

Ơi ngọn gió. Người ơi! Ngọn gió
Rong ruổi lưng trời có biết một đời sông?

Hà Tĩnh 2000
Trại viết Đại Lãi, 9-2003

Bùi Quang Thanh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây