Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 8 – Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 8 - Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 8 - Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 8 - Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Tác giả Vũ Hùng

Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Cận kề với khu vực Thuận An – đất Tứ chánh lương bằng tộc, dọc bờ sông Cẩm Lệ về phía tây là phường Hòa Thọ Đông, một phần của làng Phong Lệ xưa, địa danh cổ là Đà Ly. Nơi đây có những di tích Chàm ngàn năm tuổi gắn với các địa danh Gò Theo, Yến Bắc, đặc biệt tại Xóm Cấm – Gò Dàng đã phát hiện một khu đền tháp có ngôi tháp chính cao thuộc hạng bậc nhất của vương quốc Chiêm Thành xưa(1).

Năm 1812, trong địa bạ triều Nguyễn, Đà Ly là xã Long Lệ, tổng Thanh Quất Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Tứ cận của xã Long Lệ: phía đông giáp xã Miếu Bông, xã Minh Châu, xã Dương Sơn – Trung An; phía tây giáp xã Cẩm Nê, lấy khe làm ranh giới; phía nam giáp xã Miếu Bông, lấy bờ ruộng làm ranh giới; phía bắc giáp xã Dương Sơn-Trung An, lấy bờ ruộng làm ranh giới(2). Đà Ly là xã nằm hai bên bờ sông Cẩm Lệ, bờ nam thuộc huyện Diên Khánh, bờ bắc thuộc huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Ngày nay, các địa danh trong tứ cận vẫn còn như Miếu Bông, Cẩm Nê, Minh Châu, Dương Sơn.

Theo “Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã”, xã Đà Ly xưa gồm Nội Đồng, Kỳ La và La Hường(3). Không có cứ liệu để xác định rõ phạm vi của Đà Ly ghi trong tộc phả này, nhưng theo một số vị cao niên, Nội Đồng là Phong Lệ Nam, bao gồm các thôn Đông Hòa, Tây An, Bầu Cầu, Nam Thạnh và Phong Nam ngày nay. Tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, trước đây có làng Kỳ La, nay đã nhập với làng Kỳ Bình thành khu dân cư Bình Kỳ. Kỳ La có thể một phần của phường Hòa Xuân cho đến Bình Kỳ, liên địa với Nội Đồng. La Hường có thể là Phong Bắc, nay là các phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây. Hiện nay, tại đầu cầu Cẩm Lệ, dấu vết địa danh La Hường là một dải đất ven sông trồng rau. Đà Ly còn bao gồm Phong Lệ Tây (Phong Tây), tên cũ là Cây Sung, nay thuộc làng Diêu Phong, thôn Hòa Nhơn 3, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang(4).

4 1 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 8 - Các dòng tộc bản xứ đất Đà Ly

Bài vị thờ ba vị tiền hiền tại Đền thờ Tiền hiền làng Phong Lệ (nền đá trắng,chữ đỏ, bên cạnh là các bài vị cũ bằng gỗ)
Từ phải sang trái:
Thủy Tổ Lào Quý Công Thần Vị
Thủy Tổ Nhâm Quý Công Thần Vị
Thủy Tổ Mươi Quý Công Thần Vị.
(Ngày 09.9.2018. Ảnh Vũ Hùng)

Đầu thế kỷ 19, trong địa bạ huyện Hòa Vang và “Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã” vẫn còn ghi địa danh Đà Ly, nhưng sau đó thay bằng Phong Lệ. Năm 1824, vua Minh Mạng phê chuẩn đổi địa danh cũ có âm Nôm và mặt chữ không nhã(5) trên quy mô cả nước. Trong tộc phả tộc Ông, biên soạn vào năm Tự Đức thứ 2 (năm 1849), không ghi Đà Ly mà là Phong Lệ, tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn; và trong Đồng Khánh địa dư chí (Đồng Khánh trị vì từ năm 1885 đến năm 1889) cũng ghi là xã Phong Lệ. Hai chữ Đà Ly (駝 驪) đều có bộ mã (馬: ngựa), “mặt chữ không đẹp”, nên đổi thành Phong Lệ (豐 麗), nghĩa là tốt đẹp(1). Theo tộc phả tộc Phùng, Ông Ích Khiêm là người đổi Đà Ly thành Phong Lệ, đến đời vua Bảo Đại, Phong Lệ chia thành Phong Lệ Nam (Phong Nam) và Phong Lệ Bắc (Phong Bắc), năm 1945 Phong Lệ Nam đổi là xã Hòa Châu, Phong Lệ Bắc đổi thành xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang.

Về nguồn gốc địa danh Đà Ly. Hiện nay, tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, có chùa Bà Già, tên cổ là Đa Gia Ly gọi theo tiếng Chàm, là nơi nhà Lý an trí tù binh Chiêm Thành. Theo chính sử, một vị tướng nhà Trần thường đến nơi đây. Vào năm 1330: “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh chiếm Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành “Bà Già”) có khi ba, bốn ngày mới về”(6).

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) thân chinh đi đánh Chiêm Thành “bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người”(7). Như vậy, trong số 5 vạn tù binh này có một số đã an trí tại thôn Đa Gia Ly.

Tuy nhiên, việc an trí tù binh thành làng và gọi theo tiếng Chàm đã thực hiện từ đời vua Lý Thái Tông (1028-1054), trước đó 25 năm. Năm 1044, “bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành. Vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (tức là Hồ Tây ngày nay), lấy con voi thuần của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong cũi, vua thân đến bắt”(8).

Phải chăng trong số tù binh Chàm thời Lý có những người của xứ đất Đà Ly và họ đã lấy tên làng cũ để đặt cho “hương ấp” mới của mình? Đa Gia Ly chính là tên gọi cũ của Đà Ly? Tên gọi Đa Gia Ly có thể gần với âm gốc Chàm vùng Amaravati, thế kỷ 11, và về nghĩa cũng không thể biết. Trong ngôn ngữ Chàm hiện nay, không có từ Đa Gia Ly, nhưng có từ Đi-gia-lề với hai nghĩa: một vùng trù phú và vị khai phá làng xóm như vị khai canh của người Kinh(9), cũng gợi liên tưởng về vùng đất Đà Ly-Phong Lệ trù mật có các dòng họ gốc Chàm bản xứ.

Theo “Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã”, khoảng 70 năm trước khi đoàn quân của vua Lê Thành Tông vượt qua vùng đất Câu Chiêm/ Câu Đê ở bờ nam Hải Vân vào năm 1471 và hình thành đơn vị hành chính mới thừa tuyên Quảng Nam, ông Phan Công Nhâm là người cai quản xứ Đà Ly: “ông con trai thứ (Công Nhâm) dựng công phủ tại trại Nội Đồng (nay là làng Đà Ly), đặt huyện nha tại trại Kỳ La (nay là đất Đà Ly)”, và “đặt các ông động trưởng cai trại Phùng Văn Mươi làm xã trưởng, ông cựu động trưởng Ung Văn Lào làm tri thâu trông coi công việc trong xã, ông trông coi hết các tổng xã”. Vì vậy, tộc phả của tộc Phan và tộc Ông ở Phong Lệ đều ghi các vị Phan Công Nhâm và Ung Văn Lào là thủy tổ đời thứ nhất của dòng tộc mình.

Hiện nay, tại Đền thờ Tiền hiền làng Phong Lệ, còn gọi là Đền Thái miếu, bên cạnh các bậc hậu hiền thờ hai gian tả hữu, tại gian giữa trang trọng chỉ thờ ba vị tiền hiền với các bài vị bằng chữ Nho: “Thủy Tổ Nhâm Quý Công Thần Vị”, “Thủy Tổ Mươi Quý Công Thần Vị” và “Thủy Tổ Lào Quý Công Thần Vị”(10). Việc ba vị tiền hiền chỉ có tên mà không có họ đã trở thành câu chuyện dân gian trong làng từ xưa cho đến nay và trở thành một phần của dã sử làng Phong Lệ.

Theo ông Ngô Tất Hiền, Trưởng làng Phong Lệ, ông nội của ông là cụ Ngô Tất Lượng, học chữ Nho(11), dạy học và làm Lý trưởng tại quê nhà Phong Lệ, là người tham gia vụ xử kiện về họ của các vị tiền hiền tại tỉnh đường Quảng Nam. Khi đơn kiện gửi lên tỉnh đường, Tổng đốc Ngô Đình Khôi (1885-1945) cho người về làng xác minh, sau đó triệu Lý trưởng lên hỏi vì sao các vị tiền hiền không có họ. Ông đã dẫn vua Nghiêu, vua Thuấn bên Tàu cũng đâu có họ.

Theo cụ Ông Văn Miễng, 82 tuổi, đại diện của các tộc Phan, Phùng, Ông là bên kiện, vị Tổng đốc “xử mẹo” rằng: “Đình chùa miếu võ điền địa tuy biệt nhưng dân bất biệt”. Câu này ngụ ý rằng việc đình làng và đất đai của Phong Lệ Nam và Phong Lệ Bắc tuy có ý kiến khác nhau nhưng dân Phong Lệ là một, không phân biệt; hoặc được hiểu là chuyện thờ tiền hiền ở đình làng và đất hương hỏa tuy ý kiến khác nhau nhưng dân làng vẫn thờ ba vị Nhâm Quý Công, Mươi Quý Công và Lào Quý Công đó thôi.

Ông Miễng còn cho biết, thời ấy Phong Lệ Nam có 30 mẫu đất ruộng, Phong Lệ Bắc có 60 mẫu, trong đó dành 6 mẫu thượng đẳng điền, gọi là đất hương hỏa cho các họ thay phiên canh tác để lấy hoa lợi cúng tại Đền Tiền hiền của làng hằng năm. Khu đất của Đền là 5 sào.

Việc xử kiện về họ của ba vị tiền hiền không thành và được truyền khẩu thành giai thoại với những ẩn khuất cho đến tận ngày nay.

Sau năm 1975, để dành đất cho sản xuất, những ngôi mộ vợ chồng ba vị tiền hiền được gìn giữ lâu đời từ Phong Nam được dời về Gò Mô gần xóm Hóc Nước, Phong Bắc, sau đó dời tiếp về khu mộ Gò Mô(12) hiện nay, mộ của vị thủy tổ tộc Phan làng Phong Lệ là ông Phan Công Nhâm từ Đà Sơn cũng được dời về đây. Nhưng tại khu đất này có đến 7 ngôi mộ. Ý kiến của các chư phái tộc về ngôi mộ thứ 7 và mộ thủy tổ Phan Công
Nhâm còn khác nhau nên nhà bia xây nửa chừng phải để dở dang kéo dài suốt nhiều năm. Cuối tháng 7 năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền và sự thống nhất của các chư phái tộc, khu mộ tiền hiền mới hoàn thành khang trang và quy mô hơn. Nhà bia ghi bằng chữ Nho ở mặt trước và chữ quốc ngữ ở mặt sau: “Lăng mộ tiền hiền làng Phong Lệ”. Bảy ngôi mộ đều nâng cấp ốp đá hoa cương như nhau và không có bia riêng.

Theo hồi cố của một số người lớn tuổi tại Phong Lệ, việc không xác định họ của ba vị tiền hiền là do các sắc phong tiền hiền có ghi rõ họ tên của các vị đã bị cháy trong một vụ hỏa hoạn. Ông Phùng Văn Cẩn, nguyên Tộc trưởng tộc Phùng, người làng Đông Hòa bên Quốc lộ I, kể lại rằng ngôi nhà tranh có lưu giữ sắc phong bị cháy vào thời điểm cận Tết, khi cầu đường sắt bắc qua sông Cẩm Lệ trên địa bàn Phong Lệ được hình thành.Theo ông Ông Văn Miễng, các sắc phong không để tại đền Thái miếu mà cất giữ tại ngôi nhà tranh của ông từ trông coi Đền, ở Nam Thành, và bị cháy vào năm 1938.

Tuyến đường sắt Đà Nẵng – Nha Trang dài 550 km, khởi công năm 1931, hoàn thành năm 1936(13). Như vậy, có thể vụ hỏa hoạn xảy ra sau khi hoàn thành cầu đường sắt và việc xét xử tại tỉnh đường phải diễn ra sau vụ hỏa hoạn.

Như vậy, sắc phong của các triều đại bị cháy và vụ kiện xảy ra khi ông Ngô Đình Khôi làm Tổng đốc Nam – Ngãi. Ông Ngô Đình Khôi được triều đình bổ nhiệm Tổng đốc Quảng Nam và Quảng Ngãi từ năm 1930 cho đến năm 1945.

Theo vị Hội trưởng Hội đồng gia tộc Phan Hữu Trung, từ sau vụ hỏa hoạn ấy, con cháu tộc Phan Phong Lệ đã gìn giữ bản “Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã” như bảo vật vì có ghi rõ họ tên của ba vị Quý Công tại Đền thờ tiền hiền, khi các sắc phong của triều đình không còn nữa.

Tôi được tận mắt thấy và chạm vào bảo vật ấy. Cái cảm giác thật kỳ lạ chạy rân khắp người khi chạm vào từng trang giấy ố vàng đang mục rã mỏng manh như khói nhưng còn nét chữ chân phương của người xưa cách đây trên hai thế kỷ, một di sản chứa đựng nhiều thông tin của một dòng tộc bản xứ từ ngàn năm trước.

Trong “Phan tộc phổ chí Đà Sơn – Đà Ly nhị xã” ghi rõ dòng tộc là “Ngã thị Chiêm chủng” (là nòi giống Chàm). Vị Hội trưởng Hội đồng gia tộc tộc Phan Phong Lệ cũng cho rằng dòng tộc của ông là người Việt có nguồn gốc tổ tiên Chàm đã bao đời gắn bó máu thịt với mảnh đất quê cha đất tổ Phong Lệ.

Nhà thờ tộc Phan xây dựng tại Phong Bắc, chung quanh khá đông người trong tộc sinh sống. Theo ông Chủ tịch Hội đồng tộc Phan, nhà thờ tộc Phan hiện nay bắt đầu hình thành từ đời ông Phan Hữu Cải, đời thứ 14, vào nửa đầu thế kỷ 18. Tại gian giữa, thờ thủy tổ Phan Công Nhâm và người vợ Phùng Thị Đính cùng làng Phong Lệ. Tấm bia mộ vị thủy tổ lập năm 1958 cũng đang để tại nhà thờ tộc, vì khi chuyển mộ từ Đà Sơn về táng trên đồi Gò Mô, do ý kiến trong làng còn khác nhau nên bia không dựng được, người trong họ vẫn gìn giữ cho đến nay.

Vì sao ông Phan Công Nhâm là thủy tổ tộc Phan tại Đà Ly quê vợ của ông, cũng như người anh Phan Công Chánh ở Đà Câu(14), sau đổi thành Lạc Câu, gần cố đô Đồng Dương, cũng là quê vợ của ông Chánh, nhưng cả hai đều táng tại quê mẹ Đà Sơn, trong khi đó vợ ông Phan Công Nhâm táng ở xứ Nội Đồng, Đà Ly, vợ ông Phan Công Chánh táng ở Đà Câu(15)?

Có phải như tộc phả biên soạn vào đầu thế kỷ 19 ghi rằng, sau khi mẹ ông qua đời vào năm 1406, “ông để lại gia quyến ở phủ đệ Đà Ly còn ông và ông anh về ở phủ đệ của tiên công cho đến cuối đời”, hay mộ của hai ông táng ở quê mẹ Đà Sơn là dấu hiệu mẫu hệ của cư dân bản xứ gốc Chàm vào nửa đầu thế kỷ 15?

Theo mẫu hệ Chàm, con trai lấy vợ phải ở quê vợ, khi chết chôn bên nghĩa địa của mẹ; người vợ chết lại chôn bên nghĩa địa của mẹ đẻ của mình, nên hài cốt hai vợ chồng không bao giờ chôn bên nhau(16).

Chưa có cứ liệu vững chắc nên còn quá sớm để cho rằng đây là dấu hiệu mẫu hệ của cư dân bản xứ gốc Chàm xưa. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, chính sử còn ghi rằng hôn nhân người huyện Hòa Vang thì chỉ một số ít làm lễ rước dâu, phần nhiều là chú rể ở bên nhà vợ(17). Cùng thời gian trên, tại Bình Định, vùng đất từng là nơi đặt kinh đô vương quốc Chiêm Thành cho đến năm 1471, người ta thường ký ngụ quê vợ quê mẹ, ít tụ tập theo gia tộc, dân gian không có nhà thờ họ(18), khả năng đây là bộ phận dân cư người Việt gốc Chiêm Thành còn tàn dư hôn nhân mẫu hệ, chưa hoàn toàn hình thành văn hóa tộc họ phụ hệ như người Kinh.

Theo ông Trung, họ Phan ở Phong Lệ hiện có 3 chi: chi 1 là chi gốc tập trung ở khu vực chùa Bàu Sen, phường Hòa Thọ Đông; chi 2 ở Dốc Võng và Yến Bắc, phường Hòa Thọ Tây và chi 3 ở các thôn Phong Nam và Tây An. Mỗi năm có hai ngày cúng lớn là chạp mả vào ngày 1 tháng 12 âm lịch và cúng bà thủy tổ Phùng Thị Đính vào ngày 16 tháng 7 âm lịch. Vừa qua, khi khánh thành nhà thờ tộc, ngoài Phong Lệ, đại diện và con cháu các nơi như Cẩm Nê, Phú Sơn, Cẩm Toại, Mỹ Thị, La Châu, Tích Phú, Phú Hòa… về dự rất đông, dọn tại sân nhà thờ chừng 40 mâm (khoảng 400 người), chưa tính các hộ không dự và con gái của tộc có gia đình ở xa không về được. Thông thường các nhánh cùng nguồn gốc Phong Lệ và các gia đình ở Phong Lệ cử đại diện về dự nên khó biết rõ số lượng. Người tộc Phan có cùng nguồn gốc trong tộc phả không chỉ phân bố nhiều nơi từ Hải Vân đến Đà Câu gần cố đô Đồng Dương, mà còn có 5 người con trai của vợ chồng ông Phan Công Hiến đời thứ 7 đi chinh chiến và lập nghiệp ở phương Nam. Hiện nay, số lượng con cháu trong dòng tộc tăng lên và sự phân bố càng mở rộng.

Ông Trung cũng bộc bạch: Họ tên của ông là Phan Hữu Trung, sinh năm 1944, tại Phong Lệ Bắc, tham gia cách mạng năm 1964 và đổi là Phan Thanh Trung, làm cảnh vệ Văn phòng Khu ủy 5; năm 1969 ra miền Bắc học tập, năm 1972 về lại miền Nam; sau năm 1975, làm việc tại Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, trước khi về hưu làm việc trong ngành xuất nhập khẩu. Nhà ông trên một ngọn đồi, cách nhà thờ tộc khoảng 10 phút đi bộ.

Cùng với nhà thờ tộc Phan, nhà thờ tộc Ông cũng trên vùng đất đồi gò Phong Bắc. Vị Tộc trưởng Ông Văn Chính cho biết, trước đây nhà thờ cũ sát bờ sông Cẩm Lệ, năm 2010 nhà máy nước Cầu Đỏ mở rộng, nhà thờ di dời và xây mới tại vị trí hiện nay, bên cạnh đình làng Phong Lệ Bắc. Ông Chính từng làm việc tại công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1976, nghỉ vào năm 1984. Ông có người anh cả công tác ở cơ quan an ninh Khu 5, hy sinh năm 1971 tại xã Hòa Tiến.

Theo lời ông Tộc trưởng, tộc Ông là dòng tộc gốc gác lâu đời ở Phong Lệ, cũng như các tộc Ma, Trà, Chế, tộc Ông là “người Việt gốc Chiêm Thành”. Tương truyền, vào thời Lý, một quản tượng trong đội quân của Chiêm Thành, quê tại Đà Ly, là tù binh bị đưa về Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Ông có các tên gọi là Ông Lý Trai hoặc Lý Trai. Nếu Lý Trai là họ tên của vị quản tượng, có thể do lập được công tích nên nhà Lý ban quốc tính.

Năm 1044, đoàn quân của nhà Lý và Chiêm Thành đánh lớn tại sông Ngũ Bồ, tức sông Thu Bồn, bắt 5.000 tù binh; năm 1069, nhà Lý tiến đánh tận kinh đô Trà Bàn, bắt 50.000 tù binh, nên không loại trừ trong số tù binh trên có một quản tượng quê tại Đà Ly bị bắt đưa về Yên Dũng. Theo chính sử, vua Lý dùng voi Chiêm Thành để nhử voi rừng ở hồ Dâm Đàm, tên cổ của Hồ Tây, nên có thể những quản tượng người Chiêm Thành vốn giỏi bắt và thuần dưỡng voi rừng được sử dụng vào việc này.

Khu vực Đà Ly và chung quanh là nơi sản sinh những quản tượng giỏi. Vào nửa cuối thế kỷ 18, tại Hòa Phong ngày nay, gần Đà Ly, có ông Lê Văn Hoan (1758- 1828), một vị quản tượng và là vị tướng danh tiếng trong đội tượng binh của vua Quang Trung, về sau vua Gia Long và vua Minh Mạng tiếp tục sử dụng và phong làm tướng của đội tượng binh(19). Vì vậy, khả năng Đà Ly và vùng gò đồi phía tây từng là nơi thuần hóa voi rừng thành voi chiến trong lịch sử.

Theo ký ức của dòng họ Ông tại Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, người quản tượng Chiêm Thành này là Ông Lệnh Công, hiệu Lý Trai, được an trí tại Núi Voi. Địa danh Núi Voi cũng gợi về nơi gắn liền với thuần hóa và huấn luyện voi của một quản tượng.

Yên Dũng từng là nơi nhà Lê đưa tù binh, tội nhân bị tội đồ tội lưu về khai phá lập các đồn điền gọi là đồn điền binh, nên khả năng cũng là vùng đất nhà Lý đã đưa tù binh Chiêm Thành về đây. Hiện nay, tại huyện Yên Dũng, có hai họ Ông Văn và Ông Thế ở Cảnh Thụy và có chùa Hang Chàm(20).

Ngoài họ Ông ở Yên Dũng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nơi an trí tù binh Chiêm Thành vào thời nhà Lý có tên gọi theo tiếng Chàm là Đa Gia Ly, cũng là nơi tập trung dòng họ Ông, nơi có vị tiến sĩ tên tuổi còn lưu tại Văn Miếu Hà Nội. Đó là Ông Nghĩa Đạt, người xã Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (năm 1475), dựng bia tiến sĩ ngày 15.8.1484. Khoa thi này, ông là một trong 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, 13 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ, 27 người đỗ đệ tam giáp tiến sĩ. Ông làm quan đến chức Phó đô Ngự sử, được cử đi sứ nhà Minh năm 1476(21).

Năm 1471, vua Lê Thành Tông thân chinh đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn, nhưng chỉ 4 năm sau, vị vua này không hề phân biệt nguồn gốc, đã bổ dụng một người họ Ông gốc Chiêm Thành ở trên đất Bắc từ thời nhà Lý, cách 4 thế kỷ, làm quan trong triều. Ngẫu nhiên và lý thú, cũng cách khoảng 4 thế kỷ kể từ năm 1471, nhà Nguyễn cũng bổ dụng một người gốc Chiêm Thành đỗ đạt làm quan – Ông Ích Khiêm.

Theo tộc phả tộc Ông, vị thủy tổ của dòng tộc là Ung Văn Lào. Những người Chàm phiên âm họ Ung được ghi nhận đầu tiên vào thời nhà Lý. Năm 1130, người Chiêm Thành là Ung Ma và Ung Câu sang quy phục Đại Việt; năm 1152, Ung Minh Tà Diệp/Ung Minh Diệp xin Đại Việt trợ giúp để làm vua Chiêm Thành(22).

Ông, theo tiếng Chàm là Ong, Aung hoặc Ung(23). Họ Ông (翁) và họ Ung (瓮) đều có chung chữ công ( 公: ông, cụ, họ Công, tước công, chung, cân bằng, con
đực), họ Ông có bộ vũ (羽), họ Ung có bộ ngõa (瓦). Họ Ông và họ Ung bỏ bộ vũ và bộ ngõa còn có nghĩa là họ Công.

Vào năm 1848, các vị đời thứ 17 của tộc Ông ở Phong Lệ cũng biên soạn một tộc phả bằng chữ Nho. Theo tộc phả trên, do “không biết gia phả đời trước thất lạc như thế nào nên không có căn cứ để truy cứu, chỉ thông qua việc hỏi thăm những người thân thích cố cựu và những gì nghe được thì chỉ biết từ đời cao tổ trở xuống bốn đời, cao tổ trở lên thì không thể nào biết được”.

Từ cao tổ trở xuống bốn đời là cao tổ Ông Văn Đợi/ Đại, tằng tổ Ông Văn Lộc, hiển tổ Ông Văn Hán và hiển khảo Ông Văn Trừu, trong đó các vị cao tổ, tằng tổ và hiển tổ đều sinh sống tại Cây Sung – Phong Tây, mộ cũng táng tại đây. Tộc phả cũng không cho biết các đời trước vị cao tổ sinh sống ở đâu.

Theo tộc phả hiện nay, biên soạn vào ngày 22 tháng 4 năm 1992, vị thủy tổ Ung Văn Lào đời thứ nhất là ghi theo tộc phả tộc Phan, vị cao tổ là đời thứ 12 vì “giặc giã” nên từ Phong Nam, Phong Bắc lên Cây Sung và trở thành tiền hiền của làng này, đến đời thứ 16 về lại Phong Bắc, Phong Nam, từ đó hình thành các phái tộc ngày nay (phái 1 tập trung ở Phong Lệ Bắc, có 6 chi; phái 2 ở thôn Tây An, có 4 chi và phái 3 ở thôn Phong Nam, có 1 chi). Tộc phả năm 1992 cũng bỏ ngỏ về 10 đời trước đó, từ đời thứ 2 đến đời thứ 11, không ghi ở Cây Sung hay Phong Bắc và Phong Nam.

Vì sao đến đời thứ 16 của tộc Ông mới hình thành các phái tộc và đến đời thứ 14 của tộc Phan ở Phong Lệ cũng bắt đầu hình thành nhà thờ và biên soạn tộc phả? Phải chăng đó là các chỉ dấu cho biết đã định hình vững chắc nền tảng văn hóa tộc họ phụ hệ của hai dòng tộc bản xứ có nguồn gốc mẫu hệ?

Bên cạnh những ghi chép trong tộc phả, tộc Ông cũng lưu truyền câu chuyện rằng người con trai cả của Ông Lý Trai từ Yên Dũng trở về Phong Tây sinh sống và hình thành tộc Ông tại đây. Một lần vào rừng không trở về, dân làng đi tìm thì nơi ông chết mối đã đùn lên thành gò đống. Con cháu tộc Ông từ Phong Tây xuống Phong Lệ và hình thành các phái tộc ngày nay.

Ngôi mộ tổ tại Phong Tây đã được xây mới vào năm 1991, bia ghi chữ Nho, không có họ tên: Hoàng Việt Quảng phong Thủy tổ Ông Quý Công giai thành (giữa), Thiên tử vạn vạn bài (bên trái), Bổn tộc tam phái đồng phụng (bên phải)(24).

Vào thế kỷ 11, từ Yên Dũng xa xôi làm thế nào người con trai cả trở lại Phong Tây? Phải chăng câu chuyện truyền khẩu huyền hoặc này phản ánh gốc của tộc Ông Phong Lệ là từ xứ Cây Sung-Phong Tây? Nếu gốc của dòng tộc từ xứ Cây Sung – Phong Tây thì tổ tiên đã ở đây trước vị thủy tổ Ung Văn Lào gần 4 thế kỷ, và như vậy, dòng tộc Ông hiện nay là di duệ của người bản xứ đã hiện hiện tại đây chậm nhất khoảng một ngàn năm trước, tương đương với niên đại của di tích đền tháp tại Xóm Cấm – Gò Dàng, Phong Lệ. Nếu các thế hệ trước người con trai cả của Ông Lý Trai cũng cư trú tại đây thì tổ tiên của dòng tộc Ông đã hiện diện tại đây trước cả đến tháp Xóm Cấm – Gò Dòng hàng thế kỷ.

Họ Ông có hai nhân vật làm rạng rỡ quê hương Phong Lệ. Một danh tướng chính trực Ông Ích Khiêm làm quan qua ba đời vua Thiệu Trị, Tự Đức và KiếnPhúc. Với quê hương Phong Lệ, ông mở mang đất đai và đường sá(25). Năm 1908, cháu nội của Ông Ích Khiêm là chí sĩ Ông Ích Đường 24 tuổi bị kẻ thù hành hình vì tham gia phong trào chống sưu thuế.

Chạp mả tộc Ông hằng năm vào ngày 2 tháng 12 âm lịch, sau chạp mả tộc Phan 1 ngày, lễ Tế Xuân vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Dịp này, họ Công ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, cũng cử người về dự. Theo vị Tộc trưởng Ông Văn Chính, năm 2010 khi làm lễ khánh thành nhà thờ tộc mới, lần đầu tiên có thư mời đại diện tộc Công ở phường Phú Thượng, và cũng từ đó cho đến nay thành lệ, hàng năm đều về dự Tế Xuân.

Ngày 16 tháng 2 năm Kỷ Hợi, tức ngày 21.3.2019, tộc Ông tổ chức lễ Tế Xuân long trọng, sân nhà thờ có 50 bàn tiệc với hơn 500 đại diện các gia đình tham dự. Như vậy, họ Ông tại Phong Lệ ước trên 2.000 người.

Quan sát hình hài những di duệ của cư dân miền đền tháp xưa đang có mặt tại đây, không còn dấu vết nào của tổ tiên Chàm xứ Đà Ly, có chăng chỉ còn âm thanh réo rắt hòa với bài văn tế của cây kèn Chiến, một loại kèn như kèn Saranai(26). Có 6 đại diện họ Công Nghĩa phường Phú Thượng về dự với đồng tộc, dâng hương nhà thờ và viếng mộ Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường. Tiếp xúc với họ, tôi nhận ra lòng thành kính hướng vọng về tổ tiên xưa nơi đây. Người có tông, sông có nguồn, một sợi dây vô hình kết nối những di duệ đã xa cách nhau trên ngàn năm.

Theo ông Công Nghĩa Quyết, đi bộ đội năm 1967, chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam và Đà Nẵng, năm 1970, bị thương mất một cánh tay, nay đã 70 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết của họ Công Nghĩa ở Phú Thượng, ngày xưa, tại đây có hai họ Ông và Bố gốc người Chiêm Thành, đến đời vua Tự Đức họ Ông đổi thành họ Công và họ Bố đổi thành họ Hy. Tộc phả cổ của họ Ông không còn, chỉ có tộc phả biên soạn cách đây trên 300 năm, đến nay được 13 đời. Họ Công Nghĩa tại Phú Thượng hiện có 130 hộ, 550 khẩu. Bên cạnh họ Công Nghĩa, còn có một số nhánh là các họ Công Phương, Công Văn, Công Xuân, Công Hữu… nên họ Công Phú Thượng khá đông đúc. Vì không biết thủy tổ xa xưa, nên trong họ tôn Ông Nghĩa Đạt đứng đầu dòng tộc, và do không biết ngày sinh cũng như ngày mất nên lấy ngày 11 tháng 5 âm lịch là ngày thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ của cụ làm ngày giỗ trọng hàng năm của tộc Công. Vào dịp này, tộc Ông Phong Lệ cũng cử đại diện ra dự. Hai bên cũng thăm hỏi nhau khi có dịp vào Đà Nẵng hay ra Hà Nội.

Bên cạnh hai dòng tộc Ông và tộc Phan, không thể không nhắc đến tộc Phùng, vì vị “động trưởng cai trại Phùng Văn Mươi làm xã trưởng” là người cùng thời với các vị thủy tổ động trưởng Ung Văn Lào và Phan Công Nhâm cai quản đất Đà Ly đầu thế kỷ 15. Theo tộc phả tộc Phùng biên soạn năm 1821, vợ của vị động trưởng Phùng Văn Mươi là một người tộc Ung cùng làng Phong Lệ, bà Ung Thị Tĩnh.

Nhà thờ tộc Phùng chỉ cách nhà thờ tộc Phan vài chục mét, tọa lạc ở nguyên vị trí này từ xa xưa cho đến nay. Tộc Phùng Phong Lệ có 3 phái với trên 200 gia đình ở hai phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông và xã Hòa Châu, nhưng đông nhất là phái 2 ở Hòa Thọ Đông. Ngày chạp mả tộc Phùng hằng năm vào 30 tháng 11 âm lịch, trước chạp mả của tộc Phan chỉ một ngày.

Trải qua rất nhiều đời, cùng với các chư phái tộc trong làng, tộc Ông và tộc Phan đã góp phần làm nên chiều sâu lịch sử – văn hóa của vùng đất chôn nhau cắt rốn Đà Ly – Phong Lệ.

Các dòng tộc gốc Chiêm Thành xứ Đà Ly, cùng với Tứ chánh lương bằng tộc cận kề, là dấu vết còn lưu lại của một vùng đất văn hóa Ấn giáo dọc đôi bờ con sông thiêng Cẩm Lệ – sông Yên từng soi bóng những đền tháp và thành trì thờ chủ thần Siva./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

 


(1) Đại học quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Phong Lệ năm 2018, ngày 21.8.2018.
(2) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng nam, tập 1, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, trang 218.
(3) Xem Phan tộc phổ chí Đá Sơn-Đà Ly nhị xã, trang 158 của sách này.
(4) Thôn Hòa Nhơn 3, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, gồm các làng Ninh An, Phước Hưng, Phước Hưng Nam, Trước Đông và Diêu Phong (Cây Sung thuộc làng Diêu Phong).
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2001, trang 258.
(1) Võ Văn Thắng, “Nguồn gốc Chăm trong các địa danh miền Trung: một con đường ngoằn ngoèo, nhiều lối rẽ”, http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201512/thu-bon-co-phai-songnuoc-mua-thu-650639/
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB.
Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, trang 280.
(7) Đại Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 170.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 165.
(9) Mỹ Hạnh, “Chuyện chưa biết về ngôi làng người Chăm giữa lòng Hà Nội”, https://vtc.vn/chuyen-chua-biet-ve-ngoi-lang-nguoi-cham-giua-long-ha-noi-d205814.html
(10) Các bài vị thờ ba vị tiền hiền tại trang 110.
(11) Chữ Hán-Nôm còn gọi là chữ Nho, chữ Ta.
(12) Gò Mô còn gọi là đồi Ông Ích Khiêm vì có ngôi mộ của ông ở đó.
(13) Đỗ Hoàng Anh – Lê Huy Tuấn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I,“Hệ thống đường sắt Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu lưu trữ”, https://luutru.gov.vn/he-thong-duong-sat-viet-nam-thoi-ky-thuocdia-qua-tai-lieu-luu-tru-85-vtlt.htm
(14) Nay là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
(15) Sau này mới dời về làng Đà Sơn nhưng không rõ vào thời gian nào, theo “Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã”.
(16) Nguyễn Đình Tư, Non nước Ninh Thuận, NXB. Thanh Niên, 2003, trang 205.
(17) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, Dinh Quảng Nam, trang 1461.
(18) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học phiên dịch và chú giải, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2006, tập 3, trang 15.
(19) Lê Duy Anh, Đà Nẵng, Văn tế xưa và nay, NXB. Đà Nẵng, 2015, trang 50-54.
Khổng Đức Thiêm, “Yên Dũng xưa”, https://nghiencuulichsu.com/2016/07/21/yen-dung-xua/
(20) Khổng Đức Thiêm, “Yên Dũng xưa”, https://nghiencuulichsu.com/2016/07/21/yen-dung-xua/
(21) “Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475)”, https://www.maxreading.com/sach-hay/bia-van-mieu/van-bia-de-danh-tien-si-khoa-at-mui-nien-hieu-hong-duc-namthu-6-1475-30773.html
(22) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 187, 198.
(23) Inrasara, “Gia phả dòng họ Ông”, //inrasara.com/2015/08/06/giapha-dong-ho-ong/
(24) Trước đây, tại Phong Tây có nhà thờ tộc Ông, do người trong tộc hầu như không còn, nhà thờ tộc đã chuyển thành đình làng.
(25) Ngô Văn Minh, “Ông Ích Khiêm một danh tướng nặng lòng với nước”, Tạp chí Xưa và Nay, số 116, 5.2005.
(26) Kèn Saranai là một nhạc cụ truyền thống của người Chàm vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, cấu tạo như kèn Chiến khá phổ biến ở người Kinh miền Trung. Thân làm bằng gỗ dài 30-40 cm. Kèn có 3 phần: Phần chuôi dài khoảng 4 cm, làm bằng đồng hoặc bạc để gắn lưỡi gà bằng lá buông. Phần thân dài khoảng 25 cm, làm bằng gỗ tròn có 7 lỗ trên và 1 lỗ dưới để điều chỉnh âm thanh. Phần loa kèn dài khoảng 10 cm, làm bằng ngà voi, sừng trâu hoặc gỗ, để khuếch đại âm thanh của kèn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây