Một chút Đà Sơn trong Đà Nẵng – Tác giả: Văn Thành Lê

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Trong giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm mới, người dân Đà Sơn dấy lên niềm tự hào về quê hương bản quán. Giữa một Đà Nẵng sôi động hôm nay, còn có một Đà Nẵng buổi sơ khai nằm dưới chân núi Phước Tường.

Dinh lang Da Son min - Một chút Đà Sơn trong Đà Nẵng - Tác giả: Văn Thành Lê

Đình làng Đà Sơn.

1.Từ giữa năm 2007 trở đi, ngôi đình tọa lạc trên khu đất gần hai nghìn mét vuông ở Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, mới thường xuyên có người lui tới. Đó là thời điểm bắt đầu khởi công trùng tu đình, hết cánh thợ nề rồi đến cánh thợ mộc kéo nhau về che tạm lán trại, sáng chiều inh ỏi tiếng búa, tiếng đục. Không chỉ các bậc kỳ lão mà cả trai tráng trong làng, nếu tranh thủ được công việc, cũng tạt ngang xem thử tiến độ xây dựng đình tới đâu.

Nhớ có lần Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao quận Liên Chiểu Trần Công Khuê đưa tôi về thăm đình nhân ngày thu tế hằng năm của làng Đà Sơn. Khi đó, ngôi đình xưa đã bị bóc gần hết mái trước, hình tượng “lưỡng long triều nguyệt” trên nóc chỉ còn lại một chú rồng trầy vi tróc vảy phía bên hữu. Nắng xuyên qua lỗ thủng trên mái, phả một không gian tranh tối tranh sáng trên những bệ thờ từ lâu đã thưa dần hương khói. Giữa cảnh tượng đổ nát đó, câu chuyện của một kỳ lão trong làng là cụ Phan Văn Ích khiến chúng tôi càng thêm chạnh lòng.

Khoảng năm 1996, mái đình bị thủng một lỗ nhỏ, nghe đâu do trẻ con chơi bắn chim. Theo gia phả các họ tộc trong làng thì đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, dưới triều vua Lê Thần Tông (1619-1643), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, không còn nguyên vẹn như xưa. Cụ Ích bấm đốt tay: “Lần cuối trùng tu cũng cách đây cũng bảy, tám chục năm rồi.

Đình cũng như người, già mà không chăm sóc thì bịnh nó ập tới cái rẹt liền. Đình được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận di tích lịch sử – văn hóa hồi năm 2000, rứa mà chỉ qua mấy năm đã tàn tạ thế ni rồi”. Cụ xếp lại những chiếc đĩa nhỏ từng được trang trí trên diềm mái, ngậm ngùi buông giọng: “Chừ thì làm chi được, chỉ biết đứng nhìn từng viên ngói, từng miếng rui lụi dần mà đứt từng khúc ruột!”.

Dưới tán cây cổ thụ trước sân đình hôm đó, qua lời kể của các cụ, chúng tôi được mở rộng kiến văn về một vùng đất được xem là điểm đến của những cư dân đầu tiên để hình thành một Đà Nẵng về sau này. Gần đình làng có nhà thờ tộc Phan thờ Thế tổ Phan Công Thiên (1318 – 1405) và phu nhân là Công chúa Trần Thị Ngọc Lãng (1323 – 1406) – con gái vua Trần Thuận Tông. Theo gia phả tộc Phan, vị phò mã của vua Trần này làm quan đến chức Thành hoàng Thuận Quốc công, sau đó, được điều vào vùng đất phía Nam đèo Hải Vân để trấn giữ biên ải. Đến triều Tự Đức, với công trạng “là người sáng lập ra khu vực này”, ông đã được vua phong là Tiền hiền làng Đà Sơn. Mộ ông hiện còn trong làng, đã được xếp hạng di tích cấp thành phố.

Tôi đã từng về làng Phước Thuận, nghe các cụ cao niên nơi này kể về chuyện mở đất của ông Phan Công Thiên ngày trước. Từ làng Đà Sơn, ông đưa người vượt qua ngọn núi Phước Tường, khai phá vùng đất phía Tây. Lúc đầu, nơi đây có một chòi bằng tranh tre nứa lá vừa làm nơi sinh hoạt chung, vừa canh phòng chống lại thú dữ. Khi lưu dân đông dần, đất được đặt tên là “Phước Sơn đại xã”, còn chòi canh biến thành đình làng để có nơi kính ngưỡng tổ tiên. Gọi là “đại xã” bởi nó gồm cả “Ngũ Phước” là Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hưng, Phước Thái và Phước Hương (nay là thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn). Đình Phước Thuận hiện có một câu đối nhắc tới tích xưa: Phước Thuận khai nguyên tiên ngũ xã/ Đà Châu nhậm hoán hậu Trần .

2.Theo gia phả tộc Phan, các hậu duệ của Thế tổ Phan Công Thiên rời Đà Sơn sống tản mát nhiều nơi khắp xứ Quảng. Gần nhất có thể kể đến làng Cổ Mân, nay thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Vào thời chúa Nguyễn, một chi tộc Phan xuất phát từ tộc Phan Đà Sơn đã phân nhánh sang lập nghiệp tại đất Trà Sơn Úc (Vũng Thùng), cùng với họ Phạm thành lập làng Cổ Mân. Xa hơn, là làng trống Lâm Yên, nay thuộc xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có một gia tộc họ Phan đã 7 đời làm trống, làm nức tiếng đất và người nơi này bằng nghề thủ công truyền thống: Trống Lâm yên, chiêng Phước Kiều.

Bên mái đình rêu phong đổ nát, những câu chuyện xưa do người cũ kể bao giờ cũng đọng lại trong lòng người nghe những nỗi niềm hoài cổ. Mái ngói âm dương oằn dấu thời gian, cỏ quanh sân đình hết vàng lại xanh, thế hệ những con dân trong làng gắn bó với việc làng ngày cũ như cụ Ích giờ đã sương pha mái tóc. Chỉ có những câu chuyện lưu truyền trong dân gian là trẻ mãi. Đất Đà Sơn lọt vào “mắt xanh” của những nhà nghiên cứu bởi hai di sản văn hóa vật thể: Đình làng gắn liền với công cuộc khai phá của các lưu dân đầu tiên đến Đà Nẵng và chiếc chuông cổ có từ thời Cảnh Hưng. Đình đã bấy lâu trơ gan cùng tuế nguyệt, còn chuông thì hơn 250 năm nay sớm chiều vang vọng thanh âm trong ngôi chùa làng gần đó.

Cụ Ích kể, xưa, có chiếc chuông được phát hiện dưới lớp đất bùn ở nơi giáp ranh giữa hai làng Đà Sơn và Khánh Sơn. 20 tráng đinh làng Khánh Sơn đến định khiêng về, nhưng không sao nhấc chuông lên nổi. 20 tráng đinh làng Đà Sơn đến nơi, thiết lễ giữa thinh không, nguyện nếu thỉnh được chuông sẽ thờ phụng chu đáo. Xong đâu đấy, mọi người hè nhau ghé vai vào đòn nhấc chiếc chuông lên, đưa về. Đến gần nhà thờ Chư phái tộc, dây đứt, chuông rơi, dân làng cho lập chùa ngay tại đó. Những năm 40 thế kỷ trước, chùa bị thực dân Pháp phá, về sau xây lại chùa mới, lấy tên là chùa Long Sơn. Hiện nay, chuông vẫn còn đặt ở chùa với hàng chữ Cảnh Hưng năm thứ 11, đây là niên hiệu vua Lê Hiển Tông (1740-1786).

3.Giờ đây, chuông đã ngân nga một thanh âm khác trước, khi ngôi đình làng ngày một hình hiện khang trang hơn, tráng lệ hơn trong mắt mọi người. Như một giọt nước tràn ly, cơn bão số 6 năm 2006 đã làm đổ khuỵu ngôi đình già cỗi, buộc những ai còn có chút lòng với di sản tiền nhân phải có cái nhìn khác trước. Những hồ sơ, thủ tục khôi phục đình đã “được” cơn bão có tên là Xangsane chết người đó thúc giục nhanh hơn. 10 năm cho sự hồi sinh của một ngôi đình, tuy có chậm thật, nhưng muộn vẫn còn hơn không. 10 năm đủ cho một cái cây kết quả, nhưng lại dư thừa sự mỏi mòn đối với những người mà cuộc đời đã dần xế bóng: “Thấy được cái đình mới thì có nằm xuống cũng yên tâm”.

Ngôi đình đã được phục dựng trên nền xưa sau 5 tháng thi công với gần một tỷ đồng, hoàn toàn do nhà nước hỗ trợ. Những bậc kỳ lão như các cụ Phan Văn Ích, Phan Vốn, Nguyễn Tài, Phan Văn Tá, Kiều Vệ… cứ luôn mồm bảo trong mơ cũng khó thấy. Còn những người trẻ hơn như các ông Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Ngọt… thì cảm thấy công sức mình đã được đền đáp xứng đáng.

Nắng xuân lớt phớt trên cỏ nội hoa ngàn. Những lân, long, quy, phụng trên mái đình chừng như nghiêng mình sưởi ấm về phía mặt trời. Một thời, những linh vật trong truyền thuyết Á Đông này đã phải dời chân tạm lánh ở một nơi nào đó, chờ khi mái đình tươi lại màu ngói âm dương mới yên bình quay về. Ngày Sở Văn hóa – Thông tin thành phố Đà Nẵng bàn giao đình cho Chư phái tộc, nhiều cụ rất chân chất: “Mừng quá, không phát biểu nổi”. Từ đó, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, con dân Đà Sơn khắp nơi có thể đường hoàng dâng một nén nhang tưởng niệm tổ tiên mà không phải hổ thẹn với tiền nhân. Trong ánh mắt các bậc trưởng thượng ngoài bát tuần như cụ Ích, những hội hè xưa vào ngày 10-3 âm lịch hằng năm đã có cơ hội hồi sinh sau bao tháng ngày mỏi mòn trông đợi. Những tờ sắc phong đã không còn trụ được với thời gian, nhưng những gì đã được chép trong dân gian thì vẫn mãi lưu chuyển một sức sống.

Nắng xuân ấm lại mái đình. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm mới, người dân Đà Sơn dấy lên niềm tự hào về quê hương bản quán. Giữa một Đà Nẵng sôi động hôm nay, còn có một Đà Nẵng buổi sơ khai nằm dưới chân núi Phước Tường. Và đâu đó còn in dấu chân những người đầu tiên khai phá vùng đất mới, không hẳn ngoài thực địa mà ngay trong lòng người…

V.T.L

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây