Mười điều tâm đắc từ cuộc đời anh hùng Phùng Văn Khầu – Tác giả: TS. Ngụy Hữu Tâm

Mười điều tâm đắc từ cuộc đời anh hùng Phùng Văn Khầu - Tác giả: TS. Ngụy Hữu Tâm

TS. Ngụy Hữu Tâm.

Thời gian gần đây, các thành viên Viện Nhân học Văn hóa do mật độ công việc khá dày nên chúng tôi càng gắn bó chặt chẽ với nhau để liên thông hoàn thành kế hoạch đề ra. Nói thì có vẻ hành chính như vậy, nhưng nếu không quyết liệt, tự đặt ra các chỉ tiêu, dấu mốc cụ thể, thì ở vào độ tuổi chúng tôi (> 80) sẽ càng tự mình làm khó mình, đứng trông biển thẳm mà thở dài, nhìn bầu trời cao rộng cũng chỉ biết dậm chân tại chỗ.

Việc nọ kế tiếp việc kia, Viện Nhân học Văn hóa vừa khẩn trương tham gia phổi hợp với huyện Thường Tín – Thành phố Hà Nội tổ chức thành công cuộc Hội thảo Khoa học: Danh nhân – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp gây tiếng vang trong giới khoa học chuyên ngành Khoa học Xã hội Nhân văn đã lại cùng nhau tham gia phối hợp với Binh chủng Pháo binh tổ chức biên soạn tập sách: Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu – Suốt cuộc đời theo gương Bác hướng tới chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Đúng là gừng càng già càng cay, càng tới dấu mốc 70 năm Điện Biên, các thế hệ, nhất là thế hệ U80, U90 chúng tôi càng thấy mình phải khẩn trương làm một điều gì đó, phát huy tinh thần Điện Biên quyết chiến quyết thắng, thực hiện tốt tập sách trên.

Sach Anh hung Dien Bien Phung Van Khau - Mười điều tâm đắc từ cuộc đời anh hùng Phùng Văn Khầu - Tác giả: TS. Ngụy Hữu TâmSách “Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu – Suốt cuộc đời theo gương Bác”.

Từ những hiểu biết của tôi, thông qua nội dung, tinh thần, những thông điệp từ tập sách: Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu – Suốt cuộc đời theo gương Bác, tôi tạm rút ra mười điều tâm đắc như sau:

Thứ nhất, Toàn bộ cuộc đời anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu là hiện thân rõ nét và khách quan nhất sự trưởng thành của mỗi người dân Việt Nam, từ kiếp lầm than nô lệ đã tìm đến với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ, không ngừng phấn đấu, kiên quyết vượt qua mọi gian khổ, hi sinh; tự mình làm chủ cuộc đời mình một cách trong sáng vô tư, có nhiều cống hiến cho nhân dân và Tổ quốc.

Thứ hai, Trong quá trình nhận thức và các hành động xuyên suốt cuộc đời ông đều nhất quán. Cho dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh nào, dù khó khăn ngặt nghèo, thậm chí ở lằn ranh sống – chết, thì bản chất và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, ở đây là người chiến sĩ – bộ đội cụ Hồ đều không thay đổi, sẵn sàng đem mạng sống của mình, cùng đồng chí đồng đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, Tinh thần và khát vọng học tập, cống hiến từ giây phút đầu tiên đến giây phút cuối cùng đều không thay đổi. Từ đứa trẻ mồ côi mù chữ người dân tộc Nùng trở thành anh hùng Điện Biên trong đợt phong tặng đầu tiên (1955) chính là minh chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất về ông. Nếu không có tinh thần và khát vọng học tập, cống hiến đến giây phút cuối cùng, sẽ không thể có con người Suốt cuộc đời theo gương Bác như ông.

Thứ tư, Ý chí quyết chiến quyết thắng, “thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí” đã luôn là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đời người anh hùng. Bởi vì thế ông đã vượt qua mọi khó khăn thử thách trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc và thời bình đều vẫn nhất mực kiên trung.

Dai gia dinh Anh hung Dien Bien Phung Van Khau - Mười điều tâm đắc từ cuộc đời anh hùng Phùng Văn Khầu - Tác giả: TS. Ngụy Hữu TâmĐại gia đình anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu.

Thứ năm, Đạo đức và nhất là đạo lý dân tộc luôn ăn sâu bám rễ trong trái tim khối óc anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu. Đạo lý ở đây là việc “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy” đúng như lời thề của người quân nhân cách mạng. Đây là một trong những điểm sáng rõ nhất.

Thứ sáu, Một trong những vẻ đẹp nhất của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu đó là luôn coi gia đình là nền tảng căn cốt nhất, phải phục vụ tốt nhất. Trong suốt gần 70 năm lấy vợ, sinh con, làm chồng, làm cha, làm ông, làm cụ, anh hùng  Phùng Văn Khầu luôn nêu cao tấm gương sáng, mẫu mực tiêu biểu, làm tròn chức trách đến khi ông mất đã để lại sự tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, các thế hệ cháu con, dòng tộc.

Thứ bảy, Đối với đồng chí đồng đội, những người từng vào sinh ra tử với mình, Phùng Văn Khầu luôn trước sau như một, keo sơn gắn bó, chí nghĩa chí tình; từng lời nói, hành động, nhất là những công việc cụ thể, thiết thực để giúp đồng đội mình có được cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, Phùng Văn Khầu đều không nề hà, thực hiện nhiệt thành, trách nghiệm và hiệu quả.

Thứ tám, Khi trở về cuộc sống đời thường, dù còn nhiều khó khăn, thách thức; sự phát triển của kinh tế thị trường sôi động, phức tạp, nhưng anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu vẫn giữ vững phẩm chất người anh hùng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội mà tiêu biểu là việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn đã được báo chí nêu rõ, được các cấp khen thưởng mà cao nhất là được nhân dân tin tưởng, ghi nhận. Hôm nay, khi công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang bước vào giai đoạn quyết liệt, chúng ta càng thấy những bước đi tiên phong của anh hùng Phùng Văn Khầu trong thập kỷ 90 là rất đáng khâm phục và ghi nhận.

Thứ chín, Với chính bản thân mình, anh hùng Phùng Văn Khầu suốt một đời thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; dĩ công vi thượng. Ông làm điều gì, nói câu gì trước hết đều để mang tới lợi ích cho đồng chí đồng đội và nhân dân. Cả đời ông sống nghiêm khắc với chính mình, với vợ con và gia đình, nhưng cũng hết sức bao dung và độ lượng.

Thứ mười, Điều này chúng tôi được biết từ thực tiễn thời gian qua, anh hùng Phùng Văn Khầu là người nhất mực yêu quý tổ tiên, dòng họ. Ông đã có gần hai nhiệm kỳ (2009 – 2018 và 2018 – 2023) là thành viên Ban cố vấn của Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng với các vị: Đại tướng Phùng Quang Thanh – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giáo sư Phùng Hữu Phú – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương… đã cho thấy ý thức trách nghiệm rất cao của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu với công việc khơi nguồn những giá trị tốt đẹp từ tổ tông, nguồn cội.

Từ cuộc đời một con người bình dị, luôn có lý tưởng sống, ý chí phấn đấu học tập, tinh thần hi sinh cao cả, suốt cuộc đời tận tụy, trách nhiệm, yêu thương; anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu chính là một tấm gương sáng, một tấm gương bình dị và cao quý trong cuộc sống hôm nay.

TS. Ngụy Hữu Tâm

(Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nhân học Văn hóa)

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây