Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu: Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai:

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 – 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước, nhiều lúc cười ra nước mắt về người anh hùng Điện Biên – nhân vật chính của chúng tôi, một người con dân tộc Nùng trưởng thành từ cậu bé mồ côi, sớm theo cách mạng và có những đóng góp xuất sắc trong toàn bộ cuộc đời mình, xứng danh với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng.

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), cũng là để tưởng nhớ, tri ân anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, một người lính nhất mực trung thành với Đảng, với Bác Hồ và Quân đội ta,  chúng tôi tiến hành biên soạn một tập sách về ông. Trong tâm tư của mỗi người biên soạn luôn có những tình cảm đặc biệt dành cho người anh hùng. Một tình cảm khó có thể nói hết bằng lời bởi chính ông – anh hùng Điện Biên là một con người rất đặc biệt.

Nhưng những câu chuyện đời thường của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu rất dễ dàng kể được ra bởi vì nó rất thật, rất nhân văn và hết sức bình dị, đời thường. Những câu chuyện như thế đều từ cuộc đời, cuộc sống cá nhân và gia đình của người anh hùng. Cuộc sống một thời với những màu sắc và áp lực mà tất cả mọi người đều phải đối diện, phải vượt qua. Sau này, khi cuộc sống dễ chịu hơn, chúng ta dần dần được ăn no, mặc ấm, được sống cuộc sống đủ đầy vật chất, tiện nghi hơn mới càng thấy khúc đường gian nan mà mình từng vượt qua thật hết sức đặc biệt.

Hồi nhớ về anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, tôi đặc biệt ấn tượng câu chuyện vợ ông buộc dây thừng vào cổ chân của chồng vì sợ chồng… chết đuối

Câu chuyện hoàn toàn có thực này mà cứ như… bịa. Chúng tôi nghe mãi không chán, nhất là trên các chuyến công tác dài ngày. Chuyện này cụ Khầu chưa từng nói trên truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, nên không nhiều người biết. Một phần nó có tính riêng tư của gia đình ông, lại ở một thời điểm đói khổ ngặt nghèo, mỗi hành vi của chúng ta, nhất là đối với người anh hùng như Phùng Văn Khầu càng phải giữ gìn hình ảnh mà không thể tùy tiện “trưng” ra được. Câu chuyện này rất độc đáo, thậm chí là điển hình cho một thời đói khổ do chúng ta đã quá quan liêu, bao cấp, duy ý chí, coi nhẹ đời sống vật chất, coi thường cơm áo gạo tiền của mỗi công dân. Người anh hùng cũng không phải là thánh thần, cũng phải ăn cơm uống nước, vợ dại con thơ, giáp mặt với manh áo mặc, viên thuốc khi bố mẹ, gia đình đau ốm, sách vở của con cái học hành, ma chay, cưới xin, giỗ Tết… nghĩa là ai cũng phải phải giáp mặt với cuộc sống thường ngày trăm thứ bà rằn tối tăm mặt mũi.

Anh hung Phung Van Khau va vo con tai nha rieng min - Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu: Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai:Anh hùng Phùng Văn Khầu và vợ con tại nhà riêng. 

Đó là vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ trước, khi anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu với quân hàm cấp Tá là cán bộ của trường Sĩ quan Pháo binh đóng quân trên địa bàn Sơn Tây đất sỏi khô cằn, bốn bề sim mua đắng chát, bốn phía đói nghèo bủa vây rất ngặt, lại đúng thời điểm vợ yếu con thơ sài đẹn quanh năm đã khiến người anh hùng phải hết sức vất vả, nao lung. Thời điểm ấy, nói như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Thật hết sức khẩn thiết! Người đứng đầu của Đảng đã phải thốt lên như vậy là tình thế đã ở lúc ngặt nghèo, mọi người phải tự tìm đường đi nước bước, tự cứu lấy mình trước khi trời cứu. Trong tình thế ấy, người anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, gia đình cũng như bao gia đình khác phải mò mẫm chăn nuôi gà lợn để gà lợn nuôi sống mình. Nhưng thức ăn cho gà lợn lấy ở đâu ra? Nhất là giống lợn lai kinh tế thời điểm ấy ngốn thức ăn như thuồng luồng rắn ráo. Bỏ đói chúng kêu váng thiên địa nghe càng muôn nỗi bi ai.

Thế là vợ chồng dắt nhau đi kiếm rau cỏ khắp nơi để đổ vào máng cho lợn ăn hòng bịt mồm chúng. Nhìn ra xung quanh, nhà nào cũng làm theo phương thức ấy, thành ra rau cỏ dần dần cạn kiệt, đến lá sắn trên đồi cũng bị vặt trụi. Đến những bụi chuối tây, chuối tiêu đắng nghét cũng bị đào sạch đến tận gốc rễ. Lá rau khoai lang người ăn còn chả có, còn bị các chủ ruộng, chủ hợp tác xã mệnh lệnh vẩy phân trâu bò lên để chống hái trộm càng trở nên khó khăn chồng chất. Trong lúc bụng đói cật rét như vậy, vợ chồng anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu đã phải đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng đi xa nhiều cây số tới các hồ sâu, thùng đào thùng đấu tìm cây rau tóc tiên mọc dưới sâu ba, bốn thước nước mò lên đem về dùng làm thức ăn chăn nuôi. Khốn nỗi, trời rét, hồ nước nông sâu khó lường, cây rau tóc tiên trốn chui trốn lủi dưới ba thước nước trơn tuồn tuột như lươn như trạch vô cùng khó kiếm, càng kiếm càng chẳng còn được bao lăm. Thế là lại phải lặn tìm ở những chỗ xa hơn, đoạn hồ sâu hơn để mò vớt. Khi người anh hùng lặn xuống, ngồi trên bờ đợi chồng, người vợ lo thon thót, chỉ sợ ngộ nhỡ có mệnh hệ gì? Một hẻm nước sâu quá hơi nhịp thở? Một thân cây gốc rễ ngoằn ngoèo giăng mắc? Thậm chí bom mìn còn sót lại đâu đây? Tất cả đều có thể là những tai ương chực trờ phía trước.

Anh hung Phung Van Khau va trung tuong Phung Khac Dang tai nha rieng - Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu: Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai:Anh hùng Phùng Văn Khầu (thứ 2 bìa phải) và trung tướng Phùng Khắc Đăng tại nhà riêng.

Dường như linh cảm được nỗi sợ hãi phấp phỏng của vợ, người anh hùng Điện Biên bèn nghĩ ra một kế: Trong tất cả các cuộc lặn xuống vụng sâu mò cây rau tóc tiên về làm thức ăn chăn nuôi, ông đều đem theo một sợi dây thừng rất dài, một đầu buộc chắc vào cổ chân, một đầu dây đặt vào tay vợ dặn: “Cứ độ hai ba phút, cho dù là anh có giật dây hay không, thì em cứ phải kéo lên cho chắc ăn, chứ nước ở đây sâu và lạnh lắm”. Vợ người anh hùng mếu máo nở nụ cười nghe lời chồng căn dặn mà trong lòng như có dao cắt cứa tâm can.

Một hôm, khi có đầy đủ cả hai vợ chồng anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu và bà Hà Thị Cay trong căn phòng ấm áp đầy ắp tiếng cười tại nhà, tôi bèn hỏi ông:

– Bác Khầu! Trần đời cháu chưa thấy ai như bác? Ai lại đi lấy dây thừng tự buộc vào cổ chân lặn xuống âm ti củ tỉ kiếm mấy thứ ba vạ, ngộ nhỡ mắc vào gốc cây ngầm dưới nước rồi không quay trở lại được biết kêu ai?

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu cười lớn:

– Thì thế! Ngày ấy đói khổ quá thành ra ngu ngốc mới như vậy! Nhưng tớ đã cẩn thận buộc dây vào chân, một đầu đưa vợ bên trên cầm sẵn rồi còn gì?

Tôi lại cười hỏi:

– Lấy gì làm chắc bác Khầu ơi? Biết đâu dây mục? Cá cắn đứt dây? Vật gì sắc nhọn ngầm dưới nước cứa đứt dây không báo động được lên trên, bà Cay biết đâu mà lần?

Người anh hùng Điện Biên còn chưa kịp trả lời tôi, đã cụ bà Hà Thị Cay lục cục lên tiếng:

– Ôi dào ơi! Cái ông cụ Khầu nhà tôi giời đánh không chết, bom đạn giặc Pháp, giặc Mỹ giội ầm ầm không chết làm sao lại chết ở cái hố nước ấy được? Cụ vẫn sống nhăn đến tận hôm nay đấy thôi!

Anh hung Phung Van Khau voi con gai Phung Hong Hai min 1 - Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu: Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai:Anh hùng Phùng Văn Khầu với con gái Phùng Hồng Hải.

Đã thấy cụ bà nói như vậy, chúng tôi ai cũng chỉ biết phá lên cười hết sức vui vẻ mà nước mắt nước mũi rỏ ròng trước nỗi bi hài của một thời đói khổ.

Câu chuyện vợ người anh hùng buộc dây thừng vào cổ chân của chồng vì sợ chồng… chết đuối chính là như thế!

Giữa đại dịch Covid-19 bùng phát, ngày 25-8-2021, tin người anh hùng Điện Biên đột ngột trở về với thế giới người hiền khiến tôi lòng dạ bâng khuâng. Tôi bình tĩnh bảo Trung tá Phùng Văn Hà, con trai ông: “Em hãy vững tâm lên! Cụ ra đi thanh thản như vậy càng là tấm gương với mọi người. Chúng ta sẽ mãi còn một người lính trung kiên, một người ông, người cha, người đồng chí nhất mực đáng kính. Đó chính là điểm tựa cho thế hệ sau học tập”.

Bâng khuâng cầm chiếc điện thoại trên tay, tôi chịu không làm tiếp được gì. Ông Khầu đã mất? Ở tuổi này rồi, còn, mất cũng là lẽ thường. Ông sinh năm 1929, tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, năm nay đã tròn 92 tuổi. Vừa hơn tháng trước, tôi còn nâng ly rượu chúc mừng người anh hùng và ký tặng ông tập sách do Binh chủng Pháo binh mời viết về ông. Cuốn sách nhỏ hơn trăm trang làm sao gói ghém hết những chiến công, nghĩa tình thơm thảo của người con dân tộc Nùng với quê hương, đồng đội, nhất là những người đã khuất? Lúc đó, tôi chợt thấy mắt người anh hùng như chùng xuống nhưng thanh thản, đôi tay run run giở đến trang sách ông ôm đồng đội hy sinh trên Đồi E bảo: “Mình sắp về với bác Giáp! Xin cảm ơn nhà văn đã viết về mình!”.

Chúng tôi chợt lặng đi. Thế hệ các ông đã đi qua biết bao lầm than, cơ cực và lửa đạn. Lửa cháy quanh người từ thuở mới lọt lòng. Rồi đi ở đợ. Rồi cứ thế theo cách mạng, vào quân đội một mạch đến hôm nay đã trên 90 tuổi, đã nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng mà vẫn tươi trẻ như hôm qua còn đọc lời thề trong quân ngũ kể cũng lạ lùng.

Tôi lập tức nhận ra, cùng với những phẩm chất tốt đẹp khác của người anh hùng, toàn bộ cuộc đời ông đã toát lên đầy đủ nhất, vẹn toàn nhất 10 lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng.

Tôi luôn cho rằng ngày nào người anh hùng cũng nhẩm đọc 10 lời thề ấy, từ chiến hào Điện Biên “máu trộn bùn non”, đến dốc núi Tà Cơn, Khe Sanh “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Rồi những lần cùng bạn bè, đồng đội, tham dự đại hội Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới, những lời thề chiến sĩ Việt Nam đã sớm kiêu hãnh vang lên khắp năm châu. Có lẽ ngay đối với cô Hà Thị Cay, người yêu cũng chưa biết chữ lúc gặp ông vẫn sẽ là những lời thề thầm vang: “Luôn kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân… để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân” chăng? Và lời thề ấy đã dẫn họ tới chung một con đường bền chặt khăng khít tới hôm nay đã trở thành máu thịt.

Có một chuyện về ông mà tôi hết sức ấn tượng. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy người anh hùng đang làm Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Pháo binh, được phân công về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn huấn luyện của nhà trường ở Sơn Tây. Như thế là đi xuống. Như thế là thử thách một con người đứng trước sự phát triển của chính mình. Phùng Văn Khầu nhận nhiệm vụ. Nhẹ nhàng. Thanh thản. Không chút đắn đo. Chao ôi! Khi người chiến sĩ đã coi trọng lời thề thì sá gì công việc. Có điều thẳng ra chiến trường, lên biên giới đánh giáp lá cà với quân thù thì Phùng Văn Khầu lúc đó cũng lập tức chấp hành. Đó chính là tính nết “trời sinh” của ông, dòng máu ngấm lời thề chiến sĩ của ông.

Khi ấy, không chỉ tâm tư cá nhân chịu thử thách lớn mà đời sống gia đình ông cũng từng ngày phải leo dốc. Thiếu đói từng ngày. Phải bươn chải, sinh kế để sinh tồn. Vậy người anh hùng sẽ làm gì đây? Thôi còn nề hà so đo tính toán điều gì nữa? Ông Tiểu đoàn trưởng Phùng Văn Khầu sẩm chiều tranh thủ ngoài giờ đem bao tải cùng vợ đi mò rau tóc tiên nuôi lợn. Trời thì rét, ao hồ thùng đấu thì sâu, bụng lại đói run lập cập, ông đã phải tự buộc dây thừng vào chân mình rồi dặn vợ: “Nếu tôi có bề gì thì bà hãy kéo tôi lên”. Thế mà cũng qua được khúc khuỷu cuộc đời, nuôi dạy các con ăn học thành người, nghĩ lại quãng đường đã qua không khỏi thầm rơi nước mắt.

Tôi thấy từng lời thề chiến sĩ luôn gắn chặt với Phùng Văn Khầu và sự kiên gan thực hiện những lời thề với ông quả đã là lẽ sống. Gần đây, khi tuổi tác đã cao, đã lên chức cụ, còn luôn được nơi này mời đi nói chuyện truyền thống, nơi khác mời đi hội thảo Chiến thắng Điện Biên, cụ Khầu càng nêu cao tính kỷ luật cho mình. Đồng đội đã đi theo người Anh Cả vãn hết rồi, còn một mình ta càng phải kiên quyết tiến công. Nói chuyện, viết bài cho hội thảo cũng phải như đánh trận. Cũng phải “rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng” mới có thể: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó cũng chính là phương châm, là kỹ năng của cụ Khầu.

Cứ như thế, kiên gan, bền bỉ, đêm đêm trong đèn tự soạn từng bài nói chuyện, bài viết, lời phát biểu của mình với cánh truyền thông. Trí nhớ người anh hùng minh mẫn lắm, song không chỉ là kể lại cho đúng mà còn phải là trò chuyện thật hay, thật hấp dẫn mới có thể trao truyền trọn vẹn ngọn lửa chiến công, ngọn lửa làm người cho mai hậu.

Trong một lần giao lưu tại Điện Biên, tôi khi ấy đang là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân, khi làm kịch bản về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ý muốn cài sẵn rằng: “Trên sân khấu, bác hãy nói giúp một câu của Hưng Đạo Vương cho oách rằng “Năm nay quân ta đánh giặc nhàn!”. Người anh hùng nghiêm mặt có ý giận bảo: “Mình không nói thế được đâu! Đó không phải là sự thật”. Thế là tôi phải thanh minh mãi ông mới dần nguôi giận. Thế đấy! Làm sao có thể khiến thế hệ các ông làm trái lời thề xương máu của mình.

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu đã thanh thản về cõi Phật. Chắc hẳn, những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ đã ngấm vào máu xương theo ông sang thế giới mới của mình, nơi có đồng đội, nơi có người Anh Cả – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đón đợi. 

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây