Trong dịch thuật, có nhiều từ nước ngoài chưa tìm được từ tiếng Việt dịch thật sát, vì văn hoá khác nhau. Thí dụ: một khái niệm của từ sage (tiếng Pháp) = wise (tiếng Anh) = weise (tiếng Đức), ta thường dịch là khôn ngoan, đúng mực, minh triết, hiền nhân, triết nhân… đều không thể hiện được ý: bình thản, ung dung trước mọi sự việc và biến cố, không đam mê nhưng biết nghệ thuật sống, ứng xử theo lẽ đời.
Có một cuộc họp về yếu tố văn hóa trong dịch thuật ở trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Hà Nội (11/2009) với sự tham dự của nhà văn Mỹ Lady Borton (tác giả tuyển tập Việt – Anh Các nhà thơ nữ Việt Nam) và nữ giáo sư Đại học Pháp J.Gillon (dịch giả Số đỏ của Vũ Trọng phụng ). Đây không phải chỉ là vấn đề kỹ năng của các dịch giả. Dịch sai do thiếu kiến thức văn hoá có thể gây tai hại lâu dài cho sự phát triển văn hoá dân tộc, nhất là vào thời buổi hội nhập và toàn cầu hoá.
Cuộc hội thảo đã thống nhất về cái khó của dịch thuật và trao đổi về một số trường hợp khó dịch hoặc cần dịch lại cho sát.
Sau đây là một vài ví dụ, tôi đã nêu lên trong cuộc họp: – Văn Miếu: Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, vì Văn Miếu có nhiều quạ, họ dịch là Chùa Quạ (Pagode de Corbeaux). Rồi sau, dịch chính thức là Temple de la Littérature (đền Văn chương), và từ đó, các tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha… cũng dịch theo ý đó. Dịch Văn Miếu là đền Văn chương quả chưa thích hợp vì ở đây thờ Khổng Tử. Gọi là đền Văn chương thì đền Ngọc Sơn còn thích hợp hơn. Năm 1884, bác sĩ Hocquard đã gọi đền Ngọc Sơn là miếu Văn chương (thờ thần Văn Xương, lại có Tháp Bút và Nghiên Mực). Trong từ Văn Miếu, chữ văn nghĩa rất rộng. Nếu lấy tiếng Pháp làm chuẩn, có thể dịch là: temple de la culture littéraire (đền thờ văn hoá dựa vào trước tác). Chữ littéraire hiểu theo nghĩa gốc Latinh: litteratura = ngôn ngữ, tri thức, trước tác nói chung. Thời cổ đại Trung Quốc, văn chỉ tri thức tổng hợp, triết, tôn giáo, văn hiến… chứ không riêng gì văn chương. Hoặc dịch là Temple de Confucius (Khổng miếu = chữ văn còn có thể lấy từ Văn Tuyên công, một tước vị của Khổng Tử).
– Từ văn minh trong khẩu hiệu: Dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chị chuyên gia hiệu đính tiếng Anh của NXB Thế Giới: M. Hess người Mỹ sửng sốt khi phải dịch từ văn minh sang tiếng Anh. Theo ý chị thì từ Anh civilization (văn minh) trong bối cảnh này gợi ý trái với dã man: “Mỹ ném bom giết hại một dân tộc đấu tranh vì độc lập, thì ai dã man hơn ai?”. Chữ civilisation (Pháp) cũng có âm hưởng ấy. Vậy khi dịch từ văn minh trong khẩu hiệu trên dịch sang tiếng Anh, Pháp có nên dùng từ culture (văn hoá) không?
– Về một từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của ta. Theo chị Lady Borton, trong bản tiếng Anh, Hồ Chí Minh áp dụng bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ đã đổi all men thành all people để dịch: mọi người sinh ra đều bình đẳng. Sở dĩ vậy, là do ý nghĩa sắc thái có khác nhau: All men (mọi người) năm 1776 ở Mỹ chỉ bao hàm đàn ông da trắng, chứ da đen và phụ nữ thì làm gì có quyền bình đẳng đi bỏ phiếu bầu quốc hội. Chữ man, men cũng có nghĩa là đàn ông. Còn all people (mọi người) ở Việt Nam bao gồm cả nam, nữ bình đẳng từ năm 1945.
– Về hai câu Kiều mà tổng thống Mỹ Bill Clinton trích dẫn: năm 1995, Bill Clinton nói chuyện với sinh viên ta ở Hà Nội. Để nói về quan hệ Mỹ – Việt từ chiến tranh sang hòa hợp, như hết mùa Đông rồi sang mùa Xuân. Ông trích dẫn hai câu:
(trong bản dịch sang tiếng Anh, sầu dài ngày ngắn dịch là time softens sorrow = thời gian làm dịu nỗi buồn). Cứ để nguyên văn dịch tiếng Anh áp dụng vào quan hệ Mỹ -Việt thì rất hay. Nhưng xét văn cảnh Truyện Kiều thì các cụ gọi là sái, là nói gở. Lúc đó, Thúc Sinh buồn ủ rũ vì Kiều bị bắt cóc biệt tăm, tưởng là đã chết cháy. Từ hạ (sen tàn) qua thu (cúc lại nở hoa), rồi ngày ngắn lại (mùa đông), rồi sang xuân, nguyên bản của cụ Nguyễn Du, đông đà sang xuân chỉ có ý nói thời gian (Kiều mất tích đã một năm), không có ý biểu tượng: hết buồn đến vui. Có lẽ ở điểm dịch này, dịch chưa sát chăng? Các bản dịch Pháp, Anh, Đức khác cũng vậy, đều chỉ dịch lấy ý: hết đông sang xuân!
– Làm gì có Phố Bak! Trong Từ điển Văn học (bộ mới) ở mục từ Phạm Duy Khiêm, có nêu một tùy bút của ông viết về phim Backstreet (dịch là phố Bak), 1941. Backstreet đúng nghĩa là ngõ hẻm, ngõ sau, back có nghĩa là sau, không phải danh từ riêng. Tính từ backstreet có nghĩa là bất hợp pháp, làm lén. Tiếng Pháp ngày nay cũng dùng từ backstreet khi nói về một phụ nữ lén “cặp bồ” với ai đó.
– Cuốn theo chiều gió là tên dịch cuốn tiểu thuyết Mỹ Gone with the wind (1936) của M.Michell về chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ về thời vàng son của miền Nam nước Mỹ. Tên tiếng Anh ngụ ý: tất cả mọi chuyện đều sẽ thoảng qua, gió cuốn đi hết, “vang bóng một thời”. Cuốn theo chiều gió, dịch như vậy không nói được ý đó…
Trong dịch thuật, có nhiều từ nước ngoài chưa tìm được từ tiếng Việt dịch thật sát, vì văn hoá khác nhau. Thí dụ: một khái niệm của từ sage (tiếng Pháp) = wise (tiếng Anh) = weise (tiếng Đức), ta thường dịch là khôn ngoan, đúng mực, minh triết, hiền nhân, triết nhân… đều không thể hiện được ý: bình thản, ung dung trước mọi sự việc và biến cố, không đam mê nhưng biết nghệ thuật sống, ứng xử theo lẽ đời.