Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 5]

Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 5]

Nhà văn Yokomitsu Riichi.

Một số nhà văn theo “trào lưu văn học vô sản” hoạt động chính trị, đa số nhà văn viết tuyên truyền. Một số viết những tác phẩm đề cao “sứ mạng” Nhật Bản, ít giá trị nghệ thuật.

Văn học thời Minh Trị

Yokomitsu Riichi (1898-1947) là nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại, thử nghiệm, khuynh hướng “cảm giác chủ nghĩa mới”, chống lại “trường phái vô sản” và chủ nghĩa hiện thực dung tục.

Ông là bậc thầy về tiểu thuyết tâm lý; ông viết tiểu thuyết, truyện và kịch, vào đời với những truyện tượng trưng chủ nghĩa. Ông đứng đầu nhóm “cảm giác chủ nghĩa mới” do bị hấp dẫn bởi hình tượng và hiệu quả hình ảnh của thơ ca tượng trưng, siêu thực Pháp.

Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, phong cách của ông gắn với hiện thực hơn, trong tiểu thuyết Thượng Hải (1928-1931), ông nói về phong trào 30/5/1925 dẫn đến cách mạng Trung Quốc (1925-1927).

Những sáng tác chủ yếu của ông gồm: Thành phố (Machi, 1916), Mặt trời (Nichirin, 1923), Con ruồi (Hae, 1923), Mùa xuân đến trên xe ngựa kéo (Haru wa basha ni notte, 1926), đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo của vợ, là một câu chuyện trữ tình, nhạy cảm; Máy móc (Kikai, 1930), cho thấy nỗi ám ảnh ngày càng tăng của ông với ý tưởng về một nguyên tắc máy móc chi phối hành vi của con người; Thời gian (Jikan, 1931).

Luôn quan tâm đến lý thuyết viết lách, ông đã đưa ra những ý tưởng của mình trong Thảo luận về lý thuyết đích thực (Junsui shōsetsu ron, 1935), trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tiểu thuyết nghệ thuật nhưng phổ biến, đã trở thành một cơn chấn động lớn trong giới văn học.

Ông đã dành nửa năm ở châu Âu, bắt đầu từ năm 1936 và dựa trên kinh nghiệm ở nước ngoài này, ông đã viết kiệt tác còn dang dở Nỗi buồn du hành (Ryoshu, 1937-1946). Những năm 30, ông chịu ảnh hưởng của Marcel Proust (Pháp) và James Joyce (Ireland).

Kawabata Yasunari (1899-1972) viết tiểu thuyết, truyện và thơ, ông được Giải thưởng Nobel Văn học năm 1968, tự tử năm 73 tuổi. Ông học văn ở Nhật và Anh, say mê thơ văn cổ điển. Khác với đa số nhà văn đương thời, ông có những quan điểm thẩm mỹ bắt nguồn từ những truyền thống cũ. Ông nhận mình là một “du khách u buồn lang thang trên thế giới”.

Ông thiết tha bảo vệ những rung động của đời sống tình cảm chống lại chủ nghĩa vật chất. Sáng tác của ông chủ yếu thể hiện nội tâm; thái độ xa lánh cuộc sống, có phần bảo thủ.

Truyện Vũ nữ xứ Yzu (Izu no Odoriko, 1926) tả về mối tình dang dở giữa một sinh viên và nữ diễn viên của gánh hát rong. Đây là tác phẩm đầu tiên điển hình cho phong cách ấn tượng chủ nghĩa, thể hiện bằng ngôn ngữ nên thơ. Xứ tuyết (Yukiguni, 1935-1937, hoàn chỉnh năm 1947) ca ngợi cái đẹp của tuyết, của các mùa, của người nữ và truyền thống của miền băng giá phía Bắc Nhật; tác phẩm trở thành cổ điển và là một kiệt tác của Kawabata, đưa ông vào số những nhà văn hàng đầu nước Nhật.

Trong Thế chiến II, ông sống cách biệt. Sau hòa bình, ông thành công với tác phẩm Hàng nghìn cánh hạc (Senbadzuru, 1949-1952), là một chuyện tình bất hạnh trong khung cảnh trà đạo; Cố đô (Koto, 1962), Tiếng rền của núi (Yama no Oto, 1954), Người đẹp say ngủ (Nemureru bijo, 1961), Vẻ đẹp và nỗi buồn (Utsukushisa to Kanashimi to, 1965) – tiểu thuyết cuối cùng của ông lại là một câu chuyện đam mê với kết cuộc buồn. Bản thân Kawabata cho rằng, tác phẩm hay nhất của mình là Bậc thầy cờ vây (Meijin, 1951), truyện ngắn này tương phản rõ rệt với những tác phẩm khác.

Truyện kể lại (có hư cấu thêm) một ván cờ vây năm 1938, mà ông đã tường thuật cho báo Mainichi. Đó là ván cờ cuối cùng của danh thủ Shūsai, ông này đã thua người thách đấu trẻ hơn mình, rồi qua đời một năm sau. Mặc dù truyện có vẻ hời hợt, chỉ là thuật lại một cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm, một số độc giả cho rằng đó là ẩn dụ thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, số khác lại coi là cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại.

Một số nhà văn theo “trào lưu văn học vô sản” hoạt động chính trị, đa số nhà văn viết tuyên truyền. Một số viết những tác phẩm đề cao “sứ mạng” Nhật Bản, ít giá trị nghệ thuật. Các nhà văn vô sản tiêu biểu như:

Tokunaga Sunao (1899-1958), nhà văn đầu tiên của phong trào “văn học vô sản” Nhật Bản những năm 20 của thế kỷ XX, ông miêu tả cuộc đình công kéo dài một cách vô vọng của công nhân Tokyo trong tác phẩm Khu phố không ánh mặt trời (Taiyō no nai Machi, 1928).

Sau thất bại của Nhật Bản năm 1945, ông cùng một số nhà văn thành lập Thế giới văn học Nhật Bản mới (Shin Nihon Bungakkai) với tư cách là người kế thừa các nhóm văn học xã hội chủ nghĩa trước chiến tranh.

Hayama Yoshiki (1894-1945) được biết nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết vô sản Những người sống trên biển (Umi ni Ikuru Hitobito, 1926), kể về điều kiện lao động kinh khủng trên một con tàu chở hàng; Gái điếm (Imbaifu, 1925, truyện ngắn), một ví dụ ban đầu của văn học vô sản ở Nhật Bản. Cuối đời, ông sống ở những công trường trong núi ở Mãn Châu Quốc.

Kobayashi Takiji (1903-1933) xuất thân gia đình cố nông, làm nhân viên, gia nhập Đảng Cộng sản bất hợp pháp. Ông viết nhiều truyện ngắn và vừa, thể hiện tình cảm và tư tưởng của giai cấp vô sản, nêu lên các cuộc đấu tranh của người Nhật Bản chống lại các thế lực phong kiến, địa chủ và cả chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quân phiệt.

Tác phẩm nổi tiếng là Tàu đánh cua ( Kanikōsen, 1929), miêu tả đời sống cơ cực của những người đi đánh cua và thủy thủ; họ nổi dậy chống tên thuyền trưởng dã man nhưng bị thất bại. Kobayashi bị bắt năm 30 tuổi, bị tra tấn chết.

Sự đàn áp các nhà văn vô sản nổ ra rất sớm. Một số bị bắt giam, một số phải làm ra bộ đổi hướng viết, một số hạ bút.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây