Ngọ Môn – chứng nhân lịch sử một thời huy hoàng của triều Nguyễn

Ngọ Môn (tên chữ Hán: 午門) là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng thành và vương triều phong kiến. Hiện nay là một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong quần thể di tích cố đô Huế. Ngọ Môn – có nghĩa là “cổng tý ngọ” – hướng về phía nam, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Đây là một lễ đài nơi xảy ra nhiều sự kiện của triều Nguyễn, cũng như là cổng chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc các sứ thần mỗi khi đi sứ sang nước ta. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại lầu Ngọ Môn Huế diễn ra buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam (nhà Nguyễn) đã trao hai vật tượng trưng vương quyền là chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và thanh kiếm biểu hiện quân quyền cho đại diện Chính phủ Lâm thời và Việt Minh để về làm dân của một nước độc lập.

Chau ban trieu Nguyen min - Ngọ Môn – chứng nhân lịch sử một thời huy hoàng của triều NguyễnTrung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Châu bản triều Nguyễn, ghi chép công việc sửa sang điện Càn Nguyên và Hoàng thành nhân Tứ tuần đại khánh tiết.

Ngọ Môn nằm ở phía Nam so với vị trí trung tâm của Hoàng thành Huế, phía tả là cửa Hiển Nhơn, phía hữu là cửa Chương Đức, phía sau là cửa Hòa Bình. Về quy mô, Ngọ môn là cổng thành lớn nhất trong bốn cổng của Hoàng thành[1].

Là cổng chính nhưng Ngọ môn không được sử dụng nhiểu vì mang tính nghi thức rất cao. Xưa kia cổng thường đóng kín, chỉ mở trong những dịp đặc biệt như khi vua ra vào Hoàng thành có đoàn ngự giá hay trong những dịp tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng của Hoàng cung.

Vị trí Ngọ môn lúc đầu là Nam Khuyết Đài, được xây dựng đầu thời Vua Gia Long; trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có Tả Đoan môn và Hữu Đoan môn[2].

Đầu thời Vua Minh Mệnh, nhân chuẩn bị cho tiết lễ đầu năm hay nhân Tứ tuần đại khánh tiết, triều đình nhà Nguyễn đều cho tu sửa, sơn sửa sắc vàng, vẽ hoa năm sắc, quét sơn trang trí điện Càn Nguyên[3]. Một minh chứng cho nhận định trên được khai thác từ nguồn Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới là bản phụng chỉ ngày 13 tháng Hai năm Minh Mệnh 11 (1830) của Nguyễn Kim Bảng về công việc sửa sang điện Càn Nguyên và Hoàng thành nhân tứ tuần đại khánh tiết: “Năm nay gặp khánh tiết Trẫm tứ tuần chính thọ, quanh tường điện Càn Nguyên và chu vi Hoàng thành tứ đài nam bắc tả hữu đều phải gắng liệu sửa sang cho đẹp. Truyền cho các biền binh ở nguyên các tấn ấy xét lĩnh hạng công, sơn sửa sắc vàng trong đó có chỗ hoạ vẽ hoa năm sắc như cũ lại quyét sơn thêm để làm sáng ngời thể chế mà thoả sự quan chiêm”[4].

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép rằng: “Đến năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), đổi dựng 5 cửa: Giữa là Ngọ môn, hai cửa tả giáp môn, hữu giáp môn và hai cửa tả khuyết môn, hữu khuyết môn, trên dựng lầu ngũ phượng” [5].

Cửa chính giữa là Ngọ môn rộng và cao nhất, chỉ dành riêng cho vua đi, cánh cửa này được sơn màu vàng, là biểu tượng của nhà vua. Hai cửa bên là Tả Giáp môn và Hữu Giáp môn thấp hơn, dành cho các quan văn võ theo hầu trong đoàn Ngự đạo của vua, được sơn màu đỏ.

Châu bản triều Nguyễn cung cấp thông tin, vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Bộ Công đã chế một tấm biển bằng đồng mạ màu lam, có đề hai chữ đại tự “Ngọ Môn”, tả hữu đều viết các chữ nhỏ, tổng cộng có 12 chữ lớn nhỏ, ước chừng phải dùng 3 tiền 5 phân bột vàng tây[6]. Tuy nhiên, tấm biển này đã bị phá hủy vào năm Bảo Đại 18 (1943), do quân gian đập vỡ tấm gương đậy 2 chữ “Ngọ môn” để lột vàng bọc hai chữ ấy[7].

cua thanh qua cong Ngo Mon min 800x506 - Ngọ Môn – chứng nhân lịch sử một thời huy hoàng của triều NguyễnTrung tâm Lưu trữ quốc gia I, Văn phòng Bảo Đại, ghi hình ảnh đoàn tế Nam Giao đi ra cửa thành qua cổng Ngọ Môn (Huế).

Về mặt kiến trúc và cấu trúc, Ngọ môn là một phức hệ, có thể chia ra làm hai phần chính: phần nền đài ở phía dưới và phần lầu Ngũ Phượng ở phía trên. Hai phần này được thiết kế hài hòa với nhau, trở thành một thể thống nhất.

Xưa kia, đây là nơi cử hành các cuộc lễ lớn của triều đình như Lễ Truyền lô (xướng danh các sĩ tử thi đỗ Tiến sĩ), Lễ ban sóc (phát lịch), lễ duyệt binh hay ban ân chiếu và các tiết lễ Nguyên đán, Đoan dương, Vạn thọ[8].

Đơn cử một ví dụ trên Châu bản triều Nguyễn về việc nghi thức tiến hành lễ Ban sóc, vào ngày 20 tháng 11 năm Thành Thái 10 (1898), Bộ Lễ tâu rằng: “Ngày mồng 1 tháng tới là ngày lễ ban sóc xin được thiết đại triều nghi ở lầu Ngọ môn, Hoàng thân, vương công văn võ bách quan đều mặc triều phục, phẩm phục để làm lễ thụ sóc. Còn các khoản quy chế lễ nghi xin tuân theo lệ trước thực hiện” [9].

Ngọ Môn luôn được coi là bộ mặt của Hoàng thành, chính bởi vậy, vào năm Đồng Khánh 3 (1888), Bộ Công chế tạo một tòa lầu Ngọ môn nhỏ để tham dự Hội chợ đấu sảo tại Pháp. Đây việc làm của triều đình nhà Nguyễn mang ý nghĩa quảng bá biểu tượng một kinh thành vàng son và vương triều phong kiến đến với các nước khác trên thế giới.

Ngọ Môn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, nơi đây chứng kiến thời khắc Hoàng đế Bảo Đại chính thức làm lễ thoái vị và trao ấn kiếm tượng trưng vương quyền cho chính quyền Việt Minh, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn thống trị 143 năm (1802-1945).

Trải qua thời gian ngót 190 năm và những thăng trầm của thời cuộc, với những tác động của thời gian, thiên nhiên, khí hậu miền Trung khắc nghiệt và cả khói lửa chiến tranh; nhưng nhờ có kỹ thuật xây dựng đặc sắc, cho đến nay Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững với thời gian để trở thành một công trình kiến trúc đẹp mãi không phai của miền cố đô thơ mộng.

Quoc su quan trieu Nguyen min - Ngọ Môn – chứng nhân lịch sử một thời huy hoàng của triều NguyễnQuốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 1, Kinh sư, trang 5,6.

Đoàn Thị Thu Thủy

Phòng Phát huy giá trị tài liệu

—————

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tr.5.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tr.6.

[3] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

[4] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tr.6.

[6] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

[7] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

[8] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

[9] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây