Người “chơi” theo lối của mình… – Tác giả: Nguyễn Hiệp

“Xin làm chỗ giấu chiêm bao

Sâu trong trí nhớ hư hao người về…”

Nhẹ nhàng như đám mây trắng bay. Bình thường như đám mây trắng bay. Tôi không thể biết hết bút danh Nguyễn Như Mây đã vận vào đời ông đến mức nào nhưng cái cách “rửa tai” khi nghe đến hai tiếng “danh lợi” của ông khiến tôi xác tín về một người thơ bình thường. Bình thường quá đi chứ, trong khi ngoài kia là những bất thường, nháo nhào ê a: “Đồng xanh, bông trắng, lúa vàng/ Trên sáu dưới tám, hai hàng thành thơ”, nháo nhào những danh nhà này nhà nọ, đấng này đấng kia. Thơ Nguyễn Như Mây cũng bình thường thôi, trong khi những thứ na ná thơ khắp nơi…

Nguyễn Như Mây từ chối in thơ, không phải vì “dị ứng” với những tập thơ bìa cứng, màu mè hay những thứ gần như thơ sang trọng kia, hay không xin được giấy phép, hay không đủ tiền in…, đơn giản chỉ vì ông muốn “chơi” theo lối của mình: Chép tay.

Khoảng tháng 5/2005, ông bắt đầu gom những bài thơ viết, đăng đâu đó (có lần tình cờ soạn báo cũ, tôi thấy thơ Nguyễn Như Mây đăng trên các mặt báo Trình Bày, Văn của Sài Gòn từ những năm sáu chín, bảy mươi của thế kỷ trước và rất nhiều bài đăng trên báo Thanh Niên sau này). Ông sống nhiều nơi: Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Thiết… và ở đâu cũng để lại nhiều bài thơ ấn tượng. Theo như số bài thơ tôi đã biết thì quả là ông viết nhiều thật, đến cả ba bốn trăm bài nhưng cuối cùng lọc lại, chỉ lấy 35 bài (ông nói vui vì thích số 35 – con dê nhỏ). Nguyễn Như Mây đặt tên tập thơ chọn lọc duy nhất của mình là Núi và bắt đầu cắm cúi viết từng ngày, viết say sưa, viết như một cái thú khác không thể thiếu của người nặng nghiệp thi ca. Hết bài này đến bài khác, hết trang này đến trang khác, hết tập này đến tập khác,… ông viết ngày, viết đêm, gò lưng ra trên gác xép, cắm cúi trong góc quán cà phê, nằm xoài trên bãi cỏ, ngồi tựa lưng trụ chân cầu… Trước sau chỉ một màu mực đen viết trên giấy mỏng in hoa văn chìm, khổ 10 x 20 cm.  Thời gian hoàn thành một tập thơ không giống nhau, có những tập cả tháng mới xong vì các ngón tay trở chứng “cau đứng – cứng đau”. Đến tháng 12/2020, được 561 tập. Một phụ nữ có tên là Ng, chủ một cửa hàng bán kim chỉ ở thành phố Phan Thiết, đã tự nguyện cung cấp kim chỉ miễn phí cho ông khâu thơ thành từng tập đẹp đẽ. Bìa tập thơ nào cũng được ông chăm chút kỹ lưỡng, một chữ “Núi” hơi hướm thư pháp được phóng bút lả lướt giữa bìa. Riêng 3 cuốn cuối có kèm phụ bản là những bức tranh tối giản do ông tự vẽ mà theo tôi nhìn nhận là “quá đẹp”.

Ở Phan Thiết, nhiều người rất thích và thuộc lòng những câu thơ lãng đãng, nhẹ nhàng, không chút lên gân của nhà thơ Nguyễn Như Mây, họ đưa vào lời ăn tiếng nói, pha trong những câu thoại khi cần chút lãng mạn. Tôi không nhớ được hết nhưng chỉ mang máng vài câu ghi nhận qua các lần tiệc tùng, họp mặt:

– “Trong tôi có một dòng sông

Chảy theo ngày tháng rồi không quay về…”

– “Chính ta, kẻ đã điêu tàn

uống xong chén rượu thu vàng, về đây”

– “Một hôm qua nẽo vô thường

Nghiêng vai trút hết khói sương xuống đèo…”

Hay từng câu ngắn được dẫn trích như một minh chứng quán tưởng pha chất Phật giáo Thiền tông và Lão, Trang:

– “Pha thêm chút rượu vào trăng… say mèm”; “Đi trong núi không thấy núi/ Đi trong mây không thấy mây”…

Cũng có những bài tưng tửng nhưng lại có nhiều người yêu mến như:

– “Dọc đường ghé xin nước

Chủ nhà hỏi: Đi đâu?

Bảo đi tìm chiêm bao

Chủ nhà không cho uống”

Hoặc:

– “Ta và trăng đổ đầy nhau

Rồi chung một suối chảy vào rừng khuya

Sáng mai hai đứa cùng về

Nếu say, ta ở lại nghe thu vàng”

Trong 35 bài anh chọn để chép thành tập có hơn phân nửa là những bài thơ mang tính chiêm nghiệm về cuộc đời, luật đời nhưng tuyệt nhiên không áp đặt, nó chỉ gợi lên một trường liên tưởng nào đó để người đọc tự hóa thân thành một hành giả đưa chân vào chốn hanh thông. Chẳng hạn:

– “Cứ tưởng núi có thật

Dọc đường ta lang thang

Không ngờ núi phai mất

Khi mùa chớm thu vàng!”

– “Chưa lên núi, thấy sợ

núi cao vút tầng mây

tới rồi, ta mới hay

lòng mình còn hơn núi!”

– “Có gì ngoài cõi trăng sao

treo trên trái đất bạc màu thế gian?”…

*

Trong mảng thơ tình, ngoài những chùm bài viết trong thời trẻ phiêu bạt đã đăng trước năm 1975 như Bóng Thu Vàng: “Biết về môi có còn tươi/ Hát cho người cũ nghe lời du ca/ Mãi rồi quen thói không nhà/ Nửa khuya quán vắng trăng tà đầu sông…” còn có những bài thơ sau này cũng rất “phiêu” nhưng hơi tiếc là không được  ông chọn vào tập thơ Núi.

Trong phòng trà Nhạc Xưa quen thuộc trên đường Huỳnh Văn Nghệ, Tp. Phan Thiết, ông ghé tai tôi, giọng thều thào yếu ớt: “Năm nay, vì đau khớp cả hai tay nên… tự đình bản…”. Sau câu thông báo rất buồn đó, cả hai chúng tôi đều chìm vào im lặng. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của ông trong bài Gửi người dương thế mà lòng chùng xuống:

“Tôi không vĩnh biệt cuộc đời

chỉ đi khuất ánh mặt trời trần gian…”

Cũng chưa đến nỗi phải nghĩ đến “những điều không dám nghĩ” sớm quá như vậy nhưng vì bút danh của ông là Nguyễn Như Mây, nó cứ gợi đến điều gì đó mong manh, vô thường, coi nhẹ hết mọi thứ trên đời. Và nữa, mỗi lần tôi dìu ông lên sân khấu hát, tôi cảm giác được bàn tay ông tì vào tôi khá nặng. Khi ta dìu một người mà thấy nặng nghĩa là hoặc ta không muốn dìu hoặc người đó đã rất yếu, tôi hoàn toàn nằm ở trường hợp thứ hai. Tôi “chơi” thân với ông khi nhà ông còn ở ga xe lửa, tính ra cũng mấy chục năm, lòng luôn quý mến và nể phục ông, coi ông như người anh lớn của mình.

Điều quý nhất ở nhà thơ Nguyễn Như Mây là ông làm thơ vì lòng muốn, không thể khác được, chứ cả đời ông sợ lắm hai tiếng “lợi danh”. Ông là một người thơ bình thường, tôi tin vậy.

N.H

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây