Lặng lẽ Hoàng Thái Sơn – Tác giả: Lý Hoài Xuân

Lặng lẽ Hoàng Thái Sơn - Tác giả: Lý Hoài Xuân

Nhà văn Hoàng Thái Sơn.

Hai mươi lăm năm cầm phấn đứng bục giảng, Hoàng Thái Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Nhưng, qua tâm sự với ông được biết, ông đam mê việc viết văn từ thời sinh viên. Ông là em trai nhà giáo, nhà thơ, liệt sỹ Xích Bích (tên khai sinh: Hoàng Bình). Từ chối làm hiệu trưởng để có thời gian sáng tác, song ông không từ chối làm Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ để được gần gũi các bạn văn.

Năm 1991, tiểu thuyết Nơi bắt đầu có gió của ông ra đời, gây xôn xao dư luận, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng giải Ba về văn xuôi. Đồng thời với việc viết tiểu thuyết, ông liên tục cho in truyện ngắn trên các báo, tạp chí. Truyện ngắn đầu tiên của ông đăng Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1992 là Dẫu lìa ngỏ ý.

Đến nay, nhà văn Hoàng Thái Sơn đã in 7 tập truyện ngắn và 3 cuốn tiểu thuyết. Ông đã nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 3 lần nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình, giải thưởng truyện ngắn hay các cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ Bình Trị ThiênNhật LệCửa ViệtHồng LĩnhNha Trang tổ chức.

Truyện ngắn là thế mạnh của ông, đã theo ông suốt cả đời văn. Bên cạnh việc sáng tác, thỉnh thoảng, ông còn viết lý luận phê bình. Ông có bài được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Gần đây nhất là bài Thử đi tìm một bí mật văn chương: Vì sao Thúy Kiều không gảy đàn cho Từ Hải nghe (đăng Báo Văn nghệ), rất có sức thuyết phục!

Đọc tác phẩm của Hoàng Thái Sơn, chúng ta thấy từng trang văn đều có mối liên hệ với từng con người, mảnh đời mà chúng ta đã gặp đâu đó. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của ông có cá tính, tâm trạng, số phận riêng. Tiểu thuyết của ông đã phản ánh khá sinh động đời sống xã hội giai đoạn chuyển đổi cơ chế đầy nghiệt ngã. Ở đó, mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể luôn xảy ra sự xung đột.

Cũng ở đó, bên cạnh những người tốt, vẫn có kẻ cơ hội tìm cách luồn lách, lợi dụng kẻ hở pháp luật để “đục nước béo cò”, thăng quan tiến chức. Thấp thoáng ở nhân vật này, nhân vật kia hoặc cảnh vật ông miêu tả, người đọc nhận ra nguyên mẫu có ở đất Quảng Bình, trong lĩnh vực giáo dục hay cơ quan, trường học ông từng công tác…

Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn trong sự liên kết lại có một hiện thực tương đối rộng, đa dạng, phức tạp và hỗn độn, gắn với cuộc sống và những thân phận không giống nhau. Có những câu chuyện hướng về lịch sử, cội nguồn dân tộc, có những câu chuyện tình lãng mạn, cũng có những chuyện nói về tình quê hương, đất nước, chiến tranh và việc bảo vệ Tổ quốc. Ông không ngại “mổ xẻ” những bi kịch, mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra. Truyện của Hoàng Thái Sơn giàu tính nhân văn, ẩn chứa nhiều yếu tố kỳ ảo mà vẫn rất gần với cuộc sống đời thường. Nhiều truyện hướng người đọc đến những điều tốt đẹp, cao thượng. Phong cách kể chuyện của ông khá thú vị. Ông luôn có những ẩn ý sâu sắc và đặt ra những câu hỏi cho người đọc, để người đọc tự trả lời. Những yếu tố bất ngờ trong truyện được tác giả bí mật giữ kín cho đến khi kết thúc, tạo sự hấp dẫn người đọc. Nhiều đoạn văn trong truyện của ông giàu chất thơ; câu văn và từ ngữ chuẩn xác, gợi cảm. Ông quan niệm: Nhà văn trước hết phải là người tử tế. Văn chương phải gắn bó máu thịt với cuộc đời, phải góp phần làm cho con người sống đẹp, biết yêu thương nhau. Có thể kể ra một số truyện ngắn hay, tâm đắc của ông, như: Lửa đêmDẫu lìa ngỏ ýNgười đàn bà kỳ lạCái kínhChấy Nữu Uớc… Đọc truyện ngắn Hoàng Thái Sơn, người đọc sẽ được tiếp xúc với một hiện thực rộng, đa dạng, sinh động và bề bộn gắn với từng mảnh đời, thân phận khác nhau.

Đó là lão Tới trong Hoa quả chuông, vợ, con bị bọn Mỹ sát hại, sống côi cút, chuyên đi làm thuê, vụng trộm với vợ vị Chủ tịch tỉnh máu lạnh (lấy vợ lâu mà không có con), có một cô con gái nhưng không dám lộ diện mình là cha của nó chỉ được ngắm nó từ xa và nghe cái giọng của nó qua Đài Truyền thanh huyện khi nó làm phát thanh viên. Mãi đến khi vị Chủ tịch tỉnh thành người thiên cổ thì lão Tới mới được nó về thắp hương, nhận cha tại mộ. Đó là dì Ty một thời xuân sắc thích đua đòi; chán sống ở thành phố lại tìm về quê chịu điều ong tiếng ve, vẫn có vị chủ tịch xã si mê. Dì đã dạy cho vị chủ tịch xã một cái “tát lễ độ” khi vị chủ tịch đưa khoản tiền bẩn kiếm được từ việc bán đất công của xã… Khác với dì Ty, thầy giáo nọ thời trẻ rất sợ mùi tiền, một thuở chê bai nó, đến lúc lại thấy nó đáng yêu. Anh thay đổi nhận thức về tiền khi đã thôi làm thầy giáo, khi đã có những cú “sốc” trong đời, chuyển sang làm chủ quán thịt dê (Mùi tiền). Nếu ở Lửa đêm, Số phận An xinh đẹp bị ông ngoại ép gã làm vợ một tay đàn ông làm nghề lái đò, lái chó tội nghiệp, được em chồng là Sung cảm thương lén lút đem lòng yêu nhưng gặp nhiều rào cản thì ở Chuyện tình Phong Nha, Số phận Nguyệt lấy phải người chồng vũ phu, mất nhân tính, định nhảy xuống sông tự vẩn nào ngờ gặp Ba – dân đi bè cứu sống, che chở, thương yêu, song bị vợ Ba ghen tuông, làm nhục, đành trốn đi ở ẩn, mang theo giọt máu của Ba và sinh thành một giám đốc Phong tương lai… Đối lập với An và Nguyệt là nàng Xuân trong truyện Siêu nhân, định phản bội chồng, trốn chạy theo người tình, gặp cướp, được chồng cứu sống đưa về nhưng vẫn không thể chung sống hạnh phúc với chồng vì không có tình yêu!

Một mảng khác hướng về cội nguồn dân tộc, tình yêu quê hương, Tổ quốc và chiến tranh cách mạng, chúng ta bắt gặp qua các truyện ngắn Dẫu lìa ngó ý, Chấy New York, Chiếc bút máy Trường Sơn… Bà Tùng thì gắn với kỷ niệm tiếng hót của chim khướu, còn Hạnh thì nhớ về mùi hương bồ kết hương nhu. Cả hai người đều lấy chồng nước ngoài, cuộc sống vật chất không thiếu thốn, song vẫn thấy thiếu, thấy thèm tình cảm quê hương, tình mẹ, tình yêu tuổi trẻ. Từng là một người lính, Hoàng Thái Sơn có rất nhiều kỷ niệm đẹp về đồng đội của mình. Ông ca ngợi tình yêu chung thủy giữa một anh bộ đội Trường Sơn với một cô thanh niên xung phong là Trung và Thủy. Thủy hy sinh mà Trung không biết. Anh đinh ninh Thủy chờ đợi mình nên mặc dù bị thương nặng anh vẫn đợi chờ Thủy cho đến ngày toàn thắng (Người lính cuối cùng ra khỏi Trường Sơn).

Truyện của nhà văn Hoàng Thái Sơn giàu chất nhân văn, thâm thúy, nhiều yếu tố ảo nhưng vẫn rất gần gũi với đời; nhiều truyện anh hướng người đọc vươn tới cái đẹp, cái cao thượng, thờ ân, quên oán…

Hoàng Thái Sơn có lối kể chuyện khá hấp dẫn. Truyện ngắn nào của ông cũng có tứ, đặt ra những vấn đề suy ngẫm khác nhau cho người đọc. Yếu tố bất ngờ trong truyện bao giờ cũng được ông giấu kín đến cùng, tạo sự lôi cuốn người độc; nhiều chi tiết đắt; tính cách nhân vật rõ nét; tâm trạng tâm lý sâu. Văn phạm, câu chữ của ông chuẩn xác, gợi cảm; nhiều trang văn giàu chất thơ. Ông thường viết theo bút pháp truyền thống nhưng không lặp lại những người đi trước.

Nhà văn Hoàng Thái Sơn là người có vốn kiến thức rộng, uyên thâm. Tính ông khiêm nhường, thích sống lặng lẽ. Những điều ông nghĩ và những gì cần nói, ông tìm cách đưa vào trang viết. Trong con người ông có một phần phong độ nhà giáo, một phần phong độ nhà văn. Đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà và cho quê hương Quảng Bình thật đáng ghi nhận!

L.H.X
—————–

Vĩnh biệt nhà văn Hoàng Thái Sơn

Nhà văn Hoàng Thái Sơn sinh năm 1942, quê xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ. Trước lúc trở thành nhà văn, ông là thầy giáo dạy văn cấp 3 (THPT) có uy tín. Và trước lúc thành nhà giáo, ông là lính Hải quân, đánh trận đầu ngày 5-8-1964 với máy bay Mỹ. Nhiều thế hệ học sinh cấp 3 các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch những năm 1974-1996 còn nhớ mãi hình ảnh người thầy dong dỏng cao, mắt sáng, giọng nói chậm rãi, truyền cảm đã giúp họ hiểu sâu sắc thêm những câu thơ, áng văn hay.

Do tuổi cao sức yếu, Nhà văn Hoàng Thái Sơn đã ra đi ở tuổi 82 vào lúc 12h15’ ngày 21/12/2023. Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Hội VHNT Quảng Bình, bạn bè thân quyến cùng bạn đọc yêu mến nhà văn Hoàng Thái Sơn, và xin giới thiệu lại những trang viết về ông của nhà văn Lý Hoài Xuân.

Văn nghệ

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây