Nguyên nhân khiến động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có sức tàn phá khủng khiếp

Sáng 6/2 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 7,8 độ đã xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra sự tàn phá đáng kể trên khắp đất nước và ở nước láng giềng Syria.

Tính tới nay, số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 4.300. Con số thương vong được cho là sẽ tiếp tục tăng do nhiều người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Khung canh tan hoang sau tran dong dat o Tho Nhi Ky va Syria min - Nguyên nhân khiến động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có sức tàn phá khủng khiếpKhung cảnh tan hoang sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ảnh: Reuters.

Trận động đất tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), trận động đất xảy ra vào lúc 4h17 sáng 6/2 (giờ địa phương).

Ban đầu, AFAD đo trận động đất ở mức 7,4 độ, nhưng sau đó điều chỉnh lại thành 7,8 độ. Theo các nhà quan sát về động đất, hàng chục dư chấn đã được ghi nhận sau đó trong ngày ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, với cơn dư chấn mạnh nhất được báo cáo là 7,5 độ. Thảm họa động đất cũng làm rung chuyển khu vực thủ đô Baghdad, Iraq và Beirut của Lebanon, cách xa hàng trăm km.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, dễ xảy ra địa chấn, nhưng trận động đất hôm 6/2 là một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan cho biết thảm họa động đất này đã phá hủy khoảng 2.800 tòa nhà. Ông Erdogan cho rằng đây là trận động đất tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.

Trận động đất đã ảnh hưởng đến 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Kahramanmaras, Gaziantep, Sanliurfa, Diyarbakir, Adana, Adiyaman, Malatya, Osmaniye, Hatay và Kilis. Tại Syria, thiệt hại được báo cáo ở Bắc Aleppo, Hama, Latakia và Tartus.

Vì sao động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria gây thương vong nặng nề?

Tâm chấn của trận động đất cách thành phố Nurdagi của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 26 km về phía Đông ở độ sâu khoảng 18 km trên đứt gãy Đông Anatolian.

Trong thế kỷ 20, đứt gãy Đông Anatolian ít có hoạt động địa chấn lớn. “Nếu chỉ đơn thuần theo dõi các trận động đất lớn do máy đo địa chấn ghi lại, thì khu vực này hầu như không có”, Roger Musson, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, cho biết.

Tại khu vực này, chỉ có 3 trận động đất được ghi nhận trên 6 độ kể từ năm 1970, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Nhưng vào năm 1822, một trận động đất mạnh 7 độ đã xảy ra tại khu vực này, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng.

Theo Reuters, trung bình, có chưa đến 20 trận động đất trên 7 độ mỗi năm trên thế giới. Bởi vậy, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 là rất nghiêm trọng.

Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thiên tai thuộc Đại học London, cho hay, so với trận động đất 6,2 độ ở miền Trung Italy vào năm 2016 đã cướp đi sinh mạng khoảng 300 người, trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria giải phóng năng lượng gấp 250 lần.

Từ năm 2013-2022, chỉ có 2 trận động đất kinh hoảng nhất có cùng cường độ với trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2.

Reuters dẫn lời các nhà khoa học chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến trận động đất này nghiêm trọng và gây thương vong lớn là do đứt gãy Đông Anatolia là một đứt gãy trượt ngang.

Trong đó, các mảng đá rắn đẩy vào nhau qua một đường đứt gãy thẳng đứng, tạo ra sức ép cho đến khi một mảng cuối cùng trượt theo chuyển động nằm ngang, giải phóng một lực rất lớn có thể gây ra động đất.

Vết đứt gãy ban đầu trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria bắt đầu ở độ sâu tương đối nông. “Sự rung chuyển trên mặt đất sẽ nghiêm trọng hơn so với một trận động đất sâu hơn có cùng cường độ”, David Rothery, nhà địa chất học hành tinh tại Đại học Mở ở Anh, cho biết.

11 phút sau trận động đất 7,8 độ ban đầu, khu vực này hứng chịu một dư chấn mạnh 6,7 độ. Một trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra vài giờ sau đó, tiếp theo là một trận động đất mạnh 6 độ khác vào buổi chiều.

“Những gì chúng ta đang thấy là hoạt động địa chấn đang lan sang các đứt gãy lân cận. Chúng tôi cho rằng địa chấn sẽ tiếp diễn trong một khoảng thời gian”, ông Musson nói.

Con số thương vong sẽ tiếp tục tăng

Ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trận động đất đã gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng. Tại tỉnh Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ, các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên bị vỡ, nhiên liệu rò rỉ bùng phát thành những đám cháy lớn. Công ty khí đốt quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ Botas cho biết đã đóng dòng chảy khí đốt nhưng khí nén trong đường ống vẫn tiếp tục gây ra các đám cháy.

Tại Syria, một nhà máy lọc dầu ở thành phố Baniyas đã phải đóng cửa ít nhất 48 giờ do các vết nứt trong ống khói của tổ máy điện. Chính phủ Syria cũng đã ra lệnh dừng tất cả các chuyến tàu để đề phòng rủi ro sau trận động đất.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, lâu đài Gaziantep, nằm trên đỉnh đồi ở trung tâm thành phố Gaziantep, đã bị hư hại nặng nề sau trận động đất. Đây là một di tích lịch sử và điểm thu hút khách du lịch ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Syria, trận động đất được cho là đã gây ra một vết nứt ở Thành cổ Aleppo, một di sản được UNESCO công nhận ở thành phố cổ Aleppo. Houmam Saad, người đứng đầu Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa Syria, nói rằng một nhóm chuyên gia đã được cử đến để đánh giá mức độ thiệt hại của di sản.

Những trận động đất có cường độ tương tự ở các khu vực đông dân cư đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trận động đất mạnh 7,8 độ ở Nepal năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người.

“Sẽ là hàng nghìn người và có thể là hàng chục nghìn người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ KỳSyria. Thời tiết mùa đông lạnh giá có thể khiến những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ít có cơ hội sống sót hơn”, ông Musson cảnh báo.

Catherine Smallwood, quan chức cấp cao thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu, cho rằng số người chết có thể tăng lên hơn 20.000. “Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những vụ sụp đổ mới, do đó chúng ta thường chứng kiến con số tăng gấp 8 lần ban đầu”, bà Smallwood bày tỏ lo ngại với AFP./.

Mai Trang (Tổng hợp)
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây