Nhà văn Như Bình: Thơ như một nỗi riêng – Tác giả: Trang Thụy

Nhà văn Như Bình: Thơ như một nỗi riêng - Tác giả: Trang Thụy

Ký họa chân dung nhà văn Như Bình của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Như Bình trước tiên là nhà văn. Chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2001 với chuyên ngành văn xuôi khi còn ở Hà Tĩnh.

Năm 2002 một cuộc bứt phá của số phận khi chị được tiếp nhận về làm việc tại Báo An ninh Thế giới. Từ đó chị lăn xả với công việc làm báo. Dù là văn hay là báo thì chị đều đã tận hiến hết mình. Chị đã tròn vai với tất cả những đoạn đường sự nghiệp trên con đường dài của số phận.

Hiện chị là Thượng tá Công an, Trưởng ban Chuyên đề và là Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ Công An.

Như Bình bắt đầu viết truyện ngắn từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, về công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh.

Trong sự nghiệp văn chương, chị ghi dấu ấn với bốn tập truyện ngắn: “Giông biển” (1999, NXB Công an Nhân dân), “Dòng sông một bờ” (2000, NXB Kim Đồng), “Đêm vô thường” (2002, Nxb Hội nhà văn), “Bùa yêu” (2015, Nxb Văn học) cùng nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ trẻ…

Từ 2004 tới 2014, chị tập trung làm báo, tạm “chia ly” với văn chương. Sau thành công của những tập ký chân dung đánh dấu một quãng đời làm báo An ninh Thế giới Cuối tháng, Giữa tháng: “Người mang lại ái tình” (2011, Nxb Văn học), “Những ẩn khuất của số phận” (2012, Nxb Văn hóa Thông tin), bộ sách 6 tập “Những chuyện khó tin nhưng có thật” (2012, NXB Văn học), năm 2014 Như Bình ra mắt tập truyện ngắn “Bùa yêu”, tập hợp gần 30 truyện ngắn viết về tình yêu, thân phận của người phụ nữ và những khát khao hạnh phúc.

Nếu có những so sánh cụ thể, tôi sẽ chọn những hình ảnh sau khi nói về văn của chị: Đẹp, lãng mạn, tinh tế và bạo liệt. Chị viết như say đắm với chữ, với những câu chuyện đời. Văn chương của chị ấm áp và xót xa đau đớn của một người đàn bà biết chia sẻ và thấu cảm với thân phận con người…

Nhưng ở bài viết ngắn này, người viết muốn tiết lộ cho độc giả một góc khuất trong tâm hồn chị, đó chính là thơ.

Mấy năm lại đây, Như Bình khiến người đọc giật mình bởi thi thoảng chị lại xuất hiện với một chùm thơ đầy ấn tượng, rất đáng đọc, khi thì trên Báo Văn nghệ, khi thì ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, và mới đây nhất là chùm thơ 7 bài trong ấn phẩm “Viết và Đọc” Chuyên đề mùa Hạ, 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Và cũng chỉ tới khi chị xuất hiện liền mạch một chuỗi tác phẩm thơ, người đọc mới có dịp đọc kỹ thơ chị và có cái nhìn sâu sắc hơn về chị ở lĩnh vực ngỡ như chị “ghé chơi này”.

Tôi đã khá “sốc” khi đọc thơ của chị.

Nhà thơ Đặng Huy Giang theo dõi và đọc chị ấn tượng với thơ Như Bình từ những ngày đầu mới xuất hiện. Ông từng chia sẻ “Cá tính của một người viết cũng là cá tính của một ngòi bút và người làm thơ đáng quý nhất chính là cá tính sáng tạo. Tôi đã nghĩ vậy khi gần như là lần đầu tiên đọc và làm quen với thơ của Như Bình. Tôi chú ý đến thơ Như Bình từ đó. Đến bây giờ khi đọc chị nhiều hơn, thì tôi càng nhận ra một cách rõ rệt hơn về tạng thơ và chất thơ cá tính của Như Bình. Chúng đã kết nối thành một vệt thơ Như Bình với những chi tiết, những đơn vị thơ đắt, với nhiều hứa hẹn về một cá tính mạnh. Thơ ấy cũng là thơ của một người không chỉ hay ở cách nói, mà còn hay ở cách cảm, cách nghĩ”.

Nói về thơ của chị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã chia sẻ: “Thơ Như Bình khiến tôi ngạc nhiên. Chị có những bài rất hay, đọc ấn tượng mạnh cho thấy phẩm chất thi sĩ có trong bản năng con người chị. Mặc dù chị có e ngại thơ viết cho chính mình nhưng tôi lại nghĩ thơ trước hết là viết cho mình đã. Có viết được cho mình thì mới viết được cho người”.

“Một mình
Chỉ với
Mình thôi
Chanh chao nắng nỏ ngày côi cút gầy
Mở bàn tay ngắm kẻ tay
Bơ vơ năm ngón đắng cay phận buồn

Một mình
Chơi với hoàng hôn
Phù du khép nụ vô thường tàn đau
Líu lo sao tiếng sáo nâu
Thả trong thăm thẳm cái câu ái tình

Một mình với một tường minh
Một mình với những lặng thinh bã bời
Ai chia đôi ánh trăng ngời
Mà men rượu ngấm dưới trời đêm qua

Một mình uống với cách xa
Một mình nhắm cả bôn ba đời mình
Kìa đông đón đợi bình minh
Âm thầm nhen lửa trái tim tìm đường…”.
(Một mình)

Thơ là hiện thân của những gì thầm kín của tâm hồn. Mượn thơ để dốc bầu tâm sự, gửi “cô đơn” vào thơ là cách chị thương bản thân dù đôi khi phải xẻ mình ra để bóc tách nỗi buồn, để bao biện và gặm nhấm. “Cô đơn” là chất dẫn để khơi dậy những bời bời ngổn ngang trong trái tim nhạy cảm. Chị đã phải thú nhận rằng: “thật ra em rất cô đơn”. Và cô đơn ở đây là nỗi cô đơn của người sáng tạo. Không cứ nhà đẹp con đông, chồng vợ sum vầy thì sẽ hết cô đơn. Sống thật với cảm xúc, chăn thả “cô đơn” trên cánh đồng rộng lớn để tìm kiếm sự cân bằng, để tìm thấy một ốc đảo xanh mát cho tâm hồn, để nhen lên ngọn lửa sáng tạo đó là cách của một người nghệ sĩ.

Đọc thơ Như Bình, ta có thể thấy ngay được những cảm xúc ào ạt như thủy triều lên xóa trắng ghềnh đá. Những khao khát cởi bỏ, đề cao sự giải thoát cá nhân. Sự kiêu hãnh, an yên của một người đàn bà đẹp… mà chị không thèm giấu giếm. Tất cả khiến chị trở nên thu hút, quyến rũ. Chị cứ như một chai vang, đỏ nồng nàn, được ủ dưới căn hầm đầy rẫy bóng tối và gỗ sồi thơm.

Vốn dĩ thơ là bức họa để cảm nhận, ở đó có một khúc hát, một người đàn bà, một dòng sông, cũng có thể là một chiếc lá đang được trả về cho sự hoai mục… Như Bình là người yêu màu sắc, chị vẽ tranh tĩnh vật, phong cảnh để tìm thấy an yên trong những câu chuyện của màu sắc. Thi ca là tình yêu âm thầm cháy khi cơn khát sắc màu ập tới, khi thời gian dành cho truyện ngắn trở nên eo hẹp.

“Đại dương sâu rạn vỡ
Biển xanh như không màu
Em trườn trên sóng trắng
Khỏa thân cùng biển sâu

Cát tươi ánh vàng mơ
Nắng ngọc cười lấp lánh
Hôn mãi lưng trần em
Hôn gót chân sóng sánh

Biển tinh mơ vắng lặng
Chỉ mình em tự tình
Hẹn nhau từ kiếp trước
Chờ em biển bình minh.
(Tự tình với bình minh)

Sáng tạo thi ca là quá trình chuyển hóa tâm thức để hướng đến những vọng tưởng về cái đẹp, từ đó sản sinh những ý niệm cao cả, góp phần giải phóng con người về thể xác và tâm hồn. Ở con người thơ, chúng ta gặp một Như Bình mới lạ, đầy khát khao và nội lực.

Văn chương như một “vọng âm buồn”, khi đã yêu chẳng ai có thể dứt ra được cái buồn thênh thang, sâu hút đó. Với Như Bình, cuộc đời thuận theo một chữ duyên, phải chăng thơ với chị cũng đã là duyên.

“Em về ngủ giữa sen trắng
Mộng bình yên một đóa thôi
Ru em một hương thơm nắng
Ngắm em một mảnh gương trời

Thở vào mộc hương ngược gió
Thở ra mảnh sợi khói bay
Thở vào thở ra thơm ngát
Vườn tâm an nhiên giấc say

Ôm ấp trái tim mệt nhọc
Vỗ về nhịp đập vừa nhanh
Chậm thôi, chậm thôi mạch máu
Chảy trôi trong mộng an lành

Buông thư đôi hàng mi khép
Hé môi nụ hàm tiếu xinh
Hồn em về trên mây biếc
Nâng em một đóa xuân xanh

Hồn em về trên sen trắng
Đậu vào một đóa tường vân
Thở vào thở ra tan biến
Hóa em một thanh âm lành”.
(Thiền)

Thi ca phải có cái gì đó man rợ, bao la và hoang dại” (Diderot), Như Bình vắt kiệt nỗi hoang dại vào thơ. Dù ở trạng thái nào, viết văn hay làm thơ thì chị cũng thuộc về giống đàn bà nhiều cảm xúc, ngây dại và đắm đuối. Có thực thà như thế với mình, với người, với đời thì mới đúng là chị, người phụ nữ đến từ Hà Tĩnh vẫn thường xuyên lạc phố nơi thị thành. Khi sáng tác, trung thực với cảm xúc, chị tãi mình ra, phơi bày mình một cách bất cẩn mà không cần quan tâm đến hậu quả của chữ.

Chị viết thơ như thể một người hát khúc hoan ca cuối cùng trút bỏ nốt mọi nỗi riêng để được rỗng không tan vào cát bụi. Xem ra gánh văn thơ muôn đời vẫn nặng lắm, nghiệt lắm, chỉ muốn buông bỏ mà rỗng không tự do tan biến vào đất trời. Cái điên rồ, cái lãng mạn, cái tận cùng quẫy đạp đòi được yêu thương được hạnh phúc mà không cần che đậy trong thơ chị làm cho người khác đọc chị thấy thương hơn, mà cũng phục hơn một Như Bình thực đàn bà, luôn sống thực với cảm xúc của mình. Như Bình ngày thường giấu mình giỏi lắm, nhưng trước thơ chị bất lực là phải thôi, bởi suy cho cùng cốt tủy của chị vẫn là một nghệ sĩ.

Như Bình nói chị làm thơ là “viết cho mình”, thơ với chị là nỗi riêng. Tự dưng càng đọc của chị, tôi càng thấy bức hoạ một người đàn bà đi trong cơn bão cát, bên cạnh là con lạc đà với cái bướu cạn róc… Giữa mịt mờ gió, cát người đàn bà đó vẫn mải miết đi dù phía trước không biết chị có tìm thấy một bến bình yên.

T.T

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây