“Nhân chi sơ, tính bản thiện” thời nay?

“Nhân chi sơ, tính bản thiện” thời nay?

Tháng trước, Toàn án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng phiên xét xử sơ thẩm vụ án cặp tình nhân hành hạ đến chết bé gái 8 tuổi là con riêng của chồng “hờ”, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để củng cố chứng cứ, theo đó truy tố người cha nạn nhân từ tội “che giấu tội phạm” lên tội giết người.

Tuần trước, một thanh niên chủ tiệm trà sữa ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đã đang tâm siết cổ một bé trai 3 tuổi bằng dây giày đến ngất xỉu rồi giấu vào tủ cấp đông, trước khi khóa cửa bỏ đi nơi khác…

Liên tục những vụ bạo hành, sát hại trẻ em hết sức tàn bạo dã man khiến dư luận bàng hoàng đau đớn. Có những đối tượng gây án, những hành vi gây án ngoài sức tưởng tượng của mọi người: Một bà nội ở Thanh Hóa mang cháu gái ruột bỏ ngoài bãi rác vì tin lời thầy bói “cháu sống thì bà chết”. Một bà ngoại ở Tiền Giang lấy dây kẽm xiết cổ cháu ngoại đến chết rồi uống thuốc sâu tự tử nhưng không thành. Một ô-sin giúp việc gia đình thì đánh đập rung lắc bé sơ sinh hơn một tháng tuổi, chỉ vì bé thức dậy và khóc. Hoặc như trong vụ án vừa tạm dừng nêu trên, cặp tình nhân hành hạ một đứa trẻ 8 tuổi đến chết với những cực hình chỉ gặp ở thời trung cổ, như nhốt con vào chuồng chó, bắt con vừa quỳ vừa học vừa uống nước, đánh vào người con bằng cái đấm cái đạp của người lớn và bằng gậy gỗ. Oan nghiệt hơn nữa là một trong 2 hung thủ kia là cha ruột của nạn nhân…

Ban đầu, tôi vô cùng sợ hãi với những tin tức như thế và gần như không đọc kỹ chi tiết. Tôi nghĩ để đọc cho hết những tin kinh hoàng ấy, để xem cho hết những video clip dã man ấy trên báo chí và mạng xã hội, chắc chắn ai cũng phải lấy hết can đảm để tự vượt qua ngưỡng sợ hãi và đau đớn của chính mình. Nhưng rồi tôi lấy hết can đảm để nén cảm xúc xuống, và tôi đã đọc, đã khóc và đã không thể khóc. Tôi không thể xác định được cảm xúc của mình. Đau đớn hay phẫn nộ? Chắc chắn có cả căm giận nữa! Tôi tự hỏi, cái ác từ đâu sinh ra? Và nó từ đâu đến mà càng ngày càng hiện diện quá nhiều trong xã hội của chúng ta, một xã hội văn minh của thế kỷ hai mươi mốt. Phải chăng chúng ta đang thừa vật chất và thiếu đi đạo đức và lương tâm, thiếu đi lòng nhân ái và yêu thương?

Không ai có thể tin rằng đấy là những sự thật đang diễn ra trong xã hội hiện đại và văn minh của chúng ta. Khi viết những dòng này, trái tim tôi quặn thắt đau đớn. Mọi người chắc cũng sẽ như tôi đây thôi, sẽ dằn vặt vì đau đớn xót xa cho những sinh linh bé bỏng đã xuất hiện trong cuộc đời này. Thế mà các bé phải vĩnh viễn rời bỏ sự sống vì sự độc ác không có giới hạn của lũ người lớn. Ám ảnh tôi là đôi mắt trẻ thơ trong veo hơn cả giọt nước, đôi mắt trẻ thơ tròn xoe như hòn bi ve, là tâm hồn tinh khôi hơn cả tờ giấy trắng… Những đôi mắt ấy cứ mở to hết cỡ để háo hức đón đợi những yêu thương nâng niu, chằm bặp, vồ vập, nâng giấc từ cha mẹ ông bà. Vậy mà giờ đây, những sinh linh bé bỏng đã bị chết một cách tức tưởi, những đôi mắt trong veo bị vùi sâu xuống chín tầng đất lạnh. Những đôi mắt trẻ thơ bị khép lại mà vẫn chưa hiểu lí do gì…

Thì ngay cả những người còn sống đây cũng tức tưởi và ám ảnh, cũng căm giận và nguyền rủa, cũng xót xa moi móc trí óc để đi tìm nguyên nhân mà gần như chẳng bao giờ biết đích xác nguyên nhân của những vụ việc kinh hoàng nói trên. Nào là vì mê tín bói toán? Nào là vì tiền, nào là vì tình, nào là vì những ghen tuông của người lớn… Rồi nào là vì những ức chế cảm xúc, nào là vì trầm cảm v.v… Có thể đủ mọi lý do được đưa ra, và những lý do này đều phải nhờ đến bác sĩ tâm lý phân tích. Nhưng trước hết và trên hết, những người tỉnh táo và bình thường đều nhận thấy đó là những lý do không chính đáng chút nào. Tại sao lý do không có tình người ấy đã thành nguyên cớ cho đòn thù trút lên thân thể bé bỏng của các bé?

Dù là nguyên cớ nào thì thân thể bé bỏng thơm mùi sữa của các bé đã bị chôn vùi dưới ba tấc đất lạnh lẽo. Tôi nghĩ, các sinh linh bé bỏng thì chẳng cần biết nguyên nhân đâu. Chỉ những người sống mới cần biết nguyên nhân thôi, để phần nào tự bào chữa cho sự thờ ơ của chính mình và lý giải cho lương tâm bớt day dứt đi chăng? Thì cũng cứ ứa nước nước mắt không ngừng rơi mà để tự nói rằng những linh hồn trong trẻo ấy sẽ là Thiên Thần mang đôi cánh trắng tinh khôi đang vui vẻ bay lượn trên bầu trời xanh đầy nắng gió và hoa…

Lại nghĩ, tại sao trong xã hội của chúng ta, cứ phải luôn luôn hoảng hồn lo lắng sợ hãi những bất trắc xẩy ra cho con trẻ em khi chúng rời nhà đi học, đi chơi? Tại sao cha mẹ ở công sở phải suốt ngày thon thót “chếch cam” xem con mình như thế nào trong vòng tay bảo mẫu, trong lớp học có người lớn là thầy cô phụ trách, hoặc trong gia đình có người giúp việc? Tự khi nào người lớn biến mình thành nỗi sợ hãi của trẻ em? Mỗi ngày, hầu hết các bà mẹ chỉ có thể an yên khi thấy con đã trở về nhà lành lặn và thoải mái.

Từ nhỏ, tôi đã được song thân dạy từ Khổng Tử rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nhưng sau này, khi còn trong trường đại học, tôi đã đọc một tài liệu mà nay không còn nhớ tác giả, thì có sự phản biện thế này: vì Khổng Tử nhận biết bản chất con người là độc ác, cho nên Khổng Tử mới kêu gọi lòng hướng thiện. Tác giả tài liệu ấy lập luận rằng: vì sự Thiện Lương rất hiếm hoi và chủ yếu là cái đó không thuộc về bản chất con người, cho nên Khổng Tử mới kêu gọi và tìm kiếm cái không có, để mong giáo dục con người sống hướng thiện và tự trau dồi nhân cách. Tôi đọc tài liệu này và đâm hoang mang, vậy bản chất của thuyết giáo Khổng Tử là cái gì? Câu hỏi này theo đuổi tôi suốt nhiều chục năm mà tôi không tự tìm được lời giải chính xác cho mình.

Lại nữa, chính con người đã chủ động gây ra các cuộc chiến tranh, mà bản chất của mọi cuộc chiến tranh chẳng phải là chém giết nhau để tồn tại hay sao? Thực tế trong cuộc sống, để tồn tại, con người – vốn tự hào là động vật cấp cao – thoải mái ăn uống, mổ thịt, phanh thây các động vật cấp thấp. Con người nướng chín, xào thơm, rán giòn, xay nghiền, ngâm rượu… tất cả các động vật khác. Tất cả những sự thật đó khiến tôi lại càng băn khoăn: vậy bản chất con người là giống Thiện, hay là giống Ác? Chẳng phải ở mỗi cổng chùa của làng quê Việt Nam đều đứng sừng sững một ông Thiện mặt đỏ hồng hào, bên cạnh một ông Ác mặt trắng toát lạnh tanh dễ sợ? Thế chẳng phải các ông đứng đó từ ngàn đời để nhắc nhở con người tu tâm hướng thiện hay sao?

Có lần, tôi nói với một người thầy dạy đại học của tôi rằng: em có cảm giác ở xã hội chúng ta không tồn tại đạo Phật đích thực. Vì người ta đến chùa chỉ để cầu xin chức tước, quyền lực địa vị, tiền bạc. Họ cầu khấn rất to mà không biết ngượng mồm rằng tiền bạc lộc lá cứ chảy vào nhà mình thôi, thì đương nhiên là không được chảy vào nhà hàng xóm. Người ta có sợ ông Thiện ông Ác gì đâu. Các ông cứ đứng đấy ở cửa chùa mà mòn mỏi cười cợt vào niềm tin tôn giáo của con người. Thầy giáo của tôi đã gật gù đồng ý. Tự dưng nhớ lại cuộc nói chuyện với thầy, cũng là để an ủi rằng: con người ta độc ác khủng khiếp như kia cũng là do lòng tham vô độ. Tham về tiền bạc, địa vị, lối sống tràn trề vật chất mà quên đi giá trị tinh thần. Con người hiện đại chăm chút bón tưới cho thể xác béo trùng trục, mà họ quên rằng sau này chỉ làm tốt cho đất, cho giun dế, dòi bọ… Mà chắc gì đã tốt đất? vì thể xác ấy cũng gây ô nhiễm… Thế nhưng con người đã mặc kệ cho thân thể nhiễm đầy hóa chất hoang dại, thây kệ cho tâm hồn teo héo trong tăm tối ngu dốt; lại còn thói quay quắt, hẹp hòi, ích kỷ, nghiệt ngã… Phải chăng vì thế mà dẫn đến sự dã man tột độ kinh hoàng?

Thì cũng chỉ biết nói đến thế thôi, để lí giải cho sự độc ác, tăm tối, bởi mê tín dị đoan, cái lối bói toán thầy bà, cái niềm tin nguyên thủy cầu xin thần thánh bí ẩn… Có lẽ trong thời đại “Bốn Chấm Không” (4.0) thì đây mới là quả đấm đích đáng nhất nện vào trình độ dân trí?

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây