Non thiêng Tây Yên Tử – con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Những công trình kiến trúc tại khu du lịch tâm linh sinh thái sẽ làm sống lại không gian văn hóa người Việt xưa, ngược miền non thiêng theo chân các vị vua Lý Trần đến dựng chùa tu tâm, học đạo, trải bước trên con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Con đường và địa chỉ văn hóa tâm linh ấy có nơi gần như còn nguyên vẹn, có nơi chỉ còn lại dấu tích nhưng tất cả vẫn chứa đựng giá trị, bản sắc văn hóa bất diệt, linh thiêng nhuốm màu Trúc Lâm Yên Tử.

Quang truong trung tam khu du lich sinh thai tam linh Tay Yen Tu min - Non thiêng Tây Yên Tử - con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân TôngQuảng trường trung tâm khu du lịch sinh thái – tâm linh Tây Yên Tử

Từ vùng đất địa linh in dấu Phật hoàng…

…Theo sử sách, nếu sườn Đông Yên Tử là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử là dấu chân trên con đường hoằng dương Phật Pháp của người và các đệ tử.

Núi Yên Tử là dãy núi cao của vùng Đông Bắc nằm giáp ranh giữa hai tỉnh, phía Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Được mệnh danh là nơi suối Phật, núi Tiên, với địa thế non cao, cảnh quan hùng vĩ, từ xa xưa khu vực sườn Tây núi Yên Tử đã được các vị vua thời Lý – Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành và tạo dựng nên một dòng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc Việt – chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy trọn vẹn tinh hoa văn hóa tâm linh, khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử được ra đời nhằm tái hiện lại con đường hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm ở sườn Tây của dãy Yên Tử, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang trải dài từ các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.

Trở về miền di sản Bắc Giang ngàn năm văn hiến là trở về với vùng đất thiêng Tây Yên Tử, nơi dấu tích lịch sử còn mãi với hàng trăm công trình kiến trúc thời Trần như chùa Bổ Đà, Am Vãi, chùa Hồ Bấc, chùa Mã Yên, Sơn Tháp… tất cả đều gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chua Vinh Nghiem Net co kinh chon To Thien phai Truc Lam Yen Tu min - Non thiêng Tây Yên Tử - con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân TôngChùa Vĩnh Nghiêm – Nét cổ kính chốn Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Để đi đến Tây Yên Tử phải đi theo tuyến đường nối ba khu du lịch tâm linh và sinh thái: Tây Yên Tử – Khu du lịch Suối Mỡ – Chùa Vĩnh Nghiêm. Theo tuyến đường này, khách thập phương có thể tham quan, chiêm bái chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) được xem là 1 trong 3 chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ngôi chùa đi vào câu ca dao mà người hành hương đều thân thuộc:

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”

Ngôi chùa này còn được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ 3050 bản mộc được UNESCO công nhận là di sản Tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Cau quang canh noi tu chua Ha den ga cap treo Tay Yen Tu min - Non thiêng Tây Yên Tử - con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân TôngCầu quang cảnh nối từ chùa Hạ đến ga cáp treo Tây Yên Tử

Điểm cuối trên con đường theo dấu chân Phật hoàng là khuôn viên khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử nằm trên địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Những công trình tại khu du lịch như quảng trường trung tâm, vườn ngũ hành, đồi vô cực – hệ thống 10 bức tượng tái hiện hành trình cuộc đời Phật hoàng, tuyến cáp treo, chùa Hạ, chùa Thượng và kết thúc là chùa Đồng ngự trên đỉnh núi thiêng Yên Tử sẽ làm sống lại không gian văn hóa, đền chùa, di tích lịch sử… tạo thành một hệ thống liên hoàn trong sự kết nối thành công con đường du lịch tâm linh Đông – Tây Yên Tử.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc vận hành Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử cho biết “Sự kết nối thành công con đường tâm linh Đông – Tây Yên Tử, ngoài ý nghĩa về văn hóa tâm linh là thể hiện tinh thần “thánh địa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” thống nhất, toàn diện, còn thể hiện ý chí quyết tâm chung tay của chính quyền, nhân dân hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang trong việc hợp tác để cùng phát triển vì lợi ích chung to lớn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội”.

Lạc vào không gian chùa Tây Yên Tử, khách thập phương sẽ ấn tượng mạnh với các pho tượng Phật nguyên khối bằng đồng. Điểm nhấn đầu tiên để du khách chiêm bái là tượng đồng của Tam Tổ Trúc Lâm trong chùa Hạ nằm ở độ cao 145m thờ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi nặng 700kg, hai pho tượng Pháp Loa và Huyền Quang trong tư thế đứng, mỗi pho tượng nặng hơn 300kg. Chùa Thượng nằm ở độ cao 800m thờ ba pho tượng đồng của Trúc Lâm Tam tổ gồm: Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 200 kg, Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang, mỗi pho nặng 130 kg được rước từ chùa Vĩnh Nghiêm.

Từ chùa Thượng đi bộ lên chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m, là điểm cuối của chuyến hành trình mất khoảng 30 phút. Khi đứng nơi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử, du khách sẽ cảm nhận được sự linh thiêng của Phật pháp, vẻ đẹp hùng vĩ núi non mây trời.

… Tới hệ sinh thái sơn thủy hữu tình

Bên cạnh vẻ đẹp của hệ thống kiến trúc cổ mang đậm nét sống văn hóa tâm linh, rời nơi khói hương cửa Phật thanh tịnh vang tiếng chuông chùa, khu vực rừng núi Tây Yên Tử còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, độc đáo. Những cánh rừng già nguyên sinh được ôm trọn bởi cồn mây lơ lửng cùng hệ thống động thực vật phong phú đa dạng với 5 kiểu thảm thực vật chính như: Trảng cỏ và cây bụi, trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa, kiểu rừng kín cây lá rụng, kiểu rừng kín cây lá kim, kiểu rừng cây gỗ lá rộng được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Khu du lich sinh thai Suoi Mo nam tron trong thung lung cua day nui Huyen Dinh Yen Tu min - Non thiêng Tây Yên Tử - con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân TôngKhu du lịch sinh thái Suối Mỡ nằm trọn trong thung lũng của dãy núi Huyền Đinh Yên Tử

Dọc hành trình, du khách còn được khám phá địa danh hấp dẫn không thể bỏ qua chính là khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (huyện Lục Nam) nằm trọn trong thung lũng lớn của dãy núi Huyền Đinh Yên Tử. Được thiên nhiên ưu ái, cảnh sắc núi rừng nơi đây trùng điệp với dòng nước mát lành chảy ra từ các khe suối tạo thành những dòng thác lớn nhỏ len lỏi theo các vách núi.

Ẩn mình quanh năm với mây ngàn, non nước, sương giăng trong hệ sinh thái bên sườn Tây núi Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Thác Giót, Suối nước Vàng, hồ Cấm Sơn, bãi đá Rạn, Cao nguyên Đồng Cao… tất cả hòa cùng với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách vẽ lên một bức tranh bất tận miền sơn cùng thủy tận.

Đến nay, mặc dù khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử mới hoàn thành xong giai đoạn 1 của tổng thể dự án nhưng với định hướng của tỉnh Bắc Giang là phát triển khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, giới thiệu đầy đủ hơn về vùng đất Bắc Giang văn hiến lâu đời, non cao rừng thẳm và các di tích thiêng miền Tây Yên Tử không chỉ còn là tiềm năng mà đã trở thành tiềm lực đang được đánh thức và phát triển, hứa hẹn là điểm đến không thể bỏ lỡ cho du khách trong và ngoài nước.

Ánh Mai

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây