Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang

Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh – Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Diện tích 3.822km2. – Dân số 1.624 nghìn người, mật độ bình quân là 420,9 người/km2. – Có 09 huyện và 01 thành phố.

Điều kiện tự nhiên

 

Vị trí địa lý: Tỉnh Bắc Giang nằm ở tọa độ từ 21 độ 07 phút đến 21 độ 37 phút vĩ độ bắc; từ 105 độ 53 phút đến 107 độ 02 phút kinh độ Đông; Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải DươngQuảng Ninh. Bắc Giang hiện có 09 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động); 230 xã, phường, thị trấn (204 xã, 10 phường và 16 thị trấn).
Địa hình: Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng: Miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ. Đặc điểm chủ yếu về địa hình miền núi (chiếm 72% diện tích toàn tỉnh) là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai tốt, nhất là ở các khu vực còn rừng tự nhiên.

 

Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp nh­ư: Vải thiều, cam, chanh, na, hồng, chè, đậu tư­ơng, lạc…; thuận tiện để chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

 

Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du (chiếm 28% diện tích toàn tỉnh) là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng tùy theo từng khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây l­ương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác.

 

Khí hậu: Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa Đông có khí hậu khô, lạnh; mùa Hè khí hậu nóng, ẩm; mùa Xuân và Độ ẩm trung bình trong năm là 83%, một số tháng trong năm có độ ẩm trung bình trên 85%. Các tháng mùa khô có độ ẩm không khí dao động khoảng 74% – 80%.

 

Lư­ợng mư­a trung bình hàng năm khoảng 1.533 mm, mưa nhiều trong thời gian các tháng từ tháng 4 đến tháng 9. Lượng nước bốc hơi bình quân hàng năm khoảng 1.000 mm, 4 tháng có lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa là từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.

 

Chế độ gió cơ bản chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam (mùa Hè) và gió Đông Bắc (mùa Đông). Một số khu vực thuộc miền núi cao có hình thái thời tiết khô lạnh, rét đậm, có sương muối vào mùa Đông. Ít xuất hiện gió Lào vào mùa Hè. Một số huyện miền núi có hiện tượng lốc cục bộ, mưa đá, lũ vào mùa mưa. Bắc Giang ít chịu ảnh hưởng của bão do có sự che chắn của nhiều dãy núi cao.

 

Nắng trung bình hàng năm từ 1.500 – 1.700 giờ, thuận lợi cho canh tác, phát triển các cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.

 

Diện tích- Dân số: Toàn tỉnh có  3.822km2 diện tích đất tự nhiên, trong đó đất đang sử dụng chiếm 77% tổng diện tích, bao gồm 123 nghìn ha đất nông nghiệp, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 66,5 nghìn ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại là các loại đất khác. 23% còn lại là đất đồi núi chưa sử dụng.

 

Đến hết năm 2014, dân số toàn tỉnh Bắc Giang ước là 1.624.456 người, mật độ dân số bình quân là 420,9 người/km2, là tỉnh có mật độ dân số bình quân cao hơn so với mật độ dân số bình quân cả nước. Bao gồm 21 thành phần dân tộc, trong đó có 20 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) với số dân là 200.538 người, chiếm 12,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở 105 xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi, vùng cao: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên. Cư dân Bắc Giang sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu, một số địa phương có làng nghề truyền thống còn duy trì đến ngày nay. Cơ cấu lao động trong tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp. Sự chuyển dịch này phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

 

– Tài nguyên thiên nhiên

 

Tài nguyên đất

 

Bắc Giang có 382.200 ha đất tự nhiên; gồm 123 nghìn ha đất nông nghiệp, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 66,5 nghìn ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại là các loại đất khác. Nhìn chung, tỉnh Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Quốc lộ 1A mới hoàn thành tạo ra quỹ đất lớn có nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp – dịch vụ. Đất nông nghiệp của tỉnh ngoài thâm canh lúa còn thích hợp để phát triển rau, củ, quả cung cấp cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch chuyển hàng chục nghìn ha trồng lúa sang phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Hơn 55 nghìn ha đất đồi núi chưa sử dụng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên doanh, liên kết trồng rừng, chế biến lâm sản và nuôi trồng thuỷ sản.

 

Tài nguyên rừng

 

Bắc Giang có 110 nghìn ha rừng, trong đó có gần 64 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 46 nghìn ha rừng trồng. Trữ lượng gỗ có khoảng 3,5 triệu m³, tre nứa khoảng gần 500 triệu cây. Ngoài tác dụng tán che, cung cấp gỗ, củi, dược liệu, nguồn sinh thuỷ, rừng Bắc Giang còn có nhiều sông, suối, hồ đập, cây rừng nguyên sinh phong phú tạo cảnh quan môi sinh đẹp và hấp dẫn.

 

Tài nguyên khoáng sản

 

Trên địa bàn tỉnh tuy không có nhiều mỏ khoáng sản lớn nhưng lại có một số là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp của tỉnh như: mỏ than đá ở Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động, có trữ lượng hơn 10 triệu tấn; quặng sắt ước khoảng 0,5 triệu tấn ở Yên Thế, gần 100 nghìn tấn quặng đồng ở Lục Ngạn, Sơn Động; 3 triệu tấn cao lanh ở Yên Dũng; 100 m³ sét làm gạch chịu lửa ở Tân Yên, Việt Yên; sỏi, cuội kết ở Hiệp Hoà, Lục Nam.

 

vaithieu min - Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc GiangVùng vải thiều Lục Ngạn được trồng theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: BGP

Với đặc điểm địa hình là miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, nông, lâm nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản. Đặc biệt vùng vải thiều Lục Ngạn được trồng theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng đàn gà đứng thứ 3, tổng đàn lợn đứng thứ 4 cả nước. Diện tích đất lâm nghiệp gần 146 nghìn ha, trong đó có trên 50% là rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao.

Với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới vào sản xuất, do đó tốc độ tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển rất khả quan. Hiện Bắc Giang ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.

KCN Van Trung min - Giới thiệu khái quát tỉnh Bắc GiangKhu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Ảnh: BGP

Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Hiện tỉnh đã quy hoạch và triển khai 06 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.460 ha. Các KCN của tỉnh được quy hoạch ở những nơi rất thuận tiện về giao thông: 05 KCN quy hoạch dọc theo Quốc lộ 1A và 01 KCN nằm tiếp giáp với KCN Yên Phong – Bắc Ninh. Hiện có 05 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 1.063 ha bao gồm: KCN Đình Trám, KCN Song Khê – Nội Hoàng, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú. Còn lại 01 KCN Việt Hàn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Sắp tới Bắc Giang xây dựng thêm 3 KCN là: KCN Yên Lư, KCN Yên Sơn – Bắc Lũng, KCN Tân Hưng với tổng diện tích 782,3 ha và mở rộng 3 KCN là KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú, KCN Việt Hàn với diện tích tăng thêm 323 ha.

Tỉnh có 40 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích quy hoạch là 1.385 ha và được triển khai rộng khắp tại các huyện, thành phố. Các CCN đều được quy hoạch và triển khai tại các trục, tuyến giao thông thuận lợi của tỉnh.

Hệ thống giao thông của tỉnh rất thuận tiện gồm: Đường bộ, đường sông và đường sắt. Trong đó, đường bộ có: Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, đường vành đai 4 Hà Nội kết nối đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Quốc lộ 17 kết nối Bắc Giang với KCN Quế Võ – Bắc Ninh, QL18 đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang đi Thái Nguyên…; Đường sông có Sông Cầu, Sông Thương và Sông Lục Nam; Đường sắt có tuyến Hà Nội – Lạng Sơn (thông thương sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị); tuyến Kép – Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet  tốc độ cao đảm bảo cho việc liên lạc và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang cũng đang được triển khai xây dựng và sớm đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có năng lực. Dân số trong độ tuổi lao động trên 1,1 triệu người, lao động qua đào tạo chiếm trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỉnh hiện có 01 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 4 trường Trung cấp và 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.

Cùng với những tiềm năng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, trong đó có 731 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng trong đó, một số di tích, công trình tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử… Các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy, mở rộng thêm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Khu thắng cảnh Suối Mỡ (huyện Lục Nam); hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với những hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại sinh vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn,… đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng phát triển phù hợp, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 phát triển toàn diện, vững chắc các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế (GRDP) trong tốp 15 của cả nước./.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây