Phan Tứ với “Người cùng quê” – Tác giả: Xuân Tùng

Phan Tứ với “Người cùng quê” - Tác giả: Xuân Tùng
Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân, Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.

Có thể nói trong những nhà văn Việt Nam sinh những năm 30 trở về trước, Lê Khâm là một trong những người được đào tạo chính quy có bằng cử nhân văn chương và biết nhiều ngoại ngữ nhất. Bạn bè khóa III – Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (cũ) Hà Nội, còn nhớ ngày ấy có một anh bộ đội tình nguyện Việt Nam từ Lào về, khi vào trường học còn mang một số cuốn sách vừa được in của mình về tặng các thầy và bạn bè. Đó là Lê Khâm, với cuốn tiểu thuyết “Bên kia biên giới”, nội dung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp của công dân Lào, những năm 50, mảnh đất mà tác giả đã từng sống và chiến đấu nhiều năm. Anh trở thành thần tượng của nhiều sinh viên Khoa Ngữ văn lúc bấy giờ.

Vào học chưa được bao lâu, Lê Khâm nảy ra sáng kiến thành lập Tổ sáng tác văn học ở Khoa, gồm các bạn: Xuân Trình, Hoàng Tiến, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Nguyễn Gia Nùng, Trần Nguyên Vấn, Đoàn Minh Tuấn,… Số anh em này đều đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Qua đây cũng thấy được con mắt tinh đời của Lê Khâm hồi đó.

Lê Khâm sinh ngày 20-12-1930, là cháu ngoại nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Quê gốc của anh là một vùng bán sơn địa thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng anh sinh ra ở thành phố Qui Nhơn, khi bố anh, nhà giáo Lê Ấm dạy ở trường Collège Qui Nhơn, trong một gia đình có bảy chị em mà anh là người con trai duy nhất. Từ nhỏ Lê Khâm không thích sự nuông chiều của gia đình. Anh có tính tự lập khá sớm. Năm 1946, khi quân dân thành phố Đà Nẵng (nơi gia đình anh ở) nổ súng chống Pháp, anh là người nhỏ tuổi nhất tham gia đội tuyên truyền của thành phố cùng các bậc đàn anh như Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Phan Quang Định, Nguyễn Hữu Thiết, Lưu Quí Thảo, Đoàn Bá Từ,… hoạt động từ nội thành đến các vùng ven như Túy Loan, Cẩm Lệ, Cẩm Toại, Miêu Bông… Sau đó Lê Khâm ra vùng khu IV để học văn hóa ở trường Collège Vinh, bố anh là nhà giáo Lê Ấm đang dạy ở đây.

Xin nói thêm một chút về nhà giáo Lê Ấm: Ông sinh năm 1897, con trai của Tú tài Lê Tự, con rể Phó bảng Phan Chu Trinh. Lúc nhỏ Lê Ấm học chữ Hán đến 16 tuổi ông mới theo Tây học, đỗ Cao đẳng Sư phạm năm 1922, được bổ nhiệm về dạy trường Quốc Tử Giám ở Huế. Sau đó là Collège Qui Nhơn và Collège Vinh – có thời Lê Ấm đã được Chính phủ Trần Trọng Kim và Chính quyền Ngô Đình Diệm mời ra tham chính nhưng ông từ chối. Sau khi Lê Khâm học xong ở đây thì gia nhập bộ đội và được chọn đi học trường Lục quân ở Thanh Hóa. Xong khóa học, anh theo đoàn tình nguyện quân Việt Nam sang Lào giúp bạn. Năm 1958 Lê Khâm được cử về Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Trong thời gian học, anh sắp xếp thì giờ viết tiếp cuốn tiểu thuyết Trước giờ nổ súng, nội dung cũng nói về cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Lào anh em. Hồi bấy giờ, sinh viên các trường đại học, rất ít học sinh phổ thông, phần lớn là cán bộ, bộ đội được cử đi học. Lê Khâm là tấm gương học tập cẩn trọng và nghiêm túc, các thầy yêu mến, bạn bè sinh viên vì nể. Thời khóa biểu học tập và làm việc của anh khá chặt chẽ. Ngoài những giờ lên lớp, các buổi tối, sau hai giờ ôn tập bài vở, là thì giờ dành cho sáng tác, với một số trang viết nhất định. Nếu hôm nào bận hội họp hay sinh hoạt các việc khác, không viết đủ số trang đã định, thì hôm sau anh phải viết bù cho phần thiếu. Chính sự nề nếp trong học tập và sinh hoạt của anh, kể cả trong viết lách, trong quan hệ bè bạn, tình yêu… mà chung quanh anh, từ lúc còn đi học cũng như sau này có rất nhiều giai thoại. Đã nói là giai thoại, thì có thể đúng, có thể chưa đúng, được coi như một phút thư giãn, nhằm khắc họa một tính cách.

Năm 1961, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đang vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, thì Lê Khâm được lệnh điều động về miền Nam công tác. Anh được đặc cách tốt nghiệp. Về Nam, Lê Khâm hoạt động ở chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng, tại Ban Tuyên huấn khu ủy khu V. Mắt anh cận thị nặng, đôi kính trắng khá dày không bao giờ rời đôi mắt, cả kể khi ngủ. Các đồng chí trong cơ quan gọi anh với biệt danh “ông bốn gương”. Lê Khâm, vừa làm công tác tuyên huấn vừa sáng tác. vì bút danh Lê Khâm rất quen thuộc với người đọc ở miền Bắc qua các tác phẩm “Bên kia biên giới” (1958), “Trước giờ nổ súng” (1960), “Trở về Hà Nội” (1960), “Trên đất Lào” (1961),… Để giữ bí mật, theo qui định, anh phải tìm một bút danh khác. Lúc đầu anh định lấy bút danh là Phan Bốn (Phan là họ ngoại, Bốn là từ chữ “Bốn gương” do anh chị em trong cơ quan hay gọi). Nhưng trong cơ quan khu ủy lại có một đồng chí cán bộ tên là Phan Bốn, nên anh đành phải đổi thành Phan Tứ. Tập truyện ngắn “Về làng” của anh từ miền Nam gửi ra Bắc được in năm 1964, bút danh Phan Tứ xuất hiện lần đầu tiên văn đàn. Tiếp sau đó, nhiều tác phẩm của tác giả Phan Tứ được người đọc chú ý như các tiểu thuyết “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” và bộ tiểu thuyết “Người cùng quê” (3 tập)… Văn của Phan Tứ giàu chất sử thi, chính luận như bản chất của anh, nên người đọc cảm thấy sự truyền cảm không mạnh. Có nhà phê bình còn nhận xét văn anh đầy sự kiện và chi tiết, nhưng lại thiếu chất mượt mà. Cảm giác ấy chỉ đúng một phần. Nếu ai đã đọc “Mẫn và tôi”, cuốn tiểu thuyết, được người đọc và giới phê bình chú ý nhiều năm của Phan Tứ chúng ta mới thấy được chất trữ tình sâu lắng và hóm hỉnh của người viết. Nhân vật nguyên mẫu là cô Mẫn hiện nay đã hơn sáu mươi tuổi, hồi ấy là một cô gái quê xinh đẹp, một du kích hoạt động trong vùng Mỹ ngụy chưa đầy 20 tuổi, có tên là Võ Thị Phận, ở làng Tịnh Sơn xã Kỳ Sanh, huyện Tam Kỳ (nay là xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành) tỉnh Quảng Nam. Là con út trong một gia đình nhiều anh chị em. Út Phận hồi ấy (1961) là một cán bộ cơ sở hăng say công tác và đầy xuân sắc. Phan Tứ là một cán bộ được trên cử về bám trụ để tìm hiểu và xây dựng phong trào cách mạng trong vùng. Anh ở nhà Út Phận và thường xuyên cùng Út Phận xâm nhập sâu vào các làng Trung Thành, Trà Tây, An Tân, Khương Thọ, Phú Quý,… để nắm tình hình. Có lần Phan Tứ tự động đi, không được Út Phận bảo vệ và dẫn đường đã vượt qua sông Trầu để vào chợ Trạm, suýt bị địch bắt. Bị Út Phận phê bình, từ đó anh hối hận và luôn chấp hành sự hướng dẫn của cô gái. Nhân vật Út Mẫn (hay Út Phận) hiện đang sống với người con trai duy nhất là Phan Thế Huẩn, gần 40 tuổi đã có vợ và con. Bà bảo, sau ngày đất nước thống nhất, bà rất nhớ ông Bốn Gương, có mấy lần bà đã đưa cháu Huẩn ra Đà Nẵng tìm thăm ông Phan Tứ. Và sau ngày Phan Tứ mất, mấy bà chị ông có tìm về Tam Mỹ và chụp ảnh kỷ niệm với gia đình bà Phận (và cháu Huẩn), nhân vật Út Mẫn ngày nào của nhà văn Phan Tứ. Tiểu thuyết “Mẫn và tôi” đã được tái bản nhiều lần, là một trong những cuốn tiểu thuyết hay, viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân miền Nam ngày nào. Có người bảo rằng, vì yêu cuốn sách mà trong đám tang Phan Tứ ở Đà Nẵng ngày 17-4-1995 với hàng trăm vòng hoa phúng viếng, trong đó có một vòng, trên băng-rôn chỉ ghi có ba chữ “MẪN VÀ TÔI”, không rõ chủ nhân của chiếc vòng là ai!

Nói đến Phan Tứ, có thể nói ông là một trong số không nhiều những nhà văn ở thế hệ ông biết nhiều ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Lào, tiếng Anh,…) nên những chuyến ra nước ngoài công tác hay chữa bệnh, ông ít cần người phiên dịch. Năm 1970, từ miền Nam ra Bắc để chữa bệnh, ông đã tham gia đào tạo lớp văn nghệ sĩ cho chiến trường B, tại khóa 4 trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Quảng Bá do nhà văn Nguyên Hồng làm hiệu trưởng. Khóa học do Ban Thống nhất Trung ương tổ chức cho hơn 70 học viên, gồm các sinh viên đã tốt nghiệp đại học các khoa văn, sử, các cán bộ văn hóa và giáo viên dạy văn ở các trường cấp 3 trên miền Bắc. Đặc biệt trong khóa học có ba nhà văn trẻ nước bạn Lào gửi sang, đó là Xuvănthon Búpphảvông, Chănthi Đươnxavăn, Bunthăm Xaynhalạt, được Phan Tứ đặc trách bồi dưỡng và nay là những cán bộ lãnh đạo văn nghệ ở nước bạn. Lúc bấy giờ Phan Tứ còn được cử giữ Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giải phóng của Hội Văn nghệ miền Nam đóng trên đất Hà Nội do nhà văn Hà Mậu Nhai và sau đó là nhà văn Khương Minh Ngọc làm giám đốc.

Có một điều ít ai biết, Phan Tứ từng làm thơ. Hồi tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, anh sáng tác bài thơ “Cô gái Sầm Nưa”, khá nổi tiếng, đã được một nhạc sĩ phổ thành bài hát “Điệu lăm tơi”, nhiều người lính Việt lẫn lính Lào rất thích hát. Sau này có người hỏi tại sao anh không tiếp tục làm thơ? Anh cười:

– Mình làm hàng đống thơ ấy chứ. Nhưng nhận thấy không thể trở thành Xuân Diệu hay Tế Hanh…được, nên không tiếp tục.

Phan Tứ kể, có một lần thay mặt đoàn nhà văn miền Nam Việt Nam đi dự họp ở Liên Xô, lên ngồi ghế chủ tịch đoàn với ông Tô Hoài (đại diện đoàn nhà văn Hà Nội). Trong giờ giải lao, cô Dimônina, người đã từng học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, rất quen thuộc với Hội Nhà văn Việt Nam, ra bảo nhỏ với Phan Tứ:

– Ông về nói với ông Tiếu (cán bộ văn phòng Hà Nội) lần sau có mượn áo quần Bộ Tài chính cho hai đoàn (Nam và Bắc Việt Nam) thì cho hai màu khác nhau nhé!

Lúc này Phan Tứ mới nhìn sang nhà văn Tô Hoài, thấy cùng mặc bộ complet màu hệt màu của mình và ngượng vô cùng. Thời kỳ trước 1990, ở miền Bắc, cán bộ nào đi công tác nước ngoài đều được mượn quần áo, túi xách và va-li của Bộ Tài chính. Hồi đó không cán bộ nào có thể sắm những thứ đó cho riêng mình!

Phan Tứ làm công việc sáng tác văn học đến phút cuối cùng của cuộc đời. Anh mang trọng bệnh, đã được nhiều bác sĩ trong nước và nước ngoài tận tình cứu chữa, nhưng không khỏi. Những ngày nằm ở Bệnh viện C Đà Nẵng, anh mang theo bản thảo tập 3 bộ tiểu thuyết 3 tập “Người cùng quê” (đã in được hai tập) để cố hoàn thành. Và rất may, tập sách cuối cùng này đã được ra mắt bạn đọc tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trước lúc tác giả vĩnh biệt chúng ta.

Nhà văn Phan Tứ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về văn học nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng khác…

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây