Phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu – Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồi

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, song cũng là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, trong thời gian tới, việc tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi phải có sự điều tiết hài hòa với bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường – đây là những vấn đề nổi bật mà chính quyền các địa phương trong vùng cùng với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt quan tâm để có những định hướng quy hoạch, phát triển lâu dài, thiết thực, ổn định.

Cong thuy loi Cai Lon Kien Giang min - Phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồiCống thủy lợi Cái Lớn (Kiên Giang) chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN.

Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển song cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Do đó, để phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần xây dựng chiến lược thích ứng với những cực đoan của thời tiết nhằm giảm phát thải và tăng khả năng phục hồi.

Ảnh hưởng nặng nề

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Ngoài ra, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở…

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập gần 39% diện tích; trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (hơn 80%), Kiên Giang (gần 77%) và Cà Mau (khoảng 58%).

Cùng với đó, trung bình hằng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km; trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch), sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

Với vai trò là thành phố trung tâm, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ chịu nhiều tác động nặng nề của biết đổi khí hậu như: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy… kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… Trong đó, sạt lở bờ sông là một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, sản xuất của người dân.

Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa của thành phố diễn ra tương đối mạnh làm gia tăng hiện tượng sụt lún mặt đất và công trình ở những khu vực có mật độ xây dựng cao, đồng thời việc khai thác nước ngầm phục vụ cấp nước đô thị cũng là nguyên nhân gây sụt lún cục bộ mặt đất…

Đối với Cà Mau, tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100 km, tình trạng này đối với bờ sông vào khoảng 365 km với các mức độ sạt lở khác nhau. Cụ thể, sạt lở bờ biển ở mức đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35 km, tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25m – 50m, đặc biệt có những nơi lên đến 50m – 80m. Trong khi đó, với khoảng 65 km bờ biển đang sạt lở ở mức nguy hiểm, thì tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 20m – 40 m.

Kiên Giang là tỉnh cuối nguồn sông Mekong, tình trạng ngập lụt do lũ và xâm nhập mặn từ biển gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Theo đó, tại thành phố Rạch Giá, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kênh Rạch Giá – Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ. Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kênh thủy lợi phía Nam. Riêng thành phố Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới với Campuchia gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm nhập mặn…

Chiến lược thích ứng

Thanh pho Soc Trang min - Phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Giảm phát thải, tăng khả năng phục hồiThành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) là một trong những đô thị chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN.

Theo chuyên gia Kinh tế Môi trường – Tiến sĩ Muthukumara Mani (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam), có hai hướng ứng phó với biến đổi khí hậu cần thiết cho Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là giảm phát thải và tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hướng thứ nhất, giảm phát thải (ước tính cần 114 triệu USD đến năm 2040) phải diễn ra đồng thời ở các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, công nghiệp thông qua các cơ chế định giá phát thải, đánh thuế phát thải. Hướng thứ hai, cần ngân sách ước tính 254 triệu USD trong giai đoạn 2022 – 2040 để tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng và nhân lực trước các rủi ro khí hậu, nhất là ở những ngành và cộng đồng dễ tổn thương.

Để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ông Trương Đức Trọng (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đưa ra giải pháp nhìn nhận môi trường là “tài sản” quan trọng hàng đầu của địa phương để từ đó gắn kết các mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu vào các chương trình hành động phát triển kinh tế.

Cùng với đó, thúc đẩy các nỗ lực liên kết vùng trong phát triển dịch vụ liên quan đến môi trường cũng như xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh bảo vệ môi trường, có tiềm năng đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội.

Theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng. Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng, là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản. Thành phố Cà Mau là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau, là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái…

Trong sản xuất nông nghiệp, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, chiến lược chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần bắt đầu bằng sự thay đổi tầm nhìn, qua đó xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại nhằm phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường, tăng thu nhập ổn định cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”; trong đó, các mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường có tính cân bằng và hài hòa.

Với chủ trương phát triển theo hướng “thuận thiên”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ cần phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ công tác phòng, chữa bệnh tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.

Để chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long khả thi, hiệu quả và bền vững, cần đặt người dân ở vị trí trung tâm và tận dụng được các cơ hội thị trường cũng như thích ứng được với những biến động về môi trường. Với cách tiếp cận này, có 4 bốn mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp gồm: tăng thu nhập một cách ổn định bền vững cho nông dân, hiện đại hóa nền nông nghiệp, phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường, phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”.

Việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vừa phát huy tối đa tiềm năng tự nhiên của vùng; đồng thời, đáp ứng tiêu chí “thuận tự nhiên” nhờ giảm tối đa nhu cầu can thiệp của con người. Như vậy, trọng tâm phát triển không chỉ là thích nghi với các điều kiện môi trường thay đổi mà còn hạn chế các tác động bất lợi cho con người và cả việc khôi phục môi trường tự nhiên đã bị biến dạng và suy thoái trong một thời gian dài do những can thiệp về chính sách cũng như tập quán canh tác thiếu bền vững.

“Khi quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà hoạch định chính sách cần gắn với phương án sử dụng tài nguyên nông nghiệp tự nhiên (nước và đất) một cách phù hợp với từng vùng và tiểu vùng, cũng như gắn chặt với nhiệm vụ cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Nhật Bình

—————-

Bài cuối: Xu hướng xanh

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây