Sức trẻ trong sứ mệnh đặc biệt

Đại diện cho tuổi trẻ Quân đội về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Đại úy Ngô Xuân Tùng (SN 1993) – Trợ lý chính trị, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) chia sẻ về hành trình thực hiện sứ mệnh đặc biệt của người lính mũ nồi xanh Việt Nam.

Nỗ lực luyện rèn

Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, do hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ Ngô Xuân Tùng được bà nội một tay nuôi dưỡng. Lựa chọn con đường binh nghiệp để cống hiến, trong 4 năm đào tạo sĩ quan Chỉ huy – Tham mưu tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh đã xây dựng cho mình ý chí tự học, tự rèn trong môi trường quân sự luôn đề cao tính kỷ luật và tinh thần đồng đội.

Năm 2016, tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa xuất sắc Khóa 80 của Trường Sĩ quan Lục quân 1, cùng với thủ khoa các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ngô Xuân Tùng được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sau đó, trải qua 3 vòng kiểm tra, phỏng vấn gắt gao, anh được tuyển chọn vào đội hình những người lính mũ nồi xanh ở Cục GGHB Việt Nam.

Tiếp tục nỗ lực luyện rèn ở môi trường mới, tháng 10/2020, Ngô Xuân Tùng – khi đó mang quân hàm thượng úy, lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò quan sát viên quân sự. Nhiệm vụ chính của anh là tham gia các đoàn tuần tra, thu thập thông tin, đánh giá tình hình báo cáo về sở chỉ huy. Nhiều thời điểm trên đường tuần tra, anh phải trực tiếp đối mặt, đàm phán với các phe, nhóm vũ trang để giải quyết các vụ việc.

Theo Đại úy Tùng, để được lựa chọn cử sang châu Phi làm nhiệm vụ, anh đã trải qua các khóa huấn luyện về nghiệp vụ GGHB LHQ. Bên cạnh những yêu cầu khắt khe về thể lực theo quy định của Bộ Quốc phòng và khả năng ngoại ngữ tốt, mỗi quân nhân tham gia sứ mệnh đặc biệt này còn phải chủ động học hỏi, từng bước tích lũy nhiều kiến thức.

 “Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua tất cả khó khăn để thực hiện sứ mệnh GGHB của LHQ trên thế giới. Đó cũng là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi đất nước còn chưa nguy”.

Đại úy Ngô Xuân Tùng

“Chúng tôi phải tích lũy nhiều kiến thức khác nhau phục vụ quá trình triển khai tại Phái bộ. Trong đó có việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa các nước; rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế. Đồng thời tìm hiểu về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn để xây dựng các phương án sinh tồn trong các tình huống khẩn cấp cũng như xác định các giống rau, cây trồng có thể mang theo. Bên cạnh đó là rèn luyện các kỹ năng lái xe hai cầu, sơ cứu chấn thương…”, Đại úy Tùng chia sẻ.

Tháo “ngòi nổ” đụng độ

tien luc luong mu noi xanh Viet Nam di lam nhiem vu GGHB LHQ min - Sức trẻ trong sứ mệnh đặc biệtLãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và quan khách quốc tế ra sân bay Nội Bài tiễn lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ. Ảnh: Nguyễn Minh

Đại úy Tùng kể: Tháng 12/2020, trong một lần tham gia hộ tống vận chuyển số lượng lớn tài liệu bầu cử quan trọng của một địa phương thuộc Cộng hòa Trung Phi, xe của anh gặp chốt kiểm soát của một nhóm vũ trang có 5 tay súng tỏ thái độ hăm dọa, không cho đi qua. Lúc này, 2 đồng nghiệp đi cùng mang quốc tịch nước khác tỏ ra nao núng và muốn quay xe về căn cứ. Xác định nếu cho xe quay đầu thì xem như “đầu hàng”, Đại úy Tùng đã thuyết phục đồng nghiệp giữ bình tĩnh để anh trực tiếp đàm phán với nhóm vũ trang. Sau ít phút căng thẳng, “ngòi nổ” đụng độ đã được hóa giải. Nhóm vũ trang sau đó còn vui vẻ chỉ đường cho tổ công tác đến nơi một cách thuận lợi, góp phần vào thành công của vòng bầu cử.

Sau chuyến “mở đường” thành công này và hoàn thành tốt một số nhiệm vụ khác, Ngô Xuân Tùng được Trưởng bộ phận Quan sát viên quân sự của phái bộ lựa chọn, điều động lên làm việc tại Ban điều phối để phụ trách công tác nhân sự toàn bộ 8 nhóm quan sát viên quân sự tại Phân khu Trung tâm thuộc Phái bộ MINUSCA (đây vốn là vị trí do những sĩ quan cấp tá đến từ các quốc gia nói tiếng Anh đảm trách).

Trong nhiệm kỳ công tác gần 15 tháng ở Cộng hòa Trung Phi, có những thời điểm Đại úy Tùng và cộng sự triển khai nhiệm vụ vào giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái ở đây. Họ phải đi đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây cối chết khô, trong khi hệ thống thông tin liên lạc, mạng internet yếu kém hoặc không có. Nhiều lần, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt tới 3 tháng liền. Vào đỉnh điểm mùa mưa, các quân nhân GGHB còn phải đối mặt với các loại bệnh dịch như Ebola, sốt rét ác tính, tả, lị, thương hàn và cả đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều để bình đẳng và tương xứng với đồng nghiệp quốc tế về mặt chuyên môn. Và thực tế chúng ta đã tự hào về điều đó khi được LHQ và đồng nghiệp quốc tế luôn đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp của lực lượng GGHB Việt Nam”, Đại úy Tùng nói.

Tự hào Việt Nam

Theo Đại úy Tùng, ngoài nhiệm vụ công tác chuyên môn, lực lượng GGHB Việt Nam ngay khi đặt chân đến vùng đất Trung phi và Nam Sudan đã làm được điều mà các nước khác chưa từng nghĩ tới và chưa làm được. Đó là giúp dân bản địa khắc phục khó khăn trong cuộc sống thông qua nhiều mô hình mà Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ trong đội hình đơn vị của Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tiêu biểu như các mô hình Tổ nghệ thuật tái chế vật liệu thành đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em; Tổ kỹ – mộc giúp người dân tu sửa trường học, làm đường giao thông, công trình cung cấp nước sạch; Tổ y tế cơ động khám chữa bệnh cho người dân tại các trại tị nạn; Tổ thầy giáo mũ nồi xanh dạy học cho các em nhỏ không có điều kiện đến trường; Tổ nông lâm giúp người dân trồng rau xanh, cây ăn quả. Các hoạt động của lực lượng ĐVTN Việt Nam luôn thu hút đông đảo đồng nghiệp các nước tham gia, để lại ấn tượng đặc biệt sâu đậm với người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Cũng theo Đại úy Tùng, khi chứng kiến cuộc sống loạn lạc, khó khăn của người dân tại các quốc gia châu Phi, anh và đồng đội càng cảm thấy trân trọng giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hy sinh xương máu để giành lấy.

“Hình ảnh mà tôi luôn trân trọng lưu giữ trong tâm khảm là mỗi khi đi qua các khu vực dân cư làm nhiệm vụ hay tổ chức chương trình thiện nguyện, người dân bản địa lại vẫy tay chỉ lên ngực áo chúng tôi – nơi in lá cờ Việt Nam và hô vang “Việt Nam – Good, Việt Nam – Good”. Cách xa Tổ quốc hàng nghìn cây số, được nghe hai tiếng “xin chào” bằng tiếng Việt từ người dân nơi đây, chúng tôi thực sự cảm kích và thêm tự hào”, Đại úy Tùng tâm sự.

Đầu năm 2022, kết thúc nhiệm kỳ công tác ở châu Phi, Đại úy Ngô Xuân Tùng được Phái bộ MINUSCA tặng 2 Huy chương vì sự nghiệp GGHB LHQ. Trở về nước, anh đảm nhiệm vai trò Trợ lý chính trị và được bầu làm Phó Bí thư Đoàn cơ sở Cục GGHB Việt Nam; được trao danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ Tổng tham mưu. Tháng 10/2022, anh tham gia đoàn đại biểu ưu tú của tuổi trẻ Quân đội dự Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ X, báo cáo thành tích với Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy T.Ư Nguyễn Phú Trọng.

NGUYỄN MINH

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây