Tác giả Nhật Chiêu

Nhà văn Nhật Chiêu
Nhà văn Nhật Chiêu

NHẬT CHIÊU

Nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu họ tên đầy đủ là Phan Nhật Chiêu, sinh ngày 4 tháng 3 năm 1951 tại Sài Gòn, quê quán ở Vĩnh Long. Ông từng dạy trung học, hiện là giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình – Dịch thuật Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII.

Tác phẩm:

– Con lừa vàng, Lucius Apuleius, dịch, Nxb Hậu Giang, 1987.
– Tình trong bóng tối, Tanizaki Junichiro, dịch, Nxb Văn nghệ, 1989.
– Tagore – người tình của cuộc đời, viết chung với Hoàng Hữu Đản, Nxb Hội nhà văn, 1991.
– Những kiệt tác văn chương thế giới, viết chung, Nxb Thanh niên, 1991.
– Tiếu lâm Nhật Bản, dịch, Nxb Văn hoá dân tộc, 1993.
– Basho và thơ Haiku, biên khảo, Nxb Văn học, 1994.
– Nhật Bản trong chiếc gương soi, biên khảo, Nxb Giáo dục, 1995.
– Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản, chủ biên và dịch, 2 tập, Nxb Trẻ, 1996.
– Đại cương văn hoá phương Đông, viết chung, Nxb Giáo dục, 1996.
– Câu chuyện văn chương phương Đông, biên khảo, Nxb Giáo dục, 1997.
– Thơ ca Nhật Bản, biên khảo, Nxb Giáo dục, 1998.
– Văn học Nhật Bản, biên khảo, Nxb Giáo dục, 2000.
– Người ăn gió và quả chuông bay đi, tập truyện, Nxb Hội nhà văn & Công ty Đông A, 2007.
– Ba nghìn thế giới thơm, biên khảo, Nxb Văn nghệ, 2007.
– Đi dưới mưa hồng, biên khảo, Nxb Văn nghệ, 2007.
– Người ăn gió và quả chuông bay đi, tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2007.
– Lời tiên tri của giọt sương, tập truyện song ngữ Việt – Anh, Nxb Hội Nhà văn, 2011.
– Tôi là một kẻ khác, tập thơ, Nxb Văn Hoá Văn Nghệ, 2015.
– Người về với như, thơ ca tương chiếu, NXB Hồng Đức, 2017.

KHAI NGỘ VỚI THIÊN NHIÊN: BASHÔ VÀ OCTAVIO PAZ

(AWAKENING TO THE NATURE)

                                                                                  Nhật Chiêu

Bây giờ, trong thời đại phê bình sinh thái (ecocritical age), đọc lại thơ Bashô, ta cảm thấy như đang thở hít trong một sinh quyển đầy mê diệu. Đó là thứ thơ ca đưa ta vào sâu thẳm thiên nhiên. Không chỉ là thiên nhiên. Đó còn là tâm linh sinh thái, nơi mọi thứ luôn luôn sáng tạo và chuyển hóa, nơi mọi sinh linh bước đi trong ánh sáng của bình đẳng và vô sai biệt, không có chủ nhân và sở hữu chủ, nơi mọi thứ phản chiếu nhau như những hạt châu. Là nhà thơ, Bashô cảm thấy mình có quyền kêu gọi mọi người trở thành “người bạn của bốn mùa” và “quay về với tạo hóa” để gặp gỡ cái mê diệu và sáng tạo cái mê diệu. Hướng theo con đường thơ ca sâu thẳm của Bashô là tạo nên khả thể cho cuộc “tái mê diệu hiện thực của thế giới này” (a realistic reenchantment of the world) (1),  nói theo Patrick H. Dust.

Lắng nghe Matsuo Bashô là lắng nghe những vần thơ của hơn ba thế kỷ trước. Đọc Bashô giữa thế kỷ hai mươi, Octavio Paz, nhà thơ lớn Mexico cho rằng kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi) là cuộc hành hương tâm linh (a spiritual pilgrimage) khi ông tham gia chuyển ngữ nó sang tiếng Tây Ban Nha(2). Bản thân Paz cũng từng sáng tác thơ theo thể renga và haiku (liên ca và haiku) trong phong cách hội tụ và hiện đại.

Cũng như Bashô, thơ Octavio Paz thể hiện hành trình tâm linh và cái đồng cảm vũ trụ rất gần tinh thần “thiên nhân tương cảm” của Đông phương mà ông rất quen thuộc. “Tương cảm và tương ứng chỉ là cách gọi cho nhịp điệu vũ trụ”, Paz đã nói như thế (3). Sự tương cảm đó có thể xem là mặc khải thơ ca (Poetic revelation) một thứ mặc khải không cần tới một quyền lực siêu hình nào, “đó là mặc khải về chính mình mà con người tạo ra cho mình” (4). Đó là mặc khải với thiên nhiên. Vì hiền minh thơ ca cũng là hiền minh thiên nhiên (natural wisdom).

Đó là khi thơ ca học cách sáng tạo và chuyển hóa của bốn mùa, của tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trong tĩnh lặng cũng như trong khi đối diện với sự tàn phá thiên nhiên:

“Phản chiếu cái tương thân vũ trụ, thơ ca là biểu tượng của những gì xã hội con người cần hướng tới. Trong khi đối mặt với tàn phá thiên nhiên, thơ ca cống hiến bằng chứng sống động về cái tương thân của các vì sao và các phân tử, của hóa học và ý thức… mỗi bài thơ là một bài học thực tiễn trong hài hòa và tương hợp… Bài thơ hình thành qua cái tương thân của các yếu tố, hình thức và tạo vật của vũ trụ là biểu tượng cho sự tồn sinh trên đời…

Sinh ra từ tưởng tượng của con người, thơ ca có thể chết đi nếu tưởng tượng chết đi hay tàn bại. Nếu con người quên lãng thơ ca, họ lãng quên chính mình, niềm lãng quên con người. Và quay về với hỗn mang nguyên thủy” (5). Paz đã nói như thế.

Và như thế, Paz từ cái nhìn hiện đại, Paz đã vô hình trung kế tục và phóng mở tư tưởng Bashô. Chống lại sự lãng quên thơ ca và lãng quên thiên nhiên, thi hào Nhật Bản kêu gọi “làm bạn với bốn mùa” và “đón nhận thiên nhiên, quay về với tạo hóa”.

Khi lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, Bashô tự thấy mình như là một hành giả lang thang theo gió, tựa hồ tấm lụa tả tơi phiêu lãng. Đó là ông tự xếp mình vào hàng ngũ những tâm hồn phong nhã (fuga: phong nhã, hồn thơ, bản thân nghệ thuật thơ ca) như Saigyô của thơ tanka, Sesshu của hội ca, Rikyu của trà đạo và Sôgi của thơ renga. Cảm nghiệm đó Bashô ghi lại trong tác phẩm Oi no kobun (Cập chi tiểu văn: Ghi chép nhỏ trong túi hành hương):

“Một linh hồn đã hoạt hóa tất cả tác phẩm của những người này. Đó là tâm hồn của fuga (phong nhã), kẻ nào ấp ủ nó đều đón nhận thiên nhiên và trở nên người bạn của bốn mùa. Nhìn thấy gì, người ấy đều nhớ đến hoa; nghĩ điều chi người ấy cũng liên tưởng tới trăng. Nếu nhìn vật mà không nhớ hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì có khác chi loài thú. Thế nên tôi kêu gọi: Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận tạo hóa, quay về với tạo hóa.”

Đoạn văn lộng lẫy mà uyên áo này cho thấy cái nhìn hiền minh của Bashô về thiên nhiên. Thiên nhiên không đối lập với văn hóa. Chính vì có văn hóa, có nghệ thuật, có hồn thơ (phong nhã) thì con người mới là bạn tình của thiên nhiên. Hơn nữa, tư tưởng Bashô còn sâu hơn những gì mà trích dịch bất toàn trên cho thấy.

Cái tưởng tượng thơ ca của Paz có khác gì với tâm hồn phong nhã của Bashô. Tưởng tượng ấy chết đi thì cũng là phong nhã chết đi.

Kẻ man rợ của Bashô thì khác gì niềm quên lãng con người của Paz.

Cái tương thân vũ trụ của Paz cũng rất gần với bạn bốn mùa của Bashô.

Khỏi phải nói, cả hai nhà thơ lớn đều ca ngợi cái thiên nhân tương cảm, cái sáng tạo và chuyển hóa thể hiện trong con người và thiên nhiên.

Cả hai đều hướng tới sự tồn sinh của con người trong nhịp điệu thiên nhiên, cái không khác với nhịp điệu thơ ca.

Để nói về tính sáng tạo của thiên nhiên, Bashô thường dùng từ zôka (tạo hóa). Cho nên ông nói “quay về với tạo hóa”, tức là quay về với cái huyền diệu của vũ trụ.

Trong kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi), đến thăm Matsushima (Tùng Đảo) tuyệt đẹp, Bashô đã viết: “Tạo hóa thiên công, có bút mực nào, lời thơ nào vẽ nổi và tả xiết đây?” (6).

“Tạo hóa thiên công” (zôka no tenkô) chính là tính sáng tạo huyền diệu mà Bashô muốn bắt chước trong thơ, muốn quay về với cái đó, chơi với nó (zôka zuijun: tạo hóa tùy thuận).

Cũng như thế, Octavio Paz cho rằng thiên nhiên là ngôn ngữ, là thơ ca. Mở ra ngôn ngữ chính là trở về với thiên nhiên (es volver a la naturaleza). Nhưng thiên nhiên ở đây không phải là vật chất hay tâm linh mà là năng lượng, là từ trường, rất gần ý nghĩa sinh thái. “Chúng ta ra khỏi thiên nhiên và trở về với nó” là điều ông nhận thấy khi đọc Lévi-Strauss.

Paz cho rằng vũ trụ có từ tính, là từ trường hóa. Vũ trụ là “một loại nhịp điệu đan dệt thời gian và không gian”.

Đứng trước thiên nhiên và vũ trụ mê diệu như thế, hơn ai hết các nhà thơ muốn cuộc tồn sinh của con người yêu thương nó, kết một khối tình với nó. Như Hồ Xuân Hương cho thấy trong bài thơ tuyệt diệu Đá Ông Chồng Bà Chồng:

Khéo khéo bày trò tạo hóa công

Ông Chồng đã vậy lại Bà Chống

Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt

Khối tình cọ mãi với non sông.

Trò chơi của Tạo hóa thiên công, trò chơi của từ trường mà các nhà thơ nói ở đây là cái kỳ diệu, huyền bí, tinh tế, thiện xảo, công phu, tài hoa, ẩn tú trong sáng tạo và chuyển hóa của tự nhiên.

Trở về ở đây là về với cái linh thiêng của sáng tạo chứ không phải về với đồng quê hay chốn lâm tuyền để hái cúc, trồng lan ở ẩn mà nêu cao tư cách “quân tử”.

Bashô và các nhà thơ chỉ muốn học cái cách mà thiên nhiên hay sinh thái đã sáng tạo. Như Goethe ở Đức đã nói: “Tác phẩm vĩ đại của Nghệ thuật là tác phẩm vĩ đại của Thiên nhiên”.

Thơ ca và nghệ thuật không phản ánh thiên nhiên mà là vận động trong tinh thần sáng tạo của thiên nhiên. Họa sĩ kỳ tài Paul Klee trong thế kỷ hai mươi trong tinh thần đó mà nói với một người bạn đang dạy nghệ thuật:

“Hãy dẫn sinh viên đến Thiên nhiên, vào trong Thiên nhiên! Để họ học cảm nghiệm một nụ hoa hiện thành thế nào, một cái cây mọc thế nào, một con bướm mở cánh thế nào, làm sao cho các bạn ấy sẽ trở nên phong phú, biến đổi, hào hứng như bản thân Thiên nhiên. Đón nhận đường lối sáng tạo tự nhiên mà biến tạo hình thức. Đó là trường học tuyệt nhất.”

Đối với Bashô, Paz cũng như họa sĩ Klee, phải là văn hóa, phải là thơ ca nghệ thuật mới có thể là thiên nhiên, rất khác với quan niệm nhị đối thường có giữa thiên nhiên và văn hóa, cũng như thiên nhiên và con người.

Phê bình sinh thái đương nhiên đồng tình với những nghệ sĩ thượng thặng ấy và dị ứng với loại tư tưởng “làm chủ và sở hữu thiên nhiên” kiểu Descartes.

Con người dường như không muốn hiểu rằng Thiên nhiên làm ra con người chứ làm gì có con người làm ra Thiên nhiên. Và chỉ có thể con người cần Thiên nhiên chứ Thiên nhiên cần chi con người.

Trong thiên nhiên, vai trò của con người không phải là chủ nhân. Đó phải là người bạn như Bashô đòi hỏi, “bạn của bốn mùa”. Đó phải là người tình, như Paz gợi ý.

Tương quan với thiên nhiên như thế có thể là một tương quan mật thiết, sắc dục hay từ tính (a magnetic relationship) nghĩa là thu hút nhau, mơn trớn nhau và có thể xuyên thấm nhau.

Như bài haiku của Bashô về đầm Kisagata:

            Đầm Kisagata

            Nàng Tây Thi nằm ngủ

            Hoa buồn ngủ trong mưa.

(Kisagata ya

ame ni Seishi ga

nebu no hana).

Dưới mưa, đầm Kisagata, nàng Tây Thi và hoa buồn ngủ (hoa hợp hoan) như cùng nhau thiếp ngủ. Cảnh ấy “ngập đầy đôi mắt” nhà thơ, mơn trớn nhà thơ.

Và khổ thơ về quẻ Hằng của Paz:

            Như rừng nằm trong giường lá

            Em nằm ngủ trong giường mưa

            Em hát ca trong giường gió

            Em hôn trong giường những tia lửa ngời.

(Como el bosque en su lecho de hojas

tú duermes en tu lecho de lluvia

tú cantas en tu lecho de viento

tú besas en tu lecho de chispas)

Nhà thơ Paz muốn “sờ nắn bằng tư tưởng và suy tư bằng thân xác” và vần thơ trên cho thấy điều đó. Nằm ngủ, hát ca và hôn trong mưa, trong gió, trong lửa. Tư tưởng thật sự biết sờ nắn và thân xác thật sự biết suy tư.

Với Bashô, tiếp xúc và hiểu biết thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận: “Muốn biết cây tùng, hãy đi tới cây tùng”. Đi tới là tiếp xúc, là mơn trớn, là thâm nhập vào sự vật, vào thiên nhiên. Và cảm nghiệm Nước, Đất, Gió, Lửa bên ngoài ta cũng như bên trong ta.

Nước, cổ mẫu đầu tiên, trải nghiệm đầu đời của ta. Lòng mẹ, máu, sữa, mưa, sông, biển, nước mắt,…

Haiku mùa thu của Bashô

            Chén trăng đầy

            sóng thơm mùi rượu

            biển xanh say.

(Sokai no

nami sake kusashi

kyo no tsuki)

Trăng có thể được dùng làm chén mà múc rượu từ biển mùa thu ngát hương: rượu tình.

Với Paz, thơ ca là nước, nước chảy tràn.

            Cuối cùng hãy là một Lời…

            một giọt nước trên khao khát môi.

            …

            nước, nước cuối cùng trôi,

            lời của người dành cho người.

(Ser al fin una Palabra…

un poco de agua en unos labios ávidos.

Agua, agua al fin

palabra del hombre para el hombre).

Nước kết nối con người với cội nguồn, con người với con người. Nước là thơ ca, là tình yêu cuộc sống.

Đất thì phong nhiêu, là mẹ đất. Theo Paz, mẹ đất luôn luôn trinh nguyên. Nhưng sinh sản vô tận hoa trái trần gian.

Một bài haiku của Bashô trình bày một cuộc chơi: hoa rụng về cội.

            Xuống đất ư

            cánh hoa về cội rễ

            dường như giã từ.

(chi ni taore

ne ni yori hana no

wakare kana)

Bài thơ thuộc mùa xuân cho dù nói về giã từ và cái chết. Vì hoa lại tan mình vào đất, một lúc nào đó lại tái sinh thành hoa mới trên cây. Cây đã nhập hoa trở lại vào thân mình. Vòng luân hồi của sinh thái là thế.

Đất thì lặng lẽ và cây cũng thế. Paz nói lên cái vô ngôn đó trong một bài haiku của mình:

            Cây tần bì

            đêm qua dường sắp nói

            nhưng rồi không nói ra.

(Anoche un fresno

a punto de decirme

algo -callóse)

Có nhiều cách nói. Và không nói cũng là một cách nói. Do đó ta có thể nghe đất và nghe cây. Không thể nghe bài ca im lặng của đất và cây có thể là một cách mất gốc, không còn là hoa của đất.

Đất có thể kết hợp với trời trong mưa và lúc ấy mọi sinh linh trông khác đi, như một bài haiku của Bashô cho thấy:

            Mưa mùa hạ trôi

            kìa chân chim hạc

            ngắn lên lần hồi.

(Samidare ni

tsuru no ashi

mijikaku nareri).

Chân chim hạc ngắn đi khi nước dâng nhưng nói thế mà không phải. Chim hạc biết rõ chân mình, biết bầu trời và nước, biết mùa hạ và mưa theo cách của nó, theo bản năng sinh thái. Chim hạc đứng một mình nhưng đâu phải một mình. Hiện thời, đất, nước và bầu trời làm ra nó.

Thiên nhiên là một thế giới tương tùy và tùy duyên mà sinh khởi, trong đó bất kỳ một sinh thể nào cũng có mặt trong cái khác trong nguyên lý tương tức (interbeing) không có chi ngoại lệ.

Tư tưởng Phật giáo cũng như hiền minh sinh thái nhìn thấy không có gì là biệt lập, một mình.

Một mình không phải là một mình hiện hữu mà là “một mình với”. Con hạc không bất động. Đứng yên là một cách khác, bay với mưa mùa hạ. Cái đứng yên đó là kết tụ ngàn lần đã bay và ngàn lần sẽ bay.

Trước Bashô, Nguyễn Trãi cũng đã có cái nhìn hiền minh này:

            Lẻ có chim bay cùng cá nhảy

            Mới hay kìa nước nọ hư không.

Nhiều thế kỷ trước, thiền sư Nhật Bản Dôgen cũng đã nói trong Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shobogenzo):

“Từ nước, cá làm nên đời sống của mình, và từ trời, chim cũng thế. Đời sống ấy chim cá làm ra. Đồng thời đời sống làm ra chim cá. Bởi thế, cá, nước và đời sống, cả ba sáng tạo lẫn nhau”.

Và hình ảnh cánh hạc biển của Nguyễn Du:

            Hải hạc diệc hội vũ

            Bất dữ thế nhân tri.

(Biển xanh cánh hạc múa chơi

Cần chi hạc múa cho người đời hay.)

Cái quan trọng là mọi hiện tượng đời sống sáng tạo lẫn nhau, chứ không có ưu quyền đặc lợi cho riêng cái nào. Đất và nước, đất và trời tương phản mà tương hợp.

Như lời trong sách Thái Căn Đàm: “Nếu chân tính của ta có sức mạnh sáng tạo của bản thân Thiên nhiên tạo hóa thì dù cho đi đâu, ta đều thấy cá nhảy và nhạn bay”.

Đất, trời, nước, chim, cá… và ta thở cùng hơi thở, tương tùy, tương duyên, tương hợp, tương tức,…

Đất tự nó là một sinh thể. Con người không chỉ sống trên đất mà còn là đất. Thế nên Paz viết:

            Chỉ có đất

            mà tôi biết và biết tôi.

(Única tierra

que conozco y me conoce).

Với Octavio Paz, gió được xem là “hơi thở sáng tạo của đời sống. Gió có thể ném ta ra khỏi chính mình hay ném ta vào chính mình”.

Lang thang trong gió thu gió đông, Bashô cảm thấy:

            Xơ xác dãi dầu

            gió xuyên thân xác

            vào tận hồn sâu.

(Nozarashi o

kokoro ni kaze no

shimu mi kana).

Cùng diễn tả hơi thở dữ dội của gió, đến giữa thế kỷ hai mươi, nữ sĩ Setsuko viết:

            Đất trời

            rung chuyển cùng hơi thở

            bày trận tuyết rơi.

(ame-tsuchi no

iki aite hagheshi

yuki furasu).

Gió vừa sáng tạo vừa tàn phá, vừa là sắc vừa là không, vừa đến vừa đi đồng chơi, vừa chơi vừa chết đồng thời.

Gió thổi mây bay. Nhưng chính là gió bay. Yếu tính của gió là bay và bay và nó có thể giải thoát từ đã đến thơ ca ra khỏi trọng lực, như những vần thơ của Paz cho thấy:

            Thế giới cũ của đá

            cất mình lên và bay

(El viejo mundo de las piedras

se levanta y vuela).

            Ngày mở bàn tay

            bay ra ba áng mây

            và những vần thơ này.

(El día abre la mano

tres nubes

y estas pocas palabras).

Mây bay gió thổi. Nhưng ngày thật sự mở ra với lửa. Với Paz, thơ ca là “ngôn ngữ của lửa” (lenguaje de incendios) và lửa cũng là tâm linh, như có thể thấy qua vần thơ sau đây của ông:

            linh hồn không sống trong hình thể nào,

            nhưng làm cho mọi hình sắc cháy

            với một ngọn lửa bất diệt huyền linh.

(espíritu que no vive en ninguna forma,

mas hace arder todas las formas

con un secreto fuego indestructible).

Lời thơ của Bashô trong một đêm mùa xuân ẩn giấu một ánh lửa vô hình của nến, của hương và của u huyền:

            Một đêm mùa xuân

            trong góc Phật đường

            bóng ai quỳ mông lung.

(Haru no yo ya

komoribito yukashi

dô no sumi).

Một hình ảnh lửa có thể nhìn thấy trong nước qua bài haiku khác của Bashô:

            Dòng Mogami ấy

            dìm mặt trời đang cháy

            vào trong biển xanh.

(Atsuki hi o

umi ni iretari

Mogamigawa).

Lửa mặt trời vẫn cháy trong dòng sông ấy, trong biển cả ấy và vẫn cháy trong thơ ca, trong đá, trong cỏ, trong gió, trong đất và trong con người.

Thơ ca đã kết buộc thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của con người, ôm ấp đất, nước, gió, lửa bằng tình yêu nồng nàn.

Mỗi ngày của chúng ta được kết dệt bằng vũ điệu của các nguyên tố ấy như lời thơ của Paz:

            Những nguyên tố quấn quít nhau

            đan dệt y trang của một ngày chưa biết.

(Los elementos enlazados tejen

la vestidura de un día desconocido).

Cái ngày chưa biết đó, cái ẩn giấu đó chính là cái mê diệu mà thiên nhiên mặc khải cho thơ ca, sự mặc khải mà Bashô và Paz lắng nghe không ngừng. Lắng nghe hình sắc và lắng nghe cả hư không. Thơ Bashô:

            Từ cành cao

            hư không rơi xuống

            trong vỏ ve sầu (7).

(Kozue yori

adani ochi keri

semi no kara).

Chú thích

(1) Patrick H. Dust, Editor: Ortega y Gasset and the Question of Modernity, The Prisma Institute, Minneapolis, 1989, p.51

(2) Octavio Paz: Covergences, Trans. Helen Lane. HBJ, New York, 1987, p.248

(3) Octavio Paz: Children of the Mire, Trans. Rachel Phillips, Harvard University Press, Cambridge, 1974, p.63.

(4) Octavio Paz: The Bow and the Lyre, Trans. Ruth Simns, McGraw-Hill, New York, 1975, p.121

(5) Octavio Paz: The other voice, Trans. Helen Lane, HBJ, New York, 1992, p.159,160.

(6) Matsuo Bashô: Oku no hosomichi/ The Narrow Road to Oku, Song ngữ Nhật Anh, Trans. Donald Keene, Kodansha, Tokyo, 1996, p.78,79.

(7) Những trích dịch không đánh số trong bài viết chúng tôi thực hiện khi dựa vào các tài liệu sau đây:

– Jason Wilson: Octavio Paz, A study of his poetics, Cambridge University Press, London, 1979

– The Poems of Octavio Paz, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. E. Weinberger, New Directions, 1998

– Octavio Paz, Selected Poem, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. Tomlinson, Penguin Books, 1979

– Bashô The Complete Haiku, Sách song ngữ Nhật – Anh, Trans. Jane Reichhold.

NGÂY NGÔ

                                                                   Nhật Chiêu

Thuở ấy trên núi cao có một cô gái tên là Ngây Ngô, bốn mùa im lặng, nhưng đôi khi từ cô ngân lên tiếng nụ hoa đang nở hay tiếng những chiếc lá vừa rơi xuống đất.

Nhớ thuở ấy, tôi là thú ăn đá.
Tôi là một con thú khổng lồ và luôn luôn nhai đá thành bụi. Luôn luôn? À không, khi nào đói thôi, khi đến bữa ăn.
Tôi không thuộc giống loài nào, không thuộc họ nào. Đứng riêng biệt một mình. Trên núi, sống một mình, lang thang kiếm ăn một mình.
Từ miệng tôi, bụi đá thường tuôn bay như khói và đôi khi cũng bắn ra lửa do đá lửa lẫn vào thức ăn và va chạm nhau, khiến người ta có thể lầm tôi với một loài rồng.
Dẫu sao đi nữa, bao giờ tôi vẫn là thú ăn đá, một sáng tạo chưa từng lặp lại của Thiên nhiên, của hệ sinh thái cực kỳ đa dạng trong thế giới xanh này.
Thú ăn đá có tôn thờ thần linh không? Xin đáp ngay là KHÔNG.
Đó là điểm khác biệt lớn giữa thú ăn đá và con người. Con người rất kiêu ngạo nhưng sẵn sàng quỳ mọp trước mọi thần linh.
Vậy nên không thể hiểu vì sao con người lại tự xưng mình là loài thượng đẳng, thậm chí tự tách mình ra khỏi thế giới, hành xử như thể mình từ đâu đó đến đây, có một thứ huyền bí gọi là linh hồn trong mình.
Trong khi đó, toàn bộ thế giới còn lại là vô hồn. Cũng tức là vô nghĩa. Sự im lặng của thiên nhiên, theo con người, chứng tỏ điều đó.
Trong từ điển của thú ăn đá, tất nhiên là chỉ ghi chép trong trí nhớ, thì con người và thần linh được định nghĩa rất đơn giản và rõ ràng:
con người: loài ăn tạp
thần linh: loài ăn khói
Tôi không bao giờ xem con người là cái gì khác hơn một thành phần của thiên nhiên, như mọi loài khác, không có ngoại lệ.
Và tôi biết thừa con người. Cái loài đó tham. Đòi rau quả từ đất, đòi cá tôm từ nước, đòi muông thú từ rừng, đòi từ trời chim chóc, vân vân và vân vân. Bao giờ cũng muốn chiếm đoạt nhiều hơn nữa.
Trong khi tôi và các loài khác luôn luôn tự biết thế nào là đủ.
Biết đủ. Con người là loài duy nhất không biết điều đó. Thế mới lạ!
Tôi ghét thần linh. Cái loài đó ảo. Sống tựa vào con người. Ngồi chờ lễ tế mà hít lấy khói hương. Sao lại thế? Không một chút tự trọng nào cả.
Thú ăn đá là kẻ vô thần và tự hào điều đó. Vô thần, vô chủ và vô tâm:
Trong từ điển của thú ăn đá:
vô thần: không bịa ra quỷ thần, không tạo hình quỷ thần.
vô chủ: không để ai đứng trên đầu mình hay trong đầu mình.
vô tâm: không lo, không ngại, không phiền.
Ba từ đó có thể tóm tắt triết lý của thú ăn đá. Và triết lý đó chẳng có gì phức tạp. Cũng chẳng cần hệ thống.
Có lần thú ăn đá gặp người. Trò chuyện:
Người – Mi không có bầy đàn à?
Thú – Không. Theo thời gian, hết con thú ăn đá này thì đến con thú ăn đá khác. Bao giờ cũng một mình. Thiên nhiên không tạo ra hai con thú ăn đá cùng một lúc. Dù vậy, trí nhớ thì truyền lưu từ đời này đến đời khác.
Người – Không thể hiểu nổi!
Thú – Đó chỉ là một trong vô số trò chơi sáng tạo của thiên nhiên thế thôi.
Người – Mi có mơ gì không trong khi ăn đá?
Thú – Mơ gì?
Người – Mơ làm thú ăn cỏ, thú ăn kiến, thú ăn lửa… hoặc là thú ăn người chẳng hạn.
Thú – Vô tâm
Người – Đá có ngon không?
Thú – Đá là thứ tuyệt vời nhất để ăn, đối với ta.

Thuở ấy hầu như không có chiến tranh. Trên núi cao bốn mùa im lặng có một cô gái lặng lẽ hầu như không nói năng, được gọi là Ngây Ngô. Nhưng cô có thể hót như chim, reo như suối reo và có thể ngân lên thứ tiếng của bông hoa nở, chiếc lá rơi.

Thuở ấy, sống gần thú ăn đá là nhóm người thuộc bộ lạc Cầu Vồng. Họ tôn thờ cầu vồng nên tự gọi thế. Và họ sống trên một dãy núi gọi là Đại Non.
Thần núi hiện ra trước mặt bộ lạc.
Thần – Nếu thú ăn đá xơi hết dãy núi này, ta sẽ chết. Vậy là chính nó đang xâm phạm quyền lợi của các ngươi. Nó là nguy cơ lớn nhất. Các ngươi sẽ có ngày chẳng còn nơi trú thân. Tận thế đến nơi mà các ngươi chẳng biết gì!
Người – Vậy chúng tôi phải làm sao đây?
Thần – Hãy cứu lấy thần linh để tự cứu các ngươi. Hãy quyết chiến với thú ăn đá vì thần linh. Nhân danh thần linh mà chiến đấu.
Người – Vâng, nhưng làm sao đánh bại được nó?
Thần – Các ngươi là bộ lạc của Cầu Vồng. Vậy mỗi lần cầu vồng xuất hiện, các ngươi sẽ được tiếp sức, đủ mạnh để đánh tan thú ăn đá.

Và để cứu thần núi, bộ lạc Cầu Vồng mở cuộc chiến lớn với thú ăn đá.
Thật ra, chỉ con người tìm diệt thú ăn đá. Thú chỉ tránh đi chứ không đánh trả.
Và để diệt một đời thú ăn đá, con người phải đốt rừng, phá núi, xâm hại thế giới tự nhiên bằng những biện pháp không tự nhiên chút nào.

Trong bộ lạc có cô gái Ngây Ngô.
Ngây Ngô, mọi người gọi vậy vì bốn mùa cô không nói gì. Rất hiếm khi cô nói tiếng người. Cô chỉ thích phát ra tiếng chim hót, tiếng gió reo trong lá và đôi khi người ta cảm tưởng từ cô lan ra tiếng hoa đang nở và lá đang rụng.
Một hôm, cô gái Ngây Ngô lên tiếng, nói với bộ lạc Cầu Vồng. Rằng tại sao phải tiêu diệt thú ăn đá. Vì sau khi ăn đủ lượng đá trong đời, thú ăn đá tự vỡ tan thành đá. Thế nên đá chẳng mất đi đâu và núi chẳng mất đi đâu. Một thú ăn đá mới ra đời cũng thế.
Tuyệt đối chẳng cần chiến tranh.
Tuyệt đối chẳng cần đốt rừng phá núi.

Lời cô gái Ngây Ngô chẳng những không được nghe mà còn làm bộ lạc Cầu Vồng nổi giận. Pháp sư ra lệnh cô phải leo lên các dốc cao tìm cho ra thú ăn đá nếu không sẽ bị thiêu sống.
Buộc phải lên đường, Ngây Ngô bắt đầu leo dốc. Nhưng cô cũng muốn gặp thú ăn đá. Không phải để ra hiệu chỉ lối cho bộ lạc.
Giữa mọi người, cô là kẻ duy nhất không có ác ý với thú ăn đá.
Thú ăn đá có thể tin cô.
Sau nhiều ngày leo trèo khó khăn, cuối cùng cô gái Ngây Ngô cũng toại nguyện.
Cô nhỏ bé và chỉ đi một mình nên thú ăn đá không né tránh. Không những thế, thú còn cố tình đón đợi cô.
Ngây Ngô – Em không có ác ý đâu.
Thú – Ta biết chứ, cô bé. Một bông hoa cô còn không ngắt, sao có thể ác ý với ai. Nhưng cô có biết là cầu vồng sắp mọc rồi không?
Ngây Ngô – Vâng.
Thú – Lần này, tin vào cầu vồng sẽ giúp tiêu diệt ta, bộ lạc của cô sẽ hăng hái lên đây quyết chiến.
Ngây Ngô – Trước đây, mỗi lần nhìn thấy cầu vồng, em vui thích vô cùng. Vì cầu vồng đẹp hơn cả hoa, cả bướm. Em mê màu sắc và ánh sáng của nó nhưng em không tôn thờ nó như mọi người. Mọi người kính sợ nó và ra lệnh em không được nhìn ngắm nó. Họ nói Thần Cầu Vồng sẽ nổi giận vì khi nhìn ngắm như vậy, em tỏ ra bất kính và báng bổ thần linh. Họ nói ngay cả thần núi cũng tôn thờ Thần Cầu Vồng.
Thú – Sao mà người ta mê muội đến thế. Chính những giấc mơ đẹp của con người đã tạo ra cầu vồng. Vì mơ cũng là ánh sáng. A, ta có cái này chỉ cho cô xem.
Thế rồi, nắm lấy tay cô gái Ngây Ngô, thú ăn đá đưa cô vào một tàng cây lớn như thể đang nấp trốn một chuyện gì đó.
Mà đúng thế. Tàng cây ấy ở gần chân cầu vồng.
Từ vách núi, một cái bóng lớn đi ra, tiến về phía chân cầu vồng.
Từ chỗ nấp trên một cành nhánh, qua kẽ lá Ngây Ngô nhận ra cái bóng kỳ dị đó chính là thần núi Đại Non đã từng hiện ra ở bộ lạc cô.
Cái miệng to tối ngòm đang làm gì vậy? Cái miệng hố thẳm của bóng thần núi suýt làm Ngây Ngô bật ra tiếng thét kinh hoàng nếu thú ăn đá không nhanh nhẹn che miệng cô.
Cái miệng hắc ám ấy đang bắt đầu nuốt cầu vồng. Và dải màu sắc long lanh ấy cứ trôi vào hố miệng phàm ăn.
Một chốc sau, chẳng còn lại gì trên bầu trời ướt mưa.
Đã no nê thỏa thích, cái bóng đen to lớn trở về vách núi, nhanh chóng biến mất.
Ngây Ngô – Tại sao hắn phải ăn cầu vồng?
Thú – Đó là thứ thần phàm ăn tục uống. Khói hương dù thừa mứa từ đám người mê tín, hắn vẫn ăn thêm cầu vồng. Ngoài ra, hắn tin rằng làm vậy, con người càng thần phục hắn hơn.
Ngây Ngô – Tại sao hắn phải gây ra chiến tranh?
Thú – Tự suy nghĩ đi, cô bé. Cô đâu có ngây ngô.
Ngây Ngô – Bây giờ thì em phải trở về.
Thú – Bộ lạc không chào đón cô đâu.
Ngây Ngô – Em biết.
Và rời khỏi tàng đại thụ, cô bé đi xuống. Đi xuống nơi không có ai chào đón cô.

Giữa đường đi xuống, dưới những chiếc lá đỏ nhẹ nhàng rơi, cô bé Ngây Ngô nằm chết. Ai giết cô? Không ai nhận.
Nằm trên cỏ hoa, cô im lặng như vẫn thường im lặng, như thiên nhiên vẫn thường im lặng.
Thuở ấy trên núi cao
bốn mùa thanh vắng
có hay không một cô gái tên là Ngây Ngô?

N.C.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây