Tác giả Thu Bồn

Thu Bồn

THU BỒN

(1935 – 2003)

Tên thật: Hà Đức Trọng
Sinh ngày 01 tháng Mười hai 1935
Quê quán: xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tham gia Thiếu Sinh quân từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, làm phóng viên chiến trường Liên khu 5, sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1962).

Tác phẩm chính:

Bài ca chim Chơ rao (trường ca, 1962); Quê hương mặt trời vàng (trường ca, 1975); Người vắt sữa bầu trời (trường ca 1985); Chớp trắng (tiểu thuyết, 1970); Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết, 1975); Em bé trong rừng thốt nốt (truyện, 1979); Đỉnh núi (tiểu thuyết, 1980); Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết, 1986); Vùng pháo sáng (tiểu thuyết, 1986)…

Giải thưởng:

Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu; Giải thưởng Văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973); Giải thưởng Báo Hà Nội Mới (1969); Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

 

CÁI GA NHÂN DÂN CHIẾN ĐẤU VÀ CON TÀU


Tôi đi Bắc Quảng Nam.
Đến đỉnh dốc Ô Rây, đồng bằng Quảng Nam hiện ra như một sa bàn. Bán đảo Sơn Trà tím sẫm, cong như yên ngựa. Sông Trường Định xanh lơ, những cánh buồm trắng như thực như mơ. Các nhánh sông lặng lẽ như tráng bạc. Ngay trên đỉnh dốc ấy có nấm mồ của anh hùng Võ Như Hưng – người dũng sĩ Điện Ngọc, người đầu tiên bắt sống 7 tên Mỹ tại Nam Thành (bọn Mỹ bấy giờ mang nhãn hiệu cố vấn). Nấm mộ người anh hùng nằm đây gắn liền với quê hương dưới kia. Hầu hết ấp chiến lược vùng Bắc Quảng Nam đã bị ta phá banh.
Tôi tìm đến đơn vị Hưng, gặp Hiền, người đội trưởng bảy dũng sĩ Điện Ngọc. Và trong một đêm tâm sự, Hiền kể cho tôi nghe về Tính, người yêu của anh – cô Xã đội trưởng Điện Hòa, nhà ở bên cạnh chợ Đông Quan gần đường sắt và đồn Bàu Sấu. Câu chuyện tình yêu của Hiền và Tính hay quá. Hiền kể: Tính đào hầm bí mật tóc vướng rễ tre rụng gần hết. Câu chuyện thu hút tôi và kéo chân tôi đến chiếc hầm bí mật có cô Tính người yêu của Hiền. Nửa năm ít thấy mặt trời, đã cho tôi thấy một mặt trời khác: cuộc chiến đấu thầm lặng của những đội công tác và lòng thương yêu đùm bọc của nhân dân đối với “anh lực lượng”. Bài thơ Chiếc hầm bí mật tôi viết ở đây.
Còn đương nặng nợ với những chiếc hầm, tôi lại phải ra đi. Xuyên qua những rừng già Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định tôi về thảo nguyên Gia Lai – quê hương của những bản trường ca nổi tiếng. Tôi đến làng Đepapờlếch. Hàng ngày ở ngoài nhà rẫy với đồng bào, tôi được tiếp xúc với các chiến sĩ vũ trang bí mật. Nhiều mẩu chuyện cảm động và đây là trường hợp thật tốt cho tôi viết bản trường ca Bài ca chim Ch’rao. Đến nay tôi vẫn không thể nào quên được em bé đốt nứa và ngồi giữ lửa cho tôi viết suốt đêm trong chòi rẫy. Củi nứa cháy rất sáng nhưng cũng hay nổ nếu đập chưa dập, thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì tiếng nổ. Đặc biệt, than nứa cũng chóng tàn, khi cháy nó biến thành một thứ tơ như lông mèo, làm lụi ngọn lửa, rất khó thổi cho nó cháy bùng trở lại. Trong thời gian ấy tôi cũng cố giữ ngọn lửa cảm hứng của tôi cháy mãi, vì nếu không hoàn thành được bản trường ca vào dịp đó thì suốt đời tôi phải ân hận, vì chẳng còn lúc nào tôi có thể viết lại được. Tháng năm trôi đi, những cái tro lông mèo trong cuộc sống sẽ làm tắt ngọn lửa cảm hứng của tôi. Bản trường ca được hoàn thành, tôi đọc cho bộ đội địa phương Khu 1 nghe, có đồng chí khóc. Còn cô bé có cái tên Hơ Tó ấy chắc đến nay đã thành một thiếu nữ Bana, đôi mắt luôn ngơ ngác và sáng trong nhìn tôi trong cái đêm hôm ấy có bao giờ đọc được bản trường ca tôi viết ra dưới ánh sáng của ngọn lửa trong tay cô không? Tôi cảm thấy bùi ngùi. Cuộc chiến đấu như dòng thác trôi qua, những hình ảnh đó trở lại với tôi như một kỷ niệm ngọt ngào nhưng cũng có khi tôi quên mất.
Từ giã Pa Lơn Khơn, một thời gian tôi về lại Quảng Tín. Suốt một đêm lội trong nước lụt, băng qua lộ 1 và ấp chiến lược ngay cổng đồn Bà Dụ, vượt hai con sông, tôi đến xã Kỳ Anh. Nước lụt làm bao nhiêu hầm bí mật và địa đạo bị ngập. Địch lợi dụng trận lụt, càn lớn. Tôi phải nằm trên cạn, quần với chúng suốt ngày, mới thấm thía thế nào là lòng dân, và có lòng dân thì cái công sự ngầm của tôi mới không mất. Anh giao liên dẫn tôi chui qua mấy ấp chiến lược các xã vùng Đông Mỹ để trở về. Người chúng tôi luôn ngập nước tới ngực, thỉnh thoảng anh giao liên quay lại nói thầm với tôi: “Mìn, mìn, vòng chỗ khác”. Sau một đêm mệt nhoài, tôi hỏi: “Anh đi con đường này bao nhiêu lần rồi?”
– Chừng hơn trăm lần – Anh đáp.
– Trời ơi! Tôi đi mới một đêm mà giờ bị cảm ho và cả người như muốn vắt ra nước, mà sao anh vẫn như không?
– Đi hằng trăm lần nên nó không còn gian khổ nữa.
– Anh khéo nói – Tôi bảo – Gian khổ là gian khổ chứ có phải quen mà gọi là không gian khổ ác liệt đâu.
– Vâng – Anh cười nheo mắt – Đúng là gian khổ là gian khổ, nhưng cái thước đo nó lại là mình.
Câu nói của anh làm tôi suy nghĩ mãi về sự tu dưỡng của người viết văn. Anh ở cơ sở, những năm đen tối ngồi hầm bí mật, bọn địch dùng chĩa sắt xăm hầm như săn chuột. Từ khi “đi lực lượng” anh luôn thủ trong người quả lựu đạn và một cây súng tiểu liên K50. Anh trông cho gặp thằng địch là nổ súng như xé vải, tương vào đầu chúng mấy quả lựu đạn cho hả giận. Còn tôi ở Khu với chiếc hầm kèo mang chữ đại thọ trước cửa, đêm yên giấc trên chiếc võng, do đó việc nhìn nhận thằng địch giữa anh và tôi có một khoảng cách.
Năm 1965, tôi đi một vòng chín tháng quanh Tây Nguyên. Ngày 5 tháng 6 tôi được dự trận đánh đèo Thanh Bình. Những ngày chuẩn bị tôi được gặp anh hùng Pui Thu và Kơ Pa Kơ Lơng khi ấy còn là cậu thiếu niên. Tôi có ý định viết bản anh hùng ca về người thiếu niên du kích đó nhưng không tài nào viết được.
Đến 15 giờ chiều ngày 5 tháng 6 ta nổ súng chặn đánh đoàn xe địch từ Pleiku đi Đức Cơ. Bộ đội xuất kích. Tôi rời chỉ huy sở chạy theo C1 làm nhiệm vụ chặn đầu, tiến ra mặt đường. Những hàng cỏ thẹn cao ngang đầu dính đầy máu. Trời bắt đầu mưa. Một chiếc cầu vồng vắt qua đường 29 kéo dài đến đồn Pi của quân đội vương quốc Campuchia. Khi ấy 29 chiếc trực thăng vũ trang từ Pleiku lên bắn vào trận địa. Các cỡ súng ta từ dưới đất bắn lên, đạn đỏ lừ. Hai chiến sĩ ta cướp được khẩu đại liên địch trên xe, loay hoay mãi không tháo được, vì súng lạ. Tôi nhảy lên xe, và khẩu súng này đối với tôi rất quen thuộc – khẩu Bờrôninh Canada – tôi bắn vào chiếc trực thăng và hăng máu hạ nòng súng xuống bắn luôn bọn bộ binh địch đương cố chạy lên chiếm đồi phía đối diện.
Đêm, trận đánh kết thúc, còn đối với tôi bản trường ca Trên đỉnh Chư Pông bắt đầu: Hỡi người lính của miền đau xưa đã đến…
Nhưng có một điều tôi day dứt mãi là khung cảnh trời buổi chiều hôm đó, trời bắt đầu mưa và vẫn đầy nắng, ánh cầu vồng ngũ sắc vắt qua ba biên giới và dưới ánh cầu vồng đó những lá cây dọc đường xuất kích đỏ ánh lên – chiếc cầu vồng bằng máu của chiến sĩ ta. Tôi vẫn bất lực chưa phác họa được cái khung cảnh hùng tráng, và từ nay về sau không hiểu tôi có thể làm được gì nữa chăng?
Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tôi theo cánh quân đánh vào mặt trận Đà Nẵng. Các cánh quân tiến vào đồng bằng như vũ bão, khí thế hào hùng, tôi lúng túng chưa biết viết gì. Nhưng đến đội đặc công Lê Độ (Đà Nẵng), tôi được biết tin: chị Tính – người yêu của Hiền – dũng sĩ Điện Ngọc, vào hoạt động trong Đà Nẵng bị bọn địch bắn chết. Người tôi nóng ran, và trong một giờ tôi viết xong bài thơ Đà Nẵng gọi ta. Anh Nguyễn Trung Thành( ) lấy bài thơ đến Báo Quảng Đà (bộ phận tiền phương) in thành nhiều bản. Và sau một tiếng đồng hồ bài thơ đã đến tận tay các chiến sĩ đang tiến vào thành phố.

… Nhà văn Simonov Liên Xô có lần tâm sự: “Viết về chiến tranh thật khó. Viết về chiến tranh như viết về sự việc hào nhoáng, linh đình và dễ dàng – đó là sự giả dối. Nhưng chỉ viết về những ngày và đêm vất vả, sự bẩn thỉu nhớp nhúa ở chiến hào, về sự lạnh lẽo của những đám tuyết, chỉ viết về cái chết và máu – như vậy cũng là giả dối vì tất cả những cái đó đều có thực, nhưng chỉ viết về những cái đó là quên hết tâm hồn và trái tim dũng cảm của người lính đương chiến đấu trong cuộc chiến tranh đó, quên mất trái tim dũng cảm của người lính trong giờ phút hăng say chiến đấu đã quên hết cảnh đầu rơi máu chảy và chỉ tin vào một cái là thắng lợi chờ đợi ở phía trước”.
Đúng như vậy. Người viết phải có tâm hồn vững chắc mới tìm hiểu được thực sự cuộc chiến đấu. Trình độ chính trị là thanh nam châm để hút chất sắt hiện thực ấy.
Tôi nghĩ rằng: người viết văn không thể nào như một con tàu mang đủ năng lượng để đi suốt mà không cần tiếp nhiên liệu ở các ga. Những cái ga nhân dân chiến đấu có đầy đủ nhiên liệu cho con tàu đi xa. Nhưng cũng đáng buồn thay cho con tàu nếu chỉ sinh ra để tiếp nhiên liệu ở các ga, vì như vậy không còn là mục đích của con tàu nữa. Người viết văn cũng vậy. Đi, sống, cuối cùng là để có được những sáng tác tốt. Đó là yêu cầu, cũng là nhiệm vụ.

Làng Mai, ngày 20/9/1974
T.B

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây