(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)

Nhắc đến Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là nhắc đến một nhà thơ lớn, một nhà giáo mẫu mực và một thầy thuốc sáng ngời y đức. Từ các tài liệu nghiên cứu cho thấy, trong nghề thầy thuốc, cụ Nguyễn Đình Chiểu quan tâm hàng đầu đến người bệnh, coi người bệnh như là chính mình. Y đạo và y đức của cụ Đồ Chiểu là tấm gương ngời sáng cho hậu thế noi theo.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền –  nguyên Viện trưởng Viện Văn học Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (người trực tiếp xây dựng hồ sơ Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu) nhận định, trong số 500 tác phẩm y học cổ truyền Việt Nam bằng Hán Nôm, “Ngư tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế đặc biệt. Nguyễn Đình Chiểu được xem là gương mặt lớn của các nhà Đông y trong lịch sử hơn 300 năm của vùng Nam Bộ.

Y đức mà Nguyễn Đình Chiểu chủ trương trong “Ngư tiều y thuật vấn đáp” và thực hiện trong cuộc đời làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người có sự tương đồng với lời thề Hippocrates của Tây y. Ở các nước thuộc châu Âu và châu Mỹ, mỗi khi một sinh viên y khoa ra trường, trước lúc nhận tấm bằng bác sĩ để vào đời hành nghề, đều trịnh trọng tuyên thệ lời thề Hippocrates trong không khí vô cùng trang nghiêm của buổi lễ tốt nghiệp. Lời thề truyền thống đó, trong một chừng mực nhất định đã mang một ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, có tác dụng thôi thúc, động viên người thầy thuốc làm việc thiện, răn điều ác trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình.

Cách đây hơn một thế kỷ, ngay ở Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã làm như vậy. Khi viết: “Xưa rằng: Thầy thuốc học thông/ Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh/ Giúp người chẳng vụ tiếng danh/ Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghét tài/ Biết không, không biết mặc ai/ Chuyên nghề làm phải chẳng nài thiệt hơn/ Trọn mình noi nghĩa ở nhân/ Bo bo giữ việc ra ân làm lành/ Bệnh nào cho thuốc chẳng lành/ Nhỏ lòng lo sợ, xét mình phải chăng…” (Ngư tiều y thuật vấn đáp). Vì thế, Nguyễn Đình Chiểu là người thầy thuốc mẫu mực từ hành động, nhân cách đến y đức học của nhà Đông y tại Nam Bộ 200 năm qua.

“Điều đáng khâm phục nữa là khi đã bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thầy thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y uyên thâm về y lý, đặc biệt là y đức và y đạo. Y thuật và y đạo để vừa cứu người vừa cứu dân, cứu nước. Khi ông mất, biết bao nhiêu bệnh nhân được ông chữa khỏi đã đến xin chịu tang. Sự uyên thâm về y lý, tất cả những tâm huyết nghề y và tấm lòng đối với đất nước đã được thể hiện ở tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp” – một tác phẩm nổi tiếng dạy đạo cứu người và đạo làm người trong hoàn cảnh đất nước không còn chủ quyền, người dân chịu cơ khổ”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền bày tỏ.

Trong một cuộc sinh hoạt chuyên đề về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu do Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tổ chức gần đây, ông Nguyễn Chí Đông – Chủ tịch Công đoàn ngành y tế chia sẻ: Nguyễn Đình Chiểu là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Cả về y thuật và y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Cụ Đồ Chiểu cũng đã lên án các việc làm bất chính hại đến tính mạng con người. Cụ đề cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Chí Đông, qua thời gian, những quan điểm và cơ sở y thuật Á Đông của Nguyễn Đình Chiểu vẫn rất mới, rất phù hợp với quan niệm hiện nay. Tư tưởng y đức học của cụ Đồ Chiểu thật toàn diện. Cụ khuyên người thầy thuốc cần phải trau dồi cả tài năng và đức độ trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình. Y đức của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vẫn mãi là tấm gương sáng cho ngành y hiện nay nói chung, phấn đấu không ngừng phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Chẳng nên láo xược khoe khoang/ Lấy tiền ăn trước cuốn đàng chạy sau/ Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành…” (Ngư tiều y thuật vấn đáp).

***

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), quê quán tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau biến cố lịch sử, cụ và gia đình về sống tại làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri). Hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Bến Tre, cụ đã để lại cho hậu thế những áng thơ văn bất hủ. Mộ của cụ nằm tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri. Năm 1972, nhà thờ được xây dựng tại khu mộ. Nơi đây được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990; đến năm 2016, di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2022, tỉnh sẽ có chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ.

ÁNH NGUYỆT

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây