Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore – Kỳ 1

Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore - Kỳ 1

Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore – Kỳ 1

 

Mùa hái quả

Tác giả: Rabindranath Tagore
Người dịch: Bùi Xuân
(Theo bản dịch từ tiếng Begal sang tiếng Anh của Rabindranath Tagore do The MacMillan Company xuất bản năm 1916.)

Gurudev Rabindranath Tagore (1861 – 1941), sinh tại  Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ, là người châu Á đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học vào năm 1913. Rabindranath Tagore là tác giả của  hơn 1.000 bài thơ (50 tập),  12 bộ  tiểu thuyết, 42 vở kịch, 2.000 tranh vẽ, 2.000 bài hát và hàng trăm luận văn, truyện ngắn…

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh ( 7/5/1861 – 7/5/2021) và 80 năm Ngày mất (7/8/1941 – 7/8/2021) của Đại thi hào Rabindranath Tagore, qua một thời gian chuẩn bị, vansudia.net xin trân trọng giới thiệu 3 thi phẩm trong số các thi phẩm lừng danh của Ông: Mùa hái quả (Fruit-Gathering), Bầy chim lạc (Stray Birds), Người thoáng hiện (The Fugitive) qua bản dịch của Nhà thơ, Dịch giả, Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân.

Giữa Đại dịch COVID-19 đang hoành hành, trong nỗi lo âu của cả nhân loại, bạn đọc có thể  tìm thấy trong thơ Tagore lời an ủi, sự đồng cảm và nỗ lực để vượt qua nghèo khó và dịch bệnh mà nhân loại đã từng trải qua trong lịch sử…

vansudia.net

 

bs1 min - Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore - Kỳ 1

bs2 min - Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore - Kỳ 1

bs3 min - Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore - Kỳ 1

bs4 min - Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore - Kỳ 1

 

Lời giới thiệu

Tập thơ nhỏ nhắn, xinh xắn mang tên Mùa hái quả (Fruit-Gathering) này do dịch giả Bùi Xuân chuyển ngữ ra tiếng Việt là tập thơ tiêu biểu của Rabindranath Tagore – nhà thơ lớn của Ấn Độ và thế giới. Tập thơ có 86 bài, là bản hợp tấu hùng hồn thúc giục nhân dân Ấn Độ lao vào bão táp, đẩy con thuyền dân tộc vượt qua khói lửa chiến tranh, vượt qua đói nghèo, nô lệ, tiến tới Tự do – Hòa bình – Chân lí .

Tuy ra đời cùng thời với các tập thơ nổi tiếng như Người làm vườn (1914), Mảnh trăng non (1915), Cánh thiên nga (1916), Bầy chim lạc(1916)… nhưng phong cách nghệ thuật của Mùa hái quả hoàn toàn không giống các  tập thơ trên. Đọc và hiểu nó không phải là dễ dàng. Tập thơ mang tính tượng trưng, so sánh, ẩn dụ khá sâu sắc, có dấu ấn của tập Thơ Dâng(Gitanjali), tác phẩm được giải Nobel năm 1913.

Chúng ta bắt gặp trong Mùa hái quả nhiều hình ảnh, biểu tượng, từ ngữ cao siêu và thiêng liêng như Chúa, Thần, Thánh, Người Xa Lạ, Ánh Sáng, Bóng Tối, Bầu Trời… Trong  tập thơ, Tagore còn dùng nhiều cốt truyện có âm hưởng cổ tích, huyền thoại, ngụ ngôn. Tất cả được kể với giọng điệu cầu nguyện, suy tư, triết lí , thành kính và nồng nàn.

Mùa hái quả  được phủ một lớp sương mù huyền ảo nhưng vẫn lấp lánh ánh sáng của hiện thực. Thơ Tagore phần nhiều là thế cho nên có nhà nghiên cứu đã xem Tagore là một họa sĩ có tài vẽ bụi đất và ánh sáng mặt trời.

Rabindranath Tagore để lại một gia tài thơ ca khá lớn cho nhân loại, 52 tập thơ với hàng ngàn bài thơ ngắn dài. Đáng tiếc ở Việt Nam,  thơ Tagore chưa được dịch nhiều. Tính từ trước đến nay, chúng ta mới dịch trọn vẹn  được 6 tập. Con số nhỏ bé, ít ỏi này chưa thật tương xứng với lòng yêu thích và ngưỡng mộ Tagore ở Việt Nam. Chúng ta hi vọng một ngàygần đây, thiếu sót đó sẽ được bổ sung dần dần.

Nhân đây, tôi xin trân trọng giới thiệu tập thơ Mùa hái quả, dịch phẩm thứ hai mà dịch giả Bùi Xuân vừa mới hoàn thành. Đây là một sự đóng góp đáng quý của dịch giả vào sự nghiệp nghiên cứu và giới thiệu Tagore ở Việt Nam. Hy vọng tập thơ sẽ làm hài lòng và được đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc xa gần.

LƯU ĐỨC TRUNG[1]

 

Mùa hái quả

I

Hãy bảo đi và tôi sẽ mang đến sân nhà bạn những giỏ đầy quả, mặc dù có một số quả bị hỏng và một số còn chưa chín.
Bởi mùa dâng lên nặng trĩu tràn đầy, và tiếng sáo mục đồng rên rỉ trong bóng râm.
Hãy bảo đi và tôi sẽ giong buồm trên sông. Gió tháng Ba lơi lả, lay nhẹ làn sóng uể oải làmthốt lên tiếng thì thầm.
Vườn đã mang lại tất cả, và trong thời khắc mệtmỏi của buổi chiều tà có tiếng gọi từ nhà bạn trên bờ biển trong ánh hoàng hôn.

II

Cuộc đời tôi khi còn trẻ giống như một bông hoa – một bông hoa lơi ra một vài cánh hoa từ sự phong phú của mình và không bao giờ cảm thấy mất mát khi làn gió xuân đến cầu xin bên cửa.
Bây giờ tuổi trẻ đã trôi qua, cuộc đời tôi giống như một trái cây, chẳng còn gì phải giữ, và chờ đợi để tận hiến thân mình với gánh ngọt ngào nặng trĩu.

III

Có phải lễ hội mùa hè chỉ dành cho những bông hoa tươi tắn, mà không dành cho lá úa hoa tàn?
Có phải bài hát của biển chỉ bắt nhịp với những đợt sóng đang lên?
Nó không hát với những con sóng rụng xuống?
Ngọc ngà châu báu được dệt thành tấm thảm nơi đức vua ngự, nhưng ở đó bùn đất vẫn kiên nhẫn chờ đợi bàn chân người chạm tới.
Rất ít những nhà thông thái, cao trọng được ngồi cùng Thầy tôi, nhưng người đã đón nhận những kẻ khờ dại trong vòng tay của mình, đã khiến tôi phụng sự người mãi mãi.

IV

Sớm mai thức dậy, tôi tìm thấy bức thư của người ấy.
Tôi không biết những gì thư nói, vì tôi có đọc được đâu.
Tôi sẽ để mặc cho nhà thông thái một mình với cuốn sách của ông ta, tôi ẽ không làm phiền con người hiểu biết ấy dù ông ta có thể đọc được những gì thư nói.
Hãy để tôi giữ nó trên trán và áp lên tim mình. Khi màn đêm buông xuống, các vì sao từng chiếc hiện ra, tôi sẽ để thư lan tỏa trong lòng và giữ im lặng.
Lá xào xạc sẽ đọc cho tôi nghe, dòng suối vội vàng sẽ ca tụng nó và bảy ngôi sao khôn ngoan sẽ ca hát cho tôi từ bầu trời.
Tôi không thể thấy những gì mình tìm, không thể hiểu những gì mình muốn biết, nhưng dù chưa đọc, lá thư này đã làm sáng tỏ gánh nặng trong tôi và biến những suy nghĩ của tôi vào bài hát.

V

Một chút bụi đất cũng có thể che giấu tín hiệu của bạn khi tôi còn chưa biết ý nghĩa của nó.
Bây giờ khôn ngoan hơn, tôi đọc được tất cả những điều trước kia mình chưa biết.
Nó là sắc màu của những cánh hoa; là làn ánh sáng phát ra từ bọt biển; là những ngọn đồi ôm đỉnh trên cao.
Trước kia, tôi quay mặt với bạn, vì thế, tôi chỉ đọc được những bức thư xô lệch và không hiểu được ý nghĩa của chúng.

VI

Đó là nơi những con đường làm tôi mất lối đi.
Trong biển nước mênh mông, trong bầu trời xanh không dấu vết.
Con đường giấu mình trong đôi cánh chim bay, trong những vì sao cháy rực, trong những bông hoa đi qua các mùa.
Và tôi hỏi trái tim tôi, dường như máu của nó mang trí tuệ của những con đường vô hình.

VII

Than ôi, tôi không thể ở lại nhà, và gia đình đã không còn là mái ấm của tôi, bởi tiếng gọi không ngừng nghỉ của Người Xa Lạ vĩnh cửu, người đang đi dọc trên con đường.
Âm thanh những bước chân người ấy gõ lên ngực tôi, khiến tôi đau khổ!
Gió lên, biển rên rỉ. Tôi bỏ lại tất cả những lo âu ngần ngại để bước theo làn sóng lang bạt, theo tiếng gọi của Người Xa Lạ, người đang đi dọc trên con đường.

VIII

Tim ta ơi! hãy sẵn sàng lao tới và mặc cho những kẻ chần chừ.
Bởi tên ngươi đã được gọi to trên bầu trời buổi sáng.
Đừng chờ đợi ai!
Nụ hoa thì thích đêm tối và sương mù, nhưng bông hoa thì đòi hỏi ánh sáng tự do.
Tim ta ơi, hãy đập vỡ vỏ bọc của mình, và lao tới!

IX

Khi tôi nấn ná trong kho báu của mình, tôi  cảm thấy mình giống như một con sâu đang gặm nhấm bầu bóng tối trong ruột quả, nơi nó  sinh ra.
Tôi rời khỏi nhà tù thối rữa đó. Tôi không cần sự tĩnh lặng mốc meo, bởi tôi đi trên con đường tìm kiếm tuổi trẻ đời đời; tôi vứt bỏ tất cả những thứ không giống với cuộc sống, cũng không chút nhẹ nhàng như tiếng cười của mình.
Tôi băng qua thời gian và, Ôi trái tim tôi, trongcỗ xe ngựa đó, nhà thơ xoay tròn trong điệu múa và ca hát khi người lang thang.

X

Người nắm tay tôi và kéo lại gần, đặt ngồi trên chiếc ghế cao hơn tất cả mọi người, cho tới khi tôi trở nên quá yếu đuối, không thể gượng dậy để tự đi trên con đường của mình; do dự và cân nhắc mỗi bước chân, tôi giẫm lên gai nhọn của sự ghét bỏ.
Cuối cùng tôi đã được giải thoát!  Cú đánh giáng xuống, tiếng trống nhục mạ vang lên, chỗ ngồi của tôi chìm sâu trong bụi đất.
Hướng đi của tôi đã mở ra phía trước. Đôi cánh của tôi khao khát bầu trời.  Tôi nhập cùng đám sao băng của đêm khuya, lao vào bóng tối thăm thẳm.
Tôi giống như cơn bão – lái đám mây mùa hè, gỡ bỏ chiếc vương miện bằng vàng, treo lơ lửng như lưỡi tầm sét trên chuỗi ánh chớp.
Trong niềm hân hoan liều lĩnh, tôi chạy trên con đường bụi bặm của cơn miệt thị; tôi tiến gần tới đích cuối cùng trong sự chào đón của người.
Đứa trẻ tìm thấy mẹ ngay từ lúc nó mới lọt lòng.  Khi tôi bị bứt ra khỏi người, bị vứt vào đám tôi tớ nhà người, tôi được tự do nhìn ngắm mặt người.

 


[1] Nguyên giáo sư Văn học Châu Á – Trường ĐHSP Hà Nội

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây