Thêm 83 loài thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam

Trong năm 2023, các nhà nghiên cứu thực vật (gồm cả Việt Nam và nước ngoài) đã bổ sung cho thế giới 83 loài thực vật mới từ Việt Nam. Việc phát hiện những loài thực vật mới giúp đánh giá được sự đa dạng về các loài, là tiền đề cho các nghiên cứu như đa dạng gen, tiềm năng tài nguyên thực vật,…

Theo thống kê của TS. Phạm Thành Trang (Trường Đại học Lâm Nghiệp) và TS. Phạm Văn Thế (Trường Đại học Văn Lang), trong năm 2023, các nhà nghiên cứu thực vật đã công bố 83 loài thực vật mới cho khoa học phát hiện tại Việt Nam.

Các công bố này nằm trong 56 bài báo khoa học được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Số lượng loài mới năm 2023 nhiều hơn năm 2022 là 8 loài (83 loài so với 75 loài), nhiều hơn năm 2021 là 17 loài (83 loài so với 66 loài)

Những công bố này chủ yếu được thực hiện bởi sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế với số lượng 44/56 bài. Các bài chỉ có các tác giả Việt Nam chiếm 9/56 bài, và các bài chỉ có tác giả nước ngoài chiếm 3/56. Điều đó cho thấy có sự hợp tác quốc tế, thì các tác giả Việt Nam sẽ công bố được nhiều hơn.

Them 83 loai thuc vat moi - Thêm 83 loài thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam

Các loài mới chủ yếu là những loài thân thảo, dây leo, và cây bụi. Trong đó có thể kể đến loài thân thảo như Mạch môn Mường Nhé Ophiopogon muongnhensis phát hiện tại tỉnh Điện Biên, công bố trong tạp chí Phytotaxa hồi đầu năm.

Them 83 loai thuc vat moi 2 - Thêm 83 loài thực vật mới được phát hiện tại Việt NamMạch môn Mường Nhé Ophiopogon muongnhensis phát hiện tại tỉnh Điện Biên. Ảnh chụp từ bài báo.

Các loài cây gỗ phát hiện mới rất ít, trong đó có loài điển hình là loài Trà hoa vàng Văn Lang Camellia vanlangensis phát hiện tại tỉnh Thanh Hóa, công bố trong tạp chí Taiwania vào cuối năm.

Them 83 loai thuc vat moi 3 - Thêm 83 loài thực vật mới được phát hiện tại Việt NamTrà hoa vàng Văn Lang Camellia vanlangensis phát hiện tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh chụp từ bài báo.

Thống kê cho thấy, tạp chí công bố hơn nửa số bài báo là Phytotaxa gồm 31 bài, đây là tạp chí có tốc độ xuất bản khá nhanh. Các tạp chí khác có Kew Bulletin gồm 6 bài; PhytoKeys và Taiwania mỗi tạp chí 5 bài; Academia Journal of Biology đăng 3 bài; PlosOne, Bulletin of the National Museum of Nature and Science (Series B), PlantsJournal of Botany ResearchAcademia Journal of BiologyAdansoniaDalat University Journal of Science mỗi tạp chí 1 bài.

Trong số các tạp chí đó có 2 tạp chí trong nước gồm Academia Journal of Biology thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và Dalat University Journal of Science của Đại học Đà Lạt.

Them 83 loai thuc vat moi 4 - Thêm 83 loài thực vật mới được phát hiện tại Việt Nam

Theo thông tin cập nhật từ trang IPNI (International Plant Names Index), năm 2023 có 4.205 tên taxa thực vật mới được công bố trên toàn thế giới (taxa bao gồm nhiều bậc phân loại như họ, chi, loài, thứ …). Như vậy, 83 loài mới phát hiện từ Việt Nam chiếm khoảng gần 2% so với thế giới.

“Đây là con số khá khiêm tốn vì những năm gần đây, với sự mở rộng các nghiên cứu về sinh học phân tử, các taxa được tách ra hoặc gộp vào khá nhiều dẫn đến tên của chúng thay đổi. Trong khi đó, các nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu thiên về quan sát các đặc điểm hình thái như đặc điểm hình dạng, màu sắc hoa, quả, thân, lá… nên khả năng công bố sẽ bị hạn chế hơn”, TS. Phạm Văn Thế bình luận.

Việc phát hiện những loài thực vật mới có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thành phần các loài thực vật hiện có trên trái đất. Từ đó đánh giá được sự đa dạng về các loài, là tiền đề cho các nghiên cứu như đa dạng gen, tiềm năng tài nguyên thực vật. Trong số những loài thực vật mới đó, rất có thể có những loài có giá trị dược liệu cao, có thể cứu sống con người thoát khỏi các dịch bệnh hiểm nghèo. Hoặc chúng cũng có thể có tiềm năng kinh tế như làm cảnh, thực phẩm hoặc vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ sinh thái.

L.Quỳnh

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây