“La Poétique du Kiều” – ấn bản tiếng Pháp của “Thi pháp Truyện Kiều” được chuyển ngữ, dự kiến phát hành toàn cầu vào giữa tháng 9.
Cuối tháng 7, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm công bố hợp tác với Nhà xuất bản Kimé của Pháp để chuyển ngữ cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều của GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử.
Tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp trong khuôn khổ Dự án hợp tác Việt – Pháp giữa Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Sư phạm Cao cấp Paris do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm là đơn vị điều phối về phía Việt Nam.
Công trình Thi pháp Truyện Kiều được lên kế hoạch dịch và hiệu đính trong gần 6 năm qua, ngay sau Hội thảo khoa học quốc tế Việt – Pháp lần thứ nhất được tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018.
La Poétique du Kiều – ấn bản tiếng Pháp của Thi pháp Truyện Kiều dự kiến phát hành toàn cầu vào giữa tháng 9.
Thi pháp Truyện Kiều được xuất bản lần đầu vào năm 2002, sau đó liên tục được tái bản.
Giáo sư Trần Đình Sử vốn “yêu Truyện Kiều từ thời trẻ” và từ những năm 1960 đã bắt đầu có ý thức “sưu tập tư liệu về Truyện Kiều”. Đến những năm 1970, ông “có ý định nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều”.
Trong lần xuất bản năm 2018 tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, tác giả đã có những chỉnh lí, bổ sung để làm tăng thêm giá trị của cuốn sách. Những điều chỉnh này đã được tác giả trình bày cụ thể ở Lời dẫn.
Bìa sách “Thi pháp Truyện Kiều” (Ảnh: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm).
Ngoài Lời dẫn, Lời nói đầu, cuốn sách gồm 7 chương. Chương 1 nêu nhận xét về những đường nét lớn trên phương diện nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều.
Chương 2 phác họa bức tranh nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và văn hóa, văn học Trung Quốc.
Chương 3 trình bày quan hệ giữa ngâm khúc và truyện thơ Nôm với Truyện Kiều, để làm sáng tỏ sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa, văn học Việt Nam mà cụ thể là các mối quan hệ về nội dung, thể loại văn học của Truyện Kiều.
Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều của Nguyễn Du được phác họa ở chương 4. Việc chỉ rõ loại hình tự sự của Truyện Kiều ở chương 5 đã cho thấy rõ tính chất tiểu thuyết cũng như chất cảm thương, chất thơ và vai trò của độc thoại nội tâm trong tác phẩm.
Chương 6 xem xét tu từ Truyện Kiều ở các phương diện: giọng điệu cảm thương, màu sắc, đối ngẫu, phép sóng đôi, ẩn dụ và điển cố.
Đến chương 7, độc giả sẽ có được một cái nhìn bao quát về “sức sống” của Truyện Kiều trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Phần Phụ lục gồm 7 bài tiểu luận của tác giả về Nguyễn Du và Truyện Kiều; 3 bài bình luận, đánh giá của các nhà nghiên cứu có uy tín về cuốn Thi pháp Truyện Kiều của tác giả.