Thơ R. Tagore – cuộc phối hôn giữa các nền văn hoá

Thơ R. Tagore - cuộc phối hôn giữa các nền văn hoá - Văn Học - VSD

THƠ R. TAGORE – CUỘC PHỐI HÔN GIỮA CÁC NỀN VĂN HOÁ

PGS.TS. Nguyễn Văn Hạnh[1]

Lịch sử tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của thơ ca Ấn Độ đã sản sinh ra nhiều tài năng kiệt xuất mà tên tuổi của họ đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia rộng lớn này. Rabindranath Tagore (1861 – 1941) là một trong số đó. Ông được xem là kỳ công thứ hai của tạo hoá sau Kalidasa(1), một tổng hợp của thơ ca Ấn Độ từ thời Veda, qua văn học Phật giáo đến thời kỳ phục hưng dân tộc, và là “cái mà chúng ta gọi là văn hoá Ấn Độ”(Indra Gandhi). R. Tagore sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, và ở lĩnh vực nào cũng đạt được những thành tựu rực rỡ, song cả phương Đông và phương Tây biết đến ông nhiều nhất trong tư cách một nhà thơ. Hơn 60 năm sáng tạo, ông để lại 52 tập thơ với hơn 3000 bài thơ, trong đó Thơ Dâng (Gitanjali) được trao tặng giải Nobel văn học (1913) trở thành một kiệt tác của thơ ca nhân loại. Với thơ ca, ông đã thực hiện một cuộc phối hôn giữa các nền văn hoá truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, phương Đông và phương Tây.

R. Tagore xuất hiện trên văn đàn Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1873, khi vừa tròn 12 tuổi. Trong một bài thơ của mình, R. Tagore đã hình dung ra cảnh tượng đạo sĩ Vyasa ngồi trên đỉnh Himalayas, ôm cây đàn vina (2), hướng vọng về những anh hùng trong quá khứ, dạo khúc nhạc buồn về tình cảnh đất nước đang trong vòng nô lệ. Năm 1876, khi vừa tròn 15 tuổi, R. Tagore xuất bản tập thơ đầu tiên với tên gọi Banaphul (Bông hoa dại). Tập thơ là bản trường ca về một bi kịch tình yêu, dài hơn 1600 dòng thơ, được in trên tờ báo văn học Gyanankur. Sự xuất hiện của tập thơ Bông hoa dại, đã thu hút sự chú ý của công chúng văn học, trong đó có nhiều nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng, như Viharilal, Bankim Chandra, Chattopadhyay… R. Tagore được nói tới như một tài năng xuất chúng, một hiện tượng đặc biệt của thơ ca Bengal. Bankim Chandra đã xem R. Tagore là “một tài năng thơ ca đầy triển vọng, đáng khâm phục” của thơ ca Bengal bấy giờ.

Trên đại thể, sáng tác thơ ca của R. Tagore có thể chia thành hai thời kỳ, mà ranh giới của nó là bài Uvarsi viết vào năm nhà thơ ngoài 20 tuổi. Hình tượng nữ thần Uvarsi kiều diễm trẻ trung trong thần thoại Veda, đi vào thơ R. Tagore mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho buổi thanh xuân của nhân loại. Ở thời kỳ đầu, thơ ông chịu ảnh hưởng một cách tự nhiên tinh thần tôn giáo và phong cách lãng mạn của thơ Hem Chandra, Bandyopadhyay – những nhà thơ nổi tiếng nhất ở Bengal bấy giờ. Trong khoảng thời gian 5 năm, từ 1873 đến 1878, khi được cha gửi sang Anh học luật, R. Tagore đã sáng tác hàng trăm bài thơ bằng hai thứ tiếng Hindu và Bengal theo phong cách lãng mạn, mang đậm chất trữ tình. Nhiều bài trong số đó về sau được ông xuất bản trong một số tập thơ, như: Kavikahini (1878), Banaphool (1880), Saisaw Sangeet (1884). Năm 1881, R. Tagore xuất bản tập thơ Những bài ca ban chiều, đánh dấu những tìm tòi thể nghiệm của ông theo hướng tự do hoá hình thức, phá vỡ tính quy phạm của thơ ca cổ điển. Những bài thơ trong tập được làm theo hình thức thơ tự do có vần. Nói về tập thơ Những bài ca ban chiều, R. Tagore cho rằng, đây là lần đầu tiên ông tránh được sự bắt chước mô phỏng. Và theo ông, “cần phải biết lịch sử thơ ca trữ tình Ấn Độ mới hình dung được việc vất bỏ những hình thức niêm luật thơ ca truyền thống là táo bạo như thế nào”(3). Chỉ một năm sau, năm 1882, R. Tagore xuất bản tập thơ Những bài ca buổi sáng. Nhận xét về tập thơ này, ông cho rằng, đây là tập thơ đầu tiên cái tôi nội tâm của ông được bộc lộ trực tiếp, mạnh mẽ. Hai tập thơ xuất bản trong hai năm liền với những sự cách tân táo bạo thực sự đã mang lại cho R. Tagore danh tiếng và cả không ít phiền toái. Nhiều nhà phê bình ở Bengal đã không tiếc lời chỉ trích ông. Theo họ, ông không đủ sức làm một bài thơ đúng ngữ pháp Bengal! Họ đã xem ông như một “thứ ngoại đạo trong văn học”(4). Điều này vô hình trung đã tạo cho ông một khoảng trời tự do để tìm tòi, sáng tạo. Nhớ về những tháng năm này, trong hồi ký của mình ông viết: “Khi bắt đầu cuộc đời sáng tạo tôi còn rất trẻ. Tôi là nhà văn trẻ nhất trong số các nhà văn được chú ý bấy giờ. Tôi không được che chở bởi cái vỏ bọc của tuổi tác và một học vấn của nền giáo dục khả kính của người Anh. Và chính trong sự cô độc ấy, tôi lại có được tự do. Dần dần tôi trưởng thành theo năm tháng và không cần đòi hỏi một tín ngưỡng nào. Qua những cười đùa, chế diễu, tôi tìm ra con đường đi tới chân lý. Ở đó tỷ lệ giữa khen và chê cũng giống như tỷ lệ giữa đất và nước trên trái đất của chúng ta”(5). Một số đông công chúng cho rằng, thơ ông không bắt nguồn từ trong truyền thống dân tộc; một số khác lại cho là thơ ông khó hiểu, không sáng sủa, rõ ràng. Vượt lên tất cả sự khen chê, ông kiên trì con đường ông đã chọn. Như vậy, có thể thấy, ngay từ khi bước vào cuộc đời thi sĩ, R. Tagore không chỉ có tài năng thiên bẩm mà còn có bản lĩnh của một người nghệ sĩ lớn, mà theo ông “không chỉ có hạt giống của riêng mình mà còn phải làm mảnh đất của riêng mình nữa”(6).

Vào những năm đầu thế kỷ XX, tài năng thơ ca của R. Tagore đã vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ. Hàng loạt tác phẩm của ông được xuất bản không chỉ bằng tiếng Bengal, mà còn bằng tiếng Anh, trong đó có không ít tập thơ do chính nhà thơ chuyển ngữ (hay nói đúng hơn là sáng tạo lại trên một ngôn ngữ thứ hai – tiếng Anh). Thơ ông luôn thể hiện một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần dân tộc và ý thức nhân loại. Nó được thể hiện qua phong cách ngôn ngữ thơ ca mang tính đặc tuyển (e’lite) chứ không thuần tuý là tính quần chúng, bình dân như sáng tác của nhiều nhà thơ trong phong trào dân tộc chủ nghĩa bấy giờ. Bởi thế, thơ ông không chỉ tác động vào ý thức xã hội, khơi dậy truyền thống dân tộc, mà còn có khả năng tác động thẩm mỹ. Ở đó, tinh thần dân tộc đã được chuyển tải trong một hình thức thơ ca lãng mạn, trữ tình, với một ý thức mạnh mẽ của con người cá nhân cá tính. Ông đã tìm được điểm gặp gỡ giữa chủ nghĩa lãng mạn với cảm hứng thẩm mỹ trong truyền thống thơ ca dân tộc. Điều này đã khiến cho thơ ông vừa thấm đậm mùi hương Ấn Độ, vừa mang vẻ cao sang trong nghệ thuật ngôn từ, đầy tính cách tân. Tuy nhiên, trong bối cảnh bấy giờ ở Ấn Độ, điều này không dễ được thừa nhận. Và vì thế, R. Tagore như một lữ khách đơn độc, lẻ loi trên con đường tìm kiếm những mối liên hệ tế vi, chìm khuất trong truyền thống hàng ngàn năm của thơ ca Ấn Độ với những gì đang diễn ra trong thời đại ông.

Cũng như nhiều trí thức cấp tiến bấy giờ, R.Tagore sớm được làm quen với văn học và tư tưởng phương Tây qua sáng tác của những nhà văn tiến bộ như D. Defoe, W. Shakespeare, W. Scott… Mới 11 tuổi, ông đã dịch được kịch Macbet của W. Shakespeare từ nguyên tác ra tiếng Bengal. Ở vào tuổi trưởng thành, những tên tuổi lớn trong văn học phương Tây hiện đại như P. Selley, G. Byron, V. Hugo, H. Heine, W. Goethe, B. Brecht, W. Whitman… đã không còn xa lạ với ông. Những sáng tác của họ đã mang lại cho ông nhiều điều thú vị, bất ngờ, mà ông chưa từng được biết trong nền văn hoá, văn học Ấn Độ truyền thống. Niềm ham mê, hứng thú và nỗi khát khao khám phá những ánh sáng mới lạ đã thôi thúc ông tìm đến với nhiều ngôn ngữ châu Âu. Ngoài tiếng Anh, ông còn học tiếng Pháp, tiếng Đức và trở thành một dịch giả. Nhiều sáng tác của V. Hugo, W. Goethe đã được ông dịch ra tiếng Bengal. Mặt khác, ông cũng dịch nhiều tác phẩm văn học Ấn Độ như thơ Kabir, Tulsi Das… ra tiếng Anh. Nhờ đó, “thế giới tinh thần của ông rất Ấn Độ, ông lại bao quát được tinh thần nhân loại nói chung”(7). Những ngày cuối đời, ở vào tuổi 80, khi nhìn lại con đường sáng tạo của mình và quá trình văn học Ấn Độ, R. Tagore đã không phủ nhận những ảnh hưởng sâu sắc mà ông và cả nền văn học Ấn Độ bấy giờ đã đón nhận từ văn học Anh. Ông viết: “Nền văn học Anh nuôi dưỡng đầu óc chúng ta trong quá khứ, ngày nay, thậm chí vẫn còn truyền lại âm vang sâu thẳm trong lòng chúng ta”(8). Vào thời điểm R. Tagore viết những dòng trên đây (5/1941), ở Ấn Độ, làn sóng bài ngoại gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Anh do M. Gandhi lãnh đạo đang lan rộng một cách mạnh mẽ. Đặt vào hoàn cảnh lịch sử đó mới thấy được tầm vóc, bản lĩnh của R. Tagore. Ông đã vượt lên sự định kiến và lòng hận thù dân tộc tìm đến những giá trị chung của mọi nền văn hoá, hướng tới một thế giới bình đẳng, tự do. Khi nói về quá trình sáng tạo nghệ thuật của R. Tagore, trong một bài viết trên tạp chí Lịch sử văn hoá thế giới (1/1960), viện sĩ C. Ondenbua cho rằng, tính chất cách mạng trong tư duy thơ R. Tagore đã được quyết định bởi một nền văn học qua W. Shakespeare, J. Milton, G. Byron… Thời đại phục hưng Ấn Độ đã mở ra những khả năng to lớn để những tài năng kiệt xuất như R. Tagore thực hiện triết lý hoà hợp trong tinh thần Ấn Độ theo nguyên tắc kế thừa tinh hoa từ hai nguồn, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại. Nó cho phép dung hoà cái muôn đời và khoảnh khắc, cái phổ biến và riêng lẻ. Những sáng tác đặc sắc của R. Tagore trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Thơ Dâng, là kết quả của sự thẩm nhập sâu sắc tâm hồn R. Tagore vào truyền thống văn hoá Ấn Độ, tinh hoa văn hoá phương Tây và được nâng lên bởi tầm tư tưởng và năng lực sáng tạo của một tài năng siêu việt.

Cảm hứng bao trùm trong thơ R. Tagore là sự thể hiện một cách hồn nhiên niềm hứng thú và những khoái cảm đặc biệt trước cuộc đời trần thế. Thiên nhiên, con người, tình yêu, sự sống cái chết và muôn mặt của kiếp nhân sinh, đã đi vào thơ ông một cách giản dị, tự nhiên và tạo nên một dòng suy tưởng miên man về con người và cuộc sống. Về thực chất, đó là tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Ấn Độ truyền thống đã được phục hưng đặc biệt trong tư tưởng nghệ thuật R. Tagore. Ông hướng tới cuộc đời bằng một tình cảm đặc biệt, vừa gần gũi giản dị lại vừa tha thiết, thiêng liêng như tình yêu của một tín đồ dành cho Chúa. Theo cách nói của ông, thì đó cũng chính là tôn giáo – “Tôn giáo của nhà thơ” (The Religion of an Artist). M. Gandhi đã gọi những sáng tác đó của R. Tagore là “những sáng tạo đặc biệt nhất” bấy giờ. Bước vào năm đầu của thế kỷ XX, năm 1900, R. Tagore đã lần lượt xuất bản bốn tập thơ. Đó là các tập: Những truyền thuyết, Những bản ballade, Trí tưởng tượng, Những khoảnh khắc. Đây là những tập thơ, về cơ bản, được lấy cảm hứng từ trong tôn giáo, văn học truyền thống, mà tiêu biểu là tập Những truyền thuyết. Cảm hứng của tập thơ được R. Tagore lấy từ những truyền thuyết Phật giáo, những huyền thoại về thần Shiva, thần Vishnu… Theo P. Mikhonadkhai, nhà nghiên cứu người Ấn, tập thơ đã có một ý nghĩa to lớn trong việc thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy những tình cảm cao cả như lòng quả cảm, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì tình yêu, chân lý và sự công bằng xã hội. Năm 1901, tập thơ Tặng vật ra đời. Đây là tập thơ đầu tiên thể hiện một cách rõ nét nhất những quan điểm về tôn giáo, triết học, ý thức dân tộc và những tâm sự yêu nước của R. Tagore. Hầu hết những bài thơ trong tập được viết theo thể sonet. Tháng 11 năm 1902, bà M. Devi, người vợ, người tình và là người bạn đời gần gũi nhất của R. Tagore qua đời. Sự ra đi của bà đã tạo nên một cú sốc trong tinh thần nhà thơ, hằn sâu trong tâm hồn nhà thơ một cảm giác mất mát đớn đau không gì khoả lấp nỗi. Tháng mười hai năm đó, trên tạp chí Bangadorasan lần lượt đăng những bài thơ của R. Tagore viết về người vợ của mình. Đầu năm 1903, ông tập hợp và xuất bản trong tập Tưởng nhớ nàng. Tập thơ là sự thể hiện những tình cảm chân thành, giản dị, những hoài niệm của thi nhân về người vợ yêu quý của mình. Đây không phải là những bài thơ tình đầu tiên trong cuộc đời thi sĩ của R. Tagore. Tuy nhiên so với những bài thơ tình yêu ông viết trước đó, tập thơ Tưởng nhớ nàng đã có một sự khác biệt lớn về cảm hứng và cách thế hiện. Tính chất hướng nội là một đặc điểm nổi bật của tập thơ. Cảm xúc lắng đọng trong những chiêm nghiệm suy tư, của một con người đã nếm trải bao buồn vui trong trò chơi của thần tình ái. Trong nhận thức của R. Tagore, tình yêu, đó là vấn đề thuộc về nhân loại, tự nhiên, tuyệt đẹp. Bản chất của tình yêu là hạnh phúc – một hạnh phúc luôn có sự thống nhất giữa những mặt đối lập giữa niềm vui và nỗi buồn; gần gũi và biệt ly; nhất thời và vĩnh viễn; hữu hạn và vô hạn; không thể và có thể… Nếu trước đó, trong những tháng năm tuổi trẻ, ông đã từng xem tình yêu là ngày hội của đời mình, thì giờ đây, tình yêu được ông nhìn nhận như một thứ quyền năng đặc biệt, làm nên sức mạnh tinh thần cho con người. Bất chấp mọi thử thách, và cả những nghiệt ngã của cuộc đời, với nhà thơ, “Em, tôi, chúng ta mãi mãi bên nhau“. Đó là sự thể hiện niềm tin, thiêng liêng như lời nguyện cầu về sự bất tử của tình yêu. Hầu hết những bài thơ tình vào loại hay nhất của R. Tagore đều được ra đời khi ông đã ngoài tuổi 40, cái tuổi mà thi nhân đã nếm trải đủ đầy bao dư vị của tình yêu. Có thể nói, thơ tình của R. Tagore là thơ tình của một người đứng tuổi. Ông không viết về tình yêu mà chiêm nghiệm về tình yêu. Cảm xúc và suy tư, trữ tình và triết lý đã thống nhất hài hoà làm một trong mỗi hình tượng thơ, mà trước hết là ở cái tôi trữ tình của nhà thơ. Điều này đặc biệt thấy rõ trong những tập thơ tình sau đó của ông như Người làm vườn (1914), Những giai điệu buổi chiều (1925)…

Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, R. Tagore đã có một hành trình sáng tạo trên 30 năm. Khoảng thời gian đó đã đủ để định hình, và dần chín rộ một tài năng, một phong cách thơ. Trữ tình và lãng mạn, cảm xúc và suy tư, tình cảm và trí tuệ, đó là những yếu tố đã được định hình và ngày càng kết hợp nhuần nhuyễn trong phong cách thơ R. Tagore, tạo nên chất trữ tình – triết lý rõ nét trong thơ ông, mà đỉnh cao là Thơ Dâng (Gitanjali). Đây là tập thơ có một vị trí đặc biệt trên hành trình sáng tạo của R. Tagore. Thơ Dâng (Gitanjali), nguyên tác bằng tiếng Bengal, được R. Tagore viết vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1909, và xuất bản lần đầu vào tháng 9/1910, gồm 51 bài thơ. Phần lớn những bài thơ trong tập được R. Tagore viết cho vở kịch Lễ hội mùa thu (1908). Năm 1912, R. Tagore lên đường sang Anh lần thứ ba. Vào đúng ngày lên tàu, ông bị ốm, mà nguyên nhân của nó, như ông nói là “do những xúc động, lưu luyến trong buổi tiễn đưa”. Chuyến đi bị hoãn. Thay vì đến Anh, ông đến Shelidah và sau đó là Chaitra để tĩnh dưỡng. Và ở đây, ông đã dịch tập Thơ Dâng ra tiếng Anh, dưới hình thức thơ văn xuôi và tuyển dịch thêm một số bài thơ được ông sáng tác trong khoảng 12 năm đầu thế kỷ XX. Năm 1913, với Thơ Dâng, R. Tagore được trao tặng giải Nobel văn học và trở thành một hiện tượng của thơ ca thế kỷ XX. Ở vào thời điểm Thơ Dâng ra đời, tư tưởng, tài năng, cá tính sáng tạo của R. Tagore đã chín rộ. Tuy nhiên, đó cũng là những tháng năm bất hạnh nhất trong cuộc đời ông. Những ảnh hưởng của thời đại, của cuộc sống cá nhân và nhu cầu được thể hiện mình đã đưa R. Tagore đắm chìm vào dòng suy tưởng, trở về với chính mình. Ông dường như cắt đứt mọi mối liên hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài để nhận ra mình và thế giới qua cái ngã của mình. Đó vừa là dấu hiệu của một bi kịch cá nhân, một trạng thái tư duy, vừa là sự thể hiện một ý thức sâu sắc về cái tôi của nhà thơ. R. Tagore đối thoại với cuộc đời thông qua cuộc đối thoại với chính mình trong một thế giới cô đơn tĩnh lặng. Ở đó mơ và thực, trần thế và thần linh, quá khứ và hiện tại, như đều có mặt. Ông đã đưa tâm hồn mình trở về một cách tự nhiên với các hiền nhân trong Upanishad để tri giác cuộc đời bằng đôi mắt của con người hiện đại. R. Tagore từng viết: “Ta chỉ chạm đến thực tiễn vô cùng ngay bên trong chúng ta khi tiếp nhận được sự thật trong sáng của tình thương hay của lòng thiện chứ không phải qua sự giải thích của giáo lý, chứ không phải qua những tranh luận uyên bác của các học thuyết về đạo đức”(9). Cảm hứng xuyên suốt, bao trùm trong Thơ Dâng là ngợi ca cuộc đời trần thế và niềm vui hạnh phúc đựợc đón nhận những quà tặng vô giá mà thiên nhiên và cuộc đời ban tặng. Về thực chất, đó là sự phục hưng những giá trị cơ bản của thơ ca truyền thống trong hoàn cảnh mới, là cốt lõi sự tri giác thế giới của R. Tagore. Bản chất và ý nghĩa cuộc sống; tự do và giải thoát; sự sống và cái chết… những vấn đề cơ bản của thơ ca – triết học – tôn giáo Ấn Độ truyền thống đã trở thành cảm xúc suy tưởng của nhà thơ và được khúc xạ qua tâm hồn mơ mộng, trí tưởng tượng phong phú, trí tuệ siêu việt của một con người mạnh mẽ, đầy bản lĩnh luôn mang trong mình một tình yêu nồng nàn đối với con người, cuộc sống. Nhờ đó nó trở nên sâu sắc mà bình dị, gần gũi mà mới mẻ lạ thường. Có lẽ vì vậy, mà trong báo cáo trước hội đồng giải thưởng Nobel Viện hàn lâm Thụy Điển, viện sĩ Per Hallstrom đã viết những dòng sau đây về R. Tagore, về Thơ Dâng: “Chắc chắn rằng từ năm 1832, khi J. Goethe qua đời, chưa có một nhà thơ nào ở châu Âu có thể sánh nổi với R. Tagore trong tinh thần nhân đạo cao cả, trong tầm vĩ đại hồn nhiên và trong sự trầm lặng cổ điển”(10). Vượt thoát những ảnh hưởng mang tính lệ thuộc, R. Tagore đã nhận thức lại những vấn đề truyền thống theo cách của riêng mình. Và chính điều này đã làm nên “tinh thần nhân đạo cao cả”, “tầm vĩ đại hồn nhiên” và “sự trầm lặng cổ điển” của Thơ Dâng. Trong lời giới thiệu tập thơ, xuất bản lần đầu ở Anh (1912), W. Yeats viết: “cả một dân tộc, cả một nền văn minh vô cùng xa lạ đối với chúng ta dường như trở nên quen thuộc trong trí tưởng tượng này; hơn nữa chúng ta không phải xúc động vì sự xa lạ đó, mà xúc động vì chúng ta đã gặp được chính hình ảnh của mình cũng tựa như chúng ta đang đi dạo trong rừng liễu Rosethi vậy, hoặc vì chúng ta đã nghe – có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn học – tiếng nói của mình như trong một giấc mơ”(11). Theo viện sĩ Harald Hjărne, với Thơ Dâng, R. Tagore “hoàn toàn độc lập với bất kỳ kiến thức nào về thơ ca Bengal, cũng đứng ngoài mọi khác biệt về niềm tin tôn giáo, trường phái văn học và mục đích đảng phái”(12). Tuy nhiên, có một thực tế là bên cạnh vinh quang và danh tiếng, giải thưởng Nobel cũng đã mang đến cho R. Tagore không ít hệ luỵ. Nhà thơ luôn phải đối mặt với sức ép từ công chúng và những người trong giới. Đây thực sự là một giai đoạn khó khăn trên hành trình sáng tạo của R. Tagore. Không phải ngẫu nhiên nhiều nhà nghiên người Ấn đã lấy Thơ Dâng làm mốc để phân chia các giai đoạn sáng tác của R. Tagore với các khái niệm như “tiền Thơ Dâng“, “hậu Thơ Dâng“. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách phân chia này thuần tuý chỉ mang tính hình thức. Bởi lẽ, trên thực tế những sáng tác của R.Tagore ở thời kỳ “hậu Thơ Dâng” về cơ bản vẫn tiếp nối mạch cảm xúc suy tư về con người, cuộc sống của thời kỳ trước đó, với một tư duy hướng nội rõ nét.

Ngay sau khi nhận giải Nobel trở về, năm 1914, R. Tagore đã cho xuất bản hai tập thơ Vòng hoa của những bài ca và Những bài ca. Đó là tuyển tập những bài thơ được R. Tagore sáng tác trong khoảng thời gian từ 1908 đến 1914. Và tiếp đó cho đến những ngày cuối đời, ông lần lượt xuất bản 22 tập thơ bằng tiếng Bengal và tiếng Anh. Trong số đó, đáng chú ý là tập Những cánh thiên nga (1916) và Đứa con thần Shiva. Tập thơ Những cánh thiên nga viết bằng tiếng Bengal, gồm 45 bài thơ được R. Tagore viết trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1916. Đây là những tháng năm nhân loại đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thế giới ngày càng khốc liệt. Hiện thực đó đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm R. Tagore. Sự nhạy cảm của nhà thơ và sự mẫn tiệp của nhà hiền triết, đã giúp R. Tagore có được một cái nhìn sâu sắc về chiến tranh, tương lai của nhân loại và số phận của mỗi con người. Tập thơ mang đậm chất triết luận. Năm 1921, nhớ lại quá trình sáng tác tập thơ, trong bài nói chuyện với sinh viên trường Santiniketan, nhà thơ tâm sự: “Một nỗi lo âu kỳ lạ tràn ngập trái tim tôi. Tôi thấy thế giới đang tiến gần đến một đại thảm hoạ… Những bài thơ lần lượt tuôn ra dưới ngòi bút tôi, và có lẽ, giữa chúng có một mối dây liên hệ ẩn ngầm. Giống như một đàn thiên nga, chúng bay ra từ tâm hồn tôi, bay đi xa với một linh cảm mơ hồ khó giải thích”(13). Trong số 45 bài thơ, hai bài thơ Huỷ diệt (được viết trước khi chiến tranh nổ ra) và Tiếng kèn (được viết hai tháng sau khi chiến tranh bùng nổ) có thể xem là nơi hội tụ cảm hứng của tập thơ. Trong cái nhìn của nhà thơ, cũng như ánh sáng và bóng tối, sáng tạo và huỷ diệt là hai mặt luôn song hành. Chiến tranh không chỉ có huỷ diệt mà còn báo hiệu một thời đại mới đang sắp bắt đầu trong lịch sử nhân loại. Theo cách nói của ông, “trong bóng đen của chết chóc, giữa khổ đau và khủng khiếp, đã thấy loé rạng ánh dương của một thế kỷ mới”(14). Nếu Huỷ diệt là những dự cảm về tai hoạ khủng khiếp của chiến tranh và sự khởi đầu cho một thời kỳ mới, thì Tiếng kèn lại là âm vang dục giã báo hiệu một ngày mới của nhân loại đã bặt đầu. Tiếp sau Những cánh thiên nga, năm 1922, R. Tagore xuất bản tập thơ Đứa con thần Shiva, sau chuyến trở về từ nước Mỹ. Tập thơ ghi lại những cảm xúc mạnh mẽ của R. Tagore khi tận mắt chứng kiến một “nước Mỹ rộng lớn và hoang vắng, nơi tù ngục của những thói vụ lợi kinh tởm”(15). Và như ông nói, chính điều đó giúp ông “hiểu ra rằng trên đời không có gì trống rỗng hơn sự tích cóp làm giàu”(16), nó ngăn cản con người đến với cuộc đời. Trở về từ nước Mỹ, với ông chẳng khác nào “một người tù được trả tự do, vội vàng chạy ra bờ biển để hít thở không khí trong lành”(17). Tập thơ là những suy tư triết học của nhà thơ về sự hữu hạn, nhất thời của một thứ văn hoá được hình thành trên thói nô lệ vật chất và tính vĩnh hằng, bất diệt của những giá trị tinh thần.

Trong 15 năm cuối đời R. Tagore lần lượt xuất bản 20 tập thơ bằng ngôn ngữ Bengal, viết về nhiều đề tài khác nhau. Trong số đó, có thể kể đến một số tập thơ tiêu biểu như: Mohua (1929), Tiếng rừng (1931), Lại nữa (1932), Đa sắc (1933), Thơ bát cú cuối cùng (1935), Điều cuối cùng (1937), Trên giường bệnh (1940), Ngày sinh (1941)… Hầu hết những bài thơ được R. Tagore viết ở thời kỳ này đều gắn với những hồi ức, kỷ niệm về người thân, về những chuyến đi, và những suy ngẫm về nhân thế. Đây là giai đoạn R. Tagore tiếp tục hoàn thiện hình thức thơ văn xuôi mà trước đó ông đã có một số tác phẩm thành công. Lần đầu tiên, trong tập thơ Lại nữa (1932) – tập thơ được R. Tagore dành tặng cho Nhita, cô cháu gái vừa qua đời, ông đã sử dụng rộng rãi hình thức thơ tự do như một trò chơi của nhịp điệu và ngôn từ. Tập thơ cuối cùng được R. Tagore xuất bản là tập Ngày sinh. Đây là những bài thơ được ông viết trong hai năm cuối đời (1940 – 1941) và đã được in rải rác trên các báo. Sau khi ông qua đời, hai tập thơ khác của ông lần lượt được xuất bản. Đó là các tập: Những bài thơ cuối cùng (1941), Những tia lửa (1945). Hầu hết các bài thơ trong hai tập đã được in trên các báo, tạp chí hoặc lưu giữ trong các sưu tập cá nhân, hồ sơ bản thảo của R. Tagore. Việc xác định thời gian sáng tác của những bài thơ đó là hết sức khó khăn. Bài thơ cuối cùng được R. Tagore viết vào ngày 30/7/1941. Buổi sáng hôm đó, trước khi rời ngôi nhà nghỉ của mình lên Culcutta chữa bệnh, R. Tagore đã đọc cho cô cháu gái, thư ký của mình, ghi lại bài thơ nhưng ông không còn đủ sức để kiểm tra lại văn bản bài thơ. Ngày 19/8/1941, bài thơ được báo Ananga Bazar Patrika, một tờ báo có lượng phát hành vào loại lớn nhất bấy giờ ở Bengal đăng tải. Đây là bài thơ cuối cùng của R.Tagore. Trước đó, ngày 7/ 08/ 1941, R.Tagore từ giã cõi đời ở vào tuổi 80, để lại một sự tiếc nuối khôn nguôi cho hàng triệu trái tim người đọc trên khắp hành tinh.

Đã hơn một thế kỷ đi qua, kể từ ngày những bài thơ đầu tiên trong tập Thơ Dâng của R. Tagore xuất hiện trên văn đàn Ấn Độ. Đó cũng là khoảng thời gian mà R. Tagore đã từng nghĩ tới khi cõi lòng ông hướng vọng về hậu thế với một nỗi cô đơn và niềm khát khao được chia sẻ: “Bạn đọc ơi, bạn là ai, mà sẽ đọc thơ tôi một trăm năm sau nữa? Tôi không sao có thể gửi đến bạn chỉ một đoá thôi trong vườn hoa phong phú của mùa xuân. Và chỉ một ánh thôi của đám mây vàng rực xa xôi.” (Người làm vườn, bài số 85 – Đào Xuân Quý dịch). Vượt lên bao tang thương, dâu bể của cuộc đời, thơ R. Tagore ngày càng phát lộ một vẻ đẹp, một sức sống tiềm tàng bền bỉ mà không phải tác phẩm thơ ca nào cũng có được. Ẩn chứa đằng sau những hình ảnh thơ, những khoảng lặng im giữa những dòng, những chữ là sự kết tụ cả một truyền thống tinh thần Ấn Độ và những tinh hoa văn hoá phương Tây mà thời đại phục hưng Ấn Độ đã mang lại. Ở R. Tagore, nhà thơ và nhà tư tưởng đã thống nhất hài hoà làm một. Triết lý về cái duy nhất trong tư tưởng Ấn Độ và ý thức dân chủ, bình đẳng của thời đại phục hưng dân tộc là cơ sở triết học cho sự xuất hiện một tiếng nói trữ tình – triết lý mới mẻ trong thơ R. Tagore. Cổ điển và hiện đại, dân tộc và nhân loại, tất cả đã trở nên hài hoà, nhuần nhuyễn trong phẩm chất trữ tình – triết lý. Theo cách nói của R. Tagore, sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ là phải sửa soạn một cánh đồng bao la cho một cuộc phối hôn giữa các nền văn hoá của thế giới, ở đó mọi kẻ đều có phần cho đi và lấy lại. Bằng sáng tạo của mình, R. Tagore đã làm tròn sự mệnh cao cả ấy.                                                                

                                       (Tạp chí Văn học nước ngoài số 11&12/ 2011)                  

____________

Chú thích

1. Kalidasa, nhà thơ, nhà viết kịch Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỷ V. Ông được xem là kỳ công thứ nhất của tạo hoá trong văn học Ấn Độ, người đã có công phục hưng văn học Ấn Độ dưới vương triềuChandra Gupta II .

2. Đàn Vina là một loại nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ, có 4 dây.

3R. Tagore, Tuyển tập ( Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 488.

4R. Tagore, Collected Poems and Plays, London, Macmillan & CoLTD, P. 83

5R. Tagore, Collected Poems and Plays, London, Macmillan & CoLTD p. 84

6R. Tagore, Collected Poems and Plays, London, Macmillan & CoLTDp. 82

7F. Nerutrong cuốn Mười nhà thơ thế kỷ, Nxb Tác phẩm mới, H. 1982, tr. 251

8Chuyển dẫn từ J. Nehru, Phát hiện Ấn Độ, Nxb Văn học, H. 1990, tr. 173

9. R. Tagore, Collected Poems and Plays, London, Macmillan & CoLTDp. 88

10. R. Tagore Tuyển tập tác phẩm, tập II, Nxb Lao đông & Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, H. 2004, tr. 902.

11W. Yeatstrong cuốn Mười nhà thơ thế kỷ, Nxb Tác phẩm mới, H. 1982, tr. 240.

12K. Kripalani, R. Tagore – A. Life, Culcutta, 1971, p.135

13R. Tagore, Tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 496

14. R. Tagore, Tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 496

15. R. Tagore, Tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 499

16. R. Tagore, Tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 499

17. R. Tagore, Tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học nghệ thuật (tiếng Nga), M. 1981, tr. 499


[1] . GVCC. Khoa Sư phạm xã hội, Đại học Sài Gòn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây