Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre
Tượng thần chiến thắng Samothrace dù thiếu phần đầu vẫn là một kiệt tác đá cẩm thạch thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan khi tới thăm bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.
Bảo tàng Louvre bên bờ sông Seine ở Paris, Pháp là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng và thu hút du khách nhất thế giới. Louvre là điểm tham quan thu phí được viếng thăm nhiều nhất Paris. Nơi đây trưng bày những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật ví như tượng thần Vệ Nữ, bức tranh Mona Lisa, bức tranh nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân, các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha…. Tại bảo tàng nổi tiếng này, tượng thần chiến thắng Samothrace cũng là một trong những kiệt tác nghệ thuật thu hút lượng người xem đông đảo.
Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ nổi tiếng nhất hiện nay nhưng nhiều người có thể không biết về lịch sử của nó – bao gồm nguồn gốc cổ xưa và ảnh hưởng sâu rộng của nó đến nghệ thuật hiện đại và đương đại.
Theo Louvre, bức tượng này có thể được người dân Rhodes, một hòn đảo của Hy Lạp chế tác vào đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Bức tượng được sáng tạo trong thời kỳ Hy Lạp hóa. Phong trào nghệ thuật khi đó đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc diễn tả biểu cảm của các chủ thể thần thoại đang chuyển động, đó là lý do bức tượng này có đôi cánh tuyệt đẹp.
Tác phẩm điêu khắc tượng thần chiến thắng Samothrace cao khoảng 5,5 m mô tả Nike, nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Bức tượng “mặc” bộ đồ xếp nếp bị ướt và bị gió thổi bộ đồ bám chặt vào cơ thể cô. Bức tượng có đôi cánh tuyệt đẹp đứng trước mũi một con tàu. Vì thế các nhà sử học kết luận rằng bức tượng được tạo ra để kỷ niệm một trận thủy chiến thành công trên biển.
Bức tượng mất đầu thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: Shutterstock)
Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong nhiều tác phẩm đá cẩm thạch trang trí cho Thánh địa của các vị thần vĩ đại, một khu phức hợp đền cổ trên đảo Samothrace, Hy Lạp. Ngôi đền bên bờ biển này được dành riêng cho tôn giáo mang tên Bí ẩn, hay còn gọi là Mẹ vĩ đại.
Với sự phổ biến của các trận hải chiến trong thời kỳ này và sự gần gũi với các tuyến đường hàng hải được sử dụng rộng rãi trên biển Aegea, ngôi đền có một số di tích lấy cảm hứng từ biển. Chúng bao gồm những cột đá chuyên dụng đặc biệt, những con tàu đặc biệt quan trọng và tượng thần chiến thắng Samothrace – được đặt trong một hốc đá (có thể là một hang động) nhìn ra nhà hát của ngôi đền.
Nhà ngoại giao kiêm nhà khảo cổ nghiệp dư người Pháp Charles Champoiseau đã khai quật được bức tượng tuyệt đẹp này vào tháng 4 năm 1863. Trong khi tập hợp 23 khối đá để tạo nên con tàu, ông đã gửi bức tượng thần chiến thắng trở lại Paris gồm ba mảnh với phần đế, thân, chân và cánh trái. Sau khi tới bảo tàng Louvre, bức tượng được lắp ráp lại trong phòng cổ vật cổ điển Carytid. Bảo tàng đã thêm vào cho bức tượng một cánh thạch cao nhưng không tái tạo phần đầu bị biến mất hoặc cánh tay.
Gần 90 năm sau khi Champoiseau tìm thấy tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp này, các nhà khảo cổ học từ Austria đã phát hiện ra những mảnh khác của bức tượng bao gồm cả bàn tay phải của Nike. Thật không may, không có cách nào có thể gắn lại bàn tay vào tác phẩm điêu khắc, vì bức tượng không có phần cánh tay. Tuy nhiên, việc khai quật được bàn tay của bức tượng là cực kỳ quan trọng, vì bàn tay này đã bác bỏ giả thuyết ban đầu rằng bức tượng sẽ có bàn tay đang nắm lấy một vật thể.
Bảo tàng Louvre giải thích: “Có ý kiến cho rằng bức tượng có thể đã cầm một chiếc kèn, một vòng hoa hoặc một dải lụa trên tay phải của mình. Tuy nhiên, bàn tay được tìm thấy ở Samothrace năm 1950 có lòng bàn tay mở và hai ngón tay xòe ra, cho thấy rằng bức tượng không cầm bất cứ thứ gì và chỉ đơn thuần đang giơ tay lên để chào hỏi”.
Ngày nay, phần bàn tay bị rời ra khỏi bức tượng được trưng bày ở trên cùng của cầu thang Daru của bảo tàng Louvre, nơi tượng thần chiến thắng Samothrace có cánh đã được trưng bày từ năm 1883.
Giống như các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp khác, tượng thần chiến thắng Samothrace được ngưỡng mộ vì nó là một bức tượng hoàn mĩ, mô tả chân thực về chuyển động. Để gợi ý một cơ thể đang chuyển động, nghệ sĩ điêu khắc đã định vị Nike ở tư thế không đối xứng, tư thế này ngụ ý chuyển động thông qua việc sử dụng phân bổ trọng lượng thực tế và cơ thể hình chữ S. Các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác thể hiện cách tiếp cận cổ điển này để truyền tải vẻ đẹp của cơ thể con người là The Walking Man của Rodin và David của Michelangelo.
Một yếu tố khác giúp bức tượng như đang chuyển động là lớp vải phủ khắp cơ thể của nhân vật. Khi Nike tiến về phía trước, chiếc áo có vẻ trong mờ xoắn quanh eo và quấn quanh chân cô. Theo bảo tàng Louvre: ” bức tượng mang tính trình diễn đỉnh cao và rất sống động khi kết hợp vẻ hoàn hảo của nữ thần, sải cánh rộng và sức sống của một cơ thể đang tiến về phía trước”.
Ngày nay, tượng thần chiến thắng Samothrace luôn là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất trên thế giới. Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên tại Louvre vào thế kỷ 19, nó đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ ví như nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực Salvador Dalí, nhà tương lai học Umberto Boccioni. Mặc dù đã có một số tác phẩm hiện đại nắm bắt được tinh thần của tượng thần chiến thắng nhưng chắc chắn không có tác phẩm nào có thể khiến người xem mê mẩn như khi chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của tượng thần chiến thắng Samothrace nguyên bản.