Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 5 – Mạch giếng Chàm

Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Tác giả Vũ Hùng

 

Mạch giếng Chàm

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Vào giữa thế kỷ 16, trong Ô Châu cận lục có ghi làng Hóa Khuê, sau đổi thành các làng Hóa Khuê Đông và Hóa Khuê Tây(1). Đầu thế kỷ 19, trong địa bạ triều Nguyễn có xã Hóa Khuê Đông, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh, và xã Hóa Khuê Trung Tây, thôn Hóa Khuê Tây, tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn(2). Địa danh Hóa Khuê còn có tên gọi khác là Hóa Quê. Ngày nay, các địa danh Hóa Khuê Đông, Hóa Khuê Trung Tây và thôn Hóa Khuê Tây không còn nữa, chỉ còn lại địa danh Khuê Trung và cũng là tên gọi của một phường thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Trong thế kỷ 20, tại Khuê Trung phát hiện hai bia ký cổ của vương quốc Chiêm Thành còn khá nguyên vẹn. Bia ký đầu tiên phát hiện vào năm 1911 tại Miếu Bà, còn gọi là bia “Hóa Quê”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tại thời điểm phát hiện bia “Hóa Quê” còn có các tượng thần bằng đá sa thạch Ganesa, Kamara thờ trong Miếu Bà, bên cạnh là một giếng vuông của người Chàm. Vào thập niên 1980, bia ký thứ hai phát hiện tại Miếu Xóm Thuận An, cách bia ký đầu tiên khoảng vài cây số về phía Tây, gọi là bia “Khuê Trung”, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Hiện nay, các tượng Chàm trong Miếu Bà đã được bồi đắp, sơn son và khoác y trang thờ tại chính điện, trước Miếu vẫn còn giếng Chàm vuông(3). Nhưng tại Miếu Xóm Thuận An chỉ còn vài viên gạch và mảnh ngói Chàm gắn trên trụ để “lưu giữ dấu vết người xưa”.

Hai bia ký đều khắc chữ Phạn và Chữ Chàm cổ, niên đại vào cuối thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10. Bia ký Chàm thường gắn liền với đền tháp, nên tại địa điểm phát hiện hai bia ký trên có thể từng tọa lạc hai khu đền tháp.

Hai bia ký không chỉ cho biết tại đây và lân cận từng là một khu vực văn hóa đền tháp Ấn giáo cùng với tầng lớp tinh hoa vương quyền gắn với thần quyền, sự hiến cúng, giáo luật bảo vệ tu viện đền tháp và xã hội thời ấy, mà còn là những minh văn quý hiếm trên ngàn
năm về dâng cúng tụng ca thần Siva tối cao và đấng trị vì xứ sở của cư dân cổ nơi đây(4).

Bia “Khuê Trung” lập năm 899, tụng ca thần Rudra hóa thân của thần Siva, và vua Cri Jayasimhavarman, vị vua bảo trợ cho việc xây dựng tháp thành Rudrapura tại đây để phù hộ cho thần dân xứ sở. Cri Jayasimhavarman là con của người chị của vua Indravarman đóng đô tại Đồng Dương. Thành Rudrapura nguy nga tráng lệ với ngọn tháp chính cao vút “rực rỡ chiếu sáng như thể nó chiếm giữ chiến thắng trên đỉnh của các đỉnh (đó là đỉnh cao nhất) của ngọn núi thiêng Kailãsa”.

Rudra còn là chủ thần của một số vị vua Chiêm Thành. Vua Ku Cri Rudravarman I (mất năm 529), vua Rudravarman II (mất năm 757), vua Rudravarman III, tên trong chính sử Đại Việt là Chế Củ (1060-1074), bị bắt và đã nhường các châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để được tha về cố quốc.

Những lời tụng ca cao đẹp thần thánh như mặt trời, mặt trăng về thần Rudra(5) và vua Cri Jayasimhavarman: “Thần sáng láng Rudra, ở thế giới của thần Rudra tràn đầy phẩm chất tuyệt hảo… Trong tàn lụi hương thơm ngát trên gót sen của ngài, đấng ban phúc cho toàn bộ thế giới ở đây, người sùng mộ phủ phục xua đuổi sự ô uế, như mặt trăng xua tan bóng tối khỏi màn đêm… Bởi Sri Jayasimharvarman, trong khi ngài đang cai quản mặt đất một cách tốt đẹp, lấp đầy các mong ước của những người trí huệ khát khao công tích… Tôi tưởng tượng rằng danh tiếng của ngài (Jayasimhavarman), người đã tạo ra con đường vương giả trên mặt đất [qua hình thái] công trạng vô kể của ngài, hiện diện ở cả bên kia bờ đại dương lớn. Đức hạnh của ngài trải rộng khắp, như những tia nắng mặt trời, tiếp cận được [ngay cả] đêm đen. Còn bao nhiêu nữa trên khắp thành phố của ngài… Những điều này điểm thêm sự thông thái vĩ đại, tận hiến cho Luật tắc của Siva, là những tôi tớ của ngài [người mà danh xưng] bắt đầu bằng Jayasimha – và chấm dứt bằng varman”.

Bia ghi chép về năm anh em, bốn trai và một gái út, của một gia đình quyền quý địa phương, họ đều đức độ và thông tuệ giáo luật Ấn giáo: “Srikalpa, người trung thành với Luật tắc của Siva, người hiểu biết những giới luật, giảng sư, được sinh hạ trước. Người em biết ơn của ngài là Amrtasãrathi, trí huệ của người này chỉ toàn tâm [tạo lập] công ích. Người em thông minh của người, được xem là đang đạt đến danh vọng, là Rãjapanditavibhu. Kamrainsãrathi, người sùng mộ Isa (Siva) là em trai người; người em gái của người tên là Mày. Năm anh em này, không có lấy một khuyết tật, không chút tì vết bởi những chủ nhân của đức hạnh, rất thông thái, rất được kính trọng bởi các cộng đoàn những người mà sự giàu sang của họ bao gồm đức hạnh”.

Bia “Hóa Quê” lập vào khoảng năm 909-910, tụng ca thần Siva thông qua hình tượng Linga và tụng ca vị vua Bhadravarman. Ý nghĩa thiêng liêng tối thượng của Linga trong Ấn giáo được khắc trên bia ký: “Cầu nguyện cho những Linga, thể hiện trong mọi dạng, tạo nên sự sung túc cho thế gian; ánh sáng lung linh (từ Linga) sẽ xua tan bóng tối đầy sợ hãi do kẻ ác gieo rắc; xứng đáng được tôn kính và ca ngợi bởi những đạo sư của mọi thời đại; mãi mãi tồn tại vì sự sung túc của ba cõi trời. Chiếc linga nguyên thủy của Người, không có khởi đầu, không có phần giữa, không có kết thúc, được tôn vinh bởi các loài hữu tình và các loài vô tình, tồn tại vì sự trong sáng của thế gian. Chiếc Linga của Người là bất khả chiến bại, đem đến thịnh vượng cho mọi loài, cứu vớt tất cả chúng sinh mà không hề đòi hỏi. Chiếc Linga của Người vượt qua mặt đất, bao trùm cõi trời, là nơi nương náu của vô số sinh linh; vẻ huy hoàng làmquy phục cả Mặt trời, Mặt trăng và các Tinh tú, ban phát vô lượng lợi lạc cho thế gian. Cầu nguyện Linga luôn che chở cho thế gian”.

Bia khắc họa nét tinh anh và đường bệ của vị vua Bhadravarman được bảo trợ bởi thần thánh: “Đấng quân vương Bhadravarman, một mặt trăng không chút tì vết trên bầu trời, thuộc dòng họ Ghrgu xuất chúng, là bản tâm của chúng sinh, đã đánh thức những đóa sen bằng những tia sáng huy hoàng của Người. Người, vua của Campa, như đứa con của Pandu, tỏa sáng lộng lẫy trên chiến trường, nơi mịt mù bụi đất bởi những vó ngựa phi nhanh. Khuôn mặt Người nhuộm đỏ bởi những giọt máu tóe ra từ các loại vũ khí, trông như những đóa hoa Asoka. Khắp bốn phương, tiếng gào thét của đàn voi xinh đẹp khổng lồ nhấn chìm âm thanh xung trận…”.

Bia cũng ghi về bốn anh em, ba anh trai và em gái út, đều đức độ và tinh thông giáo lý Ấn giáo, là những người con của một gia đình quyền thế tại khu vực dựng bia xây đền tháp thờ Linga. Cha của họ là anh trai của hoàng hậu vua Indravarman, vị vua Chiêm Thành trở lại đóng đô tại Đồng Dương trước khi dời về Vijaya.

Người anh đầu là “Vị đại thần có tên là Ajna Mahasanmanta sở hữu nhiều của cải đã đạt được vinh quang và giàu có nhờ đặc ân từ đức vua… Người ngồi cạnh đức vua trong chiếc kiệu, dưới chiếc lọng làm bằng lông công, hộ tống bởi đội quân nhạc, bước xuống một cách kiêu hãnh… Người có em trai là một đại thần, tên là Ajna Narendra Nrpavitra, thông thạo tất cả các nghi lễ và mọi kinh sách tôn giáo Siva. Em trai khác của người có tên là Ajna Jayendrapati, một vị đại thần có tâm hồn thánh thiện, thân ý trong sáng; trí tuệ mẫn tiệp, thông suốt các kinh sách, nổi tiếng trên thế gian sánh với Angirasa về trí thông minh và phúc đức. Nhờ cần cù nỗ lực, Người có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt”. Và “cô em gái trong trắng tên là Ugradevi, giàu lòng sùng đạo và luôn chú tâm thực hiện công đức”.

Cũng như người em gái út của 5 anh em gia đình quyền quý trong bia “Khuê Trung”, người em gái út Ugradevi là chỉ dấu hoàn hảo, viên mãn của một gia đình mẫu hệ Chàm. Vì con gái út là người thừa kế tài sản và chăm lo tế lễ tổ tiên theo huyết thống người mẹ

Dưới sự bảo trợ của vua Bhadavarman, gia đình quyền thế này đã xây dựng nhiều đền tháp, tượng thờ tại địa phương và khu vực lân cận. Ajna Jayendrapati không chỉ được sánh ngang với vị hiền triết Angirasa trong thần thoại Ấn giáo, mà còn là một nhà ngoại giao tài năng và là người đã khắc nhiều bia cho các đền tháp do vua Bhadavarman và vua Sri Jayasimharvarma bảo trợ. Theo bia “Hóa Quê”, có 9 đền tháp tại địa phương và vùng lân cận thờ các vị thần – vua: Jayaguhesvara, Kasabhadresvara, Rudrakotisvara,Bhadramalayesvara,Bhadracampesvara,Bhadramandalesvara, Dharmesvara và Bhadrapuresvara.

Niên đại của hai bia ký rất gần nhau. Bhadavarman có thể là “tiểu vương” của Amaravati, Sri Jayasimharvarman là quốc vương của cả Chiêm Thành. Vua Sri Jaya simharvarman I lên kế vị vua Indravarman II và trị vì từ năm 898 đến 903, trùng với niên đại và tên vị vua trong bia “Khuê Trung”.

Trên ngàn năm trước, đôi bờ sông Cẩm Lệ từng là khu vực văn hóa Ấn giáo thời cực thịnh tập trung nhiều đền tháp, có một thành phố Rudrapura thờ thần Siva, như một trung tâm của “tiểu quốc” Amaravati. Những đền tháp này không tránh khỏi sự tàn phá trong chiến tranh. Năm 982, Lê Hoàn thân chinh đánh chiếm kinh đô Đồng Dương “san bằng thành trì, phá hủy tông miếu”(6). Năm 1402, nhà Hồ chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy, cũng “chiếm đoạt, phá hủy động tháp”(7).

1 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Miếu Bà Khuê Trung (phía trước là giếng Chàm hình vuông), 28.8.2018.

(Ảnh Vũ Hùng)

Khu vực Ấn giáo ấy đã lụi tàn nhưng không hoàn toàn tan biến mất, góp phần làm nên chiều sâu lịch sử – văn hóa của một vùng đất mà dấu vết còn lưu lại trong đời sống đương đại sôi động và biến đổi không ngừng. Những tượng thần Ấn giáo đặc trưng được biến đổi do bồi đắp tôn tạo, sơn son, khoác y trang mũ mão nhưng bên trong vẫn ẩn thần cốt Chàm(8). Những thần Thiên Y A Na, Chủ ngung man nương, Lồi vương thổ chủ, Bô Bô phu nhân, ma Hời, ma Lồi… trong các bài lễ cúng của người dân nơi đây. Bóng dáng thần dân của vương quốc Ấn giáo xưa còn lưu lại trong di duệ những con người mang họ Ông, Chế, Trà và những dòng họ còn dấu vết tổ tiên Chàm.

Tượng thần Ấn giáo tại Miếu Bà Khuê Trung và sự tiếp biến

 

2 1 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Ngày 28.8.2018 (Ảnh Vũ Hùng)

 

3 1 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Ngày 28.8.2018 (Ảnh Vũ Hùng)

Những phát hiện khảo cổ tại Khuê Trung và khu vực lân cận cũng cho biết dọc đôi bờ sông Cẩm Lệ – sông Yên là nơi có mật độ tập trung nhiều di tích đền tháp và văn hóa Chàm(9).

4 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Bản đồ phân bố di tích đền tháp và văn hóa Chàm tại Đà Nẵng.
(https://diadiem.danang.gov.vn/TabId/77/defualt.aspx)

Các di tích đền tháp, văn hóa Chàm tại Đà Nẵng đã phát hiện:

1. An Sơn, phường Hòa An
2. Cấm Mít, xã Hòa Phong
3. Đình Bồ Bản, xã Hòa Phong
4. Đình Cẩm Toại, xã Hòa Phong
5. Đình Dương Lâm, xã Hòa Phong
6. Thành Lồi, xã Hòa Phong
7. Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam
8. Giếng Bà Bang, Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam
9. Giếng Cồn Trò, Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam
10. Giếng Đình, Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam
11. Giếng Hời, Tây An, xã Hòa Châu
12. Giếng Lăng, Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam
13. Giếng Thành Cung, Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam
14. Gò Đùi, xã Hòa Khương
15. Lăng Ông Bình Hòa, phường Khuê Trung
16. Miếu Xóm Thuận An, phường Khuê Trung
17. Miếu Bà, phường Khuê Trung
18. Giếng Bộng, phường Bình Hiên
19. Lùm Cây Khế, xã Hòa Tiến
20. Miếu Khe Răm, xã Hòa Bắc
21. Nam Thổ Sơn, phường Hòa Hải
22. Động Tàng Chơn, Động Huyền Không, phường Hòa Hải
23. Gò Dàng – Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông
24. Vườn Đình – Yến Bắc, phường Hòa Thọ Tây
25. Quá Giáng, xã Hòa Phước
26. Lùm Dàng, phường Hòa Xuân.

Bên cạnh các di tích thường hiện diện những chiếc giếng Chàm, có thể cũng cùng niên đại. Nhiều giếng Chàm từng gắn với cư dân cổ và thánh lễ tại các đền tháp trên ngàn năm tuổi nay đã biến mất, nhưng những giếng còn lại, như ở Nam Ô và Miếu Bà (Khuê Trung), mạch ngầm bí ẩn vẫn chảy, vẫn ăm ắp dòng nước ngọt trong lành cho dù hạn hán khô kiệt, nguồn nước ngầm suy giảm làm cho các giếng mới chung quanh khô cạn hay nhiễm phèn. Cho đến đầu thế kỷ 21, giếng Chàm tại Miếu Bà vẫn còn cung cấp nước cho người dân chung quanh. Cuối năm 2006, cơn bão Xangsen tàn phá thành phố, làm tê liệt nguồn nước máy trong nhiều ngày, chiếc giếng vuông này lại cung cấp nước cho người dân nơi đây. Ngày nay, nước giếng này thường dùng để thanh tẩy đồ dùng tế tự vào những dịp tế lễ hàng năm tại khu vực Miếu Bà./.

Bản dịch bia “Khuê Trung”(10)

A,I. …thần sáng láng Rudra, ở thế giới của thần Rudra tràn đầy các phẩm chát tuyệt hảo,… rực rỡ…, được ngợi ca bởi các hiền nhân trường sinh bất lão, nhưng [được ngợi ca] bởi tôi, ngài bảo vệ vận mạng (hoặc: vương quốc?)… vào ban đêm…

A,II. Trong tàn lụi hương thơm ngát trên gót sen của ngài, đáng ban phúc cho toàn bộ thế giới ở đây, một người sùng mộ phủ phục (hay: những người sùng mộ) xua đuổi sự ô uế, như ngón đó của mặt trăng (xua tan bóng tối khỏi màn đêm).

A,III. Được ngợi ca bởi các hiền nhân, như ngực thần Smara (Kăma: thần tình yêu) nhuộm màu thơm ngát bởi mỹ phẩm (angarăga) trên (bộ ngực người yêu của thần) Rati, đôi chân của Bhuvanaguru (Siva) tỏa sáng qua sự chăm sóc tốt, v.v…, như… ở thánh địa Prayãga).

A,IV. Lòng bàn chân (này) của Varin (Siva), như dây leo mãdhavĩ (giống dây leo ở Ấn Độ. Tên Latin: Hiptage Benghalensis), được tô điểm không ngừng bằng những bông hoa. Đó là một kho luật tắc để phụng thờ của những nhà thông thái (sumata). Hãy để nó ban phát niềm hoan lạc cho những kẻ kiếm tìm niềm hoan lạc.

A,V. Lòng bàn chân (kia) của Rudra, tạo ra bởi (trang trí trong hình dạng của) các biểu tượng của voi, ngựa, đàn ông, bình, quạt, chậu hoa, lọng… phất trần, phải bảo hộ sự thịnh vượng của mọi người khắp nơi, như vương quốc…

A,VI. Bài tụng ca Rudra này, dù có thiếu sót trong đó hay hoàn hảo…nước trộn với sữa…

B, I. …bông hoa nhú lên, gắn chặt với những đầu ngón tay.

B,II. Bởi Srĩ Jayasimhavarman, trong khi ngài đang cai quản mặt đất một cách tốt dẹp, lấp đầy các mong ước của những người trí huệ (ãsaya) khát khao công tích, trên (mặt đất) này… đến sự vĩ đại…, như… được trải rộng bởi Dharmasuta (i.e. Yudhisthira)… bắt nguồn từ…

B,III. Tôi tưởng tượng rằng danh tiếng của ngài (Jayasimhavarman), người đã tạo ra con đường vương giả trên mặt đất [qua hình thái] công trạng vô kể của ngài, hiện diện cả ở bên kia bờ đại dương lớn. Đức hạnh của ngài, trải rộng khắp, như những tia nắng mặt trời, tiếp cận được (yãnti) [ngay cả] đêm đen. Còn hơn bao nhiêu nữa trên khắp thành phố của ngài!

B, IV. Những điều này (nghĩa là những thứ sau đây), điểm thêm sự thông thái vĩ đại, tận hiến cho luật sắc Siva, là những tôi tớ của ngài [người mà xưng danh] bắt đầu bằng Jayasimha – và chấm dứt bằng – varman.

B, V. Srĩkalpa, người trung thành với luật sắc của Siva, người hiểu biết những giới luật, giảng sư, được sinh hạ trước, người em biết ơn của người là Amrtasãrathi, trí huệ (ãsaya) của người này chỉ toàn tâm [tạo lập] công tích. Người em thông minh của người, được xem là (kila) đang đạt đến danh vọng, là Rãjapanditavibhu. Kamrainsãrathi, người sùng mộ Ĩsa (Siva) là em trai của người, em gái của người tên là Mãy.

B, VI. Năm anh em này (sahodara) , không có lấy một khuyết tật (adara), không có chút tì vết bởi những chủ nhân của đức hạnh, rất thông thái, rất được kính trọng bởi các cộng đoàn những người mà sự giàu sang của họ bao gồm đức hạnh, do đã thừa hưởng đức hạnh của cha mẹ mình.

B, VII. Thành Rudrapurĩ rực rỡ chiếu sáng như thể nó nắm giữ chiến thắng trên đỉng của các đỉnh (đó là đỉnh cao nhất) của ngọn núi thiêng Kailãsa. Cầu mong trú xứ của Rudra được xây dựng ở đó (ở Rudrapurĩ) bởi chúng con ban thưởng (thần dân của Rudra?) trọng hậu.

B, VIII. Khi thời kỳ của vị vua nổi tiếng của các vương quốc (Sãka) tiếp cận bầu trời (trống rỗng), bầu vú, vật thể (nghĩa là vào năm 820 theo lịch Saka), khi mặt trăng nằm ở cung Kim Ngưu, khi mặt trời và sao Thủy (cãndri) nằm ở cung Bảo Bình, bán hành tinh Ketu đi đến ngôi nhà đầu tiên; với sao Kim ở cung Song Ngư; khi sao Thổ (ãrki) nằm ở cung Nhân Mã; hành tinh Rãhu ở cung Thiên Xứng; khi sao Mộc va chạm cung Sư tử; khi sao Hỏa (aira) ở cung Song Tử – [vào lúc đó] Sri Mahãrudradeva được xác lập tên tuổi bởi họ, những người đầy lòng trung tín, để tỏ lòng tôn kính cha mẹ họ.

(B16) Srĩ Mahãrudradeva hành động theo đúng hiến dâng của chúng tôi…
(c1-4) … một sự miễn (tài chính) hoàn toàn… Người dâng tặng nó cho Sri Mahãrudra.
(c4-5) Tất cả những thứ này là các cánh đồng lúa thuộc về thần chủ tể của tôi Mahãrudra:
(c5-6) gasamk yop pov nhiều… dành cho… ở tự viện này.
(c6-7) pov jlet của vật dụng kèm theo… người dâng tặng…
(c7-8) … dâng tặng… cho Srĩ Mahãrudra để khuyến khích dharma (giáo luật) đích thực.
(c9-141)…kinh thành… ở thời điểm tặng vật từ quốc vương Srĩ Jayasimhavarmandeva của mọi pin, ngài dâng tặng nó cho chủ thần Srĩ Mahãrudrã…

 

Untitled 1 3 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Bia “Khuê Trung”, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, 03.9.2018.
(Ảnh Vũ Hùng)

 

Bản dịch bia “Hóa Quê”(11)

Mặt A
Kính lạy Siva
I. Cầu nguyện cho những chiếc Linga, thể hiện trong mọi hình dạng, tạo dựng nên sự sung túc cho thế gian; ánh sang lung linh (từ các linga) sẽ xua tan bóng tối đầy sợ hãi do kẻ ác giaeo rắc; xứng đáng được tôn kính và ngợi ca bởi những đạo sư của mọi thời đại; mãi mãi tồn tại vì sự sung túc của ba cõi trời (12).

II.Chiếc Linga nguyên thủy của Người, không có khởi đầu, không có phần giữa, không có kết thúc, được tôn kính bởi các loài hữu tình và các loài vô tình, tồn tại vì sự trong sáng của thế gian (13).
III. Chiếc Linga của Người là bát khả chiến bại, đem đến thịnh vượng cho mọi loài, cứu vớt tất cả chúng sinh mà không hề đòi hỏi.
IV. Chiếc Linga của Người vượt qua mặt đất, bao trùm cõi trời, là nơi nương náu của vô số sinh linh; vẻ huy hoàng làm quy phục cả mặt trời, Mặt trăng và các Tinh tú, ban phát vô lượng lợi lạc cho thế gian. Cầu nguyện Linga luôn che chở thế gian.

V. Những ai chỉ một lần kính lạy những linga này sẽ thành tựu những nguyện ước; những chiếc Linga được ngợi ca bởi vô số người có tín tâm và được cả chư thần tôn kính ngang hàng các thần linh ở cõi trời
VI. Với chiều sâu vô hạn, phần dưới của chiếc Linga bất khả chiến bại không ai có thể dò tới, kể cả đó là thần Hari (14) khi hiện hình thành con Lợn lòi; bởi vì, dù đã thực hành nghiêm ngặt các phép yoga, thần vẫn không có được đặc ân do Siva ban tặng.
VII. Và cả thần Brahma kiêu hãnh, ngời sáng với tính cách anh hùng và công phu thiền định, vẫn bị u minh che chắn, không thể nào vươn tới đỉnh cao của Linga, bởi vì thần vẫn không có được đặc ân do Siva ban tặng.
VIII. Khi nhìn thấy Vishnu và Brahma xấu hổ vì sự vô minh, mặt mày tái nhợt như những bông sen bị ếch nhái cắn rụng, Người đã nói ra những lời này: “Này Govinda (15) và Brahma, các vị còn cố làm được chút gì nữa chăng? Kẻ nào muốn biết đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc của ta chỉ có thể làm được điều đó khi biết hoan hỷ vâng lời phục ta, và không có cách nào khác hơn nữa đâu”.
IX. Nghe những lời tôn kính đó, Vishnu và Brahman cúi đầu kính lạy vị thần tối thượng.
X. Vishnu và Brahma, với khuôn mặt như những đóa sen bừng nở dưới ánh mặt trời, thốt lên: “Đấng tôn thần của các thần linh, xin hãy ban cho chúng tôi một
đặc ân”.
XI. Liền đó, Người đã cho họ nhìn thấy mặt, lộ ra từ giữa chiếc Linga, chói lọi với ba con mắt, đó là Lửa, Mặt trăng và Mặt trời.

5 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 5 - Mạch giếng Chàm

Bia “Hóa Khê”, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Ảnh tư liệu)

XII. Theo mệnh lệnh của Người, Brahma và Hari liền hợp nhất với Người, Brahma đứng bên phải, Hari bên tay trái.
XIII. Người, đấng tối thượng đại thần luôn đứng vững và không hề lay chuyển; là giảng sư của mọi thần linh và ác quỷ, là đấng xua tan mọi ảo giác; ở mọi nơi ai nấy đều cúi đầu kính lạy dưới đôi chân như cánh hoa sen của Người; dù đã từ bỏ tính lưỡng sinh, Người vẫn được
Gauri nhân đôi sức mạnh; không hề bị khuất phục và luôn chiến thắng cả những người tài năng.
XIV. Cầu nguyện Đấng tôn kính Isanesvara an vị, bằng sức mạnh thần thánh bảo hộ chúng con khỏi những hiểm họa. Người được tôn kính như kho báu duy nhất trên mảnh đất này nơi mà nòi giống chúng con đã tài bồi trù phú.

Mặt B
XV. …một thành phố tên là Campa, giàu có, sung túc và an lạc, được bảo vệ bởi mệnh lệnh của Bhrgu (16)… năng lực vĩ đại.
XVI. Đấng quân vương Bhadravarman, một mặt trăng không chút tì vết trên bầu trời, thuộc dòng họ Bhrgu xuất chúng, là bản tâm của chúng sinh, đã đánh thức
những đóa sen bằng những tia sáng huy hoàng của Người.
XVII. Người, vua của Campa, như đứa con của Pandu (17), tỏa sáng lộng lẫy trên chiến trường, nợi mịt mù bụi đất bởi những vó ngựa phi nhanh. Khuôn mặt Người nhuộm đỏ bởi những giọt máu tóe ra từ các loại vũ khí, trông như những đóa hoa Asoka (18). Khắp bốn phương, tiếng gào thét của đàn voi xinh đẹp khổng lồ nhấn chìm âm thanh trống trận.
XVIII. Bằng công lý nghiêm ngặt, nhà vua thiết lập một kỷ nguyên của sự công bằng. Niềm hạnh phúc lan tỏa làm đức vua hưng thịnh.
XIX. Vị đại thần có tên là Ajna Mahasamata sở hữu nhiều của cải đã đạt vinh quang và giàu có nhờ đặc ân của đức vua.
XX. Vòng hoa vinh dự được đặt lên đầu, dấu tilaka tuyệt vời được tô lên trán, một bộ hoa tai tốt nhất, một bộ áo dài với những đường chỉ vàng trang trí, một cây kiếm có chuôi nạm vàng, một lọ hoa và một ciranda trắng như bạc, một chiếc dù làm bằng lông công và vô số bình, lọ và một chiếc kiệu có cán bằng bạc.
XXI. Tất cả những vật đó khó ai trên thế gian có được, đã được đức vua trao tặng cho Người vì sự trung thành đối với các mệnh lệnh của hoàng gia. Người ngồi cạnh đức vua trong chiếc kiệu, dưới chiếc lọng làm bằng lông công, hộ tống bằng đội quân hạc, bước xuống một cách kiêu hãnh.
XXII. Cỡi trên lưng voi, bao bọc bởi muôn ngàn binh lính, Người tỏa sáng uy nghiêm lộng lẫy như tia nắng mặt trời dưới chiếc dù làm bằng những chiếc lông chim công.
XXIII. Người có em trai là một đại thần, tên là Ajna Narendra Nrpavitra, thông thạo tất cả các nghi lễ và mọi kinh sách tôn giáo Siva.

XXIV. Em trai khác của Người có tên là Ajna Jayendrapati, một vị đại thần có tâm hồn thánh thiện, thân ý trong sáng; trí tuệ mẫn tiệp, thông suốt các kinh sách, nổi tiếng trên thế gian sánh ngang với Angirasa (18) về trí thông minh và phúc đức.
XXV. Nhờ cần cù nỗ lực, Người có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt. Những công trình của vua Jayasimhavarman xây dựng gồm các đền tháp thờ Ngài Jayaguhesvara và thờ thần Vishnu ở thành phố Vishnu. Những công trình do vua Bhadravarman xây dựng gồm các tháp thờ Ngài Prakasabhadresvara, Ngài Rudrakotisvara, Ngài Bhadramalayesvara, Ngài Bhadracampesvara, Ngài Bhadramandalesvara, Ngài Dharmesvara, Ngài Bhadrapuresvara. Trong tất cả các đền tháp này, đại thần Ajna Jayendrapati soạn các bài văn bia đầy chất thi ca để khắc vào đá và đã được nhà vua ban cho nhiều đặc ân, bao gồm chiếc kiệu, chiếc lọng trang trí bằng lông công, cây kiếm có chuôi bằng vàng, bình, lọ, hộp bằng bạc, đai, hoa tai, ciranda, cặp áo và các thứ khác.

Mặt C
Người có cô em gái trong trắng tên Ugradevi, giàu lòng sùng đạo và luôn chú tâm thực hiện công đức.
Ba người anh của cô, được sự cho phép của thân mẫu, đồng tâm tạo dựng vào năm 820 lịch saka ngay tại trung tâm của quê hương mình một hình tượng Đấng Maharudradeva (19) với tất cả lòng thành kính và phỏng theo đường nét của người cha, tên là Ajna Sarthavaha, là anh của hoàng hậu vua Indravarman, cháu gái của vua Rudravarman…
Tại quê hương mình vào năm 830 lịch saka, về phía bắc của hình tượng này, ba anh em tạo dựng hình tượng Bhagavati (20) với tất cả lòng thành kính và phỏng theo đường nét hình dạng của người mẹ, tên là Pu Po Ku Rudrapura,… sinh ra trong một gia đình có truyền thống thanh cao, và chính bà vào năm 830 lịch saka cũng đã dựng hình tượng của thần Devi, Ganesa và Kumara… Lại nữa, về phía nam, đại thần Ajna Jayendrapati đã tạo dựng ở quê hương mình vào năm 829 lịch saka (21) hình tượng Đấng Mahasivalingesvara để tôn vinh thần Siva và vinh quang của mình.

Mặt D
…Ngày rằm trăng sáng tháng năm…khu vườn xa tận thành phố,… xa tận đền thờ… một cơ sở thờ tự… Kẻ nào lấy đi vật dụng của đền thờ sẽ bị đày xuống địa ngục. Người nào bảo vệ sẽ được sống dài lâu nơi thiên đàng theo đúng nguyện ước.
Mệnh lệnh của hoàng gia không được vi phạm. Cầu nguyện cho công trình tôn kính này trường tồn cùng với Mặt trăng và Mặt trời chiếu sáng vũ trụ.
(Bảy dòng tiếp theo viết bằng chữ Chàm nói đến các chi tiết sắp đặt ngôi đền, có một số chữ không đọc được và chưa được phiên dịch).

 

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

 


Chú thích:

(1) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 67.
(2) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, trang 148, 286, 339.
(3) Ảnh minh họa trang 65.
(4) Xem bản dịch bia “Khuê Trung” và bia “Hóa Quê” ở cuối bài.
(5) Rudra là thần Bão tố.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, trang 136.
(7) Xem Phan tộc phổ chí Đà Sơn-Đà Ly nhị xã, trang 163 của sách này.
(8) Ảnh minh họa: Tượng thần Ấn giáo tại Miếu Bà Khuê Trung và sự tiếp biến, trang 66,67.
(9) Xem các bản đồ phân bố di tích đền tháp và văn hóa Chàm tại Đà Nẵng.
(10) Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành
Phần,Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm-Đà Nẵng, NXB.
Đại học Quốc gia Thành phố HCM, năm 2012, trang 112-115. Một số
phụ âm của bản dịch kèm dấu phía trên không ghi được như nguyên
bản; chỉ ghi lại một số chú thích.

(12) Võ Văn Thắng (chủ biên), Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới, NXB. Đà Nẵng, 2014, từ trang 200 đến trang 207 (về chú thích, chọn 11 trong 17 chú thích trong tài liệu trên).

13. Đây à một văn bia hoàn chỉnh thường thấy trong văn bia Chămpa. Măt A dành tôn vinh thần Siva thông qua hình tượng Linga. Mặt B ca ngợi vua và các đại thần có công xây dựng đền tháp Siva. Mặt C ca ngợi tài năng, công đức của những anh em, dòng họ tham gia việc xây dựng đền tháp. Mặt D liệt kê đất đai, sản vật dâng cúng chu thần, lời nguyền phù hộ cho người gìn giữ và răn đe những kẻ phá hoại công trình.
14. Người soạn văn bia cho biết rất tinh thông kinh sách Ấn Độ giáo. Mặt A là thể hiện hoàn chỉnh câu chuyện về hình tượng Linga được ghi trong chương “Lingapurana”, một phần trong 18 Purãna mẫu mực.
15 và 16. Tên gọi khác của thần Vishnu.
17. Bhrgu là tên một vị hiền triết trong thần thoại Ấn Độ trong thời khởi nguyên của vũ trụ.
18. Pandu: một vị thần trợ thủ cho thần Siva.
19. Asoka là một loại cây họ đậu, hoa màu đỏ thắm.
20. Angirana là tên một nhân vật huyền thoại, nhà hiền triết tham gia biên tập kinh điển Hindu giáo.
21. Maharudradeva là tên gọi khác của thần Siva.
22. Bhagavati là nữ thần, vợ của thần Siva.
23. Các năm 820, 829, 830, 831 theo lịch saka tương ứng với Dương lịch là các năm 898, 907, 908, 909.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây