Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ cuối

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ cuối

Truyện ngắn

Theo dấu loa kèn

1. Tác giả Kiều Bích Hậu min 1 - Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ cuối

THEO DẤU LOA KÈN 

Tác giả: Kiều Bích Hậu        

“Chàng đã chết và cuối cùng nàng cũng đã quên, nhưng cứ đến tháng Tư, hoa loa kèn lại nở…”

Chiếc Lexus màu sữa bóng loáng lướt êm đầy hãnh diện. Phố Ngô Quyền sáng nay bỗng như rộng ra, những hàng phượng, sấu cổ thụ hai bên xòe những bàn tay xanh dịu dàng vẫy nhẹ. Mặt Hoàng nở rộng đón nhận đặc ân lớn nhất của cuộc sống. Những giây phút này là của anh, anh không việc gì phải vội vã. Anh, 39 tuổi, dáng cân đối và chắc chắn, các bắp thịt như được đúc bằng những thỏi đồng, ánh mắt sáng lạnh lẽo và dường như không biết xót thương. Anh từng học Mỹ thuật Yết Kiêu, nhưng không phải để vẽ tranh hay viết những phê bình mỹ thuật lặt vặt mà để buôn đồ cổ, những món đồ do con người tạo ra để phục vụ họ, nhưng qua thời gian bỗng lật lại vị trí, mang một thứ tín ngưỡng nào đó mà làm con người điên đảo.

Hoàng là tay buôn đồ cổ khét lẹt, có khả năng phù phép tạo những giá trị phi thường cho những món đồ cao tuổi vô tri. Anh tạo ra quyền lực và truyền vào những đồ vật ám màu thời gian. Quyền lực ấy mang đến cho anh cuộc sống vương giả. Sau ba ly cognac với một kẻ thừa tiền mà thiếu tự tin nào đó, Hoàng có thể đẻ ra quyền lực giống như gà sẽ đẻ trứng sau khi ăn no thóc. Còn giờ đây, Hoàng, tay buôn đồ cổ miệng lưỡi phù thuỷ ấy đang trên đường đến nhà cô gái mà anh sẽ cưới làm vợ.

Hoàng huýt sáo, bẻ quặt tay lái. “Két”! Tiếng phanh chói rít, tiếng lốp miết mặt đường nhựa làm chính anh giật nảy mình, chồm lên vô lăng, dây an toàn thít chặt ngực giật anh quay trở lại. Chết cha! Hoàng đã húc phải một xe máy đi từ trong phố nhỏ ra. Nạn nhân của anh văng khỏi xe máy, lồm cồm bò dậy quờ quạng tìm gì đó. Hoàng nhảy khỏi xe chạy lại chỗ anh ta, lớn tiếng quát:

– Đi đứng kiểu gì vậy? Mắt mũi để đâu?
– Xin lỗi anh! Mắt tôi rơi đâu mất! Anh có thấy kính tôi văng chỗ nào không?

Hoàng nhặt cặp kính cận dày trao cho anh ta. Người ấy đeo kính vào, nét mặt chưa hết ngơ ngác hoảng loạn. Anh ta gượng dậy, quay lại đầu xe Hoàng, cúi nhặt bó hoa loa kèn, đã vỡ dập. Nét mặt anh ta bỗng co rúm lại như đang phải chịu một đau đớn quá sức. Hoàng đưa tay túm lấy anh ta.

– Anh có sao không? Để tôi đưa anh tới bệnh viện?
– Không cần đâu, cảm ơn anh! Anh nâng giúp tôi cái xe kia thôi.

Cẩn trọng đặt những đóa loa kèn dập nát lên giỏ xe, người ấy lập cập nổ máy xe, lách khỏi ôtô của Hoàng phóng đi mất.

Hoàng quành lại, xem xét đầu xe của mình, móp méo xướt xát tí chút, lại phải mang đến garage chỉnh rồi. Anh chép miệng, nổ máy xe, chạy tiếp đến cổng nhà Ni.

Ni nở nụ cười đón anh. Cô vận đầm coton hai dây nền trắng điểm những phẩy màu xanh non. Trông cô mong manh đến lạ. Hoàng không dám thở mạnh, sợ rằng hơi thở sỗ sàng của anh sẽ làm cô bay đi mất. Cô mở to mắt, như không nhìn thấy anh, đôi mắt hoang lạnh như một cánh rừng chết mùa khô khiến anh nổi gai khắp người. Anh xáo động mạnh, muốn ôm chặt cô, ủ cô trong hơi ấm ngực mình như gà mẹ cố xoè cánh ấp lấy đứa con, tìm lấy sự an toàn trong tim mình.

– Có chuyện gì vậy Ni?

Cô nói nhỏ mà chóng vánh như kẻ bị đuổi bắt mà cũng như sợ chính mình thay đổi ý định.

– Em sẽ làm vợ anh, nhưng không cần đám cưới rình rang. Chỉ cần anh đưa em đi khỏi thành phố này, thoát khỏi nơi này.
– Bình tĩnh nào, Ni. Anh có thể đưa em đi đâu cũng được. Có anh ở đây em không cần sợ hãi.
– Nhưng… chuyện thật nghiêm trọng. Em đã giết người!

Ánh mắt thất thần, chân tay run rẩy không còn chút sức lực. Ni sụm xuống đến nơi, Hoàng giang tay kéo mạnh rồi đặt cô vào trong xe phóng bay biến. Anh chăm chú vào việc lái xe, không gặng hỏi cô. Anh là thế, với anh cô mới là quan trọng chứ không phải những lời giải thích. Với một tay buôn đồ cổ có hạng thì đa phần những giải thích không phải là sự thật, chúng chỉ là những vỏ bọc hào nhoáng do con người cố dựng nên một cách tội nghiệp mà thôi. Vì thế, đa phần các trường hợp, Hoàng không phí thời gian cho những lời giải thích. Khi cần thiết thực sự, anh sẽ xắn quần lội thẳng vào sự thật.

Ni nằm thu lu, mắt nhắm rất khả nghi ở băng sau. Có vẻ cô gắng che giấu một bí mật. Hoàng tin bí mật đó không nguỵ tạo. Đàn bà, nhất lại là đàn bà đẹp, là cái túi chứa bí mật nhân gian. Vì thế mà càng cuốn hút đàn ông chăng.

Có một điều chắc chắn là Ni, một kiểu tài sản quốc gia bởi giọng trong và đẹp hiếm có, sẽ không có trường hợp thứ hai, và ai đó có bỏ cả núi tiền cũng không mua nổi danh ca này. Hoàng là cái gì mà có được cô? Hoàng làm những gì để có được cô? Chỉ có thể là diễm phúc trời cho, được lúc nào hay lúc ấy. Anh cần nâng niu cô, hơn cả báu vật, hơn hết thảy. Tất tật mọi thứ khác, tiền bạc, danh vọng, luân lý, sống và chết, quá khứ và tương lai, anh chẳng nên và không thèm quan tâm. Yêu và nâng niu cô lúc này đây mới là đỉnh cao của xúc cảm làm người. Anh lại nhớ, trong Nhà hát lớn hôm ấy, anh đã nổi gai cùng mình khi thấm giọng lanh lảnh như pha lê va chạm của diva này, càng lúc, dải giọng voi vói vút cao quyến rũ ma quái ấy càng cuốn anh vào cơn mê mụ của mắt nhắm và trời đêm xanh ánh sao.

Ni chẳng cần cố gắng để làm một diva. Mỗi sáng, cô thức dậy, vận một tấm áo hai dây nhỏ và váy xoè trắng, bật nhạc và xoay với vũ điệu cho đến khi năng lượng vắt kiệt. Sau đó là bữa sáng với năm loại trái cây, một tách trà nhài với hũ mật ong Le Fruit tí xíu của Met. Cô sẽ tô mắt với Diamond Noir và xoã mớ tóc xoăn dài, tới nhạc viện luyện giọng. Khi màn đêm lặng lẽ trườn xuống, cô cất giọng trong ánh sáng vàng trong vắt của Nhà hát lớn, ru cả thế giới vào mộng phiêu bồng. Một giọng hát đẹp thấu suốt như thế thì tâm hồn phải không vương chút bụi nào. Quả có thế thật, vào những lúc cô hát. Còn sau đó cô lại rơi vào địa ngục của bế tắc. Điều cô không bao giờ hé miệng. Vì nó là thất bại. Một diva như cô mà thất bại. Trong tình yêu cô chẳng thể chấp nhận nổi thất bại đó. Cô mà lại không có được người đàn ông cô muốn ư, thật nực cười, khoái lạc lớn nhất của một đời, tài năng cỡ diva mà không được hưởng là sao? Khi mà cô cất giọng, cả đám đông mê muội dưới kia sẽ quỳ gối.

Cô không thể tiếp tục sống như thế. Khi một đoá hoa nở ra rực rỡ, nhưng không một cánh bướm nào dập dờn quanh nó khen tặng, không phủ khắp nó những nụ hôn và tán dương, đam mê, thì đó cũng là tội ác.

Chuyến xe này, Hoàng chở Ni trốn khỏi tội lỗi. Đi khỏi Hà Nội, thành phố mà cái gì cũng đã quá quen đến thành ám ảnh.

***

Khách sạn International đứng sừng sững ven biển như một mũi tên đá bắn thẳng lên bầu trời. Hoàng chọn một phòng rộng trên tầng 21, căn phòng sang trọng có tầm nhìn ra biển, giống như một cái lồng chim bằng vàng treo lơ lửng giữa trời và biển. Một khoảng tĩnh lặng bao la và vô trọng lượng. Có cảm giác vừa thích thú vừa hoảng sợ khi trôi vô định giữa vũ trụ trong cái lồng đó. Ni cùng anh chìm trong đám mây trắng bồng bềnh của chăn gối, sâu trong mộng mị  kỳ lạ. Không có gì cả, không động chạm, không vuốt ve, không một lời thì thầm, cả hai chìm vào cõi không trọng lượng.

– Mấy giờ rồi anh? Ni đột nhiên vùng dậy, lay vai Hoàng.
– Anh không biết – Hoàng xoay người lười biếng – Em mở điện thoại thì biết.

Im lặng một lát, Ni bấm điện thoại và một tiếng chuông ngắn lẻ loi vang lên nhưng nó sắc nét đến nỗi xuyên thẳng vào óc cô. Ni tiếp tục lướt ngón cái trên những nút bấm điện thoại.

– Sao lại thế này? – Cô kêu thảng thốt.
– Tin nhắn à? – Hoàng ngồi hẳn dậy, tỉnh táo hơn, nhìn vẻ thất thần của Ni, anh nắm chặt tay cô đang run rẩy giữ chiếc điện thoại.
– Nếu em muốn, thì hãy kể anh nghe.

Giọng Ni rời rạc:

– Tin nhắn của người ấy, sáng nay vẫn đến. Tại sao lại phi lý thế! Người ấy chết rồi, em là thủ phạm. Vì thế em mới yêu cầu anh mang em đi khỏi Hà Nội.
– Em giết người ư? Như thế nào?

Hoàng nheo mắt hỏi, cố để hiểu, nhưng anh chẳng thấy có gì nghiêm trọng cả. Anh có thể chấp nhận những hoang tưởng. Những hoang tưởng đôi khi rất giá trị, nhất là trong nghề buôn đồ cổ. Tạo nên giá trị từ hoang tưởng là cực kỳ đê tiện, nhưng giày vò thì cũng có thay đổi được gì đâu! Hoàng tặc lưỡi bỏ qua nhiều lần rồi.

– Em phải làm thế nào bây giờ? – Ni gẩy chiếc điện thoại xuống chân giường như một con sâu róm. – Em đã dụ người ấy lên núi…

Cô bắt đầu kể, giọng bỗng đầy đam mê như một văn sỹ lên đồng trước đám thính giả mê mụ. “Đó là người đàn ông dáng cao, tóc hơi dài, buông xoã như tóc hoàng tử trong phim cổ tích Nga. Một ngày sau thì em xuống núi một mình. Em đã hoàn toàn thủ tiêu người ấy khỏi mặt đất này. Dù sao thì người ấy cũng đã chết rất đẹp, theo cách sắp đặt của em. Người ấy nằm trên đỉnh núi, thân hình trần trụi thanh sạch, mặt đối diện với các vì sao, bị vũ trụ hút sạch hơi thở, nhẹ bỗng, cuốn vào lớp mây dày và bay vút lên, lạc vào vũ trụ không giới hạn.”

– Tuyệt quá! – Anh thốt lên.-  Nếu ngày nào ghét anh, em cũng có thể giết anh, theo cách mà em muốn.
– Nhưng em đã giết người ấy, vì quá yêu. – Ni thì thầm.
– Như thế càng hay!
– Nhưng tại sao cái tin nhắn ấy lại quay về? Ni hoảng sợ.
– Tin nhắn nào? Lúc nào? – Hoàng chớp mắt
– “Cà phê nhé em?” Ngày nào cũng thế, lúc chín giờ sáng. Ngay cả khi người ấy đã chết rồi… Nước mắt lặng lẽ trườn qua má Ni, xuống cằm, băn khoăn dừng lại.
– Em không muốn nhận tin nhắn ấy nữa?
– Không, em cần một cuộc sống mới, với anh. Ngày hôm qua phải dừng lại, biến mất.
– Đưa cái điện thoại của em cho anh. Anh sẽ huỷ nó. Anh sẽ mua cái điện thoại khác, thật tiện ích cho em.

Ni khều bàn chân nhỏ nhắn với những ngón mướt như búp non, gẩy cái điện thoại về phía Hoàng. Hoàng nhìn cô, suy nghĩ “Liệu ta có thể huỷ người ấy khỏi ký ức của nàng, dễ như huỷ tin nhắn trong cái máy điện thoại này?”

***

Ni trở thành vợ Hoàng, một người vợ hoàn toàn, đúng nghĩa. Hoàng tậu một biệt thự ven biển trưng toàn đồ cổ và giả cổ. Cuộc sống của Hoàng là những gạch nối đi về với những chuyến bay Hà Nội – Đà Nẵng. Những kẻ máu đồ cổ vẫn đổ về Hà Nội làm Hoàng bận rộn. Còn Ni bận rộn với chửa và đẻ. Đứa con thứ nhất chưa tròn tuổi thì bụng cô đã lùm lùm. Cô say mê những tác phẩm bi bô gọi mẹ, mẹ. Con cái chiếm đoạt hết thời gian của cô. Cô không hát cũng không nhảy múa. Tranh thủ trốn con được lúc nào thì cô lao ra biển, bơi một mình, bất kể ngày hay đêm. Cô cũng không nghe nhạc. Cô cắt phăng mớ tóc dài, quăn lượn huyền ảo sau lưng. Cô mập lên như một mụ gái Phi châu mắn đẻ. Cô toàn tâm toàn ý cho Hoàng và chuyện đẻ đái. Họ cứ thế mà trôi đi.

Hoàng thì không cần ngắm cô nữa. Cô ở yên trong vòng tay anh rồi. Đôi khi rỗi rãi và hoang buồn vô cớ, anh nhớ nhung khoảnh khắc ngồi lặng trong Nhà hát lớn, rợn gai cùng mình vì giọng lanh lảnh như pha lê chạm nhau của diva Ni một thuở.

Tháng tư, biển lặng ngắt, Ni không thích bơi. Hoàng bảo để lại hai đứa con nhỏ cho vú nuôi chăm sóc, hai vợ chồng về lại Hà Nội chơi một chuyến. Hà Nội ư, Ni cau mày, thì về xem sao, cũng là để thử thách mình.

***

Hoàng dùng xe mui trần, chở Ni đi loanh quanh Hà Nội, như chẳng có mục đích gì. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn cô. Cô có yêu anh không nhỉ? “không yêu, em thành đá cuội!” cô bảo thế rồi đấy. Bầu trời Hà Nội sáng tháng tư cứ như sắp mưa mà cũng như vừa qua một cơn mưa, nó tươi mới, mà nó cũng mịt mùng và ong óng hơi nước, nó khiến mọi vật nảy nở, trong Ni và Hoàng cũng cựa quậy muốn nảy lên một cái gì đó. Hoàng dừng xe lại ở góc vườn hoa Lê Quý Đôn, nơi có mấy chiếc xe đạp sợ sệt đứng nép vào nhau, với những cái mẹt tre đan thưa cỡ lớn chất đầy hoa: hoa hồng, hoa thạch thảo và loa kèn, hình như đang là mùa loa kèn.

Ni quay sang Hoàng, nét mặt cô dài dại.

– Anh để em lại một mình, với chiếc xe này được không?

Hoàng xuống xe, vẫy một chiếc taxi rời khỏi Ni. Như mọi lần, anh không cần hỏi tại sao. Anh có đủ sức mạnh và rộng lòng. Điều quan trọng là sống cảm xúc, chứ không phải là những cỗ máy đếm thời gian trơn tuột.

Ni ngồi lặng, ngắm những đoá loa kèn ngời lên tinh khiết trong không gian đẫm hơi nước của buổi sáng tháng tư xứ Bắc. Loa kèn không quên nở, dù lòng người đổi thay rồi. Chút bâng khuâng này là để nghiêng mình trước sự sinh bất diệt và bình thản của hoa.

– Mua hoa đi chị ơi. – Cô gái e dè mời mọc dưới mê nón cũ méo.
– Ừ, bán cho tôi tất cả chỗ hoa loa kèn này.

Cô gái mừng rỡ xếp hoa loa kèn lên xe hộ Ni. Hôm nay lạy giời vớ được món khách sộp quá đi. Mà cũng phải mua nhanh kẻo hết mùa loa kèn đến nơi.

Ni lái xe chầm chậm trên phố, cô không còn để ý gì đến đường sá nữa. Những bông loa kèn vây xung quanh cô, vươn những cánh trắng xanh cứng cáp mà dễ vỡ, toả hương dịu thơm ngát thanh cao khiến cô ghen tị. Ni chạy xe qua phố Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Hoàng Hoa Thám, đường Thanh niên, lùng mua bằng sạch những bông loa kèn. Cô muốn loa kèn chỉ nở cho riêng mình, trong quá khứ mà thôi.

Xe chất đầy loa kèn trắng xanh mong manh. Hương hoa ngấm dần vào cô, mỗi lúc một sâu. Cô phải chạy xe thật nhanh cho kịp. Xe lướt lên cầu Thanh Trì, vắng ngắt, mây giông sà xuống vùi lấp cầu vào lòng sông, xe của Ni càng ngày càng nhẹ bỗng, trắng mờ, đến đoạn gần giữa sông thì tan trong mây mù.

***

Hoàng đợi đến ngày thứ hai không thấy Ni trở lại, đứng ngồi không yên, rít thuốc liên tục, cái gạt tàn sứ Bát Tràng luôn trong tình trạng ních đầy tàn và đầu lọc vàng khè.

Ni đã trôi về đâu? Theo thói quen, anh đã rút điện thoại gọi vào di động của vợ mấy lần nhưng máy cô tắt lịm.

Suy nghĩ một lúc nữa rồi Hoàng mở khoá va ly lớn, mở tiếp một ngăn nhỏ bí mật trong đó, lấy ra chiếc điện thoại cũ của Ni.

Anh đã không huỷ nó trước đây, chỉ đơn giản tắt nó đi, đôi khi anh bí mật tiếp tục trả tiền để duy trì thuê bao, biết đâu có lúc cần, lo xa vốn chẳng bao giờ thừa. Hồi hộp, anh nhấn mạnh đầu ngón trỏ vào nút bật nguồn, màn hình điện thoại sáng lên cùng nhạc chuông lảnh lót ngắn ngủi. Chưa đầy hai mươi giây sau, có tiếng tít nhỏ báo tin nhắn tới. Tim Hoàng đập thình thịch, anh lập tức mở tin nhắn ra đọc.

“Cà phê nhé em?”

Hoàng liếc đồng hồ: chín giờ sáng; Anh cẩn thận xem lại lịch ngày. Không có sự bất thường nào về thời gian. Anh dụi mắt, đọc lại tin nhắn lần nữa rồi bấm nút “reply”.

“Ở đâu?”

Hoàng đợi chờ trong một cảm giác thật khó khăn. Anh có thể dừng lại trong khi chờ điều đó không nhỉ? Anh kiểm chứng bằng cách nhìn đồng hồ treo tường và thấy mình vẫn tiếp tục trôi đi, không cách gì dừng lại, chiếc đồng hồ đang đo nhịp trôi của anh. Chiếc điện thoại trong tay anh nóng bỏng. Lại một tiếng tít nhỏ vang lên.

– “Quán Aladin Giảng Võ nhé!”
– “Okie, 30p nữa có mặt!” – Hoàng nhắn lại.

Hoàng lao ra đường, vẫy một chiếc taxi: “Hãy chạy xe thật nhanh!” – Anh bảo người tài xế. Anh nhắm mắt cố mường tượng về người đàn ông ấy, người thường nhắn tin “Cà phê nhé em?” cho Ni vào chín giờ sáng. Người đàn ông cao và gầy, có mái tóc giống hoàng tử trong phim cổ tích Nga. Người  thích đắm chìm trong nhạc Mozart trong lúc tưởng tượng ra những khung cảnh hoang dã phóng khoáng, nơi Ni và anh ta sẽ im lặng đi bên nhau.

Hoàng ngay lập tức chuyển điện thoại cũ của Ni về chế độ im lặng, rồi bước vào quán Aladin, đảo mắt quan sát một lượt. Quán rộng nhưng vắng, có hai người đàn bà ngồi uống nước cam gần cửa sổ, nói chuyện rất khẽ. Hoàng chọn một bàn ở góc trong cho dễ quan sát. Mười phút nữa mới tới giờ hẹn. Hoàng cố gắng không nhìn ra cửa. Anh mở một cuốn tạp chí, nhưng mắt lại chăm chú nhìn màn hình máy điện thoại để trên bàn. Anh cũng không kiềm chế được, đôi khi lấm lét nhìn ra cửa. Thêm một đôi trung niên bước vào, người đàn bà đi trước, nét mặt ngượng nghịu. Ba phút, hai phút, một phút. Anh đếm lùi sự trôi trượt của chính mình, mỗi khắc lại thấy hẫng thêm. Chiếc điện thoại vẫn ngoan cố im lìm.

Một người đàn bà mặc đầm đen bước vào, điện thoại áp tai, mắt đưa một vòng khắp quán. Ánh mắt chưa kịp quét đến chỗ Hoàng thì anh đã nhảy bổ tới, túm lấy cánh tay chị. Người đàn bà giật bắn mình nhưng không cố giãy ra khỏi Hoàng.

– Anh là ai?
– Tôi là chồng của người phụ nữ mà chị vừa gọi điện tới, còn chị là ai?
– Tôi là vợ người đàn ông thường nhắn tin cho vợ anh lúc chín giờ sáng, mời cô ấy đi uống cà phê. Cô ấy đâu? Tôi muốn gặp cô ấy.
– Nếu tôi biết cô ấy ở đâu thì tôi đã chẳng phải tới tìm người nhắn tin cho cô ấy như thế này. Còn chồng chị đâu rồi, tại sao không phải là anh ấy mà chị lại là người tới đây tìm vợ tôi?
– Anh ấy chết rồi!
– Chết!? Vì sao anh ấy chết? Và chết bao lâu rồi?

Hoàng choáng váng, anh đuối sức. Chẳng lẽ điều Ni nói lại là sự thật? Cách đây bốn năm, khi Ni yêu cầu anh đưa cô đi trốn, cô nói là cô đã giết người ấy. Anh đã bình thản cho là cô hoang tưởng. Lẽ nào?

– Có phải anh ấy đã bỏ đi lên núi, rồi không trở về? Giọng Hoàng nghi ngại.
– Không. Cách đây bốn năm, ngày mùng bảy tháng tư, tôi còn nhớ như in. Anh ấy trở về nhà tay ôm bó hoa loa kèn dập nát, mặt tái nhợt không còn thần sắc. Tôi hỏi thì anh chỉ xin tôi đừng làm phiền, rồi vào phòng riêng khoá trái cửa. Khuya hôm đó, lúc tôi nhờ người phá khoá vào phòng thì anh ấy đã nguội lạnh rồi, bên mình vẫn để những đóa loa kèn dập nát.
– Vẻ ngoài anh ấy như thế nào? Hoàng gắng gượng hỏi.
– Anh ấy cao, gầy, đeo kính, mái tóc rất đẹp kiểu hoàng tử trong phim cổ tích Nga.

Hoàng chết lặng. Trong đầu anh như có ánh chớp xẹt ngang. Chính buổi sáng hôm đó, khi lái xe vào ngõ phố nhà Ni, xe anh đã đâm sập vào người ấy! Anh ngồi trân, mắt đờ ra nhìn người đàn bà trước mặt như nhìn chốn không người, hiện lên trước mắt anh là cảnh tượng người ấy lồm cồm bò dậy, run bắn đôi tay, quờ tìm hoa loa kèn ngay trước mũi xe anh. Trớ trêu làm sao. Chính Hoàng đã tiếp tay để người ấy đi khỏi thế giới này, nơi anh ta không dám có Ni. Tại sao lại có người con gái có thể mang trong mình ý nghĩa của thế giới này. Ni ơi, em ở đâu? Nếu như chốn em đến có người ấy thì anh cũng không vì thế mà hờn giận em. Anh chỉ hối tiếc cho bản thân, chưa bao giờ anh có được em.

Người đàn bà mặc đầm đen trầm ngâm nhìn Hoàng hồi lâu, đôi mắt thẫm hơn cả màu của chiếc đầm, như muốn ẩn vào khoảng tối đó, rồi nó xuyên qua Hoàng, tiếp tục một hành trình. Đoạn, chị bắt đầu nói lầm rầm như tụng kinh.

“Tôi đã biết chồng mình đắm đuối một người con gái khác. Tôi không mấy bận tâm chuyện đó. Có lẽ tôi đã không dành đủ suy nghĩ cho vấn đề mà trượt đi với một lối nghĩ giản đơn: Chồng tôi là nhạc sĩ tài hoa, gái bu quanh thiếu gì, anh ấy luôn cần cảm xúc, tươi mới, để mà viết nên những bản nhạc. Tôi yêu cái khả năng tuyệt vời ấy, tôi sung sướng hưởng danh tiếng của anh, ngưỡng vọng tâm hồn thanh cao của anh. Tôi cũng biết, những cô gái nào đó dù đặc biệt đến mấy rồi thì cũng trôi qua chồng tôi. Trường hợp của vợ anh thì khác, nó làm tôi chú ý và tôi quan sát cô ấy qua những bản nhạc mới của chồng tôi. Những bản nhạc vang lên và toả hương. Chồng tôi đặt tên chúng là những bản nhạc hoa loa kèn. Tôi thầm cảm ơn cô gái ấy, vì cả thế giới này. Bản nhạc không trôi qua mà dừng lại, chồng tôi cũng thế. Chỉ có thời gian trôi qua…”

– Thế mà chị lại tiếp tục giả vờ làm người ấy, nhắn tin cho vợ tôi. Quả là kinh khủng.

Hoàng rùng mình.

Mắt người đàn bà chợt loé lên, giọng chị sắc nét:

– Tôi muốn dùng cách đó để cô ấy trôi tiếp, trôi xa khỏi anh ấy.

Vì tôi ghen! Bây giờ tôi đã ghen!

 

TRỘM MA

“Kính thưa Thế Giới! Vì cớ gì ông chứa đựng những hành động trộm cắp, cả ở bên này lẫn bên kia cuộc sống?!”

Thành phố này cách làng Sẹo chừng ba trăm mét. Nó đồ sộ và sầm uất theo cách riêng của nó. Nhưng bao phủ lên toàn bộ thành phố vẫn là không khí lạnh lẽo rờn rợn. Vì đó là thành phố của người chết. Người sống thì ở trong làng. Còn người chết thì ra “thành phố”.

Trong thành phố, mộ của người chết xây to như cái nhà. Gạch, xi măng, đá bông đỏ rực, cả ngói ta và vút đầu mái cong như mái chùa… Người chết điềm nhiên chiếm đất của người sống, mồ cao mả rộng đề huề. Nếu ai thua kém, sè sè nấm đất ẩm cỏ dại mọc chi chít thì bất an, rằm tháng bảy lại nổi lên kêu ca trách móc, người sống yên ổn làm ăn sao được! Thế nên phải cố, dù vay mượn cũng cố để dựng mả người chết thật hoành tráng!

Thành phố không một bóng cây, chỉ có bóng ma vô hình đi lại và khói nhang lảng vảng lẫn mùi ván thôi lờm lợm lưu cữu. Mỗi ngôi mộ lại có một câu chuyện riêng của nó.

Góc xế hướng Đông thành phố có nấm mộ đôi, to vừa phải với xi măng xám phủ mặt trên, xung quanh ốp gạch bông đỏ đun, trên dựng hai tấm bia đá đen khắc chữ phủ nhũ vàng đề tên người chết. Một bóng ma ngồi bó gối thâm trầm trên góc bia mộ trong chiều tà. Đó là ma lão Trấu. Lão chết ba chục năm nay rồi. Kế bên là mộ vợ lão, chết trước lão mấy năm.

Lão Trấu từng có cuộc sống tàm tạm trong làng Sẹo. Lão có mái nhà tranh, có vườn mít, có cô vợ xinh xinh và thằng con tên Đớn, và cả bảy sào ruộng khoán. Nhưng như vậy lão vẫn chưa yên tâm. Lão muốn có nhiều hơn. Ở đời ai mà chẳng muốn nhiều hơn cái mình có. Thế là lão gom hết tiền nhà, làm một chuyến buôn vầu từ miền ngược cùng với ông trùm Đỗ Tương. Vì ham lãi lớn, Trấu vay thêm tiền của Đỗ Tương, chịu lãi nặng, để có được một nửa số hàng trong chuyến làm ăn đầu tiên ấy. Đỗ Tương là tay buôn có máu mặt khắp vùng, lại cũng là trùm cho vay lãi khét lẹt. Nhiều con nợ bị gã kề dao vào cổ, xiết đất, xiết nhà. Ngoài thời gian buôn bán, đòi nợ và dòm dỏ gái đẹp trong làng thì trùm Đỗ Tương có thú vui ngồi xếp những thỏi vàng như chơi cờ với con mèo khoang, rồi sau đó xếp vàng vào chum, chôn dưới bốn chân giường gã nằm.

Chuyến làm ăn đầu tiên của lão Trấu với trùm Đỗ Tương bị vỡ trong trận lụt. Giấc mơ một bước lên tiên của Trấu đổ ụp, lại mắc thêm nợ với Đỗ Tương. Lão Trấu đành làm thuê ngày đêm cho nhà Đỗ Tương hòng trả nợ. Nhưng rồi sau một hồi tính toán, Trấu thấy mình có làm hết đời mình, hết đời cả thằng cu Đớn con lão, cũng không trả hết nợ. Tiền ra khỏi nhà tiền đẻ, tiền nợ của Trấu đẻ nhanh chóng mặt. Đỗ Tương bèn mở lối thoát cho Trấu, gạ Trấu bán vợ. Trấu giả vờ đồng ý, trước đó lén bán đất, bán nhà rồi ôm vợ con trốn đi.

Sau ba ngày thì cả nhà lão Trấu bị Trùm tóm được, bí mật đưa thẳng về làng. Trùm Đỗ Tương nhốt Trấu và cu Đớn một nơi, còn Trùm nẫng túi tiền vừa bán nhà đất của Trấu cùng vợ Trấu. Cũng ba ngày sau,  Trấu tìm cách mở dây trói, cõng con, xách theo cô vợ giập nẫu chẳng còn hồn vía trốn khỏi nhà Đỗ Tương, trốn biệt khỏi làng. Đỗ Tương cũng không truy đuổi nữa.

Trấu uất đến nỗi không còn đụng vào vợ được nữa. Vợ lão vật ra ốm liên miên rồi chết. Lão đưa vợ về làng, chôn lặng lẽ rồi lại cùng con trai lang thang khắp chốn kiếm cái ăn. Đời lão chẳng làm nổi gì nữa, ngoài chưng cất nỗi bi oán lại cho thằng con độc nhất.

Lúc lão hấp hối, thằng Đớn run rẩy nắm tay lão, sợ hãi: “Cha ơi, cha đừng đi, tương lai của con rồi sẽ ra sao đây cha?” Lão Trấu cố nhìn con cho rõ, nói khó khăn từng chữ, nhưng rõ ràng, vì đó là điều lão cất giữ trong lòng bao lâu nay: “Tương lai của chúng ta bị đánh cắp mất rồi. Vì thế mà ta chẳng sợ cái chết. Con phải trở thành một người bốc mộ, như cha đã dặn con nhiều lần, con nhé.”

Đớn mang cha về chôn gần làng. Đớn đổi tên thành Đơn. Hắn lớn lên với một thân thể dẻo dai, đôi tay khéo léo của một người bốc mộ, và một bi oán chưng cất thành mục đích duy nhất của số phận. Đơn sống im lìm, cô độc, đi theo những người làm nghề bốc mộ, học hết ngón nghề của họ rồi quyết định hành nghề một mình. Mỗi làng thường chỉ có một người đàn ông tầm tuổi trung niên chịu làm nghề bốc mộ, cái nghề kinh dị, đòi hỏi người làm vừa khỏe, vừa dẻo dai, vừa cứng bóng vía này. Còn Đơn thì chẳng thuộc về làng nào.

* * *

Đơn là kẻ bốc mộ tiếng tăm, nhưng vô gia cư. Hắn không lấy vợ, vì hắn làm gì có tương lai. Hắn trú tạm trong một ngôi miếu vốn bỏ hoang dưới bóng cây si già giữa cánh đồng thuộc địa phận làng Sẹo. Điều đó cũng không khiến hắn thuộc về làng Sẹo. Mà hắn đâu có cần. Dù có tiếng là người bốc mộ giỏi, nhưng hắn ít việc. Khi không có việc (mà hầu hết là không) thì hắn ở miết trong miếu. Những người có một tương lai sờ mó được, hoặc ít nhất cũng tưởng tượng ra được thì không thể hiểu cuộc sống của Đơn. Một cuộc sống không có cô đơn, không có nỗi buồn, niềm vui thì đừng nói đến, không cả lo lắng kiếm cái ăn, kiếm cái để dành lo cho lúc chuẩn bị xuống lỗ. Vậy thì hắn làm gì trong miếu hoang, kẻ không có tương lai ấy?
Mỗi làng thường có một người bốc mộ riêng, nên Đơn thỉnh thoảng mới được vời, khi trong làng có hai đến ba đám bốc mộ trùng ngày. Hắn làm giỏi, nhanh, gọn, khéo và không bao giờ bỏ sót, dù chỉ là một đốt ngón chân út hay cái răng kẹ của người chết. Thiếu sót mà được ư? Hồn ma người chết sẽ về đòi con đòi cháu, đòi cho bằng được mảnh xương nhỏ còn thiếu ấy chứ. Con cháu người chết sợ nhất việc để sót xương khi bốc mộ. Thế nên người bốc mộ phải hiểu biết về cấu trúc khung xương người, tinh vi hơn cả bác sỹ, dù chẳng cần qua trường lớp chính thức nào. Còn Đơn, giống như một linh tính nghề nghiệp kỳ dị. Khi nhìn bất cứ người nào, hắn dường như không thấy da thịt, tóc tai người ta, mà hắn nhìn thấy một khung xương đầy đủ, chỗ nào khớp vào chỗ đấy, toàn vẹn!

* * *

Ông Trùm Đỗ Tương giàu thế, mà rồi cũng chết! Người ta tưởng gã không chết nổi vì còn lo giữ của. Số vàng gã có còn nặng hơn người gã ấy chứ. Gã chết được sáu năm rồi, năm nay hai thằng con gã, thằng Đầy và thằng Thừa, quyết định bốc mộ cha sau khi đi xem tới ba ông thầy giỏi ở ba nơi khác nhau. Trước Đông chí, đêm hai sáu tháng Mười lịch âm là ngày đẹp, thuận lợi nhất cho việc tắm rửa cho ông Trùm Đỗ Tương. 

Nhưng Đầy và Thừa lo lắng bàn bạc tới lui kể từ lúc xem được ngày tốt bốc mộ cho cha. Gần năm nay, nhà nào trong làng Sẹo sắp bốc mộ cho người thân cũng phải giấu như mèo giấu cứt. Dăm bảy đám trước có hiện tượng đầu người chết thường bị trộm nẫng mất tiêu trước khi nhà đám bật nắp quan tài. Trước bình minh, tên trộm kỳ quái bắn tin cho nhà đám, yêu cầu nộp chục triệu đồng, ém ở góc ruộng hay bờ bụi nào đó, rồi thì sẽ lấy được đầu người chết về. Ai cũng tự nguyện nộp tiền, chẳng ai dám bẩm báo. Vì lỡ ra mất cái đầu, người chết không toàn thây thì người sống vĩnh viễn chẳng yên. Nhà Đầy và Thừa thì lắm vàng thế, ăn cả đời cũng chẳng hết, ai mà lại không biết cơ chứ. Tên trộm tất cũng biết, và sẽ chẳng để yên. 

Theo kế hoạch đã bàn bạc kỹ, hai quý tử nhà Đỗ Tương thuê bảy thanh niên cứng bóng vía trong làng thay nhau canh ngôi mộ cha chúng trước ngày bốc mộ suốt tháng ròng. Lẽ dĩ nhiên người bốc mộ giỏi nhất vùng là Đơn đã được cung kính mời, hẹn thưởng hậu hĩ. Còn cái nhà ông Nhương chuyên bốc mộ ở làng Sẹo thì quên đi. Mấy đám trước vời ông ta bốc mộ thì người chết toàn bị lấy mất đầu cả. Với đám nhà Đỗ Tương, mọi thứ phải được đảm bảo bằng vàng.

* * *

Đêm hai lăm tháng Mười, nhà Đỗ Tương có đám chộn rộn. Đàn bà con gái rửa rau giết gà, củi lửa chuẩn bị cho ba chục mâm cỗ đám bốc mộ ngày mai. Đàn ông dựng rạp, chuẩn bị cuốc, mai, đồ lề cho người chết. Đơn được mời đến từ bữa rượu chiều hôm trước, mười hai giờ đêm lại thêm bát cháo nữa trước lúc khởi sự. Cả bảy thanh niên đã gác mộ từ sáu giờ tối. Đúng hai giờ sáng, trời lạnh ngắt, đen thẫm, đám bốc mộ đèn đóm xào xạc ra khỏi làng. Thừa và Đầy đi đầu đoàn người, lòng cuộn lên bất an. Đất cát trên mộ đã moi hết lên từ chiều qua, nhưng nắp quan tài chưa được bật, phải chờ đúng đến giờ đẹp, hai giờ ba mươi sáng ngày hai sáu tháng Mười.

Thành phố của người chết im lặng đứng trong bóng tối. Phía Nam thành phố le lói một ngọn đèn đỏ, ngọn đèn thắp trên cái lỗ đào và xây sẵn vuông vức, rộng rãi, chờ xương cốt Đỗ Tương hạ xuống là sẽ mọc lên một toà mộ nguy nga bề thế bậc nhất ở đây. Phía Bắc, bên ngoài thành phố là đám mộ đất chưa cất quy tụ, cũng sáng rực lên vì có tới ba ngọn đèn điện dòng tới tận huyệt Đỗ Tương. Ba con mắt điện với mười bốn con mắt người chong chong suốt đêm soi xuống huyệt như thế thì tên trộm có là ma cũng không qua mắt nổi.

Gió lạnh lẽo tấp vào đoàn người, luồn qua khăn áo tóc tai, lọt vào tận xương. Mùi đất sét thum thủm lẩn khuất như có, như không. Mấy đứa nhỏ con cháu nhà Đỗ Tương so vai rụt cổ lùi lại trước đám bùn đất nhão nhượt mới hất lên từ lòng mộ. 

– “Ới cha ơi là cha ơi! Cha sống khôn chết thiêng, phù hộ độ trì…”
– “Ới ông ơi, nhà cao cửa rộng ông không ở, ông bỏ ra đây một mình làm chi cho lạnh lẽo ông ơi. Hôm nay con cháu tắm rửa cho ông đây ông ơi…”

Tiếng khóc hờ của vợ và con dâu Đỗ Tương làm tinh thần mấy người đàn ông trong đám đỡ tê cứng.

– Đốt lửa lên đi, đừng để lửa tắt! – Đơn nói khẽ như ra lệnh.

Gánh rơm mang theo được đốt cách huyệt bảy bước chân, người ta vẩy thêm rượu vào lửa để xua bớt khí lạnh. Hương đốt nghi ngút, khói làm chảy nước mắt. Đơn xắn tay áo, đeo găng tay chuẩn bị. Bốn thanh niên nhảy xuống huyệt, cầm kìm gỡ đinh ván. Đầy và Thừa đứng ngay chân huyệt, không dám thở mạnh. Nắp huyệt sắp được mở ra. Thế mà một cơn gió mạnh ập đến, đẩy nghiêng lửa đèn, làm khói hương mù lên như một đám mây trắng xoà xuống huyệt. Ai nấy rợn tóc gáy! Đầy và Thừa dụi mắt, cố nhìn xuống huyệt. Không lẽ?!

– Mở nắp ra! – Giọng Đơn khẽ, lạnh và khô. Cả Đầy và Thừa đều nhắm mắt lại, nhịn thở.
– Đây rồi! đủ cả! – Giọng Đơn có vẻ nhẹ nhõm.

Khi Đầy và Thừa mở mắt, hình ảnh đầu tiên mà họ thấy là cái đầu của Đỗ Tương được Đơn đưa lên giũ giũ. Xương sọ vàng ệch, lốm đốm mảng đen, răng còn dính trên hàm vài cái, hai lỗ mắt sâu hoắm, đen ngòm, nhớt nhịt lõng thõng rơi xuống, mùi thối tanh lộn mửa nặng nề đùn lên. Đơn bỏ cái đầu người chết vào một chậu nước rửa qua loa rồi nhúng vào thùng rượu.

Đầy và Thừa thở hắt ra, bớt lo lắng. Họ bắt đầu lăng xăng chạy quanh chỗ Đơn, lúc chõ thêm đèn, lúc sai đốt thêm nhang. Đơn thoăn thoắt mò cốt trong huyệt đầy nước đen ngầu, chỗ xương đùi, vai vẫn còn dính thịt, gân, hắn dùng tay móc, đôi chỗ phải lấy dao sắc lọc ra thật nhanh. Gió lẩn quẩn đổi chiều làm đám con cháu cứ phải tránh để khỏi bị hơi hám người chết ám vào.

– Có cái nhẫn của ông cụ này! – Đơn xoè lòng bàn tay có thứ gì ánh kim loé lên.
– Dạ xin biếu bác! – Đầy nhăn mặt nói. .

Đơn nhanh tay nhúng cái nhẫn vàng của người chết vào thùng rượu rồi bỏ vào túi áo, kéo khoá lại. Làm nghề bốc mộ, Đơn không chê những đồ quý của người chết: nhẫn vàng, hoa tai, lắc bạc… khi vớt xương, phát hiện ra những món này, hắn thường a lên một tiếng, và hầu hết trong các trường hợp, người ta biếu luôn hắn món đó. Hắn đựng tất cả những món ấy trong một hộp gỗ hương, thỉnh thoảng mang ra ngắm, như một cách tống tiễn thời gian.

Đơn chổng mông, vét một lượt đáy huyệt, bỏ hàng vốc những thứ lụn vụn vào cái rổ nhựa, rồi đãi như đãi đỗ trong một chậu nước đầy. Hắn nhặt nốt mấy mẩu xương còn sót lại trong đám gân thịt bèo nhèo rồi bỏ vào một bát nhỏ đựng rượu. Đoạn, hắn lột găng tay, thò hai cách tay trần vào thùng rượu, vớt từng đoạn xương, kỳ cọ thật sạch rồi ngâm tiếp vào chậu nước pha trầm hương.

Tiểu sành lót hai lớp lụa vàng, lụa đỏ được khênh đến, để bên phải Đơn. Đơn tỉ mẩn dùng khăn bông lau khô từng đoạn xương rồi xếp theo một trật tự chặt chẽ trong tiểu sành hẹp. Đầy và Thừa chăm chăm nhìn cái đầu lâu trong tiểu sành.

Tiểu sành được hạ xuống huyệt mới trong “Thành phố”, trước khi phủ cát lên, hai quý tử của Đỗ Tương còn cẩn thận mở nắp tiểu sành nhìn bộ hài cốt lần nữa. Đủ cả. Cát được lấp xuống một lớp dày, tiếp theo là đất thịt, tiếp nữa đến việc của hai bác thợ xây. Đơn đeo ba lô lên vai, công việc của hắn đã hoàn thành tốt đẹp. Hắn ung dung ngồi ghé trên góc một tấm mộ kế bên mộ mới Đỗ Tương, đốt một điếu thuốc thở khói ra khoan khoái.

* * *

Thưởng hậu hĩ cho Đơn, cỗ bàn xong xuôi, hương nhang liên tục trên bàn thờ và toà mộ mới của Đỗ Tương, Đầy và Thừa bắt đầu yên tâm, nhờ lo xa, tính kỹ mà mọi chuyện đã đâu vào đấy cả. Đầy và Thừa ăn ngủ bình thường được một tuần. Đến đêm thứ tám, chúng mơ một giấc mơ giống nhau, bố chúng về, đứng ở đầu giường, mặc áo phất phơ trắng, không đầu mà vẫn khóc lóc, một hồi đòi chúng trả đầu cho gã. Đêm thứ chín Đỗ Tương lại về, lần này cầm theo dao rựa to, đòi chặt đầu cả hai thằng con, lắp vào cổ mình.

Hai con trai của Đỗ Tương không ngủ được nữa, người rộc rạc, thất thần, hai lỗ mắt sâu hoắm. Nhưng thà không ngủ còn hơn, bởi chỉ cần chập chờn thức – ngủ, thì lập tức ma không đầu Đỗ Tương lại hiện về. Hoang mang cùng cực, Đầy nhắn Thừa đến bàn bạc. Hai người ngồi trước mặt nhau, mà như có màn sương mù ngăn cách, dụi mắt đỏ lên vẫn thế. Chẳng lẽ mộ vừa xây đề huề lại đập ra móc lên? Làng xóm sẽ xì xào nhức óc, thật vô phúc! Lời ra tiếng vào ai mà chịu nổi. Cuối cùng họ nhất trí tìm đến điện thờ của một cô đồng có tiếng, nhờ gọi hồn cha về hỏi chuyện xem sao. Hương nhang mới thắp, cành phan vừa phất lên thì Đỗ Tương đã nhảy chồm chồm, thét lác lạc giọng, rằng hai đứa bây có mắt như mù, rước về phường trộm cắp, để nó lấy mất cái đầu của tao.

Đầy kinh sợ, thưa:

– Cha ơi, con đã kiểm tra kỹ lắm mà. Lúc xuống huyệt đã có đủ xương cốt của cha!
– Đồ ngu! – Đỗ Tương hét qua miệng cô đồng – Đó chỉ là cái sọ giả bằng nhựa. Đầu tao bị đánh tráo rồi! Khôn hồn tìm ngay về cho tao. 

Sau buổi hầu đồng, Đầy cùng Thừa tức tốc bổ ngay ra miếu hoang tìm Đơn. Y như rằng, Đơn đã không còn ở miếu nữa. Họ chỉ còn cách thuê người tìm bắt Đơn, lùng sục mọi chốn.

Khi một kẻ đã cố tình lẩn trốn thì người trần mắt thịt không thể tìm thấy trong ngày một ngày hai. Chưa tìm được Đơn, tên trời đánh thánh vật, thì Đầy và Thừa chưa thể ngủ một phút nào. Họ như bị ma làm, màn sương mù trước mắt họ cứ dày lên từng tích tắc đồng hồ, cho đến lúc họ loà hẳn. Họ không nhìn thấy người, chẳng nhìn thấy vật, chỉ nghe tiếng tim đập như tiếng chân hẫng hụt của một kẻ không đầu rình rập phía sau, muốn ngắt bẵng cổ họ mà lắp vào đầu mình.

Xung quanh họ vĩnh viễn là màn đêm.

* * *

Cái đầu xịn của trùm Đỗ Tương bị đốt thành một nắm tro tàn, vùi xuống đất và yểm bùa để vĩnh viễn thành cát bụi.

Nhưng mà…

Đơn phải lánh lên vùng cao, trú tạm trong căn lều của một gia đình người Mèo đã bỏ đi tìm đất mới. Một tuần không trăng im ắng, Đơn chưa biết sẽ phải làm gì. Đêm thứ tám kể từ đêm bốc mộ ấy, Đơn đột nhiên tỉnh dậy vào quãng ba giờ sáng. Quái lạ, hắn đâu có lo lắng, hay bận làm lụng gì mà cần dậy sớm thế? Với số tiền hậu hĩ được thưởng, hắn ung dung ba năm nữa chẳng phải làm gì. Đơn ngửi thấy mùi xộc vào mũi hắn như nắp quan tài vừa bật mở. Hắn dụi mắt. Cái đầu lâu đen xì dựng đứng ngay cạnh chiếc ba lô hắn dùng làm gối đầu khi đi ngủ. Hắn dựng tóc gáy, ngã ngửa người, dụi mắt lần nữa, vẫn thấy cái đầu lâu đen xì, im lìm trên giường hắn. Hắn hoảng hốt, cuống cuồng không kịp suy tính, cuộn đầu lâu vào một tấm áo cũ, đem ném xuống vực sâu. Cái đầu rơi xuống, va vào vách đá vang lên khô khốc, như rơi thẳng xuống dạ dày hắn.

Đêm sau, Đơn thắp hương trước cửa lều, dán bùa ở đầu giường rồi uống hai viên thuốc an thần và đi ngủ.

Quá nửa đêm, hắn lại tỉnh, mắt chưa trông rõ thì mùi thối kinh dị đã xộc vào từng lỗ chân lông trên người hắn. Hắn hoảng hồn vơ vội cái ba lô đầu giường, quýnh quáng thế nào mà tay lại quơ vào cái đầu lâu. Hắn bủn rủn tay chân, chạy nháo nhào ra khỏi cửa giữa khuya khoắt núi đồi.

Đơn chạy sang vùng khác, nơi phố thị đông người. 

Hắn tìm đến một quán trọ tồi tàn nhưng đặc hơi người làm hắn yên tâm. Đêm xuống, Đơn cẩn thận giắt quanh chiếu bảy lá bùa. Hắn ngủ chập chờn trong mùi tỏi nặng nề bám víu vào không khí. Khoảng hai giờ sáng thì hắn tỉnh hẳn, mắt mở chong chong. Hắn thầm cầu viện mẹ cha sống khôn chết thiêng phù hộ, hắn vái lạy cả hồn ma kẻ nằm dưới thước rưỡi đất mà còn bị lấy cắp mất đầu. Rồi hắn chợt nhớ rằng quên uống thuốc ngủ lúc đi nằm. Hắn quờ quạng tìm ba lô để lấy thuốc ngủ. Cái ba lô bất ly thân của hắn đây rồi, hắn lập cập mở ra. Mùi thối xộc lên. Cái đầu lâu nhớp nháp đen xì đã lù lù trong ruột ba lô của hắn! Hắn thét lên!
Chủ nhà trọ và những khách trọ quanh đó bị dựng dậy bởi tiếng thét kinh hoàng. Họ đẩy cửa phòng Đơn, đèn trong phòng hắn vẫn sáng. Họ thấy Đơn nằm thẳng cẳng trên sàn, mắt trợn ngược, mồm há ra như cố đẩy tiếng thét còn mắc trong họng. Trên cổ hắn có một vết bầm kéo vòng quanh. Mặt hắn cũng tím bầm.

Khi mở ba lô của Đơn, người ta chỉ tìm thấy một cục đất sét ướt, đen lẫn vàng ệch và rất thối. Bên cạnh là hộp gỗ hương, đựng vài món trang sức xin xỉn. 

Kiều Bích Hậu

 


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: [email protected]

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây