Tình người – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Tình người – Truyện ngắn của Nhà văn, nhà báo Vu Gia - VSD Văn Học
Chân dung tự họa của Nhà văn, nhà báo Vu Gia

Tình người

Truyện ngắn của VU GIA

Vừa uống cạn bình trà, chuẩn bị đi tập thể dục thì điện thoại reo. Giọng nói từ đầu dây là Đức – con trai của đồng đội cũ, báo cho biết mẹ anh đang hấp hối, muốn gặp mặt tôi lần cuối và mong tôi bỏ chút thì giờ để mẹ anh an tâm giã từ cuộc sống.

Nghe tôi đồng ý, Đức dặn tôi xuống dưới cổng, nhanh chóng sẽ có xe tới đón. Quả nhiên, tôi vừa bước ra khỏi cổng chung cư chưa lâu thì xe đã tới. Khoảng mươi lăm phút sau, tôi có mặt, và Đức mau chân ra đón, ân cần đưa tôi vào nhà, vừa khóc vừa nói: “Quý hóa quá! Cụ đến chậm một tí có khi không hay. Mẹ cháu sắp chịu hết nổi rồi”.

Trước mắt tôi, một người phụ nữ già bệnh hoạn, cố gắng gượng níu kéo chút vui buồn của thế gian. Nghe con trai báo tôi đã tới, người phụ nữ ráng sức mở đôi mắt đục, và đưa bàn tay lên.

Tôi cầm bàn tay lạnh buốt, chỉ còn da bọc xương, lắng nghe lời thều thào của người đã đuối sức: “Cả nhà em ghi ơn bác. Bố chồng em trước lúc mất còn dặn mẹ con em, nếu bác mất thì mẹ con em đến thay nhà em chít mảnh khăn tang, nhưng nay không còn kịp rồi…”. Tôi không cầm được nước mắt, nhẹ nhàng thả tay người phụ nữ xuống và nói: “Chị yên tâm đi gặp anh ấy. Tôi biết và ghi nhận tấm lòng của gia đình chị”.

Tôi lặng lẽ bước ra, để lại sau lưng tiếng khóc thương của con cháu trong nhà.

#

Tốt nghiệp đại học, lứa chúng tôi, ngoài những cán bộ được cử đi học thì về đơn vị cũ, còn lại tất cả đều vào quân ngũ. Sau thời gian tập luyện, chúng tôi được phân công về các binh chủng. Tôi và những bạn cùng lớp được phân công về làm công tác tuyên huấn. Bản thân tôi chưa được vào chiến trường miền Nam, nhưng cũng được thường xuyên đưa xuống các đơn vị tác chiến để thâm nhập thực tế.

Vùng đất Vĩnh Linh hấp dẫn lớp trẻ chúng tôi từ ngày còn ngồi ghế nhà trường, bởi vì theo Hiệp định Genève, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh được lấy làm giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam. Hơn một tháng sau đó, phần đất Vĩnh Linh thuộc Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng, trở thành khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương.

Lớp trẻ chúng tôi ngày một trưởng thành và Vĩnh Linh cũng ngày càng nổi tiếng, được nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế mến phục ngợi khen là “Tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”, “Lũy thép anh hùng”, “Đất kim cương”,…

Sau khi Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và một chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ cũng được vinh dự nhận danh hiệu này được mấy tháng, đơn vị cử tôi vào Vĩnh Linh công tác một thời gian.

Đến nơi, tôi được các vị lãnh đạo địa phương trọng thị, không những cho tham quan mà còn bố trí ăn ở tại hầm ngầm dài gần hai cây số. Càng đi, tôi càng khâm phục nghị lực của con người. Khó khăn đến đâu, con người cũng tìm mọi cách để tồn tại. Nhưng những con người ở đây không chỉ có bản năng sinh tồn, mà còn có cái tâm can trường bất khuất. Điều này cho thấy nhân tâm ở trong lòng, không cần cổ động mà chỉ thức tỉnh mọi người là khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Một dân tộc nhiều đời không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu làm nô lệ, chẳng qua trong nhất thời trí nhớ họ bị ngủ say. Họ không phải là những kẻ lạnh lùng vô tình, nên chỉ cần lay nhẹ là họ tỉnh ngay.

Nhìn cuộc sống quá khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, trên bom dưới đạn, sống rày chết mai chẳng biết lúc nào, thế mà ai nấy cũng cười, cũng vui với cuộc sống, tôi ngộ ra rằng người sống một đời không cách nào lựa chọn vận mệnh cho mình, nhưng có thể lựa chọn thái độ sống của mình. Là người trong cuộc, nhất là ở mảnh đất Vĩnh Linh hiện tại, tôi biết sống sót rất khó, phi thường gian nan, có thể sống trên đời này đã là một loại xa xỉ hạnh phúc. Nhưng phải sống để đời sau của chúng tôi được sống tốt hơn. Đường vinh quang của đời sau chúng tôi sẽ quang đãng hơn, thênh thang hơn mà không cần phải “xây xác quân thù”. Nghĩ cho cùng, sống ở thác về. Ai sống trên đời mà không chết, song chúng tôi được giáo dục từ gia đình đến nhà trường rằng cái chết của chúng tôi rất có ý nghĩa, nên không ngại quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chứ không phải vì muốn tham dự những cuộc lễ reo mừng giết chóc đồng loại, nhục mạ con người, bởi bản thân chúng tôi đang từng giây từng phút đối mặt với cái chết, đang hít thở không khí nồng nặc hơi khói đạn bom ở đây là những con người rất quý trọng cuộc sống yên lành trên tinh thần “Người yêu người sống để yêu nhau”.

Thế hệ chúng tôi được đào tạo để góp phần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”, để “Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?/ Hỏi biển xa khơi, đâu luồng cá chạy?”, không phải để bắn giết đồng loại. Vòng xoáy chiến tranh cuốn chúng tôi vào, và chiến đấu là cách duy nhất để thoát ra. Lịch sử dân tộc chỉ rõ muốn kẻ địch an phận, không phải trơ mặt quỳ liếm kẻ địch mà phải lấy thực lực để cho kẻ địch kiêng kỵ, kinh hãi, để cho kẻ địch dù cho bất mãn cũng chỉ có nuốt giận vào bụng.

#

Được sự chấp thuận của các vị lãnh đạo, tôi theo chuyến tàu tiếp tế lương thực, vũ khí cho chiến sĩ trấn giữ đảo Cồn Cỏ. Đây là ước mơ của tôi khi còn ngồi ở giảng đường đại học và cũng là trọng tâm đối với riêng tôi trong chuyến công tác vào vùng đất Vĩnh Linh này.

Theo sử sách, từ thế kỷ thứ XVII – XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng chân. Tương truyền dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi đày ải những người có tội. Theo các nhà khảo cổ, trong thời gian của những thế kỷ đầu công nguyên Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích,… Chuyện sách vở này, nếu có điều kiện thì ngày sau tính tiếp. Trước mắt hấp dẫn tôi, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi chịu nhiều bom đạn nhất và là mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt của kẻ thù xâm lược, bởi đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược về quân sự, là “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc. Từ đảo Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và tàu thuyền từ ngoài khơi xa.

Trước khi lên đường, các vị lãnh đạo địa phương cho biết mấy năm qua, bộ đội trên đảo sống nhờ đất liền, từ nước ngọt cho đến nắm cơm và ngày nào cũng có thương vong, nên thường xuyên yêu cầu bổ sung quân số, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền… ngày càng cấp bách và dặn tôi phải cẩn thận, nên nghe và làm theo những kinh nghiệm của chiến sĩ trên đảo.

Mấy năm rèn luyện trong quân ngũ, tôi hiểu điều đó. Đánh giặc trên giấy và đánh giặc trên chiến trường thực tế khác nhau lắm. Không tìm chết sẽ rất khó chết. Can đảm và tự kiêu, tự ngạo tìm chết không hề giống nhau. Bom đạn không phân biệt thành phần giai cấp, không phân biệt cấp hàm lớn nhỏ. Đùa giỡn với bom đạn cũng là một nghệ thuật mà cái giá phải trả không rẻ, có khi phải bằng mạng sống.

Bóng đêm tản đi, nắng sớm mờ mờ, chúng tôi được các chiến sĩ trên đảo mừng rỡ đón chào như tâm trạng những đứa trẻ đón mẹ đi chợ về.

Tất cả mọi việc được giải quyết khá nhanh và ai nấy đều trở về vị trí chiến đấu. Tôi được ở cùng với một chiến sẽ trẻ tên Nhật. Nghe anh nói đã có vợ, tôi trố mắt nhìn rồi chợt hiểu quan niệm của bà con ta ở vùng quê là thế. Nuôi con lớn, dựng vợ gả chồng cho con là xem như yên một bề. Gia đình cưới vợ cho Nhật một ngày trước khi nhập ngũ. Nhật chỉ được ngủ với vợ một đêm, mờ sáng đã rời nhà cho đến hôm nay.

– Vậy đã có “thằn lằn rắn mối” gì chưa? – Tôi hỏi.

Gương mặt từng trải gió mưa không giấu được chút xấu hổ của chàng trai mới lớn. Nhật ngây ngô gãi gãi đầu, thật thà nói:

– Báo cáo thủ trưởng, em chẳng biết, nó giống như chúng em vãi đạn lên máy bay giặc,…

Tôi cười ha hả. Một so sánh quá lý thú. Chỉ có những người lính trải qua thực tế chiến trường mới có được sự so sánh như thế và tương tự như thế. Từng lúc, chúng tôi như anh em một nhà, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu ước mơ của Nhật thật giản dị, không có chút gì gọi là thể hiện lập trường, thể hiện quyết tâm như một số chiến sĩ trẻ mà tôi gặp trước đây.

Câu chuyện đang tươi mới thì có âm thanh báo động. Nhật hối thúc tôi xuống hầm trước và dặn xuống nơi sâu nhất. Tôi không trả lời, theo chân Nhật vào vị trí chiến đấu. Nhật lại dặn khi anh hô chạy thì phải cấp tốc chạy theo anh. Tôi còn chưa hiểu gì thì nhiều tiếng pháo nổ rộ lên. Nhật kéo tay tôi, hô “chạy”. Tôi cũng vội vã theo chân Nhật tụt xuống hầm, len nhanh vào tầng cửa ngách, lao về phía sâu hơn.

Đất rung dữ dội. Một lúc sau, Nhật kéo tôi lên mặt đất. Khói bom mờ mịt. Nhật thoát đi một lát, trở về cho tôi biết không có thương vong, nhưng hỏng ba khẩu pháo.

Tôi cũng muốn đi đây đó một chút để tìm hiểu thêm, thì Nhật ngăn lại. Nhật cho biết khi phát hiện máy bay địch từ biển bay vào đánh phá đất liền, thì tất cả các chốt trên đảo đều vãi đạn lên trời, biết chắc không trúng chiếc máy bay nào, nhưng báo cho địch biết địa điểm trọng pháo của ta. Và những quả bom thay vì mang vào ném xuống đất liền giết hại đồng bào ta, thì sẽ được trút xuống đây một ít. Nói chung, những chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ lấy thân mình đỡ đạn giúp dân. Theo kinh nghiệm, thì phải chờ bọn chúng quay về thả những trái bom còn thừa xuống đảo một lần nữa mới đi hẳn. Do đó, khi máy bay địch quay về, tất cả mọi người phải xuống hầm, chờ mọi chuyện đi qua mới được lên mặt đất hít thở khí trời.

Mấy ngày tôi ở trên đảo đều như thế. Một hôm sau đợt thả bom thừa của máy bay giặc, thì gió biển mang tới hơi lạnh, ai cũng biết mưa sẽ đến và chuẩn bị mọi tình huống tác chiến trong mưa. Chẳng bao lâu, bầu trời chuyển màu. Mưa đến. Mưa càng rơi xuống càng lớn, dần dần tỉ mỉ như màn che, không thấy rõ đâu là đâu, chỉ thấy mưa và mưa. Cuối cùng, mưa xối xả như thác đổ. Bầu trời xẹt qua từng đạo sấm sét nổ tung không dứt. Chúng tôi đều cởi trần đứng ở vị trí chiến đấu. Sau những ngày nắng gắt, có cơn mưa đến, được tắm dưới mưa là một điều thú vị, nhưng những chiến sĩ ở đây không ai có tâm trí thưởng thức sự thú vị ấy, mà tập trung cảnh giác cao độ đề phòng địch lợi dụng cơn mưa ném biệt kích vào tập kích hoặc đổ bộ.

Mưa nhẹ hạt dần. Tầm nhìn cũng được kéo ra rộng hơn. Nhìn họng súng được Nhật quay xuống, sẵn sàng tác chiến khi có yêu cầu, tôi thấy mình trở nên cô độc đứng dưới mưa chiều rả rích.

Đêm đó, tôi rời đảo mang theo lá thư Nhật gửi cho gia đình và lời dặn dò rất chân thành của Nhật, nếu có điều kiện xin cho anh về ngủ vợ một đêm rồi trở lại vị trí chiến đấu dẫu có hy sinh cũng vui lòng. Nhớ lại lời dặn dò ấy, tôi chỉ thấy thương không thể cười được. Ở đời, có những ước mơ tầm thường, đơn giản nhất cũng không phải muốn có là có.

#

Một hôm, những người làm công tác như tôi đều nhận được thông báo, sau thời gian đi thực tế, phát hiện chiến sĩ nào có khả năng viết lách thì tiến cử cho Bộ Tư lệnh gọi về dự lớp bồi dưỡng viết báo, viết văn. Tôi vui mừng, điền tên Nhật vào danh sách dẫu không biết anh còn sống hay là đã hy sinh và chẳng biết chữ nghĩa của anh tới đâu. Nhưng đây là dịp tốt nhất để tôi thực hiện lời dặn dò của Nhật.

Những chiến sĩ được đề cử lần lượt về trình diện, Nhật vẫn chưa thấy tới. Sáng mai, lớp bồi dưỡng khai giảng, tôi và một số đồng đội phụ trách lớp nghĩ rằng Nhật đã hy sinh. Còn hơn một giờ nữa mới tiến hành lễ khai giảng, tôi vẫn kiên nhẫn đi đi lại lại trước cổng gác chờ Nhật.

Từ xa, một anh bộ đội vác xe đạp trên vai chạy về ùa về phía cổng. Tôi ngăn lại, hỏi Nhật phải không? Người chiến sĩ trẻ thả xe đạp xuống ngước nhìn rồi ôm chầm lấy tôi: “Em và gia đình biết chỉ có thủ trưởng mới giúp em về với vợ được mấy ngày”.

Lòng tôi nhẹ hẳn và vui mừng chỉ dẫn Nhật vào trình diện, nhận phòng, tắm qua một chút rồi lên hội trường chờ khai giảng. Tôi nhờ một chiến sĩ trong đơn vị mang xe đạp của Nhật đi sửa, phụ tùng nào cần thay thì cứ thay. Tốn bao nhiêu tiền, báo cho tôi trả.

Sau lễ khai giảng, tôi mới biết Nhật rời nhà từ khuya, tin chắc sáng sớm sẽ đến Hà Nội, nhưng không ngờ giữa đường xe bị vỡ lốp. May mà quá giang được chiếc xe bộ đội mới đến kịp giờ. Tôi cười vui hỏi Nhật ngủ với vợ mấy hôm như thế đã nức lòng chưa và có “vãi đạn lung tung lên trời” không?

Có chút xấu hổ nhưng trên gương mặt tràn trề hạnh phúc, Nhật khẳng định tác xạ lần nào cũng trúng hồng tâm và chắc chắn có “thằn lằn rắn mối”, khó mà chạy thoát được. Tôi vui với niềm vui của Nhật, hai anh em nhìn nhau cười thoải mái.

Cuối khóa, mỗi người viết một bài về thực tế chiến đấu của chính mình hoặc của đồng đội mà mình đã biết. Nhật lúng túng đến gặp tôi. Đã làm ơn thì làm ơn cho trót và cũng… tự bảo vệ mình, tôi bảo Nhật kể lại những tháng ngày trên đảo và tôi viết bài thu hoạch giúp cho Nhật. Trước khi nộp sản phẩm, tôi đọc cho Nhật nghe và hỏi đi hỏi lại có chi tiết nào không đúng, có chi tiết nào thừa. Nhật cam đoan mọi việc là như thế và chép lại bằng nét chữ của mình.

Bài viết của Nhật đoạt giải nhì và Nhật được mời lên kể chuyện chiến đấu của mình. Sự thật đã trải qua, nên Nhật không chút nào lúng túng, kể vanh vách, nhận được nhiều tràng pháo tay và cùng mấy người khác được chọn đi kể chuyện chiến đấu của mình cho một số đơn vị.

Những bài viết khá được chúng tôi sửa chữa, tập hợp in thành sách phát xuống các đơn vị và gửi đến các thư viện.

Đợt bồi dưỡng viết báo, viết văn đi qua với kết quả được cấp trên đánh giá tốt, mọi người đều vui vẻ, riêng tôi cảm thấy rất vui vì đã giúp được Nhật chút việc. Mấy tháng sau, tôi được thủ trưởng gọi lên đề nghị viết kiểm điểm và tự đề xuất hình thức kỷ luật.

Thì ra, xong khóa bồi dưỡng, Nhật được điều động về quân khu. Chỉ qua mấy ngày, ai nấy đều rõ Nhật chẳng biết viết lách gì. Nhật đã khai báo sự thật và được trả về đơn vị cũ. Đơn vị tôi cũng cử người đi xác minh, kết quả đúng như những gì Nhật khai báo chứ giữa chúng tôi không có quan hệ họ hàng, dây mơ rễ má gì.

Tôi nhận kỷ luật mà không hề trách giận Nhật, trái lại thấy có chút gì đó vui vui, vì đã giúp được người đồng đội trẻ thật thà, chất phác thực hiện được ước mơ đơn giản của mình. Anh em trong đơn vị đều cho chuyện ấy mai này sẽ là một trong nhiều giai thoại hiếm có của đời lính. Sự việc chẳng nổi lên tiếng chì tiếng bấc gì, và dường như có nhiều người hiểu cách làm người của tôi hơn. Phúc họa tương y chính là như thế, chẳng ai biết trước được.

Chiến trường miền Nam vẫy gọi, nhiều người trong chúng tôi làm đơn tình nguyện vào Nam. Xét tới xét lui, mãi hơn một năm sau, đơn tình nguyện của tôi mới được duyệt và kỷ luật của tôi cũng được các vị lãnh đạo nhất trí xóa khỏi lý lịch.

Trên đường vào chiến trường, tôi ghé thăm gia đình Nhật.

Nghe tiếng chào của tôi từ cổng ngõ, bố của Nhật đang ngồi ru đứa trẻ trên võng, đứng dậy. Nhận ra tôi, ông mừng rỡ, nói lắp ba lắp bắp, mời tôi vào nhà. Tôi định lên tiếng hỏi thăm Nhật thì thấy tấm hình của Nhật trên bàn thờ. Nhìn trên vách, tôi thấy tấm hình của tôi chụp chung với Nhật lúc gặp nhau ở lớp bồi dưỡng viết báo, viết văn dạo nào. Một tấm hình khác là Nhật chụp chung với cả lớp. Tôi biết đây là kỷ vật quý nhất trong đời Nhật cũng như với gia đình.

Bố của Nhật ôm đứa cháu nội vừa khóc vừa cho tôi biết, nhờ tôi mà Nhật mới có cơ hội để lại cho ông đứa cháu, nếu không thì… trắng tay.

Vợ của Nhật đi đâu về, tay bưng rổ khoai, thấy tôi, vội bỏ rổ khoai xuống, khóc bù lu bù loa. Nghe tiếng bố chồng, chị mới nín khóc và cũng nói may nhờ có tôi, vợ chồng chị mới có được mụn con, nếu không thì chẳng biết sống ra sao.

Cúi đầu mặc niệm người đồng đội trẻ hiền lành, chất phác mà tôi đã quý, đã yêu từ phút đầu gặp gỡ. Buồn thì có buồn, nhưng khi nhìn đứa trẻ đang tròn mắt nhìn mình, sắc mặt tôi không giấu được vẻ vui mừng, vì ít ra tôi đã có việc làm đúng.

Cả nhà mời tôi ở lại dùng bữa cơm, nhưng tôi từ chối vì phải trở lại đơn vị ngay. Thời chiến tranh thường như thế, nên bà con cũng thông cảm thì giờ rảnh rỗi của chúng tôi không nhiều.

Đêm đó, một mình bên vệ cỏ, ánh trăng như tắm rửa vạn vật. Tuy là đất nước ta nhưng chỗ tôi đang ngồi đây không phải quê nhà có bố mẹ, có người thân,… “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương). Nghĩ đến câu thơ của Lý Bạch, tôi thở dài, thương người lính trẻ và cảm thấy một tia cô độc.

#

Sau ngày giải phóng, tôi được đơn vị đưa đi đào tạo tiếp ở nước ngoài, rồi bao chuyện của đời thường quấn chặt bên lưng, tôi phải nhìn về phía trước. Chuyện của Nhật, tôi thật sự đã quên. Nhưng một hôm, thay vì đưa tôi đi công việc, con trai tôi đưa tôi vào dự một phiên tòa. Nó nói chờ nó chụp mấy tấm hình và xin tài liệu rồi sẽ đưa tôi đi. Những chuyện còn lại, nó sẽ hỏi bạn bè sau cũng được.

Vì công việc của con, nên tôi chẳng than vãn gì, yên lặng ngồi nghe như bao người đến dự.

Sau khi nghe cáo trạng, nghe lời biện hộ của luật sư, tôi ngờ ngợ chẳng lẽ bị cáo là con của Nhật? Lúc con trai tôi đến gọi tôi đi, thì tôi bảo nó cứ lo làm việc để tôi dự hết phiên tòa. Nó không hiểu vì sao, nhưng lại vui vẻ ra mặt, tiếp tục làm nhiệm vụ của nhà báo.

Qua lời của luật sư, tôi biết bị cáo đã hai lần tự tử trong trại tạm giam nhưng được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Tội của anh là ký cấp đất, bán đất, cấp nhà, bán nhà vô tội vạ, làm thất thoát của công. Với vài ba chứng cứ có sự chỉ đạo của cấp trên là con số quá nhỏ so với những hồ sơ anh đã ký.

Khi được nói trước tòa, bị cáo rất bình tĩnh xin lỗi mẹ, vợ con và bạn bè quý mến anh thật lòng là anh đã dại dột đi tìm cái chết không đáng. Nay, chắc chắn không còn ý nghĩ dại dột ấy nữa. Anh sẽ thẳng lưng làm người để xứng đáng với những người đã ngã xuống cho đất nước này. Anh đồng ý chịu trách nhiệm những gì mình đã làm, bởi vì thời gian ấy, anh là người trong “ban chấp hành” chứ không phải “ban cãi lại”. Anh xin được nói riêng với con, những người còn sống ai muốn nghe thì nghe, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, đã làm kỹ nữ mà muốn lập đền thờ trinh tiết, quả là chuyện nực cười. Chỉ có những người mặt dạn mày dày, không biết xấu hổ cực kỳ mới nghĩ ra được.

Nghe đến đó, tôi giật mình, suy nghĩ vu vơ…

Phiên tòa kết thúc, tôi nhận ra vợ của Nhật, nhưng người phụ nữ ấy không nhận ra tôi. Tóc của chị đã bạc nhiều, phiền muộn cũng lộ ra trên mặt. Một người phụ nữ trẻ, gương mặt phúc hậu đang dìu chị đi theo phía sau bị cáo. Tôi đoán đó là nàng dâu của chị. Lúc chị đi ngang qua ghế tôi ngồi, tôi đứng lên hỏi: “Chị là vợ anh Nhật phải không?”. Chị sững người, đứng lại nhìn tôi một thoáng rồi thoát khỏi tay người phụ nữ trẻ, chụp lấy tay tôi, khóc nức nở, nhờ tôi cứu con trai chị.

Con trai chị quay người lại nhìn tôi, cúi đầu như muốn chào mà chân vẫn bước theo đội hình áp giải bị cáo. Người phụ nữ trẻ lúng túng không biết theo chân bị cáo hay chờ. Thấy vậy, tôi dìu chị đi ra ngoài, động viên chị bình tĩnh và cho biết tôi đã về hưu rồi mà dẫu chưa về hưu cũng không giúp được gì. Chuyện đã vướng vào pháp luật thì dựa theo luật pháp giải quyết. Con trai chị đã trưởng thành, chắc cụ nội và bố Nhật nó dưới suối vàng sẽ tự hào lắm đấy. Nhà nước ta có chính sách đặc xá vào những ngày trọng đại của quốc gia, nếu trong quá trình cải tạo có biểu hiện tốt. Tôi tin con trai chị sẽ biết làm gì để sớm về với gia đình, làm lại cuộc đời mới.

Người nghèo có sinh hoạt của người nghèo; người khổ có sinh hoat của người khổ; ai cũng có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình. Thời chiến tranh khổ như thế mà chị còn nuôi con khôn lớn, huống gì bây giờ.

Nghe lời tôi, chị tỉnh người lại, gạt nước mắt, giơ tay tạm biệt con. Tôi cũng có hành động như thế cùng với nụ cười động viên.

Người phụ nữ trẻ, dắt tay chị, ân cần nói: “Mẹ ngồi nghỉ chút cho khỏe, hãy về”. Chị giới thiệu cho tôi biết người phụ nữ trẻ ấy là dâu của chị và đã là mẹ của hai đứa con. Bố chồng chị đã qua đời, không có buồn phiền gì trước khi nhắm mắt.

Người dâu của chị lễ phép chào tôi và cho biết mỗi lần giỗ ông nội chồng và bố chồng, mẹ chồng đều nhắc đến tôi và dặn con trai cố gắng làm sao tìm được tôi thăm hỏi cho trọn thâm ân. Hôm nay, vô tình gặp được tôi chắc chồng cô cũng biết vì những đường nét chính trên khuôn mặt tôi dẫu có già đi, nhưng không khác lắm với tấm ảnh luôn treo trong nhà.

#

Ra tù, Đức đưa cả nhà đến thăm, mời tôi dự ngày kỵ của Nhật. Anh cho tôi biết đã đứng ra thành lập công ty kinh doanh theo ngành nghề được đào tạo. Tôi chỉ dặn Đức, một khi đã vào đời thì phải chấp nhận gió cũng được, mưa cũng được, nhưng cũng cần luôn nghĩ thêm một người bạn hơn thêm một kẻ thù. Từ đó, chúng tôi kết nối liên lạc thường xuyên hơn. Mỗi lần nghĩ tới bố của Đức, tôi đều nở nụ cười vui.

Lớp người chúng tôi từng bước nhường không gian sống lại cho lớp trẻ. Những gì trải qua giống như mây khói, nhưng lời nói trước khi đem hơi thở cuối cùng trả lại nhân gian của người vợ đồng đội cũ làm nhấc lên một gợn sóng nhỏ trong tôi về tình đời, tình người. Cái quý giá nhất trên đời này, không phải trường sinh, chẳng phải quyền quý mà là… tình người, nhưng lắm người chỉ treo nó nơi cửa miệng./

VU GIA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây