Vườn Mẹ – Một lời tri ân – Nhà Văn Thái Bá Lợi

Vườn Mẹ - Một lời tri ân - Nhà Văn Thái Bá Lợi - VSD Giới Thiệu
Nhà Văn Thái Bá Lợi

PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 7

pt1 min - Vườn Mẹ - Một lời tri ân - Nhà Văn Thái Bá LợiBẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ

 

Tưởng quy hoạch Vườn Mẹ - Vườn Mẹ - Một lời tri ân - Nhà Văn Thái Bá Lợi

 

VƯỜN MẸ – MỘT LỜI TRI ÂN

Nhà Văn Thái Bá Lợi

Năm 1969 tôi có sáu tháng chiến đấu ở Bình Dương, lúc đó địch đã cày ủi trắng xóa một vùng rộng lớn, chỉ còn lại cây Dương thần tầm mắt có thể nhìn tới Hội An ở phía bắc, Bình Hải ở phía nam. Hơn mười năm sau, khoảng năm 1980, Bình Dương xanh ngắt một màu dương, khách xa đến tưởng như vùng đất này chưa từng có chiến tranh. Còn bây giờ Bình Dương với những dự án du lịch, nông nghiệp sạch, mà nói vậy không biết có phải vậy không, đã băm nát Bình Dương, gạch ngói ngổn ngang vì những xóm làng phải giải tỏa, cây Dương thần không ai vào thăm được vì đã được rào lại bằng lưới thép – gợi nhớ đến hàng rào ấp chiến lược năm nào của giặc.

Dự án “Vườn Mẹ” như một lời phản biện cho những gì đang xảy ra ở vùng đất này. Nó không phải là một dự án thông thường mà là sự đền ơn đáp nghĩa cho nơi có hàng trăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng ngàn liệt sỹ, hàng ngàn người dân đã ngã xuống để có được vùng đất nhiều tiềm năng hôm nay cho các doanh nghiệp khai thác.

Ý tưởng này của ông Phan Đức Nhạn đã được nhiều người hưởng ứng vì nó hợp lòng người, hợp đạo lý. Dự án sử dụng 20 ha đất tưởng là lớn nhưng nó chỉ chiếm 1% diện tích xã Bình Dương mà ở đó – như ý tưởng của những người thực hiện – chứa đựng nhiều nội dung về đền ơn đáp nghĩa, cảnh quan môi trường, giữ gìn những giống cây truyền thống… Tóm lại nó là một công trình văn hóa để lại cho các thế hệ mai sau, không chỉ ở Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam mà còn rộng lớn hơn nữa.

Có hai công trình tưởng niệm ám ảnh tôi là tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi trên đồi Mamayev ở Vongagrad nhằm nhớ về cuộc kháng cự anh hùng và chiến thắng quyết định của quân đội Liên Xô với phát xít Đức trong trận Stalingrad. Người tham quan phải đi 200 bậc tượng trưng cho 200 ngày thành phố bị bao vây để đến với bức tượng cao 85m – hình tượng người mẹ cầm thanh gươm giơ lên phía trước ngoảnh mặt lại kêu gọi người dân Xô Viết tiến lên bảo vệ Tổ quốc. Một người con xứ Quảng đã tham gia công trình này, đó là nhà điêu khắc Lê Công Thành lúc ông đang nghiên cứu điêu khắc ở Liên Xô. Nguyên soái K.Zukov chỉ huy xây dựng công trình này.

Một công trình khác là khu tưởng niệm Holocaust ở Berlin để tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã sát hại. Nước Đức đã dành gần 5ha đất kim cương ở trung tâm Berlin gần các di tích nổi tiếng như nhà Quốc hội, giữa quảng trường Potsdamer Platz và cổng Brandenburg để làm công trình này. Kiến trúc sư người Mỹ Peter Eisenman cho dựng 2.711 cột bê tông màu xám, người ta có thể vào bất cứ điểm nào và đi bộ qua mặt đất dốc không đồng đều. Các cột trang trọng, khác nhau về kích thước, gợi cảm giác mất phương hướng làm ta thấy mình cô lập và mất mát. Phía dưới khu rừng bê tông xám xịt này là nhà trưng bày tội ác của Đức Quốc xã với người Do Thái. Hiện vật thật, tư liệu chính xác đến tên từng người cộng với hệ thống hình ảnh qua hàng trăm màn hình làm người viếng thăm khi rời khỏi Holocaust bàng hoàng, nhắc nhở con người phải làm mọi cách để lịch sử đau thương này không lặp lại.

Đó là hai công trình tưởng niệm ấn tượng. Một để tôn vinh sự hi sinh cao cả của quân đội và nhân dân Xô Viết đánh bại chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt chủng. Một là lời xin lỗi cảm động của nước Đức với người Do Thái, với nhân loại.

Vườn Mẹ” ở Bình Dương của chúng ta không hoành tráng như hai công trình trên nhưng nó sẽ có những đặc điểm khác để đạt được sự hiệu quả của mục đích tôn vinh quá khứ anh hùng mà không kể đến lớn nhỏ. Nó sẽ chứa trong đó phần mộ 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, sẽ có tấm bia khắc tên 1.347 liệt sỹ, sẽ tạo dựng lại những không gian chiến đấu như hầm bí mật, công sự chiến đấu, các hầm chứa thương binh, hầm phẫu thuật, trưng bày các vật dụng đã từng phục vụ chiến đấu và đời sống trong những năm gian khổ, ác liệt. Lại còn trồng lại những loại cây bản địa thân thuộc của làng quê vùng Đông. Tóm lại “Vườn Mẹ” là một không gian mà ai vào thăm cũng hình dung được một thời không bao giờ quên.

Dù là một dự án nhỏ nhưng mong sao những người thực hiện nó sẽ tính toán cẩn trọng. Có quy hoạch tổng thể từ đầu, làm kỹ càng từng chi tiết nhỏ. Phải tập hợp được những người có chuyên môn cao, có tâm huyết, không để xảy ra tình trạng ai muốn làm gì thì làm, tránh được vết xe đổ của các khu tưởng niệm, tương đối hoành tráng tốn mất nhiều tiền của nhưng hiệu ứng về giáo dục truyền thống, nhân bản, văn hóa, thẩm mỹ lại chẳng được bao nhiêu. 

Đà Nẵng, tháng 9.2021
T.B.L

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây