Tính thời sự của nhân vật cuồng si trong tác phẩm của Balzac – Tác giả: Trần Thị Đan Duy

Honore de Balzac 1799 1850 min - Tính thời sự của nhân vật cuồng si trong tác phẩm của Balzac - Tác giả: Trần Thị Đan DuyNhà văn hiện thực Pháp Honoré de Balzac (1799 – 1850).

Honoré de Balzac là một nhà văn lớn của văn học Pháp, sáng tác của ông phản ánh hiện thực cuộc sống, thói hư tật xấu của con người trong xã hội tư bản. Những nhân vật của Balzac không những chỉ tồn tại trong thời đại của ông mà ở xã hội hiện đại vẫn còn hiện hữu và qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội chúng ta được nhìn, được nghe hàng ngày. Trong mục Văn học nước ngoài kì này, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của Trần Thị Đan Duy về các nhân vật cuồng si trong tác phẩm của Balzac đặt trong mối tương quan với đời sống hiện tại.

Honoré de Balzac (1799 – 1850), nhà tiểu thuyết lớn thế kỉ XIX, nhà văn vĩ đại của văn học Pháp cũng như văn học thế giới, dẫu sớm ra đi ở tuổi 51 nhưng ông đã làm được điều kì diệu cho nhân loại. Tấn trò đời, công trình văn học đồ sộ và quý báu của nhà văn thiên tài ấy, được lấy làm điển hình cho một khuynh hướng văn học khai sinh sau khi nhà văn đã qua đời: khuynh hướng văn học hiện thực mang sắc thái phê phán. Giá trị của bộ sách lớn lao ở chỗ không chỉ vẽ nên cả một nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX với đầy đủ vẻ sống động, phức tạp cùng những xấu xa của thời đại kim tiền, mà cho đến bây giờ, ở bất cứ xã hội nào, sáng tác của Balzac vẫn còn là những tác phẩm có tính thời sự và ý nghĩa nhân văn.

Nhân vật cuồng si là một kiểu nhân vật xuất hiện khá lớn trong sáng tác của nhà văn. Hầu như tác phẩm nào của Balzac cũng có một hoặc hai nhân vật có tính cách cuồng si, những tính cách được sinh ra từ những căn bệnh của thời đại, được nhà văn mổ xẻ, bóc tách để thấy cái “ý nghĩa ẩn giấu của cái tập hợp mênh mông những khuôn mặt, những ham mê và những biến cố” như ông đã viết trong lời nói đầu cho bộ sách của mình.

Nhân vật cuồng si là một kiểu nhân vật văn học mà biểu hiện của tính cách là ham muốn điên cuồng, có tính chất bệnh hoạn đạt được tham vọng về một đối tượng, một ý tưởng nào đó đến mức mù quáng, mất khả năng tự kiểm soát hành động của bản thân. Các nhân vật này thường có tính cách cố chấp do sự tập trung toàn bộ năng lực, ý chí vào một dục vọng duy nhất, không ngại vượt qua những rào cản về dư luận, lương tâm, đạo đức… và hành động bất chấp hậu quả. Nhân vật cuồng si thường để cho dục vọng của mình chi phối, biến thành nô lệ cho nó thay vì phải làm chủ và điều khiển nó.

Trong bộ Tấn trò đời, nhân vật cuồng si có rất nhiều kiểu dạng mà cơ sở để phân chia chính là đối tượng mà nhân vật hướng tình cảm của mình đến. Đó là Félix Grandet và Jean-Ether-Van-Gobseck cuồng si tiền – vàng, trở thành nô lệ của chính đồng tiền của mình, họ sống chết vì nó. Đó là Raphael de Valentin (Miếng da lừa) và Lucien Chardon (Ảo tưởng tiêu tan) tiêu biểu cho kiểu nhân vật cuồng si danh lợi. Những nhân vật này không cam chịu số phận, có ước vọng thay đổi cuộc sống nghèo khổ bằng cách phải làm ra thật nhiều tiền và phải có chân trong xã hội quý tộc Paris. Nhưng hầu như họ đều là những con người dễ sa ngã, họ nhanh chóng thay đổi mình cho kịp với những đòi hỏi của xã hội. Như vậy, họ đi vào con đường sa đọa, biến chất cũng nhanh như khi họ bị ném vào môi trường mới bởi vì “tham vọng bắt đầu từ chỗ nào thì những tình cảm ngây thơ chấm dứt từ chỗ ấy” (Vinh và nhục của người kỹ nữ). Điều đáng nói là họ ý thức được sự sa đọa của họ, họ tự nguyện bán chác linh hồn của mình, họ kí giao kèo một cách tự nguyện giữa họ và quỷ sứ để hi vọng được giàu – sang. Đó là Goriot (Lão Goriot) và Adeline (Bà chị họ Bette) tiêu biểu cho kiểu nhân vật cuồng si tình cảm. Đó là Charles Grandet (Lão Goriot) hiện lên như một điển hình cho lớp thanh niên hãnh tiến, cơ hội và thực dụng, kiểu nhân vật cuồng si hưởng thụ. Charles để đồng tiền làm cho khô héo tâm hồn, để thói ưa hưởng thụ làm cho mù quáng. Charles sắp đặt cuộc đời mình theo những tính toán của thời cuộc, chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu, lấy con gái nhân tình, miễn nó mang lại cho anh ta nhiều tiếng tăm. Thói quen hưởng thụ trong quá khứ nung nấu anh ta làm giàu, và khi đã giàu có anh ta càng không thể từ bỏ nó. Vừa là gã tư sản trẻ hãnh tiến vừa là kẻ ưa xa hoa hình thức, Charles đã đánh đổi những tính cách tốt đẹp, một đứa con có giáo dục để trở thành một kẻ lõi đời với đầy đủ những tố chất phù hợp với xã hội thượng lưu của hắn.

Việc nhà văn xây dựng kiểu nhân vật cuồng si chiếm số lượng lớn trong sáng tác thể hiện quan niệm của nhà văn với thực tại. Xã hội Pháp nửa đầu thế kỉ XIX là một thời đại nhiễu loạn về mọi mặt. Những cái thuộc về tinh thần, thuộc về lề lối, đức hạnh đã được người ta ngang nhiên vật chất hóa, biến thành những thứ có thể mua bán, đổi chác. Đa số các tác phẩm lấy bối cảnh là Paris, là xứ sở của các nhà văn, nhà tư tưởng, nhà thơ có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Nơi ấy là nơi hội tụ của lạc thú, của cuộc sống dễ dãi, đầy đủ, hoa lệ. Nhưng Paris cũng là vực thẳm khôn cùng từ chính sự cám dỗ phù hoa của nó. Hi vọng, vỡ mộng, tự sát là con đường mà vô số kẻ bị Paris cuốn hút về phía nó. Nếu muốn tồn tại ở đó thì phải biết vất bỏ lương tâm, trái tim, phải đeo mặt nạ, phải gạt gẫm người đời một cách tàn nhẫn, buộc phải dối trá, vụ lợi, đố kị, vô tâm và sẵn sàng từ bỏ cái gọi là phẩm giá. Đặt trong bối cảnh như vậy, các nhân vật cuồng si của Balzac với bản chất, tính cách đã phân tích có một mối liên hệ chặt chẽ với môi trường xã hội bởi lẽ “sự hư đốn trong xã hội mang những màu sắc môi trường mà nó nảy nở” (Balzac). Quy luật tương tác của xã hội biểu hiện ở chỗ thời đại nào sẽ đào luyện nên những con người tương ứng với đặc trưng của thời đại đó. Con người là sản phẩm của xã hội mà đạo đức, tình cảm, tâm lí là các phương diện trực tiếp chịu sự tương tác với môi trường. Balzac đã có cái nhìn biện chứng về quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa vật chất sống lên tinh thần, giữa khí hậu, môi trường, phong tục tập quán và cá nhân con người. Xuất phát từ cái nhìn có tính chất xã hội, hình tượng các nhân vật cuồng si của Balzac trong Tấn trò đời có một giá trị hiện thực rất lớn.

Trước hết, nhân vật cuồng si là đặc sản của xã hội “vàng thay kiếm”. Đặc điểm lịch sử thời kì tích lũy tư bản làm cho bọn tư sản khát vàng, hung ác, hiểm độc có thêm nét tính cách thứ hai: tham lam, bần tiện, chắt chiu từng đồng nhỏ để làm giàu. Keo kiệt và gian tham trở thành yếu tố trong tính cách xã hội của giai cấp tư sản. Từ đó mới có Felix Grandet và Van Gobseck. Sheaespeare đã từng lên án đồng tiền gay gắt, gọi nó là “con điếm chung của cả loài người”. Molière cũng phê phán nó không kém qua nhân vật H’arpagon. Tuy nhiên, chỉ có thời đại Balzac mới có những con người yêu tiền như Felix Grandet và Van Gobseck. Người ta cười nhân vật của Molière nhưng người ta khiếp sợ nhân vật của Balzac bởi vì tính tham lam và keo kiệt đã được nâng lên đến mức cuồng si. Không riêng gì hai nhân vật này, tất cả các nhân vật cuồng si của Balzac đều là sản phẩm của một xã hội mà đồng tiền “trở thành đòn bẩy quyền lực của xã hội”. Qua các nhân vật này, Balzac cho thấy cái uy lực ghê gớm của đồng tiền, nó có thể trả con người về với bản tính sơ khai của nó, bản chất thú tính. Đồng tiền đưa xã hội đi lên nhưng dẫn con người đi đến bờ vực thẳm.

Thứ hai, nhân vật cuồng si là sản phẩm của “căn bệnh thời đại”. Nỗi đau thế kỉ là nỗi đau “vỡ mộng” mà các cuộc cách mạng tư sản mang lại. Hơn ai hết, văn nghệ sĩ là những người cảm nhận sâu sắc nhất bi kịch này. Từ Chateaubriand, Puskin, Stendhal, Flaubert cho đến Balzac, có vô số những nhân vật mang trong mình nỗi đau ấy. Kẻ thấy mình bị ruồng bỏ, kẻ thấy mình vô dụng, thừa thãi, kẻ bế tắc vùng vẫy tìm lối thoát, kẻ phản kháng tìm hạnh phúc bên ngoài hôn nhân… Trong sáng tác của Balzac, tất cả họ đều ở lứa tuổi thanh niên, vừa đặt chân vào đời đã vấp ngã. Vì vậy, chỉ cần ai đó trao cho họ một chiếc phao hoặc một chiếc thang để đi thẳng đến đích mà không nhọc sức, họ không ngần ngại giao nộp linh hồn cho kẻ đó. Phương thức “bán linh hồn cho quỷ dữ” được Balzac khai thác triệt để khi xây dựng các nhân vật thanh niên hãnh tiến. Bằng các câu chuyện về số phận bi đát của của thanh niên, vấn đề đặt ra trong tác phẩm của Balzac có ý nghĩa xã hội rất lớn. Làm sao để dung hòa mối bất hòa giữa cá nhân và xã hội? Làm sao để tuổi trẻ – tài năng – khoái lạc có tiếng nói chung trong thời đại mà đồng tiền và dục vọng có sức chi phối mạnh như nhau? Nổi loạn hay phục tùng?

Thứ ba, nhân vật cuồng si là sản phẩm của thời đại tôn sùng cái tôi. Tính cá nhân là nguồn động lực kích thích tính cách cuồng si của nhân vật. Những ham muốn cá nhân này không cần đến thước đo, chuẩn mực, không có gì làm giới hạn. Hành động của nhân vật mang tính cách cuồng si chỉ nhằm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Bản năng sinh tồn của cái tôi vị kỉ được tư tưởng thống trị tiếp sức, các nhân vật cuồng si của Balzac như thoát thai ra khỏi kiếp người – cái kiếp mang tính đồng loại cao nhất – để trở lại với cái gốc nguyên thủy của mình. Từ chỗ chỉ muốn khẳng định cái tôi, các nhân vật này đã đi đến chỗ muốn chế ngự thiên hạ, thống trị xã hội. Kết cục là gì? Những giá trị nhân bản tốt đẹp bị lấn át, tan rã thậm chí bị hủy diệt. Những tính cách mới hình thành: tàn nhẫn, độc ác, khắc kỉ, vô tâm. Sự tính toán ích kỉ biến cuộc sống thành một bãi chiến trường ở đó con người đấu với con người và nó không thương xót cho kẻ yếu, cho đạo đức và cái thiện.

Nhân vật cuồng si được nhà tiểu thuyết vĩ đại Honoré de Balzac dụng công sáng tạo trong suốt sự nghiệp viết văn của mình. Tấn trò đời trở thành bản cáo trạng dài dòng và đầy đủ, nhẹ nhàng mà sâu sắc, đanh thép đối với xã hội đương thời. Với ý nghĩa đó, Tấn trò đời đã bắt đầu mang sức mạnh của sự khẳng định, sự tái tạo xã hội. Chính vì vậy, cho dù thời đại nào thì những giá trị nhân bản chứa đựng trong sáng tác của nhà văn, đặc biệt là từ kiểu nhân vật cuồng si vẫn luôn mang tính thời sự. Ngày nay vẫn có vô số những con người mang trong mình tính cách cuồng si dẫn đến những hành động cực đoan gây ra biết bao nỗi đau trong xã hội. Trên khắp thế giới, ngày nào cũng có những vụ án phạm tội giết người chỉ vì đối tượng dành quá nhiều tình cảm cho người mà họ yêu thương. Có không ít thanh niên rơi vào lối sống hưởng thụ hoặc hãnh tiến, sẵn sàng “bán linh hồn mình cho quỷ dữ” để có thể thăng tiến trong sự nghiệp hoặc đạt được điều mình mong muốn. Cũng có không ít những đứa con sẵn sàng giết chết cha mẹ, anh em tương tàn cũng chỉ vì tranh giành tài sản. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng đang là vấn nạn của xã hội mà nguyên nhân chính xuất phát từ lòng tham không đáy của con người trong một xã hội mà đồng tiền có sức mạnh ghê gớm của nó. Càng nhìn ra những vấn nạn của xã hội ngày nay, càng thấy thấm thía những gì mà Balzac đã dành cả đời để viết nên. Tìm hiểu về kiểu nhân vật cuồng si sẽ mang lại những giá trị hết sức thiết thực cho một thực trạng xã hội đang trên đà phát triển với vô vàn điều đáng quan ngại đối với đời sống văn hóa – tinh thần của con người, đặc biệt là vấn đề đạo đức của con người trong gia đình và trong xã hội.

T.T.Đ.D

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây